Là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, TPHCM luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách. Cùng với chương trình xóa đói giảm nghèo đang ngày càng lan tỏa, sự quan tâm, chia sẻ với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng được thành phố đặc biệt chú trọng với nhiều mô hình hiệu quả đang phát huy…
Giúp dân thoát nghèo
Cách đây 20 năm, TPHCM có tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm gần 20% dân số. Khi đó người nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Trước thực tế này, TPHCM đã khởi xướng một chương trình táo bạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - chương trình “xóa đói giảm nghèo” (XĐGN). Chương trình nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, sau đó không chỉ giới hạn trong phạm vi TPHCM mà lan rộng ra cả nước.
Khi đó, các cán bộ từ cơ sở đến cấp thành phố đã trực tiếp xuống các hộ nghèo tìm hiểu thực tế đời sống của dân từ nội ra ngoại thành, đặc biệt là nông dân ở xã nghèo để lắng nghe, chia sẻ, tư vấn cho họ nuôi con gì, trồng cây gì, đào tạo nghề gì cho phù hợp từng người, từng hộ. Bên cạnh tạo công ăn việc làm để thoát nghèo, hàng năm, chương trình đào tạo nghề cho khoảng 10.000 - 12.000 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho 33.000 - 35.000 lao động nghèo. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo như: miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo…
Đến năm 2008, gần 90.000 hộ nghèo giảm còn 2.700 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,72% xuống 0,2%, đưa thành phố hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo” trước 2 năm so với thời hạn Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra. Không ngủ quên trên những thành tích đạt được, năm 2009, mở đầu giai đoạn 3 (2009-2015), TP quyết tâm nâng chất chương trình lên một bước đột phá mới với tên gọi mới “Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá”, với mục tiêu không còn hộ thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, cao 2-3 lần so với chuẩn nghèo các địa phương khác.
Với chuẩn nghèo mới này, TPHCM có khoảng 90.000 hộ nghèo với trên 400.000 nhân khẩu, chiếm 5,2% tổng hộ dân trên địa bàn. Nhiều phường đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo dưới 12 triệu đồng/người/năm. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, TP đang tập trung hỗ trợ cho những hộ nghèo và cận nghèo để họ thoát nghèo bền vững, vươn lên thành hộ khá chứ không để tái nghèo. Chuẩn thu nhập 12 triệu đồng/người/năm nhưng chỉ khi mọi người dân TP không chỉ có “cơm no áo mặc” mà phải đều được “ăn ngon mặc đẹp”, lúc đó chương trình giảm nghèo mới thật sự về đích.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý cấp ủy và các cấp chính quyền phải có trách nhiệm hỗ trợ và giúp đỡ họ thoát nghèo theo dõi và hỗ trợ kịp thời để họ không tái nghèo. TP không chỉ quan tâm tập trung huy động mọi nguồn lực trợ giúp người nghèo để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghèo làm ăn, phát triển kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống mà còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cải thiện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và hưởng thụ về văn hóa, tinh thần của người nghèo.
Chia khó với công nhân
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Trong khó khăn, TPHCM đã có nhiều mô hình chia sẻ khó khăn cho lao động nghèo từ đời sống vật chất đến tinh thần cho công nhân. Có thể nói, vận động chủ nhà trọ, cơ sở giữ trẻ không tăng giá, hỗ trợ đột xuất cho người nghèo, vận động doanh nghiệp hỗ trợ thêm người lao động… là những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện rõ sự nỗ lực và sáng tạo của những người làm công tác dân vận trên địa bàn TP trong giai đoạn khó khăn.
Có thể nói, sự nhạy bén, sâu sắc trong việc nắm bắt chặt chẽ tình hình và dự báo diễn biến tư tưởng của nhân dân là cơ sở để triển khai cuộc vận động đúng thời điểm và hợp lòng dân, tạo sức lan tỏa lớn. Chính vì vậy đã có trên 65.000 nhà trọ (419.032 phòng, chiếm trên 96% số nhà trọ trên địa bàn) cam kết không tăng giá nhà trọ để chia sẻ khó khăn cho hơn 1,2 triệu người ở trọ. Ước tính, người lao động tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, các cấp chính quyền cơ sở đã phối hợp cùng với chủ nhà trọ để công nhân được hưởng giá điện, nước theo quy định, trợ vốn cho công nhân tự tạo việc làm, thăm hỏi tặng quà và tiền cho công nhân bị bệnh hiểm nghèo, tổ chức các hoạt động bán hàng giá rẻ...
Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, trước tình hình quan hệ lao động tiếp tục diễn biến phức tạp; chính sách tiền lương tuy có điều chỉnh nhưng thu nhập của người lao động chưa đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Trước tình hình trên, LĐLĐ TP đã chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động nắm sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phối hợp xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động tại doanh nghiệp, nhất là những công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, các cấp công đoàn đã có hỗ trợ vé xe cho 23.160 công nhân về quê ăn tết với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng; chăm lo cho 390.309 CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 439,5 tỷ đồng. Tổng cộng có 431.463 CNVC-LĐ được chăm lo với số tiền trên 453,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng đã linh hoạt vận động gần 2.000 trường mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình không tăng giá giữ trẻ đối với con công nhân, dân lao động nghèo. Vận động DN chủ động tăng tiền lương, trợ cấp nhà ở, các loại phụ cấp và tăng chất lượng bữa ăn, hỗ trợ tiền xăng di chuyển.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn, hội cũng thành lập các nhóm, câu lạc bộ trợ sức, từ đó xây dựng thành công ngày càng nhiều mô hình như: nhà trọ văn minh - nghĩa tình, khu lưu trú văn hóa, nhà trọ xanh - sạch - đẹp...
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng: Thành quả lớn nhất của cuộc vận động này là tạo được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó làm cho cuộc vận động lan tỏa khắp nơi. Có được kết quả như trên không thể không nhìn nhận thành quả từ cách đổi mới phương thức vận động nhân dân của đội ngũ cán bộ dân vận các cấp. Chính cách làm bám địa bàn, bám dân, đặt mình vào vị trí của người dân đã làm cho các cuộc vận động của TP đạt hiệu quả thiết thực, góp phần chia sẻ khó khăn cùng người lao động nghèo TP.
Hồ Việt (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
| |
|