Thị trường sản phẩm du lịch

Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn

1 USD cũng khó lấy
Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn

Lượng khách đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đang giảm. Các khách sạn tại TPHCM bắt đầu kêu ca vì vắng khách. Điều gì đang xảy ra với ngành du lịch?

1 USD cũng khó lấy

“Chúng ta phục vụ cái khách cần, nhưng chưa thể hiện được cái mình có”, một cán bộ ngành du lịch TPHCM đã rất bức xúc khi nói về điểm yếu của sản phẩm du lịch ở TPHCM hiện nay. Chưa kể đến cái mình có, chỉ riêng cái khách cần, TPHCM - một trung tâm du lịch lớn của đất nước vẫn chưa đáp ứng đủ. TPHCM đã có gì để du khách quốc tế cần, đến? Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là địa đạo Củ Chi, rừng sác Cần Giờ, nhà thờ Đức Bà, bưu điện Trung tâm TP, bảo tàng chứng tích chiến tranh… Đó là những điểm du lịch thú vị nhưng không lẽ lần nào đến TPHCM cũng đi xem từng ấy điểm?

Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn ảnh 1

Di tích pháo thần công tại bến Bạch Đằng khuất trong những tán lá cây, buổi tối là nơi bán cà phê. Ảnh: K.T.G.

Một nhân viên làm hoa tiêu cho tàu du lịch cao cấp nước ngoài vào TPHCM cho biết, anh đã nghe rất nhiều lời phàn nàn, góp ý từ du khách nước ngoài khi đến VN. Theo anh, những người dám chi 28.000 USD đi trên những tàu du lịch cao cấp là những khách du lịch hạng sang.

Thế nhưng, họ rất “sốc” khi lên bờ vì luôn có người ăn xin, người bán hàng rong bám theo. Với những khách này, cho dù một đất nước có món ăn ngon, cảnh đẹp thế nào đi nữa, hình ảnh trên cũng làm cho họ không có thiện cảm. Và dĩ nhiên, không muốn trở lại, không muốn khám phá. Một thực tế rất đau đầu hiện nay là 70% du khách quốc tế đến VN không trở lại sau đó.

Lãnh đạo khách sạn Caravelle (TPHCM) cho biết, lượng khách chủ yếu của khách sạn này là giới doanh nhân nước ngoài làm việc tại VN, nhưng cuối tuần họ lại bay đi Singapore, Thái Lan để giải trí. Rõ ràng, ngành du lịch VN đang tự làm thất thoát một nguồn thu lớn, mà đáng lẽ ra nó thuộc về mình. Những tour đường biển trên tàu du lịch 5 sao sang trọng đến VN chỉ có vài giờ. Nhiều tour du lịch từ Trung Quốc sang vịnh Hạ Long, du khách còn chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo dùng. Du lịch VN sẽ được lợi gì từ việc này, ngược lại chúng ta còn phải thu dọn rác du khách để lại?! Một số liệu đáng giật mình, một du khách tàu biển sang trọng đến Phú Quốc, khi lên bờ họ không tiêu quá 1 USD?! (có lẽ chỉ mua 1 chai nước khoáng để uống).

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt bày tỏ, Malaysia chỉ có tháp đôi, không có nhiều di sản như VN nhưng mỗi năm họ thu hút hàng chục ngàn du khách. Trong khi đó, VN chỉ dám mơ đón 6 triệu khách quốc tế vào năm 2010. 

Thông điệp của TPHCM là gì?

Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn ảnh 2
Làm thế nào để thu hút và giữ chân khách du lịch nước ngoài - bài toán dành cho ngành du lịch (Ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Tp HCM). Ảnh Thành Tâm

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch TPHCM, tính đến tháng 4-2008, nhìn chung lượng khách du lịch quốc tế (qua đường hàng không) đến TPHCM tăng nhẹ. Riêng các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Australia giảm gần 10%. Các khách sạn tại TPHCM vắng khách ngoài dự kiến. Giải thích vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khánh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM cho biết, có 2 nguyên nhân.

Đó là ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát và một thực tế không thể chối cãi là du lịch TPHCM còn thiếu quá nhiều thứ để giữ chân du khách. Trong đợt tăng giá vừa qua, giá phòng khách sạn tại TPHCM tăng thêm 25% - 30%, chưa kể đến việc chi phí vận chuyển và giá phòng khách sạn tại VN luôn cao hơn các nước trong khu vực. Đây là vấn đề đáng báo động cho ngành du lịch TPHCM và VN nói chung. Du lịch VN đang nỗ lực mời khách đến, nhưng không chuẩn bị gì để đãi khách. Khách hờn, khách dỗi, khách ra đi!

Từ nhiều năm nay, chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề phát triển du lịch. Trong năm 2007, Tổng cục Du lịch VN đã chi ra hơn 4 tỷ đồng để quảng bá du lịch VN trên kênh truyền hình CNN của Mỹ. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn “như muối bỏ bể”. Đến nay, TPHCM – một TP lớn phát triển du lịch, vẫn chưa cho thấy được thông điệp của du lịch TP là gì? Hai năm trước, ngành du lịch TP bàn nhiều đến sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), nhưng cơ sở vật chất tại TPHCM không đảm bảo được điều kiện tổ chức với lượng lớn người tham dự.

Nhiều người tâm huyết với ngành du lịch TP bức xúc, TPHCM không thiếu cảnh đẹp, nhưng chưa biết khai thác thành sản phẩm du lịch. Không cần đem so sánh với các nước, chỉ so sánh với bến Bạch Đằng của Đà Nẵng, chúng ta đã thấy công viên cảng du lịch Bạch Đằng (TPHCM) khác một trời một vực. Những di tích pháo thần công trên bến Bạch Đằng TPHCM lọt thỏm trong đống cây cối lùm xùm. Ở Singapore, người ta chỉ có một khúc sông nhưng họ cũng có một sản phẩm du lịch đường sông.

Thực tế hiện nay tại TPHCM, có rất nhiều sản phẩm du lịch được nghiên cứu, triển khai, nhưng chẳng có sản phẩm nào ra hồn! Có chăng cũng chết yểu! Các sản phẩm du lịch tại TPHCM triển khai quá dàn trải. Nên chăng TP chỉ tập trung lo tốt một vài sản phẩm, giao chỉ tiêu cho ngành du lịch, trong 1 năm phải có 1, 2 sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách. Chúng ta hãy làm du lịch từ cái nhỏ nhất. Thử hỏi, tại TPHCM có bao nhiêu cái nhà vệ sinh coi được để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của du khách?!

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục