TPHCM: Vẫn còn lén lút bán gia cầm sống

Đ.L.
TPHCM: Vẫn còn lén lút bán gia cầm sống
TPHCM: Vẫn còn lén lút bán gia cầm sống ảnh 1

Trạm Thú y quận Thủ Đức (TPHCM) phát hiện gia cầm vận chuyển trái phép được ngụy trang bằng trái cây bên trên. Ảnh: L.Long

Theo Chi cục Thú y TPHCM, sau khi Báo SGGP đăng bài “Không kiên quyết sẽ lờn thuốc” (ngày 15-3) và “Trên kiên quyết, dưới nhẹ tay” (ngày 22-2) trên trang NNNT, việc kinh doanh gia cầm sống trái phép, nhìn chung có dấu hiệu giảm, ít công khai hơn.

Tại một số địa điểm nóng như quận Gò Vấp, quận 12… đều có sự hiện diện trực chốt của địa phương. Tuy vậy, các đối tượng vẫn có nhiều hình thức đối phó với việc kiểm tra của các ban ngành như ngồi chào mời, kinh doanh lén lút (thay vì công khai)... Tại huyện Hóc Môn có một điểm tụ tập của các đối tượng thường xuyên ngồi mua bán lén lút gia cầm sống trái phép tại ngã tư Bùi Văn Ngữ và Tô Ký (bên hông chợ Tân Chánh Hiệp cũ). Đây là khu vực giáp ranh giữa xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) và phường Tân Chánh Hiệp (quận 12).

Một vấn đề khác mà trang NNNT đã đề cập trước đó là tình trạng nuôi gà đá, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch cúm gia cầm huyện Hóc Môn chỉ đạo kiên quyết xử lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là các trường hợp nuôi gà đá. Ngoài ra, BCĐ yêu cầu BCĐ cấp cơ sở và UBND các xã, thị trấn phối hợp kiểm tra, rà soát các khu vực trên địa bàn. 

Đ.L.

Nuôi thành công heo Hương Thảo

Tại buổi họp báo tối ngày 27-3, Công ty TNHH Thuốc thú y – thủy sản Minh Dũng (Bình Dương) thông báo về việc nuôi thành công “heo Hương Thảo”. Hiện nay Công ty Minh Dũng thực hiện chương trình nuôi heo Hương Thảo, hợp tác với 5 cơ sở nuôi 500 con heo. Khi heo đạt 40-45kg/con đến khi xuất chuồng, sau 90-100 ngày sử dụng thảo dược, heo Hương Thảo được giết mổ lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng tại Viện Vệ sinh – y tế công cộng (Bộ Y tế) và Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm (Sở KH-CN TPHCM). Kết quả là thịt đạt những quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam ở mức khá cao. Khi chế biến, da, thịt không béo ngậy, ăn không ngán, để nguội không dính, gan heo không tanh (dù để nguội) mà có mùi thơm đặc trưng…

Theo Cục Chăn nuôi, quy trình nuôi heo Hương Thảo không quá coi trọng yếu tố giống, chỉ cải thiện thức ăn và quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng nhằm tạo ra sản phẩm thịt theo hướng sạch. Nếu thức ăn chăn nuôi được kiểm tra, quản lý và sản phẩm thịt heo được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá an toàn vệ sinh và thị trường chấp nhận thì Cục Chăn nuôi ủng hộ quy trình này. Nhưng để khẳng định chất lượng sản phẩm thịt heo sản xuất “quy trình chăn nuôi heo Hương Thảo”, Công ty Minh Dũng cần tăng số mẫu kiểm tra mỗi giống heo và so sánh sự khác biệt chất lượng thịt giữa các giống.

Đ.P.

Mỹ chiếm gần 1/2 giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến của VN

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản VN, thị trường xuất khẩu chủ lực của các sản phẩm gỗ chế biến tại VN vẫn là Mỹ (năm nay có thể đạt 1,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu). Nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng tiêu thụ cả năm. Hàng nội thất phòng ngủ là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao và có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới. Những tháng cuối năm mới thực sự vào mùa giao dịch ở thị trường Mỹ. VN đang đứng thứ 5 xuất khẩu gỗ chế biến sang Mỹ sau Trung Quốc, Canada, Mexico và Italia. Từ năm 2002 đến 2007 kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng 27 lần, từ dưới 45 triệu USD/ năm lên 1,1 tỷ USD vào năm 2007. Như vậy, thị trường đồ gỗ của Mỹ chiếm gần phân nửa kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chế biến của VN.  

C.T.V. 

Giá lúa giảm: VFA có quy chế mới về xuất khẩu gạo

Báo SGGP ngày 15-3 có bài “Sản xuất nông nghiệp: Thiếu tiền – bà con “treo” ao, doanh nghiệp “treo” máy”, phản ánh tình trạng thiếu vốn đã làm nhiều mặt hàng nông sản giảm giá và lo ngại, giá lúa cũng sẽ giảm. Nay, điều đó đang diễn ra. Do thiếu vốn nên tiến độ mua lúa khi bà con đang vào vụ thu hoạch đại trà lúa đông xuân bị chậm lại, làm giá lúa giảm, dù chưa phải là nhiều, nhưng báo hiệu nhiều rủi ro. Lúa chất lượng cao để xuất khẩu còn 4.500 - 4.550 đồng/kg (giảm 150 - 200 đồng/kg), lúa thường còn 4.300- 4.400 đồng/kg (giảm 150 đồng/kg). Lúa ở ĐBSCL giảm giá trong lúc nhu cầu gạo thị trường thế giới rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam không thể tăng thêm. Đó là chưa kể không loại trừ việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ đạo các doanh nghiệp tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng trong tháng 3, trong khi hợp đồng giao hàng tháng 4 trở đi chờ thông báo mới của VFA.

Ngày 26-3, VFA ban hành quy định mới về xuất khẩu gạo, trong đó có yêu cầu giá gạo xuất khẩu của doanh nghiệp trong hợp đồng phải phù hợp với giá công bố của hiệp hội tại thời điểm đó. Đồng thời, phải đảm bảo tồn kho ít nhất cũng phải 50% số lượng đăng ký và lượng gạo đăng ký xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 không vượt quá 50% lượng gạo đã xuất bình quân của năm 2006 và 2007 cộng lại. 

Đ.N.

Tin cùng chuyên mục