Thi công tại nơi công cộng không đảm bảo an toàn: Chết người vẫn chưa thành án?

Thi công tại nơi công cộng không đảm bảo an toàn: Chết người vẫn chưa thành án?

Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có 8 em nhỏ tử vong và hàng chục người bị thương tại các công trình đào đường do các nhà thầu triển khai thi công thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn. Dù các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo, nhưng hiện nay hàng loạt công trình vẫn thi công trong tình trạng mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân…

Những cái chết thương tâm

Thi công tại nơi công cộng không đảm bảo an toàn: Chết người vẫn chưa thành án? ảnh 1

Người dân vẫn phải đi lại bên miệng công trình đào đường không rào chắn (ảnh chụp vào lúc 8g sáng nay, 28-7 trên đường Tân Hải, quận Tân Bình)

Nạn nhân mới đây nhất là em T.K.C, 14 tuổi, ngụ tại Bến Ba Đình (quận 8) bị chết đuối do rơi xuống hố nước (có độ sâu hơn 3m) tại công trình bờ kè đang thi công dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương vào chiều 26-7. Mặc dù đã được nhanh chóng phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng C. đã tử vong tại bệnh viện.

Cùng ngày tại Củ Chi, 2 đứa trẻ khác là P.N.H (7 tuổi) và N.V.T (10 tuổi) cũng đã tử vong tại một hầm khai thác đất không rào chắn an toàn. Cách đây 2 tuần, 1 cháu bé 4 tuổi đã bị rơi xuống hố ga bơm thoát nước chống ngập đường 65 (khu phố 5, phường Thảo Điền, quận 2) và tử vong.

Thương tâm nhất là vào đầu tháng 6, bốn đứa trẻ (trong đó có 2 chị em) đã chết đuối tại một công trình đang thi công dở dang. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ trong vòng 2 tháng trở lại đây, tất cả các trường hợp đều có một điểm chung về nguyên nhân gây tai nạn: do các công trường thi công không được rào chắn kỹ càng, không được cảnh báo đầy đủ; thiếu người thường xuyên kiểm tra...

Hiện nay, tại TPHCM đang triển khai trên 200 công trình đào đường nhưng số công trình bảo đảm an toàn cho người đi đường chỉ đếm được đầu ngón tay. Chưa kể đến việc trong thời gian gần đây, hàng loạt rào chắn công trường đã bị đổ ra đường khiến cho hàng chục người bị thương. Điển hình là vụ đổ rào chắn thuộc dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài hơn 100m trước UBND phường 13, quận 3 đè lên 2 người đi đường, hay rào chắn của gói thầu 12A trên đường Hoàng Văn Thụ bất ngờ “đổ ngửa” ra đường sau một cơn giông, đè một ô tô.

Anh Tuấn, một kỹ sư xây dựng nhà lo lắng: “Rào chắn hiện nay được rào một cách quá sơ sài, nơi thì dựng trên 1 cục bê tông nhỏ, nơi thì bắt vít xuống nền đường, tôn cũ nát, bắt vít cẩu thả… nên rất dễ đổ ra đường. Về nguyên tắc, khi thi công công trình tại các nơi công cộng, nhất là thi công đào đường, trước hết phải có phương án bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, không biết vì sao các nhà thầu áp dụng quy chuẩn làm rào chắn công trường sơ sài như vậy mà vẫn được phía tư vấn giám sát duyệt?”.

Xử lý hình sự?

Đây cũng là một lời cảnh báo chung cho các đơn vị thi công, bởi hiện nay trên địa bàn TPHCM có hàng loạt hố sâu công trình, cống không nắp, rào chắn thiếu an toàn… Các phương tiện truyền thông và dư luận đã không ít lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng thi công mất an toàn và chỉ ra đích danh từng đơn vị thi công. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết hơn, cũng như không quyết liệt siết chặt các khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn ở các công trình.

Từ trước đến nay, mỗi khi tai nạn xảy ra thì đơn vị thi công thường thỏa thuận bồi thường cho nạn nhân hoặc gia đình và thế là xong, chưa có một đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm hình sự. Phải chăng vì vậy mà chưa đủ sức răn đe?

Vụ cháu bé 4 tuổi tử vong do té xuống hố ga không nắp, không rào chắn tại quận 2, đơn vị thi công cũng đã thừa nhận trách nhiệm về mình. Phía Công an quận 2 cho biết, công an quận cũng đang thụ lý hồ sơ vụ án, điều tra xác định nguyên nhân khiến cháu bé lọt xuống hố ga. Đây là một vụ tai nạn và vấn đề là cần xác định ai là người phải chịu trách nhiệm chính khi để tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc khởi tố hình sự hay không thì vẫn còn phải chờ kết quả điều tra…

Đối với các công trình rào chắn thiếu an toàn thì phía Thanh tra Sở GTVT cho biết đã có văn bản yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị, các đơn vị thi công chấn chỉnh tình trạng hàng rào yếu để bảo đảm an toàn cho người đi đường và tiến hành kiểm tra, xử lý những nhà thầu cố tình để hàng rào xập xệ, yếu ớt.

Trong thời gian tới, việc thi công các công trình đào đường trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra với số lượng và quy mô ngày càng lớn hơn. Để các đơn vị hữu quan có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người đi đường, không để xảy ra thêm những câu chuyện đau lòng, thiết nghĩ cần phải xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật đối với những trường hợp nghiêm trọng. Có thể nói, chính vì việc chưa từng có vụ việc nào bị xử lý hình sự nên các đơn vị thi công vẫn “thản nhiên” làm ẩu, khi nào xảy ra sự cố thì sẽ giải quyết theo kiểu “thông cảm” và sau đó tiếp tục “điệp khúc vũ như cẩn”!.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục