Dốc sức tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích

Chiếc máy bay của AirAsia nhiều khả năng đang nằm dưới đáy biển
Dốc sức tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích

Chiếc máy bay của AirAsia nhiều khả năng đang nằm dưới đáy biển

Nguồn tin từ các báo Indonesia cho biết một ngư dân tại đảo Belitung đã nghe thấy một tiếng nổ vào thời điểm máy bay QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, nhưng phía giới chức Indonesia chưa xác nhận thông tin này.

Theo Channel New Asia, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo, cho biết chiếc máy bay của AirAsia nhiều khả năng đang nằm dưới đáy biển. Ông Soelistyo cũng cho biết, Indonesia không có các thiết bị lặn chuyên dụng để trục vớt chiếc máy bay nếu nó bị chìm. Indonesia đã liên lạc với ngoại trưởng các nước khác để mượn trang thiết bị cần thiết từ Anh, Pháp và Mỹ…

Trong buổi họp báo tại sân bay quốc tế Soekamo-Hatta ở Banten, Tây Jakarta, Bộ trưởng Bộ Giao thông Indonesia Ignasius Jonan cho biết sẽ xem xét lại hoạt động của AirAsia Indonesia để đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay khi vận hành trong thời gian tới. Ông Jonan cũng yêu cầu ban điều hành của AirAsia phải tính đến kế hoạch bồi thường cho gia đình và thân nhân của các hành khách.

Dốc sức tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích ảnh 1

Thân nhân hành khách đau buồn chờ đợi tại sân bay Surabaya.

Chia nhỏ khu vực tìm kiếm

Giới chức Indonesia cho biết thời tiết trong ngày 29-12 khả quan hơn với tầm nhìn khoảng 2km. Cơ quan tìm kiếm, cứu nạn quốc gia Indonesia đã nối lại việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vào sáng 29-12 (giờ địa phương) tại phía Đông và phía Tây đảo Belitung.  Phạm vi tìm kiếm sẽ chia thành 2 khu vực. Khu vực đầu tiên trong khoảng từ 120 - 240 hải lý, trong khi khu vực tìm kiếm thứ hai sẽ tập trung trong phạm vi từ 150 - 180 hải lý. Theo kế hoạch, hai khu vực tìm kiếm trên sẽ được chia thành bảy vùng tìm kiếm nhỏ. Máy bay của quân đội Indonesia sẽ phụ trách tìm kiếm trong 3 vùng, trong khi máy bay của Malaysia và Singapore sẽ phụ trách 4 vùng còn lại. Indonesia đã điều 12 tàu và 8 máy bay cho cuộc tìm kiếm QZ8501. Trong khi đó, Malaysia đã mở trung tâm hoạt động 24/24 giờ để hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay QZ8501 bị mất tích.

 Ngoài việc điều 2 máy bay C-130, Hải quân Singapore tiếp tục triển khai tàu khu trục lớp Formidable RSS Supreme và tàu hộ tống RSS Valour để tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501. Một tàu đổ bộ và một tàu cứu trợ, hỗ trợ tàu ngầm cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai. Cục điều tra sự cố hàng không Singapore cho biết đã đề nghị cử 2 nhóm chuyên gia cùng 2 bộ thiết bị dò tìm dưới nước để hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của AirAsia. Ấn Độ đã huy động 3 tàu thủy và 1 máy bay giám sát hàng hải sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm. Phía Hàn Quốc, Nhật Bản đã đồng ý tham gia tìm kiếm máy bay. Trung Quốc cũng cho biết sẵn sàng gửi trực thăng đến hỗ trợ việc tìm kiếm QZ8501.

Các quan chức Indonesia nhanh chóng đưa ra một kế hoạch tìm kiếm, điều động tàu hải quân cũng như kêu gọi giúp đỡ từ Chính phủ Malaysia, Singapore và Australia. Kế hoạch tìm kiếm được đánh giá  triển khai hiệu quả. Một số chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm QZ8501 sẽ không phức tạp như MH370 do phi cơ của AirAsia Indonesia mất tích khi chưa rời khỏi không phận Indonesia. Tín hiệu máy bay của hãng AirAsia Indonesia biến mất khỏi màn hình radar ở đài không lưu (ATC) khi đang trên hành trình từ Surabaya, Indonesia đến Singapore ngày 28-12.

Những thiệt hại

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngay sau sự cố máy bay QZ8501, cổ phiếu của AirAsia đã sụt giảm 11,6%, nhiều nhất tính từ năm 2008 đến nay.

Theo Reuters, hãng bảo hiểm Allianz Global Corporate & Specialty UK (AGCS), hãng phải bồi thường cho hai thảm họa hàng không của Malaysia Airlines một lần nữa gánh trách nhiệm bảo hiểm trong vụ mất tích máy bay QZ8501 của hãng AirAsia. 

Hiện nay, các công ty bảo hiểm không còn duy trì loại hình bảo hiểm chiến tranh hàng không do những sự kiện như thảm họa MH17, MH370. Theo một ước tính, tổng thiệt hại của ngành bảo hiểm hàng không trong năm 2014 sẽ phải lên tới hơn 2 tỷ USD.

AirAsia - hãng hàng không khởi nghiệp từ 25 cent

Trước khi máy bay QZ8501 mất tích, hãng hàng không AirAsia chưa từng gặp sự cố lớn nào trong lịch sử 13 năm hoạt động. Là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Malaysia, AirAsia được xem là một trong những câu chuyện thành công nhất của ngành hàng không thế giới. Được mua lại và tái cơ cấu từ năm 2001, AirAsia đã tạo nên mạng bay năng động bậc nhất khu vực với 100 điểm đến thuộc 22 quốc gia. Từ năm 2009, AirAsia liên tục được các chuyên gia của hãng tư vấn Skytrax bầu chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới. AirAsia chỉ sử dụng máy bay của Airbus và là một trong những khách hàng lớn nhất của Airbus. Theo số liệu của Airbus tính đến ngày 30-11-2014, AirAsia đã đặt hàng 475 máy bay và đã nhận 157 chiếc. Lợi nhuận của AirAsia gấp 3 lần của Malaysia Airlines.

Các công ty con của hãng gồm: Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia Zest và AirAsia India đặt tại các nước châu Á lân cận. Ngoài ra, hãng mới mở thêm AirAsia X tập trung vào các chuyến bay dài.

Người làm nên thành công của AirAsia là doanh nhân Malaysia tên Tony Fernandes. Năm 2001, Tony Fernandes mua lại hãng hàng không này do một công ty nhà nước của Malaysia sáng lập. Số tiền tượng trưng mà Fernandes bỏ ra để mua AirAsia là 1 ringgit (khoảng 25 cent thời điểm đó), đổi lấy đống nợ 11 triệu USD cùng 2 chiếc Boeing 737. Chỉ 1 năm sau, doanh nhân này đã giúp AirAsia có lãi và bắt đầu kế hoạch lấn sân ra toàn châu Á.

VIỆT LÊ

 

Diễn tiến trong ngày 29-12 (theo giờ địa phương)

- 7 giờ 26 phút: Nối lại hoạt động tìm kiếm tại phía Đông và phía Tây đảo Belitung.

- 8 giờ 6 phút: Quân đội và lực lượng cứu hộ Indonesia đến Belitung và hướng dẫn các ngư dân để trợ giúp tìm kiếm máy bay QZ8501.

- 11 giờ 1 phút: Có thêm nhiều thân nhân hành khách đến khu vực phòng chờ ở sân bay Changi. Họ được gặp chuyên gia tư vấn và theo dõi diễn biến vụ tìm kiếm qua TV và Internet.

- 12 giờ 44 phút: Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai yêu cầu các hành khách không nên có thành kiến với những hãng hàng không Malaysia.

- 14 giờ 16 phút: Indonesia AirAsia có kế hoạch bỏ số hiệu QZ8501.

- 17 giờ 10 phút: 30 tàu và 15 trực thăng của Indonesia, Malaysia, Singapore và Australia cùng tham gia tìm kiếm.

- 17 giờ 54 phút: Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết vật thể lạ do RAAF phát hiện không phải là xác máy bay QZ8501.

- 21 giờ 30 phút: Hoạt động tìm kiếm tập trung tại khu vực phát hiện vết dầu loang tại
Belitung.

- 22 giờ 5 phút: Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố trong buổi họp báo cuối ngày: “Chúng tôi làm tất cả để tìm máy bay mất tích. Hy vọng rằng các gia đình nạn nhân hãy kiên nhẫn và cầu nguyện để cuộc tìm kiếm sớm kết thúc”. 

- 22 giờ 40 phút: Giới chức Indonesia cho biết hoạt động tìm kiếm nối lại vào ngày 30-12, mở rộng thành 11 vùng, thêm 2 vùng trên bộ và 2 vùng trên biển, trong số đó có khu vực tỉnh Tây Kalimantan.

 Giả thiết về nguyên nhân tai nạn

Máy bay bay quá chậm. Theo ông Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không, đồng thời là biên tập viên của airlineratings.com, máy bay có thể đã bay quá chậm khi gặp thời tiết xấu, dẫn đến tròng trành và chết sững giữa trời, giống như vụ rơi máy bay Air France AF447 vào năm 2009.

Do thời tiết xấu. Máy bay đã đi qua một vùng không khí xấu cao đến 40.000 feet (12.200m). Khi máy bay đang bay ở khoảng 32.000 feet (9.753m) phi công đã xin đài không lưu cho phép bay lên cao để tránh “đám mây bão”.

Hư hỏng thiết bị. Các chuyên gia không loại trừ khả năng QZ8501 bị hư hệ thống theo dõi và liên lạc máy bay trong quá trình vận hành.

Khủng bố. Do phi công của QZ8501 đã đề xuất một lộ trình bất thường trước khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

 Bố phải bình an trở về!

Ông Iriyanto, cơ trưởng trên chuyến bay QZ8501, được cho là một người rất tận tâm, chu đáo và hay giúp đỡ mọi người. Nghe hung tin về chuyến bay, con gái lớn của ông, Angela Anggi Ranastianis, 22 tuổi, đã viết dòng tin nhắn trên mạng xã hội đầy cảm động để cầu mong cha mình trở về. “Bố ơi, bố về nhà đi, con luôn cần bố. Bố nhất định phải bình an trở về!”. Gia đình và những bạn bè của vị cơ trưởng đã tập trung tại nhà riêng của ông để cùng cầu nguyện mong ông được an toàn.

Trên chuyến bay có những hành khách còn rất nhỏ như một bé gái 2 tuổi có tên Zoe Choi đi cùng cha là ông Choi Chi Man. Câu chuyện về một gia đình người Singapore gồm 4 người có mặt trên chuyến bay, trong đó có cậu sinh viên chăm chỉ Nico Giovanni, 18 tuổi, người từng giành được học bổng của Bộ Giáo dục Singapore đang lan truyền trên các trang mạng. Trên chuyến bay còn có nam tiếp viên Oscar Desano người Indonesia, từng cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ tai nạn MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Có 26 hành khách đã không lên chuyến bay QZ8501. Trong đó có một gia đình gồm 10 người đã hoãn chuyến bay vì đến trễ.

PHƯƠNG NAM

>>Máy bay Australia phát hiện vật thể lạ ngoài khơi Singapore

>>Máy bay AirAsia chở 162 người mất tích

Dốc sức tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục