Nguy cơ Nhật Bản đóng cửa một số mặt hàng thủy sản VN

Bộ Thủy sản và các doanh nghiệp chạy nước rút

Bộ Thủy sản và các doanh nghiệp chạy nước rút

Sau khi tăng mức kiểm tra từ 50% lên 100% mặt hàng mực nhập từ VN, nhưng dư lượng kháng sinh cấm phát hiện trong sản phẩm không có chiều hướng giảm, Nhật Bản đang xem xét khả năng cấm nhập khẩu từ VN mặt hàng này.

Bộ Thủy sản và các doanh nghiệp chạy nước rút ảnh 1
Dây chuyền chế biến thủy sản đang được tăng cường kiểm soát về an toàn vệ sinh.

Và từ 25-10-2006 thêm mặt hàng tôm nhập từ VN cũng bị kiểm tra 100% (Báo SGGP ngày 28-10). Không chỉ doanh nghiệp (DN) mà Bộ Thủy sản (TS) cũng có những biện pháp ngay lập tức, nhằm khắc phục tình trạng này, bởi Nhật Bản chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu TS.

Bộ TS có công văn gửi UBND các tỉnh, thông báo về khả năng xấu này và đề nghị chỉ đạo các sở TS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM, thành lập các đoàn kiểm tra, tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất kháng sinh trong bảo quản, sơ chế TS tại các cơ sở nuôi, tàu cá, vựa thu mua, sơ chế nguyên liệu.

Theo Ủy ban Tôm, thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), phần lớn nguồn gốc lây nhiễm kháng sinh xuất phát từ khâu nguyên liệu trước chế biến. Bản thân các DN chủ động đề ra một số biện pháp phòng tránh và cam kết thực hiện, kiểm soát chặt khâu nguyên liệu tôm đầu vào từ các cơ sở thu mua.

Mỗi DN sẽ kiểm tra kháng sinh đối với nơi cung cấp nguyên liệu, lấy mẫu thức ăn và thuốc chữa bệnh tại các đầm nuôi để xét nghiệm, tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh trong sản xuất tại nhà máy, cảnh báo công nhân sử dụng thuốc sát trùng và bắt buộc 100% công nhân phải đeo găng tay khi sản xuất. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng để tuyên truyền đến ngư dân về tác hại của việc sử dụng chất kháng sinh bị cấm trong bảo quản nguyên liệu. Các DN tự gửi mẫu kiểm tra kháng sinh đối với các lô hàng trước khi xuất khẩu. Nhưng, theo các DN, biện pháp căn cơ nhất là Bộ TS sớm hoàn chỉnh hệ thống đánh số vùng nuôi, để DN lưu trữ và truy xuất nguồn gốc.

Bộ TS cử đoàn sang Nhật Bản, tìm hiểu quy định kiểm soát an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu chính sách, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm TS VN và một số kết quả đạt được; đề xuất hợp tác, nhằm phối hợp kiểm soát an toàn vệ sinh TS xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia. Nhưng trước hết, bằng con đường ngoại giao, Bộ TS đề nghị Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao thông qua mối quan hệ sẵn có, tác động đến Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản không áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản VN, và chỉ áp dụng việc tạm thời đình chỉ nhập khẩu sản phẩm có xuất xứ từ các DN bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh, như cách làm của các nước EU.

Trong lúc đó, các DN gửi thư cam kết đến các nhà nhập khẩu về việc giải quyết triệt để việc nhiễm Chloramphenicol trong tôm. Bản thân mỗi DN tự thuyết phục các nhà nhập khẩu để cộng đồng các nhà nhập khẩu có tiếng nói, làm yên lòng cơ quan chức năng Nhật Bản, nhằm hạn chế tối đa bất lợi do Nhật Bản đánh vào ngành tôm VN.

Theo các DN, việc kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED) chỉ có giá trị mẫu, không đảm bảo các lô hàng này sẽ không bị kiểm tra lại, và một số trường hợp, phía Nhật Bản kiểm tra lại, khác với kết quả của NAFIQAVED. Nếu vậy, DN sẽ phải chịu phí 2 lần. Việc kiểm tra thành phẩm tại nhà máy không những không giải quyết vấn đề nhiễm kháng sinh mà còn làm giảm doanh số xuất khẩu sang Nhật Bản trong lúc nhu cầu tăng cao, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu gặp khó khăn.

Theo các DN, việc kiểm soát kháng sinh cấm không xuất phát từ nhà máy mà là nhiễm từ đầu nguồn nguyên liệu. Vì vậy, tập trung kiểm tra nơi này sẽ hiệu quả hơn. Phát hiện nhiễm kháng sinh cấm để tiêu hủy ngay ở khâu nguyên liệu, sẽ tiết kiệm nhiều chi phí hơn là để chế biến thành phẩm rồi mới kiểm tra.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục