Sữa bột thiếu đạm: Chỉ là xác sữa hòa với đường!

Tù mù với độ đạm trong sữa
Sữa bột thiếu đạm: Chỉ là xác sữa hòa với đường!

Tù mù với độ đạm trong sữa

Sữa bột thiếu đạm: Chỉ là xác sữa hòa với đường! ảnh 1
Sữa đóng bịch không nhãn mác, không thành phần độ đạm bày bán tại chợ Bình Tây Q.6. Ảnh: Tg Lâm

Thâm nhập các cửa hàng sữa tại chợ Bình Tây, quận 6 ngày 11-2, chúng tôi ghi nhận có tới cả trăm nhãn hàng sữa được bày bán ở đây. Từ sữa đóng bịch trong bao ni lông, sữa trong hộp giấy, trong hộp thiếc, và cả sữa bao tới 50kg.

Hầu hết trên các nhãn hàng sữa đều ghi nguồn gốc xuất xứ từ Australia, Hà Lan, New Zealand và cả Trung Quốc nhưng được chiết xuất, đóng gói tại các cơ sở ở TPHCM.

Tại sạp hàng Tỷ Loan (sạp số 651), hàng loạt loại sữa được bày bán la liệt với các nhãn hiệu như sữa bột béo Hòa Lan, sữa bột béo nguyên kem được đóng trong các bao ni lông và cả những loại sữa nổi tiếng như Dutch Lady, Abbott…

Theo chủ sạp, sữa bịch, sữa đóng gói được cung cấp từ các cơ sở sang chiết và họ muốn gắn nhãn mác, ghi thành phần gì tùy thích! Chính vì vậy, có loại sữa được ghi thành phần độ đạm nhưng cũng có loại sữa không ghi độ đạm. Chẳng hạn như sữa bột nguyên kem Full-Cream Milk Powder đóng bịch 500gr dành cho trẻ 1 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, sau sinh và cho con bú, người già do cơ sở Phước Tài (phường 13, quận 6) đóng gói không hề ghi độ đạm.

Sữa bột béo Hòa Lan đóng gói 500gr cũng không ghi một độ đạm nào. Một số sạp hàng sữa khác cũng tương tự khi hầu hết các loại sữa bột đóng bịch đều không ghi thành phần đạm, một số loại sữa đóng hộp giấy thì có ghi độ đạm nhưng không nhất định mà thường ghi từ 10% - 15% độ đạm hoặc 15% - 20% độ đạm.

Sữa thiếu đạm: xác sữa + bột + đường

Ngày 11-2, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có công văn gửi Sở Công thương và UBND các quận huyện về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn thành phố, tập trung vào sản phẩm sữa. Theo đó UBND các quận huyện chỉ đạo đoàn thành tra liên ngành tiến hành thanh tra lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng vệ sinh an toàn theo công bố, giám sát các điều kiện sản xuất, đóng gói, ghi nhãn sản phẩm, kinh doanh các mặt hàng sữa bột. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng…

Thạc sĩ Độ Việt Hà, chuyên gia về dinh dưỡng thực phẩm, cho biết độ đạm đã có sẵn từ trong sữa tươi của bò. Trong quá trình tinh chế thành sữa bột, các nhà sản xuất thường sử dụng công nghệ sấy phun nên hàm lượng đạm có thể thay đổi nhưng không đáng kể.

Theo thạc sĩ Hà, các tài liệu dinh dưỡng trên thế giới đã công bố độ đạm trong sữa bột nguyên chất thường trung bình từ 25% - 30%. Do đó, nếu nói rằng độ đạm trong sữa bột thấp hơn mức trên tức là đã có sự pha trộn.

Sự giảm sút độ đạm trong sữa bột do các nhà sản xuất thêm các thành phần khác vào như các chất kích thích tăng chiều cao, kích thích trí não, các loại bột giảm béo, tăng cân và các loại mùi vị khác. “Thường các nhà thu mua sữa đều quan tâm đến độ đạm bởi với độ đạm trung bình 25% - 30% mới tạo ra được một mức năng lượng cung cấp cần thiết cho cơ thể trong một lít sữa”, thạc sĩ Hà cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) cho rằng chẳng lạ gì chiêu bài của các nhà sản xuất, chế biến sữa khi làm cho hàm lượng đạm kém đi. Một công thức chung mà họ thường sử dụng là sữa bột hòa với bột xác sữa (còn gọi bột whey thô) rồi cho thêm đường vào.

Độ đạm trung bình trong sữa nguyên chất phải từ 25% - 30%, nếu những sản phẩm sữa có độ đạm chỉ từ 1% - 10%, thậm chí chỉ 0,5% như Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM công bố thì chỉ còn là… xác sữa. Chưa nói đến sự gian dối khi công bố sai lệch trên nhãn mác mà với sự “nghèo nàn” độ đạm như vậy cũng khiến sức khỏe người sử dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi. Đó là ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng mà Báo SGGP ghi nhận ngày 11-2.

Theo bác sĩ Mai, bột Whey thô tức là những gì còn lại sau quá trình người ta dùng sữa tươi để tách ra bơ, phô-mai... Và đương nhiên, những chất béo và đạm đã nằm hết trong bơ và phô-mai, phần còn lại chỉ là xác sữa.

Xác sữa này có hàm lượng đạm rất thấp và thường để tận dụng trong chế biến thực phẩm như bánh, kẹo, thậm chí chế biến thức ăn cho gia súc.

Tuy nhiên, một bộ phận nhà sản xuất vẫn tìm cách hòa trộn thêm với đường và một số loại bột khác để tạo thành… sữa bột dinh dưỡng. Như vậy, nếu đúng các cơ quan chức năng công bố một số sản phẩm sữa vừa qua có độ đạm từ 0,5% đến 10% thì chẳng khác gì xác sữa.

Với tư cách là chuyên gia dinh dưỡng cho trẻ, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, rất bức xúc trước tình trạng sữa thiếu đạm tràn lan. Bởi theo vị bác sĩ này sữa nghèo đạm mà trẻ em ăn phải lâu dài, nhất là trẻ dưới 2 tuổi sẽ bị ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nghiêm trọng.

Trong khi, cấu trúc cơ thể được tạo thành từ chất đạm. Với trẻ dưới 2 tuổi, sử dụng sữa thấp đạm một thời gian dài, trẻ sẽ bị còi cọc, chậm phát triển, giảm miễn dịch hoặc suy dinh dưỡng. Cụ thể là trí não, thần kinh, nội tiết tố, cơ, xương… ngày càng teo tóp lại.

Cũng theo BS Diệp, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần 1,5 đến 2,5g đạm/kg cân nặng/ngày; trẻ từ 1 - 3 tuổi cần 35 đến 44g đạm/ngày; trẻ từ 4 - 6 tuổi cần 44 đến 55g đạm/ngày và trẻ từ 7 - 10 tuổi cần 55 đến 64g đạm/ngày. Như vậy, đạm dưới tiêu chuẩn này không đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển của trẻ.

Báo cáo Thủ tướng về vụ sữa không đảm bảo chất lượng

Trước thông tin liên tiếp về các sản phẩm sữa kém chất gần đây và dư luận cho rằng Sở Y tế TPHCM và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã “ém nhẹm” thông tin trên, chiều 11-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có công văn khẩn số 79 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh tình hình sữa kém chất lượng bán lẻ trên thị trường. Trong báo cáo, Bộ Y tế nêu rõ Sở Y tế TPHCM không ém thông tin mà thực tế đã giải quyết vấn đề này một cách chủ động.

Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 TƯ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai những biện pháp phòng chống hàng giả, kém chất lượng trong đó có sản phẩm sữa mà ngành y tế đã xét nghiệm và thông báo. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành công thương, y tế, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, xử lý những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, bao gồm cả sữa trên địa bàn.

Cùng ngày, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết ngày 5-10-2008, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TCVBVNTDVN) có công văn gửi Bộ Y tế về kết quả khảo sát chất lượng sữa bột tại TPHCM do Hội tiến hành trong tháng 9-2008.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Hội TCVBVNTDVN, Sở Y tế TPHCM đã thanh, kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm xác minh lại. Khi có kết quả kiểm nghiệm, Sở Y tế TPHCM đã xử lý công khai các vi phạm, buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế toàn bộ sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn. Việc xử lý của Sở Y tế TPHCM đã tuân thủ đúng theo Điều 30 của Luật Chất lượng hàng hóa. Sở Y tế TPHCM khẳng định đã kiểm soát được các sản phẩm sữa kém chất lượng theo cảnh báo của Hội TCVBVNTDVN.

NG. QUỐC


LÂM TUỆ

Tin cùng chuyên mục