Năm mới nói chuyện sách cũ

Năm mới nói chuyện sách cũ

1.  Một nhà văn bạn tôi kể lại với giọng xúc động, rằng năm 1978, khi gia cảnh túng bấn đói nghèo, anh và mấy anh em trong nhà đã lén lôi những cuốn sách quý của phụ thân ra bán cho mấy bà ve chai. Lần lần, các hộc tủ chứa sách trống sạch, chỉ còn lại một hộc dài chứa toàn sách “cực quý” gồm những cuốn sách kỷ niệm của gia đình, dòng họ...

Năm mới nói chuyện sách cũ ảnh 1

Ảnh: ĐÀO THỤY

Rồi một ngày mưa đi học, bụng đói, ngang qua quán bánh xèo hương bay thơm phức, anh nhịn thèm hết nổi, bèn trở về nhà lén mang khoảng chục cuốn tự điển dày cộp đi cân ký giấy vụn để đổi lấy một bữa bánh xèo no nê.

Năm 2002, khi đã trở thành một cây bút sung sức có chút tiếng tăm, cuộc sống đã khấm khá no đủ, trong một lần ngẫu hứng tạt vào các xe bán sách cũ bên vỉa hè, anh tình cờ thấy cuốn tự điển “Nouveau Petit LAROUSSE” bìa da nâu cũ kỹ, xuất bản năm 1939 nằm buồn hiu giữa mấy chồng sách ngoại văn ít ai sờ mó đến.

Thấy cuốn tự điển sao mà quen quen, anh cầm lên, lật giở qua loa, chợt giật mình khi thấy trang đầu có chữ ký rất quen thuộc. Anh sững sờ giây lát, nước mắt chực trào ra vì vừa nhận ra đó là chữ ký của anh Hai mình. Anh ôm cuốn tự điển vào lòng, nhớ đến người cha đã khuất bóng, nhớ từng gương mặt tội nghiệp thuở hàn vi của mấy anh chị em trong nhà, nay đã tứ tán mỗi người một phương... Và, không cần cò kè thêm bớt một hai, anh đã mang về cuốn “sách gia bảo” sau 24 năm chia ly...

2.  Một anh nhà báo, cũng là bạn thân của tôi, hết lời ca ngợi mấy chỗ bán sách cũ với tấm lòng “tri ân cảm kích” vì nhờ có những chiếc xe mua bán sách cũ nằm khép nép trên vỉa hè rộng thoáng bên các con đường lớn trong thành phố mà nhiều người đã tìm được những cuốn sách quý, sách hay, sách hiếm với giá nhiều khi “mềm” đến mức ngoài sức tưởng tượng! Mẹ của anh là một nữ sĩ (có mặt trong cuốn “Nữ sĩ Việt Nam” của Như Hiên - Nguyễn Ngọc Hiền xuất bản năm 2006).

Trước năm 1975, tập thơ “Hương Đạo Hạnh” của bà đã được giới văn học nghệ thuật đánh giá cao. Vì vậy tập thơ mỏng này đã được tái bản. Nhưng sau bao năm thăng trầm biến đổi, trong tay nữ sĩ không còn một bản “Hương Đạo Hạnh” nào. Đó là điều ưu buồn của người mẹ và trở thành niềm trăn trở của người con trai.

Anh mở cuộc săn lùng trong nhiều năm trời, tìm đến các điểm bán sách cũ, tìm đi rồi tìm lại, ghé đến rồi đi, đi lại ghé... Đến năm 2004, anh mừng hơn bắt được vàng khi tìm thấy tập thơ “Hương Đạo Hạnh” nằm dưới chồng sách “thập cẩm” ở vỉa hè. Anh xin cảm ơn những người bán sách cũ vì nếu họ đốt xé, hay gom chung vào mớ giấy loại để đưa ra chợ cho mấy chị bán hàng gói tiêu, muối, bột ngọt, thì biết bao giờ anh mới gặp được tập thơ mà mẹ anh đã bao năm hoài tưởng nhung nhớ?

