Văn hóa “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Với sự phát triển của xã hội, trước cuộc sống hiện đại, niềm tin về truyền thống quý báu này có phần giảm sút. Phải chăng, nét đẹp văn hóa ấy đã bị bào mòn theo thời gian?

Thực chất, dù đâu đó trong suốt cuộc đời làm công việc “trồng người”, mỗi thầy cô đều gặp phải những học sinh ngỗ ngược với những hành vi trái đạo đức truyền thống, song đa số trong các em vẫn là những gương mặt, tâm hồn trong sáng, luôn dành cho thầy cô những tình cảm đặc biệt, sự kính yêu, tôn trọng và cả lòng ngưỡng mộ.

Chúng tôi có biết một nhóm nữ sinh cấp ba của nhiều trường trung học trong thành phố vẫn hẹn nhau ngày 20-11 hàng năm cùng trở về ngôi trường Tiểu học Lê Quý Đôn để thăm thầy cô cũ. Đối với các bạn, lớp học của những ngày đầu tiên cắp sách tới trường với những người thầy, người cô nhân hậu ngày ấy như một kỷ niệm đẹp khắc sâu trong lòng.

“Em nhớ cô Tâm, hồi ấy tóc em rất dài, suốt một ngày học tập, nô đùa, chiều nào cái đầu em cũng giống như tổ quạ, cô thường gọi em đến, chải đầu, thắt bím cho em thật gọn gàng, cô cho em cảm giác cô giống như mẹ của em vậy…” – Hà Thu, lớp 11 Trường TH Phú Nhuận kể. Đôi khi, nó chỉ là một hành động bình thường nhưng tác động tình cảm thì lại rất sâu. Có bạn giờ đã ra trường, đi làm nhưng mỗi khi có chuyện gì lại gọi điện tâm sự và xin thầy lời khuyên.

Cách đây không lâu, lớp báo chí Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khóa 97 gặp nhau tại đám tang của một người bạn chung lớp, chúng tôi gặp lại thầy Cường cùng vợ cũng đến chia buồn. Với nhiều sinh viên lớp chúng tôi, gần 15 năm từ ngày tốt nghiệp, bữa ấy mới gặp lại thầy. Thầy kể, thầy cũng ít gặp Vũ (người bạn xấu số của chúng tôi), thỉnh thoảng Vũ có điện thoại cho thầy, khi thì báo đã xin được việc, khi thì báo đã đổi chỗ làm... “Có lần thầy chuyển nhà, không hiểu vì sao Vũ biết và chạy đến để giúp thầy đóng gói đồ đạc…” – thầy kể mà giọng nghèn nghẹn. Có lẽ chỉ bấy nhiêu cũng đủ để hiểu về thứ tình cảm thiêng liêng mà thầy và trò dành cho nhau.

Một chị bạn kể, ông nội chị chỉ là một thầy giáo làng dạy tiểu học nhưng cả làng, cả xã, cả huyện đều biết tiếng. Ai cũng gọi ông bằng cái tên ông giáo Kính và bà nội chị cũng được gọi là bà giáo. Thời chống Pháp, ông bị một mảnh đạn khiến cho mất một chân. Ông mở lớp học tại nhà, dạy từ học sinh lớp 1 đến lớp 5. Lớp học của ông Kính không hề thu học phí, nhưng lúc nào nhà ông cũng đủ ăn, sống thanh bạch. Phụ huynh học sinh trả công thầy bằng tấm lòng của người dân quê chân chất, thật thà, khi thì buồng chuối chín cây, lúc mớ cá tươi mới bắt… Và từ bé chị rất tự hào vì ông mình, theo chị tiếng “thầy giáo” ở các làng quê Việt Nam nó rất đỗi thiêng liêng, thật đáng tự hào.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong dân gian lại truyền tụng nhau câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, hay câu tục ngữ thể hiện một thói quen văn hóa tốt đẹp “Mùng 1 tết cha, Mùng 3 tết thầy”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”… Lời dạy của Bác Hồ “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một đất nước muốn phát triển phải quan tâm đến giáo dục, đến sự nghiệp “trồng người”. Sinh thời, Bác còn chỉ rõ mối quan hệ giữa gia đình nhà trường và xã hội trong việc giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp “trồng người” thắng lợi.

Hiện nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự nghiệp “trồng người” cũng đang đặt ra cho xã hội những thách thức và những nguy cơ không nhỏ. Những biểu hiện xuống cấp về chất lượng, đạo đức, về quản lý do tác động của những mặt trái của nền kinh tế thị trường, chữ “nhà giáo” vì thế có nơi có lúc cũng giảm bớt giá trị thiêng liêng. Phải thấy sự nghiệp “trồng người” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và của mọi gia đình. Khi mà giáo dục được quan tâm đúng mức thì những truyền thống đạo lý của dân tộc chắc chắn được giữ gìn, phát huy.

Hoa Lau

Tin cùng chuyên mục