Văn hóa “ăn chơi” lễ tết

Còn hơn nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán, tuy nhiên nhiều năm qua Tết Dương lịch cũng được xem là kỳ nghỉ lễ của người dân, nhất là người dân ở những thành phố lớn. Năm nay, ngày 1 đầu năm 2011 rơi vào thứ bảy, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị được nghỉ bù vào ngày thứ hai, do đó kéo dài hơn dịp nghỉ cuối tuần, đồng nghĩa với thời gian “ăn chơi” cũng dài ra.

Những trò giải trí, tiêu khiển trong dịp Tết Nguyên đán cũng được mang ra chơi sớm hơn trong Tết tây. Giới trẻ và những gia đình khá giả thường chọn đi du lịch trong những ngày tết lễ. 3 ngày đủ để nhiều người chọn những tour du lịch gần như Vũng Tàu, Nha Trang, Côn Đảo… để nghỉ ngơi thư giãn.

Với phần đông các gia đình bình thường khác, lễ tết là dịp mọi người tụ tập ở nhà nhau để ăn uống, nhậu nhẹt và chơi một trò chơi khá phổ biến đó là đánh bài. Chính những hình ảnh “ăn chơi” này đã tạo nên không khí tết. Nhưng cũng chính hình ảnh này năm nào cũng tạo ra những biến tướng, tệ nạn làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa Việt.

Còn các nhà hàng, quán nhậu trong dịp lễ tết thường hoạt động hết công suất với lượng khách ra vô nườm nượp. Các cơ quan, đơn vị tổ chức tất niên, các nhóm bạn bè ăn mừng năm mới… nên nhiều khi uống quá nhiều, say xỉn, mất kiểm soát và hậu quả là năm nào các bệnh viện cũng quá tải vì lượng người cấp cứu với những tai nạn do nhậu nhẹt gây nên. Còn riêng với tệ nạn bài bạc thì khỏi nói. Thú vui năm mới đổi những đồng tiền lẻ mới để đánh bài trong các gia đình vốn chỉ là một trò chơi thư giãn, vui vẻ, nhưng với không ít người đó là những cuộc đỏ đen kiếm tiền.

Với dân cờ bạc thì góc đường, con hẻm, khách sạn bình dân nào cũng có thể biến thành địa điểm lý tưởng để sát phạt với số tiền lên tới hàng triệu, chục triệu đồng. Không ít người, chỉ trong vòng mấy ngày lễ tết, toàn bộ gia sản đã đội nón ra đi và không ít gia đình trở nên tan nát vì thế. Đó là chưa kể, năm mới cũng là thời điểm mà bói toán nở rộ để mời gọi các bà, các cô đến tìm hiểu tương lai, gây nên không ít chuyện dở khóc, dở cười mỗi dịp xuân về. 

Không khí xuân đang ngày một đến gần với sự nhộn nhịp của đường phố, với sự trang hoàng rực rỡ của các cửa hàng, cửa hiệu, các khu vui chơi giải trí, với màu sắc đa dạng của hàng hóa, bánh trái... Nhà nhà, người người lên kế hoạch vui chơi, tận hưởng những ngày nghỉ thật thoải mái sau một năm dài lao động vất vả. Trẻ em thì đến các khu vui chơi, thanh niên thì hẹn hò ở các quán cà phê, các rạp chiếu phim, sân khấu kịch, ca nhạc, người già thì hành hương lễ chùa, các gia đình thì quây quần bên nhau trong không khí ấm cúng, tràn ngập niềm vui…

Một không khí đầy chất văn hóa đã và đang tồn tại như thế trong các gia đình Việt Nam ở các khu đô thị, song lẩn khuất đâu đó vẫn tồn tại những hình ảnh không đẹp mắt như kể trên khiến cho ngày xuân chưa hẳn đã là ngày vui của mọi người, mọi nhà. Vấn đề nằm trong ý thức của mỗi người khi mà họ muốn biến ngày xuân trở thành ngày vui hay ngày buồn cho chính mình cũng như cho gia đình và xã hội

HẠ CHINH

Tin cùng chuyên mục