Trong thế giới của sách cũ có những câu chuyện, những tình tiết rất bất ngờ và xúc động như vậy đó. Sách cũ, sách xưa vẫn còn đó cái hồn phách lãng đãng mang chút kỳ quặc huyền bí. Cũng vì vậy mà vào thời buổi “A còng” tân tiến hiện đại với công nghệ thông tin như phép thần thông siêu thuật, cả một thư viện đồ sộ có thể nằm gọn lỏn chỉ trong một chiếc đĩa CD, nhưng vẫn còn rất nhiều người hoài cổ thích đến với sách cũ, với chút hy vọng tìm được những giờ phút êm đềm cùng dĩ vãng bâng khuâng, hay những giờ phút lặn hụp thỏa chí trên dòng sông quá khứ lững lờ trôi ngang giữa cuộc sống hiện tại vốn nhiều thực dụng và bon chen...

3. Kể từ sau hai đợt triển lãm sách rất ấn tượng ở TP Hồ Chí Minh, sách cũ xuất bản trước năm 1975, và xưa hơn là giai đoạn 1945 - 1954, đã được nhiều người quan tâm săn tìm để sưu tập. Sách cũ đã được nâng niu, ve vuốt, rồi được đưa lên các kệ tủ một cách trân trọng, thoát khỏi số phận lăn lóc hẩm hiu bao năm dài.

Sách cũ đã trở thành một mặt hàng “thượng lưu quý phái” để trao từ tay người này sang tay người khác, chuyển từ tay người chuyên mua bán đến tay người sưu tầm khắp đó, khắp đây. Sách cũ bỗng nhiên có mặt trong danh sách các mặt hàng của những tay mua bán cổ vật, để rồi giá trị từng cuốn được hét lên nghe lùng bùng óc tai. Và nghe đâu, sách cũ cũng đã bị “chảy máu” ra nước ngoài do nhiều Việt kiều hồi hương săn lùng mua cho được những đầu sách nổi tiếng quý hiếm, và cả sách cấm.

Có những cuốn sách đã rách bươm tơi tả, ẩm mốc, mọt ăn, mối gặm, không còn bìa, nhưng người ta vẫn bán, vẫn mua. Có những cuốn không phải đã bị tuyệt bản, vì hiện nay đã được tái bản nhiều lần với hình thức đẹp hơn, nội dung đầy đủ và chính xác hơn, vậy mà người ta vẫn thích săn mua bản cũ để đưa vào tủ sách nhà mình. Nhưng có những cuốn còn mới, thẳng thớm từ ngoài bìa vào trong ruột, chưa rọc trang, vậy mà chẳng ai màng rớ đến, nên được xếp vào loại “kén người đọc”, phải nằm ì đó mà chờ thời, đợi duyên.

Một tay chơi sách ở Nha Trang kể rằng, sau khi bán bộ sưu tập tiền xưa đồ sộ với giá 70 triệu đồng anh ta liền ôm số tiền đó vào TPHCM để săn tìm mua sách cũ trước 1975. Ròng rã 3 ngày trời lặn lội khắp các điểm mua bán sách cũ có tiếng mà anh ta biết được qua các phóng sự trên mạng Internet và báo chí, sau cùng anh ta đành ngậm ngùi trở về với nỗi thất vọng chỉ mua được một bộ gồm 2 cuốn “Tuấn - Chàng trai đất Việt” của Nguyễn Vỹ đã bị bung gáy rách trang, te tua bầm dập với giá… 500.000 đồng! Bộ sách này hiện nay đã được tái bản với bìa cứng, giấy tốt, chữ to đẹp, nhưng anh ta không muốn mua vì... mới quá, tân thời quá!

Thăm dò ở một số điểm mua bán sách cũ trong nhiều ngày, tôi được biết giá của một số loại sách cũ, dĩ nhiên giá cụ thể còn thay đổi soành soạch theo tháng ngày, theo thời điểm, tùy người mua - kẻ bán, cũng như tùy ở nguồn sách có nhiều - có ít - không có. Một bộ 2 cuốn “Thành ngữ Điển tích Danh nhân Tự điển” của Trịnh Vân Thanh bán được với giá 2 triệu đồng.

Cuốn “Đất Việt trời Nam” của Thái Văn Kiểm giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Bộ “Việt Sử tân biên” gồm 7 cuốn của Phạm Văn Sơn giá 3,5 triệu đồng. Trọn bộ 28 cuốn “Tập san sử địa” giá khoảng 5 triệu đồng. Bộ 2 cuốn “Khổng Học đăng” của Phan Bội Châu giá trên 2 triệu đồng. Cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” của Nguyễn Vỹ được bán với giá 200.000 đồng. Bộ 3 cuốn Thượng - Trung - Hạ “Việt Nam Thi nhân Tiền chiến” bán với giá 1 triệu đồng, nếu cuốn lẻ thì chỉ 200.000 đồng/cuốn.

Cuốn “Hán Việt tự điển” xuất bản năm 1941 của Đào Duy Anh đã bán được với giá 500.000 đồng. Các cuốn “Mùa cổ điển” (1960), và “Mộng Ngân Sơn” (1966) của Quách Tấn (đều có bút tích đề tặng, chữ ký, và dấu triện của tác giả) cùng có giá nghe “điếc con ráy”: 2 triệu đồng/cuốn! Nói chung, những cuốn sách có “chữ ký - bút tích - con triện” của tác giả, đều tăng giá trị lên gấp bội, gấp chục lần, có khi tăng lên “vượt khung” để “không ai mua được vì chủ sách không hề muốn bán”. Hóa ra, người chơi không chỉ sưu tầm tác phẩm quý hiếm, mà còn sưu tầm “chữ ký để đời”.

Đâu phải chỉ sách cũ trước 1975 mới có giá. Có những cuốn sách mới xuất bản gần đây nhưng đã tuyệt bản (nghĩa là sẽ không tái bản lần nào nữa), như: “Trần Tấn Quốc - 40 năm làm báo” hay “Rèn kiếm - Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc chọn lọc” nay có thể bán được với giá từ 200.000 - 300.000 đồng!

Những cuốn sách gây xôn xao trên văn thi đàn, gây “sốc” cho dư luận, hoặc bán chạy (The number one bestseller) như tôm tươi, như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, “I am đàn bà” của Y Ban, hay các truyện dịch “Rừng Na Uy” văn học Nhật Bản, “Chuyện tình một đêm” văn học Trung Quốc, “Người tù bé nhỏ” của Jane Elliott... đều có giá cao hơn giá bìa, nếu là bản in lần thứ nhất.

4. Chuyện mới xảy ra cách đây vài tháng, một “thư phòng sách cổ - sách xưa” ở xã ngoại thành Diên Phước (huyện Diên Khánh - Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang khoảng 15 cây số, đã được rao miệng “bán chụm” với giá 80 triệu đồng không thêm, không bớt.

Nghe rằng, có những bộ sách cực kỳ quý hiếm còn mới keng không nếp gấp, có những đầu sách có đến 2 bộ (một để chưng, một để đọc), và những cuốn in trên giấy dó từ thời trước năm 1945, như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Tinh thần Phật giáo” của Vũ Trọng Can, “Siêu hình học” của Nguyễn Đình Thi, và các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn... nhưng chủ nhân nhất quyết không bán lẻ. Khi dân chơi sách Nha Trang ôm tiền tới thì “thư phòng quý hiếm” ấy đã trống trơn. Hỏi hàng xóm mới hay, dân Sài Gòn đã đánh 3 xe ra tận nơi, không biết mua với giá bao nhiêu, chỉ thấy sách chất trên xe nghẹt cứng.

Quanh quẩn trong thành phố Nha Trang, hiện đang có nhiều điểm bán sách cũ. Một “chợ sách cũ” hình thành lặng lẽ từ 10 năm qua trên đường Hoàng Hoa Thám, ở đó có 4 người chuyên mua bán sách cũ, đếm ra có đến 6 chiếc xe đẩy đầy sách, không tính sách được bỏ trong các bao tải.

Ngoài ra, còn có một điểm trên đường Trần Quý Cáp, một điểm trên góc ngã tư Quang Trung - Lý Tự Trọng, và một điểm khác trên đường Lê Đại Hành. Nếu bạn là người yêu quý sách, thích sách cũ, muốn mua sách giá rẻ, hãy thử một lần dạo chơi thành phố biển du lịch để đến với thế giới sách cũ qua những điểm mua bán vừa kể trên. Biết đâu, bạn sẽ có được trong tay một cuốn sách quý hiếm mà bao năm bạn mỏi mắt trông tìm...

UẤT KIM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục