Văn hóa thể thao

Bóng đá TPHCM - sống để mà tin: Bài 1: Thời hoàng kim

Trước tiên, người viết bài này cho rằng huấn luyện viên Lư Đình Tuấn không hề có lỗi trong việc CLB.TPHCM rớt hạng. Anh không đưa bột, hoặc đưa bột kém chất lượng, không thể bắt người ta gột nên hồ được, dù người đó là Lư Đình Tuấn, Ferguson hay Mourinho.
Bóng đá TPHCM - sống để mà tin: Bài 1: Thời hoàng kim

1. Trước tiên, người viết bài này cho rằng huấn luyện viên Lư Đình Tuấn không hề có lỗi trong việc CLB.TPHCM rớt hạng. Anh không đưa bột, hoặc đưa bột kém chất lượng, không thể bắt người ta gột nên hồ được, dù người đó là Lư Đình Tuấn, Ferguson hay Mourinho.

Câu nói “nếu HLV Lư Đình Tuấn nhạy bén hơn trong vài thời điểm thì CLB.TPHCM đã không rớt hạng” của một ai đó là một nhận xét tủn mủn, cò con theo kiểu hàng xén. Thứ nhất, nhận xét đó hoàn toàn cảm tính, và cho dù đúng đi nữa thì vấn đề đặt ra với bóng đá TPHCM hiện nay không phải là “làm sao cho không rớt hạng”. Một thành phố trung tâm, dẫn đầu cả nước về nhiều mặt như TPHCM mà năm nào cũng quanh quẩn với chỉ tiêu “trụ hạng” thì không làm bóng đá nữa có khi là một lựa chọn vinh quang hơn!

Một thời oanh liệt.

Một thời oanh liệt.

2. Lỗi cũng không hẳn thuộc về Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF), hoặc nếu có lỗi thì lỗi đó không lớn. HFF đâu có quyết định được nhân sự như huấn luyện viên, cầu thủ hay chuyện lương, thưởng của CLB TPHCM.

Chức năng và mục tiêu của các Liên đoàn tỉnh, thành là định hướng phát triển cho bóng đá địa phương, chủ yếu ở tầm chính sách, đường lối. Cái lỗi của HFF là anh định hướng như thế nào mà bây giờ bóng đá TPHCM mất tăm mất tích trên bản đồ bóng đá quốc gia.

Lỗi đó hiển nhiên là lớn, thậm chí rất lớn, nhưng nếu chúng ta đồng ý rằng các Liên đoàn bóng đá địa phương xưa nay vẫn “hữu danh vô thực”, quyền hạn không rõ ràng, nhân sự thường xuyên xáo trộn, nhất là vẫn chưa thuyết phục được mọi người về lý do hiện diện của mình trong đời sống bóng đá bằng những đóng góp cụ thể thì rõ ràng trách  nhiệm xét cho cùng không hoàn toàn thuộc về họ.

Trong lịch sử tồn tại của mình, HFF nổi tiếng nhất không phải ở khía cạnh chuyên môn mà ở chuyện tranh chấp với Sở TDTT về quyền sở hữu và khai thác các cơ sở vật chất. Tóm lại, ý nghĩa tồn tại mù mờ dẫn đến sự kém hiệu quả về mặt hành động, HFF chắc chắn chẳng có công gì lớn nếu bóng đá TPHCM vô địch V-League và cũng chẳng có tội gì lớn khi bóng đá TPHCM bị xóa sổ khỏi V-League như đang xảy ra. Cái “tội” lớn nhất của HFF lâu nay là thực ra anh chẳng làm được bao nhiêu cho bóng đá đỉnh cao mà lại “đại ngôn” quá nhiều, bị công kích lại càng tuyên bố vung vít, tạo ra cớ cho các fan bóng đá nổi giận.

3. Sự thành công của bóng đá Long An, Bình Dương, Gia Lai, Đà Nẵng đâu có liên quan gì đến các Liên đoàn bóng đá địa phương, thậm chí người viết bài này không rõ họ có thành lập Liên đoàn bóng đá không nữa.

Hai thành phố lớn nhất nước, có tiềm năng kinh tế mạnh nhất nước là Hà Nội và TPHCM đều có Liên đoàn bóng đá hẳn hoi, ban bệ rùm ròa. Hệ quả: năm ngoái bóng đá Hà Nội bị xóa sổ khỏi V-League sau khi Hòa Phát. Hà Nội và Hà Nội.ACB “thằng chết trôi lôi thằng chết đuối” chìm nghỉm dưới giải hạng nhất, năm nay tới lượt TPHCM nối gót.

Ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng trong này cũng giống như ông Tổng thư ký Phan Anh Tú ngoài kia, đều là bậc giỏi giang chứ đâu phải tay mơ, nhưng nếu gắn liền trách nhiệm của hai ông với thành bại của từng đội bóng cụ thể thì chắc chắn hai ông “nhất mực kêu oan”. Ông Dũng vừa rồi tuyên bố “Nếu có ai giỏi hơn tôi sẵn sàng nhường ghế Chủ tịch HFF”. Khi nói như vậy chắc ông Dũng biết thừa: người “giỏi” hơn ông mà ngồi vô chiếc ghế này sớm muộn gì cũng “dở” bằng ông.

Thực tế bóng đá Việt Nam chưa cho thấy ông Chủ tịch Liên đoàn địa phương nào giỏi cả. Khi SHB Đà Nẵng lên ngôi vô địch mùa này, dân Đà Nẵng trương hình ông... Bí thư thành ủy chứ không tôn vinh một ông lãnh đạo thể thao nào!

4. Nhìn lui về quá khứ, ai cũng thấy bóng đá Hà Nội và TPHCM có một thời vô cùng oanh liệt. Thời oanh liệt đó không hề ngắn, nó kéo dài qua hàng thập niên. Thậm chí, có mùa TPHCM có cùng lúc 4 đội chơi ở hạng cao nhất quốc gia: Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Sở Công nghiệp, Công nghiệp Thực phẩm.

Nếu chịu khó phân tích, chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh lịch sử và xã hội trong giai đoạn đó chính là tác nhân tạo nên thời đại hoàng kim trong lịch sử bóng đá Sài Gòn. Thời xã hội chưa vận hành theo kinh tế thị trường, TPHCM vẫn là trung tâm giàu có nhất, chính sách thông thoáng nhất, người lao động có thu nhập cao nhất: đó chính là miền đất hứa với mọi tầng lớp xã hội. Người ta đổ xô đến TPHCM để tìm kiếm công ăn việc làm và cơ hội thăng tiến.

TPHCM các thập niên 80, 90 hấp dẫn từ kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ đến những thành phần lao động khác, trong đó có cầu thủ bóng đá. Lưu Kim Hoàng đến từ Tiền Giang, Nguyễn Văn Phụng đến từ Quảng Ngãi là những ví dụ. Lực “quy tâm” biến TPHCM thành nơi tập trung tinh hoa, hội tụ nhân tài của cả nước. Còn tài năng tại chỗ, hạnh phúc là người thành phố, có cho vàng cũng chẳng bỏ đi đâu. “Mức độ hài lòng về cuộc sống”, trong thời kỳ đó còn ở đâu hơn TPHCM!

Cầu thủ thời đó thu nhập dĩ nhiên kém hơn bây giờ nhiều, không thể sống trực tiếp bằng nghề đá bóng, nhưng ở một trung tâm kinh tế năng động như TPHCM, cha mẹ anh em vợ con cầu thủ dễ dàng bươn chải hơn hẳn những địa phương khác. Nước lên thuyền lên, bóng đá TPHCM phát triển rực rỡ. Sở TDTT thành phố hằng năm đều tổ chức Giải bóng đá toàn thành, đội bóng nhiều đến mức ngay Giải thành phố cũng phân hạng A1, A2 , B... Như một quốc gia trong một quốc gia! Danh thủ tầng tầng lớp lớp: Lưu Tấn Liêm, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Hồ Thanh Dũng, Phan Hữu Phát, Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Võ Hoàng Bửu, Đỗ Khải, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến...

Ngoài các chức vô địch quốc gia do Hải Quan, Cảng Sài Gòn, sau này là Công an TPHCM đem lại, có mùa cầu thủ Sài Gòn chiếm phân nửa đội hình tuyển quốc gia

CHU ĐÌNH NGẠN

Tin cùng chuyên mục