Về vụ sữa không đảm bảo chất lượng: Xiết chặt hậu kiểm

* Sẽ trình Chính phủ ra chỉ thị về xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc

(SGGP). – Ngày 10-2, bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trước việc liên tiếp phát hiện trên thị trường nhiều loại sữa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Công thương vừa có buổi làm việc để triển khai công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo đó, 2 bên thống nhất đưa ra một số giải pháp phối hợp như: Ban chỉ đạo 127 Trung ương sẽ làm đầu mối triển khai, với sự tham gia của các bộ, ngành (Bộ Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công an và các bộ liên quan) tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và xử lý các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị để chỉ đạo việc phối hợp xử lý các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, một số nhóm hàng thực phẩm có nguy cơ cao. Trước mắt, tập trung một số mặt hàng trọng điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng khẳng định, 100% số mẫu sữa chưa công bố tiêu chuẩn đều không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng đạm và những loại sản phẩm chưa công bố này thường là trôi nổi. Ngoài ra, khó có thể quản lý được hết chất các loại sữa, nhất là sữa nhập khẩu và hàng xách tay. Việc theo dõi truy nguyên nguồn gốc nơi sản xuất của các hàng hóa trôi nổi không dễ dàng. Do vậy, người tiêu dùng khi mua sữa cần cẩn thận xem xét thật kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm, có đầy đủ nhãn và còn hạn sử dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phụ trách thanh tra ATVSTP cho biết, những đợt kiểm tra và hậu kiểm tra sữa tới đây sẽ không chỉ lấy mẫu xét nghiệm mà sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện từ việc công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn, quảng cáo, kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Đồng thời kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh và lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định các chỉ tiêu về chất lượng vệ sinh an toàn bao gồm cả hóa, lý vi sinh. Ông Nhiên cũng cho biết, tình trạng thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường rất đa dạng và phức tạp. Việc các cơ quan quản lý tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm rất khó khăn, do đó cần có biện pháp chế tài thích hợp và đủ mạnh mang tính chất răn đe. 

Q. KHÁNH


Xử lý 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa vi phạm chất lượng

(SGGP). – Ngày 10-2, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM về việc xử lý 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa có 15 sản phẩm sữa vi phạm quy định, chủ yếu là do sữa có hàm lượng đạm thấp hơn công bố. Theo đó, tổng số sữa phải tiêu hủy là 160 kg, buộc phải tái chế là 1.369kg.

Trong số 5 công ty có sản phẩm sữa vi phạm thì Công ty TNHH Hùng Lâm có 5 sản phẩm là: sữa bột dinh dưỡng (Food Milk) can xi, sữa phát triển trí não, sữa Mamma, sữa tăng trưởng chiều cao, sữa dành cho người gầy, đều là các sản phẩm 400g/hộp. Các sản phẩm này đều không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, khi xét nghiệm hàm lượng protid chỉ khoảng 1,33 – 1,62g/100g, không đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Công ty Hùng Lâm đã buộc phải tiêu hủy 160 kg sữa, đồng thời phải đóng cửa.

Cơ sở Như Trang bị phạt tiền vì có sữa hộp Maylac công bố tiêu chuẩn hàm lượng đạm trên 34g/100g, nhưng kết quả xét nghiệm chỉ có 14,97g/100g. Số sữa không đủ hàm lượng của cơ sở này buộc phải tái chế.

Công ty TNHH Hoàng Khang có 2 loại sữa bột Bobolac và Fitalac (hi - calcium) ghi nhãn hàng hóa không đúng với tiêu chuẩn công bố.

Công ty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát có 4 loại sản phẩm sữa bột dinh dưỡng, sữa bổ sung canxi và chất sắt, sữa bột dinh dưỡng New Zealand, sữa bột giàu dinh dưỡng Hà Lan, đều hàm lượng đạm không đảm bảo so với chỉ tiêu công bố. Ngoài việc xử phạt tiền thì doanh nghiệp này còn phải tái chế 294kg sữa của 4 sản phẩm trên.

Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đài Hoa có 3 sản phẩm: Sữa bột Mikamax, sữa bột Sepalac, sữa bột Calyx Canxi cũng đều có hàm lượng đạm thấp hơn công bố. Công ty này buộc phải tái chế 1.070 kg không đảm bảo chất lượng.  

T.KIÊN

Thông tin liên quan

- Vụ tràn lan sữa bột dỏm ở TPHCM - Làm rõ trách nhiệm

- Vụ sữa “bốc hơi” độ đạm: Cơ quan hậu kiểm… làm lơ!

Tin cùng chuyên mục