Quản lý Internet và game online

“Nghiện” game online, tác hại khó lường!

Hiện nay, hoạt động của dịch vụ Internet, game online ở TPHCM vô cùng nhộn nhịp, càng gần các trường học, càng xuất hiện nhiều. Đoạn đường Trần Quang Khải, thuộc quận 1, chỉ dài hơn 2 km đã có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, game online hoạt động liên tục ngày đêm (có nhiều điểm hoạt động suốt 24/24 giờ hoặc vờ nghỉ đêm với cửa khép bên ngoài nhưng bên trong vẫn hoạt động… bình thường). Khách hàng phần lớn là thanh, thiếu niên trong tuổi cắp sách đến trường. Bằng chút vốn kiến thức tin học “vừa đủ xài” đã được học ở trường, hay ở đâu đó, các tay lướt web này đã “làm quen” khá nhanh với Internet, game online. Hiện tại, do đang là kỳ nghỉ hè nên lượng khách tại các điểm dịch vụ này (nhất là game online) xem ra càng thêm đông đảo.

Chúng tôi đã từng thử đến một điểm dịch vụ Internet ở gần chợ Gò Vấp. Với diện tích chưa đầy 25m2 trên mặt tiền đường N.K đã được chủ nhân cho lắp đặt trên 30 dàn máy vi tính. Chính những người “nghiện” game online thừa nhận, lúc đầu các em chỉ lên mạng chơi, nhưng thấy quá hấp dẫn, muốn khám phá, rồi thử... và “nghiện” lúc nào chẳng hay…

Một số phụ huynh đã gắng mua sắm những vật dụng đắt tiền để hạn chế con cái tụ tập, chơi bời với bạn bè nhưng không mấy tác dụng. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình học sinh và nhà trường.

Một số trường tại TPHCM đã áp dụng những biện pháp quản lý học sinh một cách có hiệu quả như: sử dụng sổ liên lạc ghi đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và chữ ký mẫu của phụ huynh học sinh, giữ mối liên hệ thường xuyên giữa gia đình và nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm quan tâm sâu sát học sinh, đề xuất với phụ huynh những phương pháp hướng dẫn con cái họ vừa học, vừa chơi sao cho hợp lý. Nhưng, điều quan trọng hơn hết là phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn đến việc học, việc chơi của con em mình. Không nên quá dễ dãi về tiền bạc và theo sát con em để uốn nắn kịp thời.

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà chuyên môn, các bạn trẻ, nhất là trẻ em một khi vô tình đã “nghiện” game online, khí chất các em sẽ dễ trở nên hung hăng hơn, thường tỏ ra dễ dàng xung đột với người lớn và học hành tụt hậu. Nói chung, nghiện trò chơi điện tử cũng nguy hiểm không kém thói nghiện rượu chè và nghiện ma túy.

Vẫn theo các chuyên viên y khoa và tâm lý, những đứa trẻ thích đâm chém trong những game online thường có xu hướng chọc ghẹo, quậy phá bạn bè. Chúng thường hay cáu gắt và tâm thần không ổn định, có lẽ do những trẻ này vẫn thường phải chịu đựng một cảm giác trái ngược bên trong giữa cái tôi thực tế và cái tôi ảo, do hãy còn quá nhỏ, chúng cũng chưa thể khẳng định được cái tôi thực là như thế nào.

Tiến sĩ Kevin Kieffer (Trường Đại học Saint Leo ở Florida, Mỹ), đồng tác giả của một đánh giá dựa trên 20 năm nghiên cứu vấn đề này, cũng đã đưa ra nhận xét trong một tài liệu chuyên ngành: “Các game thủ trẻ tuổi thường có xu hướng bắt chước những hành động mà chúng vừa thể hiện trong game. Riêng những triệu chứng của nghiện net, nghiện game bao gồm: Luôn bị ám ảnh bởi game; mất khả năng thực hiện những nhiệm vụ bình thường hằng ngày; mất khả năng tự kiểm soát; mọi sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn; cảm thấy bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game…”.

Chúng ta không phủ nhận những tiện ích đem lại từ Internet nhưng những mặt trái của nó đang tác động xấu đến thế hệ trẻ. Việc quản lý chặt chẽ hơn nữa các dịch vụ Internet, game online là vấn đề cấp thiết của ngành chức năng nhằm ngăn chặn và giảm bớt những tệ nạn ảnh hưởng không tốt đến gia đình và xã hội.  

NGUYỄN SINH (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục