Phòng chống cúm H5N1 ở gia cầm và người tại TPHCM

Trên kiên quyết, dưới lơi lỏng

Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm tiếp tục lan rộng
Trên kiên quyết, dưới lơi lỏng
  • Mỗi ngày 55 - 60 ngàn con gia cầm vào TP không qua kiểm soát

Hôm qua 19-1, Đoàn kiểm tra của Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm, do Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến dẫn đầu, đã dành cả ngày làm việc và đi thực tế tại TPHCM.

  • Nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm tại TPHCM rất lớn
Trên kiên quyết, dưới lơi lỏng ảnh 1

Lực lượng thú y Kiên Giang tiêm phòng vaccine cúm gia cầm.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm TPHCM, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Thảo cho biết, TP là nơi đầu tiên cả nước tái cấu trúc lại việc chăn nuôi gia cầm, xây dựng chuỗi chăn nuôi - vận chuyển - giết mổ - kinh doanh gia cầm an toàn.

Theo đó, giết mổ phải tập trung, không được kinh doanh gia cầm sống, tạm ngưng nuôi gia cầm trong nội thành và ngoại thành. Hiện nay TP chỉ còn 2 điểm nuôi gia cầm dạng công nghiệp tập trung chuồng kín, cách ly với khu dân cư ở huyện Củ Chi và Hóc Môn. Gia cầm các tỉnh vận chuyển về TP chỉ được đi theo những tuyến quy định vào 3 điểm giết mổ tập trung. Chim cảnh ở các khu vui chơi, du lịch… đều bị cách ly, không cho khách tham quan và tiêu độc sát trùng thường xuyên.

Từ cuối tháng 12-2006, TPHCM tạm ngưng giết mổ vịt ở điểm giết mổ tập trung An Nhơn (Gò Vấp), tập trung vào một điểm ở Bình Chánh (Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ) để tránh việc vận chuyển vịt vào nội thành.  Tuy nhiên, dù kiểm soát chặt 4 cửa ngõ vào TP, quy định tạm ngưng nuôi..., việc các hộ nhỏ lẻ tái nuôi ở ngoại thành vẫn còn và việc tìm mọi cách đưa gia cầm vào TP bằng mọi ngõ ngách để tiêu thụ là nguy cơ rất lớn xảy ra dịch cúm ở TPHCM.

Điều đáng nói nhất trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay là sự kiên quyết mới chỉ thế hiện rõ từ cấp trên, còn ở các cấp cơ sở nhiều nơi vẫn còn khá “hờ hững”. Dẫn chứng về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: qua khảo sát của đoàn, ở các chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5); Xóm Chiếu (quận 4) vẫn còn diễn ra tình trạng mua bán gia cầm sống. Để ngăn chặn được việc này, cần có sự tham gia quyết liệt của các ban quản lý chợ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, giải pháp hàng đầu của TP là huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào phòng chống, chỉ đạo hết sức kiên quyết từ TP xuống tận phường, xã.

  • Ngành y tế TPHCM đã sẵn sàng?
Trên kiên quyết, dưới lơi lỏng ảnh 2

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến kiểm tra các trang thiết bị của khu cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, TPHCM.        Ảnh: L.K.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến và đoàn kiểm tra của Chính phủ trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thế Dũng cho biết: Tại TPHCM trong năm qua không có trường hợp nào nhiễm cúm A H5N1 ở người. Đồng thời, các bệnh viện (BV) phụ trách hỗ trợ điều trị cúm cho các tỉnh phía Nam như BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1 và 2 cũng không tiếp nhận trường hợp nào nhiễm H5N1 từ các tỉnh chuyển về.

Tuy nhiên, với tinh thần coi dịch cúm luôn là nguy cơ tiềm ẩn và khả năng tái phát bất kỳ lúc nào, ngành y tế TP đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch rất chi tiết và triệt để; xây dựng mạng lưới phòng chống dịch đủ khả năng để sẵn sàng ứng cứu bất cứ lúc nào xảy ra dịch. Cho đến nay, ngoài các bệnh viện chủ lực như: BV Bệnh nhiệt đới; Nhi đồng 1 và 2, Phạm Ngọc Thạch, các BV đa khoa của TP cũng đã xây dựng khu điều trị cách ly đúng quy định. 

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 12-1-2007 đã có 265 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus cúm H5N1, trong đó đã có 159 trường hợp tử vong.

Đặc biệt tình hình cúm H5N1 diễn biến khá phức tạp tại Indonesia, có một số trường hợp nhiều bệnh nhân trong cùng một gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính thức về khả năng lây lan virus từ người sang người.

Cũng theo WHO, châu Á (đứng đầu là Indonesia, sau đó là Việt Nam) được xem là điểm nóng nhất về dịch cúm gia cầm. Nếu các hoạt động phòng chống không được chuẩn bị tích cực và kịp thời, có thể sẽ có 50 – 60 triệu người tử vong vì dịch cúm A H5N1 trên người.

Riêng tại 24 trung tâm y tế quận huyện (TTYT) hiện mới có 12 trung tâm xây dựng được khu điều trị cách ly đúng quy định, còn 12 trung tâm khác do diện tích của trung tâm quá chật hẹp nên chỉ có những phòng cách ly tạm. Hầu hết các TTYT quận huyện đều đã xây dựng được các đội cấp cứu lưu động, điều trị lưu động để xử lý kịp thời những ca nghi nhiễm, đúng tinh thần chỉ đạo phát huy việc điều trị tại chỗ, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

TPHCM đã trữ một lượng lớn thuốc Tamiflu sẵn sàng xuất kho trong vòng 1 giờ khi có nhu cầu. Quy trình xử lý các ca nghi nhiễm, nhiễm cúm A H5N1 cũng được phổ biến cặn kẽ đến từng trung tâm, trạm y tế quận huyện, phường xã.

Tuy nhiên, theo BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, các văn bản chỉ đạo đã ban hành nhưng việc áp dụng vào tình hình thực tế không đơn giản. Việc diễn tập với các tình huống giả định cần được các địa phương quan tâm hơn để các đơn vị có đủ khả năng xử lý khi dịch diễn ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến chỉ đạo: Nếu dịch xảy ra trên người, tốt nhất là điều trị tại chỗ. Ngành y tế TP nên thành lập các tổ cấp cứu và điều trị lưu động cho phù hợp với đặc thù của thành phố đông dân, dễ lây lan. Việc phòng, chống phải thực hiện hết sức triệt để bởi nếu cứ tiếp xúc liên tục với người, virus sẽ có tính biến chủng rất cao.

CÔNG PHIÊN – KIM LIÊN

Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm tiếp tục lan rộng

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), mặc dù trong ngày 19-1 không có thêm tỉnh nào tái phát dịch cúm gia cầm, nhưng tiếp tục có thêm 4 xã (thuộc TP Cần Thơ và Bạc Liêu) tái phát dịch cúm gia cầm so với ngày 18-1, nâng tổng số xã mắc dịch lên 42 xã, phường, 19 huyện, thị thuộc 8 tỉnh chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Riêng Trà Vinh, 19 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới. Đến nay, tổng số gia cầm được tiêm phòng là 3.668.979 con; trong đó có 588.507 gà và 3.080.472 con vịt.

Mỗi ngày 55 - 60 ngàn con gia cầm vào TPHCM không qua giết mổ tập trung

Mỗi ngày TP tiêu thụ gần 100.000 con gia cầm, trong đó, gia cầm được giết mổ tập trung ở TP 40.000-45.000 con/ngày, còn lại là các tỉnh. Ngoài ra còn có khoảng 56 tấn thịt gia cầm (tương đương 36.500 con gia cầm, chủ yếu là đùi, cánh…), nhập khẩu từ Brasil, Australia, Mỹ… được tiêu thụ trong ngày.

10 ngày cao điểm Tết Đinh Hợi 2007, dự kiến TPHCM sẽ tiêu thụ khoảng 1,15 triệu gia cầm các loại (TP giết mổ khoảng 550.000 con) và nhập khẩu khoảng 700 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra còn tiêu thụ khoảng 40 triệu trứng gia cầm các loại.


- Cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ở ĐBSCL

Tin cùng chuyên mục