Đầu tư 744 tỷ đồng, kênh Ba Bò vẫn “dơ”

Để cải thiện môi trường dọc kênh Ba Bò, năm 2007 TPHCM quyết định đầu tư 744 tỷ đồng để chỉnh trang kênh, xây dựng hệ thống xử lý nước kênh. Thế nhưng đến nay nước kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm và đời sống của người dân vẫn khốn đốn.
Đầu tư 744 tỷ đồng, kênh Ba Bò vẫn “dơ”

Để cải thiện môi trường dọc kênh Ba Bò, năm 2007 TPHCM quyết định đầu tư 744 tỷ đồng để chỉnh trang kênh, xây dựng hệ thống xử lý nước kênh. Thế nhưng đến nay nước kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm và đời sống của người dân vẫn khốn đốn.

Ô nhiễm vi sinh vượt chuẩn gần 30.000 lần

Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM cho biết, kênh tiêu Ba Bò là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM hiện nay. Hiện nguồn ô nhiễm chính của kênh tiêu Ba Bò là do nước thải từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, điển hình như Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và các đơn vị sản xuất thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương giáp ranh với phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM. Chưa kể, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân tại những khu vực trên theo ba tuyến thoát nước đều đổ vào thượng nguồn kênh Ba Bò.

Trong đó, tuyến số một là mương thoát nước bắt nguồn từ KCN Sóng Thần 1, chạy dọc theo đường DT 743 rồi chảy về phía sau KCN Bình Chiểu và đổ vào đập nước Quân đoàn 4. Nguồn nước thải vào mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt của khu dân cư giáp ranh KCN Sóng Thần 1 và nước mưa kèm nước giải nhiệt của một số doanh nghiệp nằm trong KCN Sóng Thần 1. Còn tuyến thoát nước số hai là đường hào chống tăng của Quân đoàn 4 bắt nguồn từ đường DT 743 (gần ngã tư 550) chạy qua phía sau khu dân cư của tổ 11 đến tổ 16 thuộc xã Bình Hòa, huyện Thuận An, rồi chảy qua cổng KCN Đồng An đổ vào. Tuyến này là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các hộ dân, phòng trọ từ tổ 11 đến tổ 16 của xã Bình Hòa và nước thải của một số doanh nghiệp thuộc huyện Dĩ An. Còn tuyến thoát nước số ba tiếp nhận nước thải sau xử lý của KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và từ hồ nước trong KCN Sóng Thần 1.

Kênh Ba Bò trắng xóa bọt hóa chất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.

Do phải tiếp nhận tải lượng chất thải ô nhiễm lớn từ những khu vực trên đổ vào nên kết quả giám sát của Chi cục Bảo vệ Môi trường TP từ năm 2004 đến nay đối với chất lượng nước kênh Ba Bò luôn vượt chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước của sông Sài Gòn. Riêng kết quả quan trắc gần đây cho thấy, ô nhiễm hữu cơ, dầu, tổng chất thải rắn lơ lửng đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 - 3 lần. Riêng ô nhiễm vi sinh nặng nề nhất khi vượt quy chuẩn cho phép từ 4 đến gần 30.000 lần! Ô nhiễm nguồn nước kéo theo chất lượng không khí cũng suy giảm, như tại khu vực cống xả Ba Bò qua đợt giám sát gần đây nhất cho thấy giá trị H2S vượt chuẩn 1,1 lần, tăng 20% - 28% so với năm 2013. Đây cũng là lý do khiến người dân luôn cảm thấy đau đầu, chóng mặt vì mùi hăng hắc phát sinh từ nguồn nước trong kênh.

Hồ xử lý sinh học trở thành ao tù?

Trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Môi trường cho biết, để cải thiện chất lượng nước kênh Ba Bò cũng như cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân TPHCM, từ năm 2007, thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng hồ điều tiết sinh học để xử lý nước thải kênh. Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị xây dựng, nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu chỉ đơn thuần xử lý sinh học thì không thể cải thiện nước thải ô nhiễm của kênh Ba Bò, vì đây là nước thải công nghiệp. Cần thiết phải xử lý hóa - lý trước. Và nếu không tuân thủ quy trình xử lý này thì hồ điều tiết xử lý sinh học sẽ trở thành ao tù ô nhiễm và dẫn nước thải về thành phố nhanh hơn.

Hiện nay, thực tế ô nhiễm kênh Ba Bò đang chứng minh điều đó. Sau khi TPHCM thực hiện cải trang hệ thống bờ bao kênh Ba Bò, mở rộng lòng kênh thì nước thải từ Bình Dương đổ về thành phố nhanh hơn. Còn hồ điều tiết xử lý sinh học nước thải gần như chỉ có tác dụng điều tiết nguồn nước chứ không có chức năng xử lý!

Đại diện Sở TN-MT TPHCM đã nhiều lần có văn bản gửi tỉnh Bình Dương đề nghị thắt chặt kiểm tra công tác xử lý chất thải của các KCN, doanh nghiệp đang hoạt động. Đề nghị Ban Quản lý KCN Sóng Thần duy trì việc vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các khu dân cư Xóm Nghèo, khu tái định cư Sóng Thần, khu dân cư ấp Tân Long, khu dân cư giáp ga Sóng Thần, khu dân cư Đồng An; đảm bảo nước thải phải xử lý đạt yêu cầu trước khi thải vào hệ thống kênh Ba Bò. Thế nhưng, dù đã nhiều lần Sở TN-MT TPHCM kiến nghị, tỉnh Bình Dương vẫn chưa đảm bảo yêu cầu này.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục