Thủ Thiêm - Bao giờ “nhả ngọc”?

Kỳ 1: Ký ức Thủ Thiêm

Kỳ 1: Ký ức Thủ Thiêm

Chiếc cầu Thủ Thiêm nối liền bờ Đông và bờ Tây sông Sài Gòn đang hối hả ngày đêm vươn từng nhịp để kịp hợp long vào cuối năm nay. Cả vùng bán đảo Thủ Thiêm đang rùng rùng chuyển động để dần hình thành một khu đô thị mới hiện đại cùng “Hòn ngọc viễn Đông” - Sài Gòn tỏa sáng trong tương lai. Nhưng vẫn còn đó trong ký ức nhiều người dân Sài Gòn về một vùng sông nước thuở mới khai phá.

Bán đảo Thủ Thiêm xưa...

Cuối năm 1861, khi tàu hải quân Pháp tiến vào sông Sài Gòn thì đã thấy có hai làng lớn nằm hai bên bờ sông là Khánh Hội và Thủ Thiêm, trong đó vùng bán đảo Thủ Thiêm đã phát triển từ rất sớm, theo dấu chân của những cư dân đầu tiên khai phá vùng đất Bến Nghé. Theo sử sách, ngôi chợ Thủ Thiêm còn gọi là chợ Giao Quí ở phường An Lợi Đông (nay là phường Thủ Thiêm) được xây dựng năm 1751. Theo mô tả, khi ấy ghe thuyền tấp nập qua lại hai bên bờ sông để buôn bán, chở khách, len lỏi vào các rạch Bến Nghé, Thị Nghè. Cũng theo sử sách, chữ “Thủ” trong tên gọi của Thủ Thiêm là để chỉ một đồn canh phòng trên sông do chính quyền thời đó xây dựng. Còn “Thiêm” là tên (không rõ họ) một vị quan đứng đầu đồn canh này.

Những chiếc ghe chở khách qua lại hai bờ sông Sài Gòn giờ mục nát, nằm chỏng chơ tại bến đò Cây Bàng. Đây cũng là vị trí của công trường thi công cửa hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2.

Những chiếc ghe chở khách qua lại hai bờ sông Sài Gòn giờ mục nát, nằm chỏng chơ tại bến đò Cây Bàng. Đây cũng là vị trí của công trường thi công cửa hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2.

Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng, thuận lợi cho các loại bàng, năn, lác phát triển, nhất là cây bàng. Địa danh Cây Bàng (bến đò Cây Bàng) cũng bắt nguồn từ nghề đươn (đan) đệm buồm bằng lá bàng, đặc biệt là dùng cho ghe đi trên sông, rất phát triển ở vùng này (nay là phường An Lợi Đông, sát bờ sông phía Đông Sài Gòn). Minh chứng cho sự phát triển của nghề này, dân gian còn lưu truyền câu ca: Ngó lên trên chợ Thủ Thiêm/Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu.

Năm 1864, do buôn bán phát triển, giao thông trên sông Sài Gòn trở nên phức tạp, nhiều tàu lớn ra vào thường xuyên nên cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng bên bờ Tây sông. Cột cờ có treo cờ báo hiệu mỗi khi tàu lớn ra vào cảng và bong bóng để báo hiệu các trận giông bão lớn giúp tàu, ghe kịp thời trú tránh. Thời những năm của thập niên 60 ấy, khách và công nhân các hãng buôn, hãng sửa chữa tàu, công chức… qua lại hai bên bờ sông Sài Gòn hàng ngày chủ yếu bằng phương tiện ghe nhỏ, chở chỉ hơn chục người.

Không biết con gái Thủ Thiêm hay các cô chèo ghe đưa khách đi về hai bờ sông “cao giá” cỡ nào mà trong tập sưu khảo Sài Gòn-Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam có ghi lại một câu ca dao không rõ nguồn gốc và thời gian xuất xứ: Bắp non mà nướng lửa lò/Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm. Mang câu ca dao này ra hỏi ý nghĩa, cụ Nguyễn Văn Du (ngụ tại 318 phường An Lợi Đông), năm nay 80 tuổi, sống từ thời “cha sanh mẹ đẻ” tại ấp Cây Bàng đến giờ, bật cười móm mém mà lắc đầu, không giải thích được. Các bà, các chị ngồi gần đó, những người mòn đời chèo ghe đưa khách trên sông Sài Gòn, cũng lắc đầu.

Chị Châu Văn Tú, năm nay 53 tuổi, chèo ghe đưa khách từ bé thì kể: “Bến ghe khách Cây Bàng-Thủ Thiêm nằm ngay vị trí mà hiện nay là công trường đang thi công đường hầm Thủ Thiêm. Người dân ấp Cây Bàng sống chủ yếu nhờ nghề chèo ghe đưa khách, cộng thêm buôn bán lặt vặt các thức ăn, thức uống trên sông, trên bến. Thu nhập của tụi tôi tính theo giá tiền hiện tại được hơn trăm ngàn mỗi ngày. Rồi phà ngày càng nhiều chuyến nên nghề chèo ghe đành phải dẹp bỏ”.

Theo lời kể của cụ Du, thời Pháp, con đường ven sông hiện nay là đường đất đỏ, dân cư chỉ sống một bên đường, bên kia đường là bờ sông Sài Gòn lau sậy, năn, lác um tùm cao quá đầu người. Mỗi lần có triều cường hay bão lớn, nước sông tràn đường, cuốn trôi cả nhà. Người dân ấp Cây Bàng chỉ bám vào bờ sông mà sống, không dám đi sâu vô vùng lõi bán đảo để buôn bán, khai thác thủy sản, trồng cấy hoa màu vì lỡ vô rồi, giặc tràn vào bố (càn) thì vô không được mà ra là bị bắt ngay. Bản thân cụ Du cũng bị bắt theo dạng này, sau đó bị giam mấy năm vì bị nghi là Việt Minh nằm vùng. Mãi đến năm 1954 cụ mới được thả...

Cũng như nhiều người dân đã bao năm sinh sống ở Thủ Thiêm, tuy ít nhiều lưu luyến vùng đất cũ nhưng cụ Du hiểu rằng để cuộc sống không ngừng phát triển, phải biết chấp nhận hy sinh, mất mát, cho dù trong lòng còn ngổn ngang những nỗi niềm...

Nỗi niềm người và cảnh

 Theo quy hoạch, KĐTMTT sẽ có 15,5 ha tái định cư (TĐC) tại chỗ. Các khu TĐC được phân bố như sau: khu dân cư An Phú-An Khánh có 711 căn hộ; khu dân cư An Phú 531 căn hộ; khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi 1.002 căn hộ; khu dân cư Nam Rạch Chiếc 5.481 căn hộ; khu dân cư Bình Khánh 3.000 căn hộ. Ngoài ra, do các dự án TĐC không xây dựng kịp vì tiến độ giải tỏa chậm nên UBND TP đã cho phép Ban quản lý KĐTMTT có thể mua lại nhà của các dự án liền kề với KĐTMTT để phục vụ cho nhu cầu TĐC của người dân. Việc mua nhà TĐC sẽ dựa trên cơ sở thương lượng với mức giá do Sở Tài chính TP đề ra. Nhà TĐC là nhà thương phẩm hoàn chỉnh và do người mua tùy ý lựa chọn chứ không bị áp đặt.
P.V.

Trước ngày đất nước thống nhất, bến phà Thủ Thiêm chỉ có 4 chiếc phà mang số thứ tự 1, 2, 3, 4. Sau đó, do đây là bến phà chủ yếu nối giao thương hai bờ sông Sài Gòn, hơn nữa dung lượng khách qua lại ngày một tăng nên bến được tăng cường thêm 3 chiếc phà nữa, mang ký hiệu A, B, C. Hiện nay, bến phà Thủ Thiêm có 7 chiếc phà hoạt động suốt 24 giờ.

Anh Nguyễn Văn Phú (ngụ tại cư xá Công Nhân, đường Trần Não), công tác liên tục 32 năm tại bến phá Thủ Thiêm, bùi ngùi: “Tôi đã làm qua bốn, năm đời giám đốc ở đây, lăn lộn trưởng thành từ khi làm kỹ thuật phà, rồi làm bảo vệ. Nay Nhà nước quyết tâm phát triển Thủ Thiêm, tôi rất mừng”. Tuy nhiên, chỉ vài ba năm nữa là anh Phú đến tuổi về hưu, cũng là thời điểm những con phà Thủ Thiêm đưa những chuyến khách cuối cùng qua lại hai bờ sông Sài Gòn.

Nhìn đăm đăm những con phà rời, cập bến, đôi mắt anh Phú nặng trĩu những nỗi niềm vì cho đến nay công nhân bến phà này chưa nhận được một thông báo chính thức nào về việc giải quyết các chế độ như: nghỉ việc sớm, nghỉ hưu, bố trí công tác khác… khi bến phá chấm dứt “sứ mệnh lịch sử”. Họ chỉ nghe phong thanh là phà Thủ Thiêm sẽ chuyển về bến phà Cát Lái nhưng chuyển bao nhiêu chiếc, bao giờ chuyển thì thông tin rất mờ mịt. Hiện nay, công nhân viên bến phà ai cũng mang vẻ buồn rầu không giấu giếm.

Với anh Trần Văn Hiếu (ngụ tại A46/6 đường Lương Định Của, phường An Khánh), nguyên là công nhân Nhà máy Đóng tàu Ba Son thì khi anh dọn về ngôi nhà mới, xây bằng phần lớn số tiền bồi thường giải tỏa cũng là lúc anh từ biệt cái nghề bện chổi gia truyền đã theo anh suốt hơn 32 năm ở vùng đất này. Chuyển về chỗ ở mới, khang trang hơn nhưng anh cũng chưa biết tương lai gia đình mình sẽ ra sao, kiếm sống bằng nghề gì vì anh đã qua tuổi 50 từ lâu rồi.

Đó cũng là nỗi niềm chung của người dân Thủ Thiêm hiện nay. Chị Châu Văn Tú cũng vậy. Chị bỏ ghe lên bờ buôn bán tạp hóa lặt vặt độ nhật ở con đường Ven Sông, phường An Lợi Đông, đã gần chục năm nay. Chị thẳng thắn bày tỏ, khi chiếc cầu Thủ Thiêm nối hai bờ Sài Gòn thì cũng là lúc chị bắt buộc phải di dời nhưng chưa biết đi đâu, về đâu. Có thể nói, việc di dời hàng chục ngàn hộ dân ở bán đảo Thủ Thiêm là một cuộc di dời dân cư lớn nhất từ trước đến nay của TPHCM, để xây dựng những công trình cũng lớn nhất từ trước đến nay. Và cũng có thể khẳng định, đây cũng là dự án di dời được nhiều người dân đồng tình ủng hộ nhất. Sẽ nhân văn hơn, công bằng hơn, khi có những phương án tái định cư tại chỗ hiệu quả, thuyết phục để người dân Thủ Thiêm phần nào được hưởng lợi trực tiếp từ khu đô thị mới mọc lên từ vùng đất đã gắn bó với họ qua bao thế hệ.

 Theo vị trí địa lý, bán đảo Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng hơn 300m đường sông. Vùng đất bán đảo này có diện tích 737ha, hiện đang là nơi sinh sống và làm việc của khoảng 40.000 dân, đa phần là công chức, công nhân sáng đi, chiều về giữa hai bờ sông Sài Gòn. Thống kê cho biết, kinh tế Thủ Thiêm chỉ tăng trưởng khoảng 5%/năm, chủ yếu người dân sống bằng sức lao động từ các công xưởng ven bờ sông Sài Gòn từ nhiều đời nay. Phần còn lại sống nhờ các nghề tự do với dịch vụ trên sông, buôn bán nhỏ là chủ yếu. Nông nghiệp hầu như không phát triển do đất hoang hóa nhiều. Các nguồn lợi từ thủy sản cũng hầu như không có. Lương thực, thực phẩm đều là “hàng nhập” từ TP.HCM.

Kỳ 2: Nhanh lên, phố Đông!

 QUỐC ĐỊNH - TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục