Có hay không mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Vang?

Có hay không mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Vang?

Mấy ngày qua, ở TP Đà Nẵng rộ lên thông tin ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang có một mỏ đá quý có trữ lượng lớn và trị giá hàng triệu đô la tại tiểu khu 44, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa. Thông tin lan nhanh, mỏ đá “triệu đô” đã trở thành đề tài bàn tán từ quán cà phê cho đến quán ăn.

Xôn xao mỏ đá “triệu đô”

Có hay không mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Vang? ảnh 1

Đây có phải là thạch anh hồng có giá 90 đến 100 USD/kg?

Dưới cái nắng chang chang, PV Báo SGGP đã đi bộ gần 1 giờ đồng hồ đường rừng để đến chứng kiến tận mắt mỏ đá quý “triệu đô” như những lời đồn thổi. Trên đường đi từ Đà Nẵng lên Hòa Ninh, cứ thi thoảng vài phút lại có một chiếc xe máy chở đá được gói trong chiếc bao tời rách chạy vèo qua.

Chiếc chở ít thì một cục (khoảng vài chục ký mỗi cục), chiếc chở nhiều thì 3 cục chạy hướng Bà Nà về ngã ba Hòa Sơn. Đến cạnh Trạm Kiểm lâm An Lợi, chúng tôi được một người dân chỉ chiếc ô tô Honda Civic 4 chỗ ngồi màu đen và cho biết, mấy đầu nậu ở Đà Nẵng lên để mua đá. Trong buổi trưa, họ đã mua được vài chục ký đá và bỏ vào cốp xe!

Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết, phần lớn đá này được đưa về bán cho một đầu nậu tại thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Sơn với giá vài trăm ngàn đồng/cục. Ngày cao điểm có đến 30 người đến khu vực thác Mơ (thuộc tiểu khu 44, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa) để khai thác thạch anh hồng về bán.

Tại mỏ khai thác (gọi là mỏ đá nhưng thực ra chỉ rộng chừng gần 50m2), chúng tôi chỉ gặp vài người đang khai thác đá. Thấy người lạ đến, số người này lẳng lặng bỏ đi không nói năng gì, bỏ lại hiện trường vài cây búa tạ, xì-rô (để đục đá)… Một khoảng đất rộng chừng 50m2 với nhiều tảng đá lớn nhỏ vứt vương vãi. Trong số đó, có một số cục đá nhỏ màu hồng, trong suốt… Theo một người dân đang khai thác ở đây cho biết, họ đục đá 1 ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Để tìm được một mẫu đá đẹp phải tỉ mẫn đục ra từ một tảng đá lớn nằm chôn dưới đất khoảng hơn 1m và chọn ra mẫu đá có màu hồng nặng trên 5kg mới bán được.

Đá quý... bán ký!

Theo một số nguồn tin cho biết, đây là loại đá thạch anh hồng (Rose Quatrtz). Một người cho biết, 1 kg đá thạch anh hồng được bán với giá từ 5.000 đến 20.000 đồng/kg cho một đầu nậu ở xã Hòa Sơn và một số đầu nậu “di động”. Trong khi đó, giá thạch anh hồng được bán trên thị trường giá từ 90 - 100 USD/kg. Cũng theo nguồn tin này cho biết, toàn bộ đá thạch anh hồng này tập kết tại Hòa Sơn và đóng gói đưa vào tiêu thụ tại TPHCM. Giải thích vì sao thạch anh hồng được bán theo ký với giá vài chục ngàn đồng/kg, một người cho biết là “do người dân mình thiếu thông tin về đá quý” và tưởng dân nhà giàu mua về xây hòn non bộ!

Tuy nhiên, nhiều người, kể cả cán bộ của xã Hòa Ninh, lại “hoài nghi” về loại đá quý này. Một cán bộ cho biết, loại đá này đã được người dân Hòa Sơn và Hòa Ninh phát hiện và khai thác gần 10 năm trước. Thấy đá có màu đẹp nên nhiều người khai thác về xây hòn non bộ hay trang trí trong nhà chứ chưa ai nghĩ đây là loại đá quý.

Có hay không mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Vang? ảnh 2

Một khu đất rộng chừng 50m2 được cho là mỏ đá thạch anh hồng có trị giá “triệu đô”. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Điều đáng nói, việc khai thác, vận chuyển, buôn bán đá lại diễn ra công khai ngay cạnh Trạm Kiểm lâm An Lợi – cơ quan có chức năng quản lý, bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa.

Chiều 9-6, ông Nguyễn Văn Thọ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm An Lợi (thuộc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa), cho biết: Khu vực diễn ra tình trạng khai thác đá mấy ngày qua được Nhà nước giao cho Công ty Địa Cầu làm du lịch. Ngày 27-5, chúng tôi phát hiện và lập biên bản 1 trường hợp khai thác đá trái phép tại khu vực này nhưng do họ khai thác thủ công và nhỏ lẻ cho nên chúng tôi chỉ lập biên bản và đuổi ra khỏi rừng.

Nhưng khi được hỏi tại sao tình trạng khai thác đá trái phép vẫn diễn ra và vận chuyển ngang nhiên qua trạm kiểm lâm thì ông Thọ ngập ngừng, cho rằng: “Họ khai thác trộm nên vận chuyển qua suối để qua trạm nên không kiểm soát được(?!)”.

Các ngành chức năng nói gì?

Chiều 9-6, Đội kiểm tra liên ngành gồm: Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, Đội quy tắc đô thị Hòa Vang, Công an huyện Hòa Vang, UBND xã và Công an xã Hòa Ninh… đã tiến hành đi kiểm tra mỏ đá quý “triệu đô” này.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Thượng tá Phan Văn Thước, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi tiến hành kiểm tra và lấy mẫu đưa các cơ quan chức năng giám định đây có phải là đá quý như những lời đồn thổi hay không. Hiện chúng tôi chưa thể xác định đây có phải là đá quý hay không nhưng trước mắt, chúng tôi chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai lực lượng ngăn cấm không cho người dân nghe theo lời đồn thổi mà đổ xô đến khai thác gây mất an ninh trật tự”.

Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: “Ngày 9-6, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang, chúng tôi đã cử lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, xã đội… phối hợp với Công an trạm Liên xã của huyện Hòa Vang tiến hành kiểm tra và phong tỏa hiện trường chờ các cơ quan chức năng giám định, xử lý. Ngay tối nay (9-6), chúng tôi cử lực lượng túc trực 24/24 giờ không cho bất cứ người dân nào vào rừng khai thác. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có kết quả giám định để nhanh chóng ổn định tình hình an ninh trật tự”. 

Chiều 9-6, một cán bộ Đội Quy tắc đô thị huyện Hòa Vang (người quê gốc xã Hòa Khương), cho biết: “Theo tôi nghĩ, đây chỉ là loại đá bình thường vì loại đá này có nhiều ở các xã của huyện Hòa Vang. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, một tin đồn thổi tương tự đã xảy ra ở xã Hòa Khương làm người dân nhốn nháo đi đêm hôm đội thúng, đội bao ra khu vực Gò Hà thắp đèn đào đá mang về nhà cất giấu. Thế nhưng, mấy ngày sau thì loại đá đó bán chẳng ai mua đành mang ra hè đổ. Đá quý đâu không thấy, chỉ thấy người dân mất công, còn môi trường thì bị tàn phá. Mà ở Hòa Khương, cũng loại đá tương tự như thế này nhưng có kết cấu hình trụ lục giác (lục lăng), có màu đẹp hơn loại đá này”.


NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục