Những bất thường từ một ca tử vong

Sau khi được Bệnh viện FV cho xuất viện với kết luận: sức khỏe tốt, thai nhi bình thường, không có bất cứ dấu hiệu gì về chảy máu, chỉ trong vòng 12 giờ sau, thai phụ Trần Thị Mỹ Đào (SN 1965) đã nhập viện cấp cứu tại BV Từ Dũ TPHCM với chẩn đoán của các bác sĩ (BS): sức khỏe yếu – rất yếu; nhiễm trùng nặng; nhập viện quá muộn. Và sản phụ đã tử vong sau 3 lần phẫu thuật chỉ trong vòng 24 giờ tại đây. Những diễn biến bất thường về sức khỏe chị Đào từ kết luận trái ngược về chuyên môn từ BV FV đến BV Từ Dũ đã để lại nhiều uẩn khúc cho gia đình và người thân.

Trong đơn thư kêu cứu gửi Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Phạm Minh Nhân (thường trú tại 87/35 Đinh Tiên Hoàng, P3, Bình Thạnh) cho biết: “Sau khi vợ tôi mất, gia đình đã tìm cách gặp gỡ và nói chuyện với Ban giám đốc của 2 BV FV và Từ Dũ nhưng không ai nhận trách nhiệm. Nguyên nhân cái chết của vợ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng gây những băn khoăn, ray rứt khôn nguôi cho gia đình”.

Theo đơn thư của anh Nhân, ngày 2-1-2008, chị Trần Thị Mỹ Đào (SN 1965) lúc ấy đang có thai hơn 8 tháng, đột nhiên thấy bụng rất đau, không làm việc nổi nên đã được đồng nghiệp trong cơ quan đưa đến BV FV (06 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TPHCM). Tại đây, chị Đào được đưa vào khám và chẩn đoán: gò tử cung, dự sanh non và quyết định cho chị Đào nhập viện để điều trị giảm cơn đau, ổn định cơn gò, giữ thai, không cho sanh non.

Theo anh Nhân, 9 ngày điều trị cho chị Đào tại BV FV, gia đình gánh chịu chi phí điều trị rất cao. Chỉ tính riêng loại thuốc giảm co với giá 350.000 đồng/lọ (mỗi ngày chích 5 lọ) chi phí cho loại thuốc này đã là gần 20 triệu đồng/9 ngày điều trị. Trưa 11-1-2008, chị Trần Thị Mỹ Đào đã được xuất viện với kết luận của BV FV: sức khỏe tốt, thai nhi bình thường, không có bất cứ dấu hiệu nào về chảy máu.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 12 giờ sau, lúc 1 giờ rạng sáng 12-1-2008, chị Đào đã xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, bị vỡ nước ối và phải đưa vào cấp cứu tại BV Từ Dũ với kết luận của các BS: sức khỏe của chị Đào đã rất yếu, nhiễm trùng nặng, nhập viện quá muộn.

Chiều qua 16-6, BV Từ Dũ đã tổ chức họp báo về trường hợp tử vong trên với sự có mặt đầy đủ của Hội đồng Khoa học BV Từ Dũ. Tại cuộc họp báo, Ban giám đốc BV Từ Dũ đã xác nhận có trường hợp tử vong trên.

Theo xác nhận của BS Thu Thủy – Phó Giám đốc BV Từ Dũ (cũng là người xử lý trực tiếp trường hợp của sản phụ Trần Thị Mỹ Đào - PV), bệnh nhân Trần Thị Mỹ Đào nhập viện lúc 2 giờ sáng ngày 12-1-2008 với dấu hiệu đau bụng dữ dội, có cơn gò, nước ối có màu xanh loãng, sản phụ sốt cao 38,5°C, tim thai 120-130/phút; chẩn đoán: suy thai, nhiễm trùng ối. Hội đồng chuyên môn đã quyết định mổ bắt con vào lúc 3 giờ sáng cùng ngày, con là bé trai nặng 3,1kg, bé bị ngạt trắng, dây rốn quấn cổ 2 vòng và bị sốt cao.

Ngay sau khi mổ, BV đã chuyển ngay chị Đào qua hồi sức cấp cứu. Lúc này thân nhiệt sản phụ tăng nhanh (lên 39,5°C), nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, xuất huyết dưới da, bụng trướng lên. Hội chẩn và làm xét nghiệm cấy máu cho thấy: sản phụ đã bị nhiễm trùng huyết gây rối loạn đông máu, suy đa cơ quan.

Các BS quyết định mổ cắt bỏ tử cung để giải quyết ổ nhiễm trùng và cho ra hồi sức để điều trị đông máu nhưng không khắc phục được, máu vẫn chảy liên tục. Các BS quyết định phẫu thuật lần 3 tìm nguyên nhân và ngăn chặn xuất huyết, nhưng không được nên ngay sau đó sản phụ được chuyển qua BV Chợ Rẫy với tình trạng sức khỏe mỗi lúc một xấu đi, và khoảng 21 giờ 30 phút ngày 14-1 thì qua đời.

Theo BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, BV đã xử trí đúng quy trình chuyên môn và hết sức tích cực. Tuy nhiên, do chị Đào đã nhập viện khá muộn và trong tình trạng sức khỏe đã quá yếu, nhiễm trùng nặng nên không thể qua khỏi. T

heo phân tích của Hội đồng Khoa học BV Từ Dũ: Trường hợp của chị Đào là nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng ối, rỉ ối trước đó. BS Thanh nói: “Xét nghiệm tại BV Từ Dũ cho thấy, loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ở trường hợp này là vi khuẩn Ecoli. Tuy nhiên, thời điểm nhiễm trùng là lúc nào thì BV không biết.

BV Từ Dũ cũng đã có làm việc với BV FV và được FV xác định rằng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân lúc xuất viện là tốt và chúng tôi chỉ biết có vậy”. Cũng theo BS Phạm Việt Thanh, với thai nhi cân nặng 3,1kg, trường hợp của chị Đào là thai đủ tháng (trong khi đó, theo người nhà bệnh nhân, BV FV chẩn đoán là dự sanh 20 ngày sau).

Theo BS Thu Thủy, có nhiều nguyên nhân gây rỉ ối, nhiễm trùng ối nhưng rỉ ối hoàn toàn có thể chẩn đoán được. Cũng theo BS Thu Thủy, BV đã gặp nhiều trường hợp vỡ trùng ối nhưng thường được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, trường hợp của chị Đào là nhập viện khá muộn, cơ địa lại mất sức đề kháng. Ở một số trường hợp cơ địa mất sức đề kháng là do trước đó có dùng những thuốc giảm sức đề kháng của cơ thể, thuốc có corticoid.

Trước đó, ngày 13-6-2008, làm việc với phóng viên Báo SGGP, đại diện BV FV cho biết: BV đã thực hiện xét nghiệm tầm soát và cho xuất viện với lý do sức khỏe hoàn toàn tốt, thai nhi bình thường.

Với những kết luận trái ngược nhau từ 2 BV, người nhà bệnh nhân cho đến nay vẫn chưa thể giải tỏa hết những gút mắc trước cái chết của chị Trần Thị Mỹ Đào. Việc này đang rất cần một hội đồng khoa học làm trọng tài để tìm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Trần Thị Mỹ Đào.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục