Phát triển resort ở miền Trung: Xí chỗ… chờ thời

Phát triển resort ở miền Trung: Xí chỗ… chờ thời

Dọc bờ biển từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, hàng loạt dự án khu du lịch, khách sạn cao cấp từ 4-5 sao được cấp phép và khởi công xây dựng. Việc phát triển ào ạt ngành công nghiệp không khói tại khu vực này đang bộc lộ điều gì?

Dự án tốc độ… rùa

Phát triển resort ở miền Trung: Xí chỗ… chờ thời ảnh 1
Một góc khu Hội An Beach Resort (ảnh dưới). Một trong những dự án “xí phần” (ảnh trên).

Đến thời điểm này, Đà Nẵng có 41 dự án đầu tư du lịch được phép triển khai, trong đó 8 dự án FDI tổng vốn đầu tư 410 triệu USD, 33 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.745 tỷ đồng. Riêng đoạn đường ven biển Sơn Trà -  Nam Non Nước, dài 13 km đã có tới 23 dự án đầu tư du lịch.

Có thể nói chưa bao giờ các bãi biển ở Đà Nẵng lại hấp dẫn nhà đầu tư du lịch đến như thế, nhất là từ khi bán đảo Sơn Trà được phép khai thác du lịch, con đường du lịch ven biển Sơn Trà nối đô thị cổ Hội An hoàn thành và sau khi tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn xếp bãi biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới.

Thế nhưng đã hơn 3 năm qua, hình hài các bãi biển của Đà Nẵng vẫn như cũ, bởi hầu hết dự án vẫn... án binh bất động. Tại bán đảo Sơn Trà, dự án KDL phức hợp Bãi Bụt được giao đất vào giữa năm 2003 nhưng đến cuối tháng 4-2004, dự án này mới khởi công.

Theo cam kết của chủ đầu tư, giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2005. Vậy nhưng, đến nay mới có một vài căn biệt thự đang xây dở, bỏ lửng như nhà… hoang với những hồ bơi như… ao làng. Cả một vệt biển dài ngút ngàn ấy chỉ có khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa là đang nhộn nhịp thi công, dự kiến quý I- 2008 sẽ đưa 24 biệt thự vào khai thác. 

Lợi dụng cơ chế “trải thảm đỏ”, một số nhà đầu tư đã “xí phần” để hưởng những ưu đãi về đất, rồi sang nhượng hưởng chênh lệch, hoặc nâng chi phí xây dựng hạ tầng lên cao hơn thực tế rồi đưa chi phí đó vào góp vốn liên doanh cùng đối tác… 

Quay lại phía đi Hội An, ngoài 2 khu du lịch đã đi vào hoạt động từ mấy năm nay là Furama Resort và Sundy Beach Non Nước, còn có dự án Câu lạc bộ bờ biển Vegas có tổng vốn đầu tư 12 triệu USD. Theo thiết kế đây sẽ là một tổ hợp gồm 90 biệt thự cùng một khách sạn 350 phòng. Thế nhưng, sau lễ khởi công vào đầu năm 2005, đến nay dự án trên mới bắt đầu triển khai.

Tình trạng động thổ rồi nằm im cũng tái diễn với khu du lịch 5 sao Hoàng Trà. Rồi hàng chục dự án du lịch ven biển Điện Ngọc - Hội An, nơi được kỳ vọng sẽ trở thành “thiên đường du lịch” cũng đang trong tình trạng “treo”. Dọc tuyến ven biển dài khoảng 17km này gần như đã lấp đầy các dự án du lịch.

Tuy nhiên trong số 29 dự án đăng ký đầu tư mới có 6 dự án đã, đang hoàn thành. Trong 23 dự án còn lại, 3 dự án đã có mặt bằng nhưng không ký quỹ đầu tư, không triển khai và chưa hoàn tất thủ tục xây dựng; 1 dự án đã có mặt bằng, đã ký quỹ đầu tư nhưng không xây dựng công trình; 4 dự án có mặt bằng, đã ký quỹ đầu tư và đang tìm cách liên doanh…
 
Thu hồi dự án “treo”

Một chuyên gia du lịch nhận xét: mật độ dự án quá dày, diện tích một số dự án lại quá nhỏ. Nhiều nơi bố trí không gian quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm quy hoạch các khu cây xanh, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng.

Ông nêu ví dụ: Diện tích trung bình của 29 dự án du lịch ven biển Điện Ngọc - Hội An chỉ bình quân 8,47ha/dự án, lớn nhất là khu du lịch The Nam Hải (42ha), nhỏ nhất là khu du lịch Bến Thành (chỉ 0,85ha)…  Với kiểu này, trong tương lai, những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh muốn đầu tư xây dựng các khu du lịch 4 - 5 sao với diện tích đất từ vài chục đến vài trăm ha, sẽ không còn đất để bố trí. Đây chính là hậu quả của việc quy hoạch du lịch thiếu tầm nhìn, không tính đến khả năng thu hút những dự án tầm cỡ.

Chính quyền Quảng Nam, Đà Nẵng dường như đã cẩn thận hơn sau một thời gian nới rộng việc cấp phép cho các dự án đầu tư, hiện nay đang tiến hành “chấm” một số dự án nhỏ, chậm triển khai để thu hồi giấy phép.

Theo ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở du lịch thành phố Đà Nẵng, hàng loạt dự án đang bị đề nghị rút giấy phép gồm: Dự án du lịch DBC (CTCP Thương mại & Tư vấn DBC) xây dựng 2 cụm khách sạn 5 sao, 300 phòng, vốn đầu tư 20 triệu USD. Dự án Nobel của Tập đoàn Nobel Oil (Nga), vốn đầu tư 30 triệu USD. Dự án khu du lịch dịch vụ đa chức năng An Hải Tây (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) và khách sạn, khu du lịch  Red Star, vốn đầu tư 250 tỷ đồng…

Những dự án này đã được chuyển quyền sử dụng đất từ 4 năm nay nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Trong khi đó, chính quyền Hội An (Quảng Nam) còn mạnh tay hơn khi quyết định thu hồi dự án du lịch ven biển tại phường Cửa Đại (thị xã Hội An) do CTCP Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Đầu tư (IOC) làm chủ đầu tư.

Hội An cũng tổ chức bán đấu giá thu tiền đất 1 lần của một dự án được hơn 92 tỷ đồng. Đây là khu đất rộng hơn 3,3 ha nằm tại khu vực dọc biển Cửa Đại, thuộc phường Cửa Đại, thị xã Hội An được đánh giá là lô đất “vàng”.

Hơn 8 năm qua, Quảng Nam đã thực hiện chiến lược thu hút đầu tư với những cơ chế vượt trội. Trong đó chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước lợi dụng cơ chế ưu đãi này, đã tìm đến Quảng Nam lập những dự án “ma” để nhận đất rồi “treo” lại, chờ đối tác -núp dưới danh nghĩa liên doanh- để sang tay.

Năm 2007, tỉnh Quảng Nam đã quyết định thu hồi 47 dự án “treo” kiểu này. Các dự án được thu hồi, Quảng Nam giao cho chủ đầu tư khác với điều kiện phải ký cam kết và kỹ quỹ đầu tư 150 triệu đồng/ha, nếu không triển khai đúng thời hạn đã cam kết, sẽ thu hồi dự án và cả số tiền này.

Việc cấp phép, rồi thu hồi những dự án “treo” là đúng. Nhưng với những quyết định với nội dung đối nghịch này đã làm cho hàng ngàn hộ dân vùng dự án phải lao đao.  

Vùng ven biển Điện Bàn - Hội An có đến 1.725 hộ dân bị ảnh hưởng do quy hoạch phát triển du lịch, trong đó giải tỏa trắng đến 894 hộ và đời sống của họ đang gặp vô vàn khó khăn. Hiện việc xây dựng các khu tái định cư cho dân ở Điện Ngọc, Điện Dương (Điện Bàn) rất chậm, chưa kể hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống và sinh hoạt lâu dài cho hàng trăm hộ vẫn chưa xong.

Hội An có 959 hộ bị ảnh hưởng, 232 hộ giải tỏa trắng nhưng về cơ bản, dân chưa được bố trí tái định cư. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Điện Dương, cho biết trên địa bàn có 14 dự án du lịch chiếm gần 328ha/1.564ha đất tự nhiên toàn xã. Có 623 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án này.

Theo quy định, số hộ đó không được cơi nới, xây dựng nhà cửa. Việc tách hộ, sang nhượng đất đai cũng gặp khó khăn do vướng chuyện bồi thường, giải tỏa, tái định cư…

“An cư” không xong nên chuyện “lạc nghiệp” càng khó mong đợi… Trước tình cảnh đó, người dân ven biển Điện Ngọc - Hội An chỉ còn trông chờ vào việc chuyển đổi ngành nghề, hoặc hy vọng tìm được việc làm từ các khu du lịch mọc lên trên chính mảnh đất quê mình. Thế nhưng, những lao động vùng biển lại vướng phải một thực tế oái ăm: rất khó đạt tiêu chuẩn để được tuyển vào làm nhân sự phục vụ ở các khu du lịch cao cấp và họ không biết đến khi nào các dự án làm xong để được tuyển dụng vào làm việc.

Đan Phượng

Tin cùng chuyên mục