Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới

Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới

Ngày 30-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Trung trung bộ, cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, suốt đêm 29 và ngày 30-10 có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới ảnh 1

Đường Phan Châu Trinh, Hội An ngập nặng sau cơn mưa lớn chiều 30-10. Ảnh: MINH HẢI

Tính đến 13 giờ chiều 30-10, lượng mưa đo được phổ biến 50 – 100mm, một số nơi cao hơn như: Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 132mm; Trà My (Quảng Nam) 219mm; Sơn Giang (Quảng Ngãi): 167mm; Vĩnh Sơn (Bình Định) 127mm…

Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; TP Quảng Ngãi: cấp 6, giật cấp 8; Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn (Bình Định): cấp 5, giật cấp 7…. Sáng 30-10, áp thấp nhiệt đới đã đi vào địa phận tỉnh Bình Định, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 13 giờ chiều 30-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,3 độ vĩ Bắc; 107,5 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Mực nước trên tất cả các sông ở miền Trung đã vượt mức báo động 1 và dự báo trong đêm 30 và sáng 31-10, nước lũ trên một số sông ở miền Trung sẽ vượt báo động 2, có nơi trên mức báo động 3.

Quảng Nam: Miền núi bị cô lập, bệnh nhân chết trên đường cấp cứu

Do mưa lớn, nước trên các sông suối lên nhanh làm ngập sâu, sạt lở, tắc nghẽn nhiều tuyến đường ở các xã vùng cao thuộc các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang và đường Hồ Chí Minh qua địa phận Quảng Nam.

Đường từ huyện Đông Giang lên huyện Tây Giang và từ trung tâm huyện Tây Giang lên các xã biên giới bị ách tắc giao thông hoàn toàn. Ông Briu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: 4 xã biên giới của huyện là A Xan, TrHy, Chum, Gary đã bị cô lập từ bão số 5 (gây sạt lở trên 20 điểm dẫn đến tắc đường) từ 15-10 đến nay chưa thông được, thì nay mưa lớn còn làm sạt lở thêm hàng chục điểm khác, làm cho tình trạng bị cô lập kéo dài thêm ra, đẩy 6.000 dân 4 xã biên giới này vào chỗ vô cùng khó khăn. Ông Briu Liếc cho biết, ngày 28-10, kiểm lâm viên Klâu Tỉnh ở xã A Xan bị xuất huyết dạ dày trên đường khiêng xuống huyện (2 ngày đi bộ) đã chết .

Ngay trong sáng 30-10, Sở Thương mại Quảng Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp miền núi xuất ngay 10 tỷ đồng hàng hóa, tìm mọi cách đưa về các huyện, xã bị cô lập để bán nợ cho dân, ổn định thị trường miền núi.

Trước mắt, UBND tỉnh hỗ trợ học sinh Trường THPT nội trú các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My 45 tấn gạo cứu đói. Cảnh sát đường thủy đã nghiêm cấm mọi tàu thuyền xuất bến; đồng thời qua sóng ICom, kêu gọi trên 1.000 tàu thuyền đang hoạt động tại vùng biển nguy hiểm nhanh chóng vào nơi trú ẩn.

Thừa Thiên-Huế: 23 người bị thương, 80 nhà tốc mái

Vào lúc 15 giờ 20 ngày 30-10, một cơn lốc lớn đã xảy ra tại xã Hương Phong (huyện Hương Trà) làm tốc mái 5 phòng học và làm bị thương 21 người, trong đó có 7 người bị thương nặng (gồm 20 học sinh và một cô giáo Trường Trung học cơ sở Hương Phong). Chính quyền địa phương cùng trường đã huy động phương tiện đưa vào cấp cứu tại Bệnh Viện Trung ương Huế.

Tại huyện Quảng Điền, lốc lớn đi qua 2 xã Quảng Thọ và Quảng Thành làm tốc mái 80 nhà dân và 2 phòng học, 2 em học sinh bị thương; hàng chục hécta cây cối bị gãy đổ. Ngay sau khi có lốc lớn xảy ra, ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các địa phương giúp dân khắc phục. Ông Mãn cho biết, mỗi trường hợp bị thương sẽ được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng.

Quảng Ngãi: 2 người chết và mất tích, 2 tàu cá bị nạn

Chiều 30-10, Quảng Ngãi có mưa to, mực nước trên các sông dâng cao. Hiện nay nhiều xã ở các huyện miền núi Tây Trà, Sơn Tây, Trà Bồng bị cô lập. Rạng sáng 30-10, tàu QNg 5012 do ông Nguyễn Bay, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng, trên tàu có 13 ngư dân đang chạy núp gió thì bị mắc cạn tại vùng biển tỉnh Phú Yên.

Tỉnh Phú Yên đang tìm mọi biện pháp để đưa tàu này lên bờ. Số thuyền viên vẫn an toàn. Trước đó, vào lúc 22 giờ ngày 29-10 tàu QNg 9832 TS do ông Hùynh Ngọc Tấn ở xã Phổ Quang làm thuyền trưởng trên tàu có 9 người hành nghề lưới cản. Ông Nguyễn Trong, 35 tuổi, xuống thúng để hành nghề và mất tích tại tọa độ 15,54 phút vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tiếp tục tìm kiếm. Riêng tàu của ông Huỳnh Ngọc Tấn đã cập cảng Sa Huỳnh (Đức Phổ).

Cũng do mưa lũ, vào lúc 10 giờ 30 ngày 29-10, anh Lê Văn Quang, 36 tuổi ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, là cán bộ kỹ thuật của Trạm quản lý thủy nông số 7 (công trình đầu mối Thạch Nham) thuộc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, trong lúc đi kiểm tra tại cầu tràn công trình đầu mối Thạch Nham thuộc địa phận xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà do nước lũ chảy quá mạnh cuốn trôi cả người và xe máy. Hiện nay xác của anh Quang vẫn chưa tìm thấy.

Đà Nẵng: Đưa tàu thuyền vào trú bão

Chiều 30-10, Đà Nẵng đã ngập nhiều tuyến đường, nước tại các sông không ngừng dâng cao. Các cơ quan chức năng đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi nhanh chóng quay vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, triển khai tổ chức việc di chuyển tàu thuyền đang neo đậu trên sông Hàn về âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, phòng tránh lũ lớn trên sông Hàn.

Quảng Trị: Khẩn trương dời dân ra khỏi vùng xung yếu

Cuối ngày 30-10, mực nước trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải, Sê Pôn… dâng rất nhanh, xấp xỉ báo động 2. Theo đó, các xã vùng trũng của các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Hải Lăng và Triệu Phong bị ngập lũ. Trong đó, các cụm dân cư của 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong nằm ven sông Thạch Hãn bị ngập sâu hơn nửa mét.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp khẩn cấp, tính đến phương án di dân ra khỏi vùng xung yếu, nhất là các vùng dân cư nằm đầu và cuối nguồn các con sông thường xảy ra lũ quét và lũ lớn.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục