Lũ dữ lại nhấn chìm miền Trung

Lũ dữ lại nhấn chìm miền Trung

* Đã có 19 người bị lũ cuốn trôi (Quảng Nam: 9, Quảng Ngãi: 3, TT-Huế: 4, Đà Nẵng: 1, Quảng Trị: 1, Quảng Bình: 1); hiện 10 người chưa tìm được thi thể...

Quảng Nam: 9 người chết và mất tích

Đến 19 giờ tối 31-10, số người chết và mất tích do lũ ở Quảng Nam đã lên đến 9 người, trong đó có nhiều nạn nhân là học sinh.

Lũ dữ lại nhấn chìm miền Trung ảnh 1

Nhà bị ngập sâu hơn 2m, 3 mẹ con chị Bùi Thị Hiệu (xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) phải sống tạm trên ghe. Ảnh: MINH TRUNG

Hiện 60 xã, phường của Quảng Nam (có 68.000 dân) vẫn còn bị mưa lũ ngập sâu từ 1-2 mét. Ngoài các huyện miền núi như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang bị vô lập, nhiều huyện đồng bằng cũng bị lũ cô lập, như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… Rất nhiều hồ chứa nước bị tràn và có nguy cơ vỡ.

Mưa lũ lớn kèm theo giông sét đã làm hỏng hệ thống điện chiếu sáng của 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, mất hệ thống thông tin liên lạc tại huyện Phước Sơn, làm hư Trung tâm Truyền hình cáp Quảng Nam . Hiện nước sông Thu Bồn và Vu Gia chưa có dấu hiệu rút.

Tại Hội An, khu phố cổ lại chìm trong biển nước. Nhiều tuyến phố và đường ngang bị ngập sâu từ 1m, đến 2m nặng nhất là đường Bạch Đằng và Nguyễn Thái Học và một số tuyến đường ngang, khu Đồng Hiệp - An Hội khu phố cổ bị lũ phong tỏa, gần 300 tiểu thương chợ Hội An cũng đóng cửa sạp chạy lũ. Để bảo vệ 63 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ, chiều 30-10, UBND thị xã Hội An đã huy động hàng trăm thanh niên xung kích ra quân chèn chống và gia cố đất, đá vào nền móng...

Đà Nẵng: Tây Hòa Vang bị lũ chia cắt

Lũ dữ lại nhấn chìm miền Trung ảnh 2

Phố cổ Hội An chìm ngập trong lũ, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: MINH HẢI - VÕ LINH

Đến chiều 31-10, lũ đã làm (có 4.000 hộ dân) 24 thôn thuộc các xã Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Phong (huyện Hòa Vang)... ngập trong nước. Một số tuyến đường bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m, làm cho giao thông bị gián đoạn. Nguy cơ sạt lở tại các thôn Nam Yên, Lộc Mỹ, Phò Nam (xã Hòa Bắc) là rất lớn. Đến sáng ngày 31-10, các lực lượng chức năng đã di dời cho 23 hộ dân (huyện Hòa Vang) ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Hiện nay, do nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về nên lũ trên sông Hàn tại Cẩm Lệ là 1,48 m dưới mức báo động III: 0,22 m và đang có khả năng vượt mức báo động III trong đêm 31-10. Do mưa to, ngập lụt nhiều nơi nên phòng giáo dục huyện Hòa Vang đã cho trên 14.000 học sinh nghỉ học ngày 31-10 để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xẩy ra. Đến chiều 31.10, Đà Nẵng đã có một người chết là ông Lâm Quang Vĩnh (62 tuổi), trú thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang bị lũ cuốn trôi trong sáng 31-10.

Quảng Ngãi: Tê liệt giao thông, liên lạc ở miền núi

Chiều qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết, vào ngày 29-10 trong lúc đi chăn trâu về bà Đinh Thị Chiều, 55 tuổi ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị nước lũ cuốn trôi. Đến 15 giờ chiều hôm qua mới tìm thấy tử thi. Như vậy, đợt mưa lũ vừa qua tỉnh Quảng Ngãi có 2 người chết do lũ cuốn trôi và 1 người mất tích.

Nước lũ cũng đã cuốn trôi 43 nhà ở, làm tốc mái hư hỏng gần 170 nhà, 10 phòng học bị hư hỏng nặng học sinh phải nghỉ học; hệ thống thông tin liên lạc đến các xã vùng cao bị tê liệt. Mưa lũ đã làm thiệt hại chủ yếu ở các huyện miền núi như Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà . Điều lo lắng nhất hiện nay là mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường nên một số xã ở miền núi bị cô lập, do đó việc vận chuyển lương thực, thuốc men, nhà bạt... để giúp các gia đình bị nạn vẫn chưa thực hiện được.

Quảng Trị: 128 nhà dân sập đổ và tốc mái, 1 người bị cuốn trôi

Lũ dữ lại nhấn chìm miền Trung ảnh 3

Lực lượng Tỉnh đội Quảng Trị cứu hộ cứu nạn ở vùng ngập lũ huyện Triệu Phong.

Đó là ông Trần Văn Long (39 tuổi), ở thôn Nạ Nẫm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông bị lũ cuốn trôi khi cứu 2 học sinh đang lội qua suối. Lốc xoáy tại xã Hải Hòa, Hải Thiện (Hải Lăng) và xã Triệu Long (Triệu Phong) làm 128 nhà dân tốc mái và 3 ngôi nhà khác bị sập đỗ hoàn toàn; 3 phòng học của Trường THCS Hải Thiện tốc mái và làm 4 người bị thương, trong đó các nạn nhân Phạm Cảnh Đê và Võ Văn Liễn ở thôn An Thơ, xã Hải Hòa (Hải Lăng) bị thương nặng.

Tính chung, Quảng Trị có gần 6.000 ngôi nhà hư hỏng, cháy và gãy đổ 1 trạm biến áp ở Tân Viên (Hải Thọ, Hải Lăng), 1 trụ điện trung thế ở Bắc Long (Triệu Long, Triệu Phong); hơn 10km đê bao Hải Lăng bị sạt, xói lỡ; 5 cây cầu ở Hải Lăng bị hư hỏng nặng…

13 giờ chiều 31-10, mưa lớn đã gây ngập chìm nhiều đường phố trên địa bàn Hà Tĩnh từ 50 đến 70mm. Trên quốc lộ 1A, nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn do mưa lớn ngập chìm. Nước nhấn chìm hàng hơn 2.000 diện tích đất hoa màu.

Quảng Bình: Hơn 5.000 nhà dân bị lũ cô lập

 Tính đến 18g ngày 31-10 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lũ đã lên mức báo động III. Mưa to vẫn diễn biến phức tạp. Các xã miền núi như Trường Thủy, Sơn Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy… giao thông bị lũ chia cắt. Đường 10 từ miền xuôi lên miền núi bị tê liệt. Trong khi đó tại vùng trũng, các xã dọc sông Kiến Giang như An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Hoa Thủy và Hợp tác xã Đại Phong… hoàn toàn bị lũ cô lập.

Thống kê mới nhất cho thấy huyện Lệ Thủy có hơn 5.000 nhà dân ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m nước, mưa to kèm lốc đã làm tốc mái hoàn toàn 12 nhà dân tại xã Dương Thủy, cháu bé 2 tuổi Nguyễn Văn Hưng ở Hoa Thủy bị chết do lũ khi bố mẹ dọn đồ chạy lũ, cháu bị rơi xuống nước. Huyện Lệ Thủy đã cho học sinh trên toàn huyện nghỉ học. Trong khi đó tại huyện Quảng Ninh cũng có hàng ngàn nhà dân bị ngập do lũ lụt. Hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh đã chuẩn bị đầy đủ lương thực trong vòng 5 ngày cho người dân vùng lũ chống đói.

Lũ lụt gây cô lập hàng ngàn ngôi nhà tại Lệ Thủy, Quảng Bình, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền.

Thừa Thiên - Huế: Lũ lên nhanh

Chiều ngày 30-10, một cơn lốc lớn bất ngờ quét qua các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền... làm 26 người bị thương, gần 200 ngôi nhà và phòng học bị tốc mái. Khi người dân chưa kịp hoàn hồn do lốc gây ra thì trong đêm 30 và rạng sáng ngày 31-10 nước lũ lên nhanh với tốc độ chóng mặt làm người dân không kịp trở tay.

Có mặt tại vùng rốn lũ huyện Quảng Điền, tất cả đều chìm trong biển nước, phải mất gần 3 giờ di chuyển bằng xe, lội bộ rồi tăng bo bằng thuyền máy, chúng tôi đến xã Quảng Thành. Tại đây 2.600 hộ dân với 11.000 nhân khẩu đều bị ngập sâu trong nước, hàng chục hộ dân đang dựng lại nhà cửa do lốc làm hư hại. Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Nhân, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, trước mắt xã cũng đã hỗ trợ mỗi nhà bị tốc mái 10kg gạo và 1 thùng mì tôm. Đến chiều 31-10 đã khắc phục về nhà ở cho dân khoảng 50%. Rất nhiều vùng ở Quảng Điền, Phú Vang hiện đang còn bị ngập sâu trong nước.

Hệ thống điện chiếu sáng trong các khu vực này cũng đã bị ngắt, đến 16 giờ ngày 31-10, một số phường trong thành phố Huế và các huyện vẫn chưa có điện. Tính đến 16 giờ ngày 31-10, các địa phương đã triển khai di dời được 1.996 hộ với 7.576 khẩu từ vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét và trượt lở đất đến nơi an toàn. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở gây ách tắc giao thông một số vị trí từ Km384+600 đến Km402+350, quốc lộ 49A bị sụt taluy một số vị trí. Hiện đơn vị quản lý đường đang khắc phục để sớm giải phóng ách tắc giao thông. Riêng đoạn đường sắt Bắc Nam bị ách tắc do ngập lụt sâu ở huyện Hương Trà, Phong Điền và Hương Thủy, có thể chiều tối nay nước rút sẽ thông tàu.

Trước tình hình lũ lụt phức tạp, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với Cục Dự trữ quốc gia để tiếp nhận 1.000 tấn gạo do Trung ương hỗ trợ. Trước mắt tỉnh xuất 380 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại. Đồng thời xuất 26 tấn mì tôm từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương. Riêng A Lưới và Nam Đông cho phép sử dụng số gạo đã dự trữ (Nam Đông: 17 tấn, A Lưới: 30 tấn) để xuất cho nhân dân. Từ nay trở về sau khi có thông báo lũ báo động 3 trở lên, Sở Giáo dục - Đào tạo chủ động cho học sinh các trường nghỉ học để tránh các trường hợp gây thương vong như đã xảy ra.

Tính đến ngày 31-10, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 4 người chết và mất tích do lũ. Trường hợp mới nhất là cháu bé Trần Hoàng Anh (3 tuổi), số nhà 26/52 đường Thánh Gióng, TP Huế bị trượt chân chết đuối vào lúc 10 giờ ngày 31-10. 

NHÓM PV

Hôm nay 1-11: Không khí lạnh gây mưa lớn ở Trung bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo sáng nay (1-11), bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc bộ có mưa rải rác, Bắc và Trung Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; gió Đông Bắc ở Vịnh Bắc bộ lại mạnh lên cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Các tỉnh miền Bắc trời rét. Nhiệt độ phổ biến từ 16 - 25 độ C.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Lũ trên các sông từ Nghệ An đến Bắc Quảng Bình tiếp tục lên và ở mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại BĐ2 - BĐ3 và ở mức cao. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất vùng núi, sườn dốc và ngập lụt sâu vùng trũng, đồng bằng ven sông các tỉnh trên.

V.NG

*****

ĐBSCL: Lũ đầu nguồn xuống 5- 9cm/ngày

Nước lũ đầu nguồn ở ĐBSCL đang xuống nhanh. Ngày 31-10, mực nước đo được trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,72m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,39m, bình quân xuống 5- 9cm/ngày. Theo dự báo, những ngày tới nước đầu nguồn tiếp tục xuống. Đến ngày 3- 11 mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,6m (bằng báo động 2); tại Châu Đốc ở mức 3,2m (trên báo động 2 là 0,2m).


Thông tin liên quan

* Sáng nay, miền Trung chìm trong lũ 

* Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới

Tin cùng chuyên mục