Cúm gia cầm và những biểu hiện bất thường

Cúm gia cầm và những biểu hiện bất thường
Cúm gia cầm và những biểu hiện bất thường ảnh 1

Gia cầm sống và đã giết mổ chưa kiểm dịch được bày bán tại ngã ba Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TPHCM

Tại cuộc họp với các tỉnh phía Nam về nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lan rộng sau khi tỉnh Long An, Vĩnh Long và trước đó là Trà Vinh xuất hiện các ổ dịch, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh đến điều khác thường năm nay là dù ổ dịch không nhiều, nhưng số trường hợp người bị nhiễm và tử vong rất cao.

Chỉ 2 tháng đầu năm 2008 số người nhiễm và tử vong bằng cả năm 2007, 6/7 trường hợp nhiễm đã chết và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Không loại trừ khả năng lây nhiễm trên người ở các tỉnh phía Nam. Những địa phương trên, hầu hết gia cầm chết người dân không khai báo, chính quyền không hay biết. Đó là lỗ hổng trong việc phòng chống. Ít nhất 3 tỉnh chỉ biết dịch cúm gia cầm tái phát khi có người bị nhiễm cúm A H5N1 và tử vong.
 
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6, virus cúm gia cầm H5 nhưng không phải tuýp N1 đầu năm 2007 chỉ chiếm 4,2%, nhưng nay đã tăng lên 11,5%.

Đang có nhiều chủng loại virus H5, nhưng không phải N1 lưu hành trong những đàn gia cầm các tỉnh, dù chưa phải độc lực cao, nhưng điều này sẽ gây khó khăn và phức tạp trong việc phòng chống dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, kết quả phối hợp với Trung Quốc và Mỹ trong việc kiểm dịnh vaccine cho thấy, tỷ lệ bảo hộ của vaccine sử dụng tại Việt Nam đạt 90%-100%, nhưng vì sao dịch cúm gia cầm vẫn tái phát và lan rộng?

Trung tâm Thú y vùng 6 cho rằng, dù kết quả tiêm phòng cao, nhưng không đảm bảo đúng quy trình, chẳng hạn đàn vịt phần lớn chỉ tiêm 1 mũi, tiêm lại trễ (thường là 20 ngày đến 1 tháng) và tiêm không triệt để đối với đàn thủy cầm ấp nở phát sinh hàng tháng.

Điều này kết hợp với thời tiết trở lạnh và sự lưu hành của virus tồn tại trong môi trường còn khá cao, nên việc tái phát dịch là tất nhiên.

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thú y TPHCM, TP là địa phương tiêu thụ rất lớn lượng gia cầm từ các tỉnh, lên đến trên 100.000 con/ngày. Nhưng tỷ lệ bảo hộ thực sự trên đàn gia cầm vận chuyển về TP giết mổ cả năm 2007 đạt rất thấp (thực tế, tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng chưa cao như báo cáo).

Thêm vào đó, việc tiêm phòng không đúng kỹ thuật và không đảm bảo quy trình càng làm cho nguy cơ tái phát dịch luôn tiềm ẩn. Đã vậy, ngay thời gian phát sinh dịch bệnh cũng có những biểu hiện bất thường: tháng 1-2008 chỉ có 3 tỉnh phát sinh dịch bệnh, nhưng tháng 2 lên đến 7 - tương tự với dịch cúm xuất hiện ở các nước: tháng 1 là 3 nước nhưng tháng 2 lên đến 17 nước.

Khác với trước đây, hiện nay virus H5N1 xuất hiện trên đàn gia cầm nhiều hơn so với trên đàn chim hoang dã.
  
Để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xuất hiện, theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, phòng vẫn là biện pháp quan trọng nhất, trong đó, làm tốt việc giám sát khu vực chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và nơi sản xuất con giống. Chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng, quản lý tốt đàn vịt chạy đồng và tiêm phòng theo đúng quy định về thời gian.

Và yêu cầu  các địa phương thực hiện tốt quy trình “3 ngay-3 phải-3 không”: phát hiện ngay, tiêu hủy ngay, báo cáo ngay; phải tiêu độc sát trùng, phải cảnh báo nguy cơ, phải giám sát dịch bệnh; không ăn gia cầm chết, không bán gia cầm bệnh và không vứt xác gia cầm chết

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục