Đồng Tháp linh hoạt và chủ động phát triển kinh tế

Tỉnh Đồng Tháp đang trải qua giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng, số người mắc khá cao buộc tỉnh phải dốc toàn lực phòng chống, với sự hỗ trợ nhân lực từ Bộ Y tế và các tỉnh bạn. Bên cạnh việc tăng cường dập dịch, Đồng Tháp cũng nỗ lực sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Nỗ lực tăng trưởng

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Nhiều ngày qua các lực lượng tuyến đầu ngày đêm vất vả tầm soát, truy vết, điều trị, quản lý chặt chẽ khu vực phong tỏa; đồng thời mở rộng vùng xanh để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm tác động đến sản xuất kinh doanh”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ trái qua)
thăm các cơ sở sản xuất 3 tại chỗ ở tỉnh. Ảnh: CÔNG MINH
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả khả quan. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt mức tăng trưởng cao, GRDP tăng 4,44%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số PCI, PAPI, PAR Index giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước; thu ngân sách đạt tỷ lệ cao, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 30%. Doanh nghiệp (DN) đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng 28%... Đây chính là kết quả từ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, ủng hộ của Ủy ban MTTQ, tham gia giám sát, phản biện của HĐND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng DN, người dân tỉnh nhà.


Trên đà tăng trưởng, lẽ ra 6 tháng cuối năm 2021 là thời điểm để Đồng Tháp tăng tốc vươn lên. Thế nhưng, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tình huống cấp bách này buộc tỉnh phải lựa chọn ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân. Theo đó, toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 nên nhiều hoạt động bị ảnh hưởng. UBND tỉnh luôn chia sẻ những bất tiện của bà con, khó khăn của DN; đồng thời mong muốn tất cả cùng đồng lòng, chung sức, quyết tâm chống dịch để nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ động sản xuất, kinh doanh

Ông Phạm Thiện Nghĩa bộc bạch, thời gian qua là người trực tiếp điều hành công tác phòng chống dịch, đối mặt với những tình huống cấp bách; chứng kiến nỗi đau mất mát người thân những gia đình có người mắc bệnh, thấu cảm nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà con nông dân, tổn thất của DN… mới thấy những nỗ lực của lực lượng tuyến đầu là vô cùng cần thiết và ý nghĩa lớn lao. UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương nỗ lực từng ngày của các ngành, địa phương, lực lượng phòng chống dịch đã vào cuộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Chúng ta đã hoàn thiện từng ngày trong công việc, sáng tạo, đổi mới cách làm theo tư duy áp lực bên ngoài sẽ trở thành nội lực bên trong. Đây là chìa khóa giúp Đồng Tháp tự tin, đi nhanh, đi trước trong nhiều hoạt động. Hàng tháng qua, họp giao ban được tổ chức xuyên suốt cuối giờ làm việc mỗi ngày giúp thông tin chỉ đạo, phản hồi được thông suốt, kịp thời từ tỉnh đến huyện; huy động tổng lực cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch. Nhờ vậy đã kịp thời triển khai nhiều quyết sách quan trọng, nhất là chính sách an sinh”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh phòng chống dịch, Đồng Tháp luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân bị ảnh hưởng. Đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ trên 158.000 trường hợp là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng số tiền trên 98 tỷ đồng, tỷ lệ gần 100%. Giải quyết kịp thời phản ánh của người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 thông qua tổng đài 1022; triển khai kế hoạch tiêm vaccine một cách nhanh nhất; tạo điều kiện cho 103 DN hoạt động “3 tại chỗ”; giữ vững an toàn tuyến biên giới trong thời điểm người Campuchia gốc Việt đang sinh sống trên các nhà bè, nhà nổi phải di dời khỏi thủ đô Phnôm Pênh.

Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực đã nhanh chóng được triển khai để kết nối giao thương, hỗ trợ cộng đồng DN và nông dân tiêu thụ nông sản. Với việc kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống Big C, Bách Hóa Xanh, Vinmart và nhiều kênh phân phối khác, không những giải quyết vấn đề tồn đọng nông sản mà còn là cơ hội để phát triển, gắn kết lâu dài. Sắp tới, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu của thị trường với truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng cần tiếp tục đẩy mạnh, làm tiền đề để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “UBND tỉnh đã thành lập ban nghiên cứu tác động Covid-19, chỉ đạo các ngành, địa phương đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản ngắn hạn, dài hạn để phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch. Đây chính là thời điểm để thay đổi, thích ứng với bối cảnh hiện nay, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả để phát triển kinh tế”. Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại nhưng cũng là cơ hội, nhất là đối với tỉnh trọng điểm về nông nghiệp như Đồng Tháp. 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp lưu ý, ngay lúc này các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch hành động, huy động mọi nguồn lực để kích hoạt lại các hoạt động đã bị đình trệ, giải quyết việc làm cho người lao động, khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến cá tra xuất khẩu; phát triển điện mặt trời áp mái, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ, xuất khẩu sản phẩm chủ lực, tạo điều kiện cho những dự án đầu tư mới nhanh chóng hoạt động ổn định.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nền tảng để huy động nguồn lực xã hội. Năm nay các đơn vị, địa phương triển khai dự án trong điều kiện nhiều khó khăn do dịch Covid-19; giá vật liệu xây dựng không ổn định. Do đó, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, kiến nghị không điều chuyển phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương năm 2021. UBND tỉnh xác định việc thúc đẩy đầu tư công là mũi giáp công để khởi động lại sau dịch.

Tin cùng chuyên mục