Bộ NN-PTNT yêu cầu dừng ngay tình trạng mổ heo chết, bệnh

Ngày 11-4, Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương.

(SGGP).- Ngày 11-4, Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương.

Cụ thể, đó là các vụ giết mổ heo chết, heo bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre; giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm động vật tại các cơ sở, địa điểm không có giấy phép hoạt động và không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc không được kiểm soát thú y tại Hà Nam, Hà Tĩnh, TPHCM; tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để gian lận thương mại và gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang; vứt xác động vật ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh động vật tại Hưng Yên, Cao Bằng.

Heo bệnh chết bị vứt bừa bãi

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm và phải chấm dứt những bất cập như vừa xảy ra.

Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết, mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản... Khi phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải khai báo với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã để kiểm tra. Bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là các địa phương có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chấn chỉnh công tác kiểm dịch vận chuyển tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; tập trung kiểm tra các điểm thu gom (kể cả điểm tập kết, tắm heo) tại các tỉnh để phát hiện gia súc bị bệnh hoặc không đảm bảo vệ sinh thú y (bị bơm nước, sử dụng chất cấm, tiêm thuốc an thần...). Chấn chỉnh ngay công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục