Bóng đá Việt Nam sẽ phải làm lại như thế nào ?

Kỳ 1: Hãy sòng phẳng với A.Riedl

LTS:

LTS: Không thể và không được phép phủ nhận những đóng góp của HLV người Áo Alfred Riedl đối với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là thành tích của đội tuyển quốc gia 10 năm qua. Nhưng, trong qui luật của sự phát triển, không có gì được phép đứng yên tại chỗ.

Sau khi đội tuyển Việt Nam không thành công tại AFF Cup, có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại chiếc ghế HLV trưởng của ông A.Riedl...

Chúng tôi không gọi chiến dịch AFF  Cup 2006 là một thất bại. Công bằng mà nói, chúng ta chỉ dừng bước trước Thái Lan, một đối thủ trên tầm và phải rời cuộc chơi theo đúng lô-gíc. Nhưng có thể nói, tại AFF Cup, đội tuyển Việt Nam đã chơi không thành công, đấy là điều đáng phải bàn.

 
Kỳ 1: Hãy sòng phẳng với A.Riedl ảnh 1

HLV Alfred Riedl với chiếc huy chương bạc Tiger Cup 1998. Ảnh: Hoàng Hùng.

Khoan phân tích những điều sâu xa, chúng ta chơi không thành công tại AFF Cup vì 2 lẽ: lực lượng và trình độ chúng ta kém hơn trước nhiều sau khi mất khoảng 10 trụ cột. Thứ hai, HLV không còn là người có thể tạo nên một sự thay đổi trong đội tuyển.

Ở lý do thứ nhất, có thể ai cũng dễ dàng nhận thấy trong tay HLV Riedl có quá ít sự chọn lựa, đặc biệt là từ tuyến tiền vệ trở lên. Chúng ta thiếu một thủ lĩnh ở giữa sân khi Hữu Thắng đang ở phong độ thấp, một con ong chăm chỉ như Tài Em, thiếu một chiếc máy quét cỡ Quốc Vượng và cũng chẳng có một tay săn bàn như Văn Quyến. Người Thái khi không có đủ tài năng trẻ, họ còn gọi lại một thủ lĩnh như Kiatisak. Còn ở Việt Nam, làm gì có một nhân tài tồn tại lâu như Kitisak để mà gọi bổ sung!

  • Sự trì trệ của A.Riedl

Rất nhiều người cho rằng dù mời một HLV giỏi nhất thế giới đến Việt Nam cũng chẳng làm được gì hơn. Điều này vừa đúng, vừa không đúng.

Đúng ở chỗ, với con người và một nền bóng đá như Việt Nam thì không thể trong một thời gian ngắn mà thay đổi được mọi thứ. Và chúng tôi cũng tin chắc rằng, một vị HLV tầm cỡ thế giới cũng không bao giờ chịu đến Việt Nam cho dù chúng ta có trả lương cao đến đâu. Họ đủ thông minh để biết rằng chẳng thể làm thay đổi được gì.

Nhưng không đúng ở chỗ, một HLV có tài (tất nhiên là đã chịu đến Việt Nam làm việc) sẽ phải biết cách xoay chuyển tình thế với những thứ mình đang có. A. Riedl không phải là một người như vậy.

Một HLV giàu kinh nghiệm và có tài năng sẽ biết cách để chọn lựa một lối chơi phù hợp với cái mà ông ta đang có. Theo dõi suốt quá trình cầm quân của A.Riedl, chúng tôi thấy rằng ông trung thành và bảo thủ với cấu trúc đội hình của mình. Với quan điểm đó, A.Riedl chờ đợi 2 điều: Một là cầu thủ của ông sẽ biết cách đá theo ý ông và hai là may mắn.

3 lần nắm đội tuyển quốc gia, những thành công của Riedl không đến từ đấu pháp mà nhờ ở từng thế hệ cầu thủ. Ông thăng hoa với thế hệ cầu thủ vàng năm 1998, 1999, 2003, 2005. Ông thất bại khi thiếu các tài năng ở các năm 2000, 2007. Ngoài việc trung thành và tạo nên lối chơi 4-4-2, ông Riedl hầu như không nổi bật lắm về mặt điều chỉnh chiến thuật và triển khai trên sân.

Đấy là lý do mà ông Riedl hay nói đến may mắn, nói đến lực lượng để bào chữa cho các thất bại. Hầu như không bao giờ nghe ông nói về chiến thuật, đấu pháp hay những cách khác nhau để chiến thắng đối phương. Cách làm việc của ông Riedl rất đơn giản: Tìm cầu thủ phù hợp cho từng vị trí mà ông đã có sẵn. Thế thôi. Trong khi đó, nếu là một HLV có tài, lẽ ra ông phải xây dựng lối chơi dựa trên những gì mà ông ta có.

Vì vậy, khi bóng đá Việt Nam có cầu thủ giỏi, chúng ta có thành tích. Nếu chúng ta cạn kiệt tài năng, chúng ta thất bại. Mọi lỗi lầm hoàn toàn thuộc về nền bóng đá non trẻ này còn vị HLV nước ngoài được trả lương cao, được xem là am hiểu bóng đá Việt Nam thì không có trách nhiệm gì ư?

  • Sự bảo thủ của Riedl

Không thể đổ lên đầu Riedl mọi thứ nhưng cũng không thể nói khác rằng: ông ta phải chịu trách nhiệm về thành tích của đội tuyển. Một trong những điểm yếu lớn nhất của Riedl, đó chính là sự bảo thủ.

Hãy hỏi các cầu thủ Việt Nam một điều duy nhất: có phải ông Riedl đã chọn ai, đã nghĩ đến cái gì thì sẽ không thay đổi không? Chúng tôi chắc họ trả lời là đúng như thế.
Đã rất lâu, trong đội tuyển Việt Nam (kể cả Olympic), khi ông Riedl sắp xếp xong đội hình chính thì xem như các cầu thủ dự bị sẽ mãi mãi là dự bị. Những năm theo chân đội tuyển, chúng tôi thấy rằng cái tâm trạng chán nản đó luôn phảng phất trong tập thể cầu thủ. Nếu không vì nghĩa vụ quốc gia thì chắc chắn họ đã xin về lại CLB.

Tất nhiên, sự kiên định là điều đáng quý ở một HLV và ông ta có quyền giữ nguyên cấu trúc mà ông ta tin tưởng là tốt nhất, nhưng việc để có một trạng thái tâm lý đến mức thành thói quen khi lên tuyển như vậy đâu phải là điều hay. Những cầu thủ khi được gọi lên đội tuyển quốc gia đều thật sự muốn cống hiến khả năng, họ muốn được ra sân và đều tin rằng tài năng của mình đủ để thi đấu cho đất nước. Thế mà điều họ đón nhận tại đội tuyển chỉ là hãy yên tâm với ghế dự bị.

Việc VFF 3 lần mời Riedl quay lại với bóng đá Việt Nam càng làm cho căn bệnh ấy phát triển. Người ta trọng dụng ông nghĩa là ông đúng. Chính vì vậy, Riedl đã bảo thủ càng bảo thủ hơn và những trợ lý của ông cũng chấp nhận điều đó. Mọi vấn đề về chuyên môn, về đội hình, về đấu pháp đều do ông Riedl thiết kế và tổ chức. Ông ta có nhiều quyền lực đối với đội bóng và cái sự thiếu dân chủ đó đã tạo nên bức thành trì vững chắc trong trí óc của Riedl.

Một lần nữa, không thể đổ lỗi mọi thứ cho HLV Riedl. Một lần nữa, ông Riedl là người có công với bóng đá Việt Nam. Nhưng hãy công bằng, ông phải chịu một phần trách nhiệm đối với bước lùi của bóng đá Việt Nam. Cho dù điều đó không trực tiếp do ông gây ra, nhưng thử hỏi người ta trả tiền cho ông để làm gì?

Hồ Việt

PHÚT NÓI THẬT CỦA A.RIEDL

Kỳ 1: Hãy sòng phẳng với A.Riedl ảnh 2

HLV A.Riedl cùng các trợ lý tại AFF Cup 2007. Ảnh: Hoàng Hùng.

Đã nhiều lần tiếp xúc với ông A. Riedl, chúng tôi có một cảm nhận rằng, ở AFF Cup năm nay, ông Riedl đã nói nhiều điều không thật lòng mình. Có vẻ như ông đang bị áp lực của báo chí nên tìm cách trả lời khôn ngoan hơn, ngoại giao hơn và giả dối hơn, trong khi theo chúng tôi, năm nay là thời điểm để ông Riedl dễ nói thật suy nghĩ của mình nhất khi đội bóng của ông mất đến 10 cầu thủ giỏi vì kỷ luật và chấn thương.

Vậy mà cách đây hơn 1 năm, ông đã từng nói rất thật và SGGP Thể Thao từng đăng bài phỏng vấn đó ngay trước trận chung kết SEA Games 23. Hồi ấy, ông ta có trong tay đội hình đầy đủ ngôi sao sáng giá nhất của Việt Nam mấy năm trở lại đây, thế mà bản thân ông cũng thừa nhận, tìm cách vượt qua Thái Lan là điều không tưởng.

Trong buổi nói chuyện đó, A.Riedl nói rằng ông cần phải có may mắn mới có thể thắng được Thái Lan. Ông cũng đánh giá, Việt Nam cần ít nhất 10 năm nữa mới thắng được Thái Lan. Riedl nói: “Thái Lan đã là số 1 Đông Nam Á còn chúng ta thì xem họ là mục tiêu chứ không phải là đã ngang hàng với họ. Chúng ta cố gắng phấn đấu để bắt kịp họ nhưng điều này còn phải tùy thuộc họ có tiến bộ hay không. Nói cách khác, chúng ta luôn ở sau Thái Lan”.

V.Q


Kỳ 2: SỰ BẤT LỰC CỦA VFF

Việt Nam thi đấu không thành công tại AFF Cup lỗi một phần nhỏ ở Riedl, nhưng phần lớn là ở VFF. Họ đã điều hành nền bóng đá bằng những toan tính ngắn hơn sự chờ đợi của những ai đã kỳ vọng vào họ. Những tính toán hèn nhát đó đã phá hỏng cả sự tốt đẹp mà ông Riedl dự định đem đến cho bóng đá Việt Nam đồng thời biến Riedl trở thành vật tế thần...

Tin cùng chuyên mục