Mùa thu thật đẹp. Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một nét văn hóa có tầm ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong mọi tâm hồn người Việt. Và chúng ta luôn hãnh diện mình là một dân tộc có đời sống văn hóa. Vậy mà trong tham gia giao thông, một bộ phận cán bộ và người dân vẫn còn thiếu nét văn hóa đó. Một câu hỏi luôn được đặt ra là, tại sao nhiều người tham gia giao thông thời nay lại thiếu ý thức đến vậy? Trong khi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, ATGT là vấn đề luôn được nhắc nhở, luôn được cảnh báo.
Mùa thu và ngày tựu trường là những kỷ niệm đáng nhớ nhưng nhiều cảnh phụ huynh chở con đến trường không đội nón bảo hiểm và đậu xe lấn đường giao thông. Các em nữ sinh chạy xe đạp điện giăng ngang, đùa giỡn, sơ sẩy là những tà áo dài dễ cuốn vào bánh xe. Tai nạn xảy ra, thử hỏi ai không xót xa?!
Vậy văn hóa giao thông là gì? Tuy là một đề tài rộng, cần có các cơ quan chức năng định nghĩa. Nhưng tôi tin không thể hiểu ngoài ý nghĩa là cách ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông, luôn biết đề cao và giữ gìn vì sự bình yên của xã hội.
Muốn được như vậy, trước tiên phải dạy cho các cháu biết đội nón bảo hiểm từ lớp mẫu giáo. Ý thức này sẽ theo các cháu suốt đời, từ sự đem lại an toàn cho bản thân đến học cách giữ an toàn cho người khác. Nên để văn hóa giao thông là chủ đề thảo luận của mọi tầng lớp, nhất là HS-SV, để việc tự giác chấp hành luật giao thông trở thành nếp văn hóa mới trong thời đại chúng ta. Dĩ nhiên rộng ra là có cả ATGT đường thủy, đường sắt… kể cả người đi bộ cũng phải có trách nhiệm chấp hành luật giao thông.
Thật buồn khi hàng ngày, từ thành thị đến nông thôn, cảnh thiếu văn hóa trong giao thông luôn xảy ra. Ở thành thị thì cảnh đua xe tốc độ, cảnh đậu, đỗ xe trái phép luôn là một vấn nạn, cảnh vượt đèn đỏ, đỗ xe đón khách không đúng quy định làm mất đi nét văn minh. Ở nông thôn có câu “Ra đường sợ nhất công nông…”, người lái xe không có bằng lái, nghênh ngang trên đường quê gây tai nạn, người say rượu đứng giơ tay giữa đường, người đi xe trước khạc nhổ nước bọt vào mặt người đi sau… Tất cả đã gây nên những bức xúc của một xã hội đang cổ vũ xây dựng nếp sống văn minh. Vì thế không thể để kẻ thiếu văn hóa ngang nhiên hoành hành, gây nên cảnh đau lòng cho người khác, chưa nói chính họ cũng gánh lấy hậu quả thảm thương…
Quả vậy, vấn đề giao thông của chúng ta đang cần lắm một nét văn hóa giao thông! Văn hóa giao thông là giải pháp trật tự cơ bản mang tính sống còn của một xã hội!
Có cần nói thêm gì nữa không, khi hàng ngày sự thiếu hiểu biết đã cướp đi tài sản, cuộc sống và tình yêu của nhiều người trong chúng ta, trong khi chúng ta vẫn có thể kiềm chế và sửa đổi được
HOÀNG GIANH