Ngày 15-1 vừa qua, Sở Công thương TPHCM tổng kết hoạt động ngành công thương 2013 và triển khai kế hoạch 2014. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã tới dự.
4 ngành công nghiệp trọng yếu
Năm 2013 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, nỗ lực của toàn ngành cùng sự vượt khó của các doanh nghiệp (DN) đã mang lại kết quả khích lệ: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,35% so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ tăng 5,1%), cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước (5,9%). Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo tiếp tục có sự khởi sắc dần với 22/26 ngành có mức tăng so với năm trước. Điều đáng lưu ý, năm 2013, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (gồm cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - cao su - nhựa; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) vẫn đạt mức tăng trưởng 5,8%, chiếm khá cao trong giá trị sản xuất toàn ngành là 57,9%…
Kim ngạch xuất khẩu của TP đạt hơn 26,5 tỷ USD, đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Doanh thu thương mại và dịch vụ tăng 8,6%, tuy không tăng cao so với năm 2012 nhưng thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh thu trong những tháng cuối năm đã có sự khởi sắc. Điều này cho thấy, trong tình hình khó khăn chung, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các DN cũng đã năng động và đưa ra nhiều giải pháp để tiêu thụ hàng hóa. Các chương trình bình ổn thị trường trong năm 2013 được triển khai tốt, mang lại hiệu quả tích cực, là cầu nối trực tiếp quan trọng đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng trên địa bàn TP. Thông qua chương trình bình ổn, các DN ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc dự trữ nguồn hàng, là cơ sở để các DN TP có đủ sức chiếm lĩnh thị trường về số lượng, chất lượng, giá cả hàng hóa, giúp người dân tin tưởng vào hàng Việt.
Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như kết quả đạt được, năm 2014, ngành công thương TP sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sau: Sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt khoảng 7% so với năm 2013. Cơ cấu công nghiệp được hỗ trợ chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng chất xám - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn; doanh thu thương mại đạt hơn 559.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng mức bán lẻ - doanh thu dịch vụ tăng 13,3% so với năm 2013; kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn bình quân chung cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 29,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2013, trong đó cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hỗ trợ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến và hàm lượng giá trị gia tăng lớn, giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm, nguyên liệu thô, hàm lượng gia tăng thấp.
Phải đi vào thực chất
Để đạt được những mục tiêu trên, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2014 ngành công thương sẽ triển khai các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nội địa, phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt, xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng gian, hàng giả hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước…
Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu mà ngành đề ra trong năm 2013. Tuy nhiên, để hoạt động đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Công thương cần rà soát các đề án, kế hoạch trong chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để hệ thống lại, đánh giá những nội dung đã triển khai và chưa triển khai; cần hệ thống lại các văn bản chỉ đạo của UBND TP liên quan đến các lĩnh vực xem tiến độ thực hiện đến đâu, khó khăn, vướng mắc ra sao. Trong thời gian tới, Sở Công thương cần thay đổi phương thức quản lý các cụm công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Hiện công tác hỗ trợ DN đổi mới công nghệ cũng chưa được sở triển khai tốt, chủ yếu vẫn tập trung ở Sở Khoa học - Công nghệ. Trên thực tế, nhà nước cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN nhưng do chưa làm quyết liệt, nên các DN vẫn phải tự vận động là chính. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, nếu các DN chậm thay đổi công nghệ, sẽ không thể đưa ra thị trường sản phẩm có tính cạnh tranh. “Điều quan trọng, sở phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để khơi thông nguồn lực của DN. Nhiều DN, đặc biệt là các DN trong khu vực FDI họ không cần chúng ta hỗ trợ về vốn, hoặc tìm đầu ra cho sản phẩm… tất cả họ đều tự lo được. Điều họ cần là chúng ta phải thực thi các thủ tục hành chính một cách minh bạch, bình đẳng và lành mạnh” - Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Ghi nhận thành tích đóng góp của Sở Công thương TPHCM trong các năm qua, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động cho 5 cá nhân, trong đó, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhì; ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM được nhận Huân chương Lao động hạng ba; bà Nguyễn Hoàng Yến, Chánh Văn phòng Sở Công thương được nhận Huân chương Lao động hạng ba; ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM được nhận Huân chương Lao động hạng ba; ông Trương Minh Khách, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính được nhận Huân chương Lao động hạng ba. HẢI HÀ |
HẢI HÀ