Thủ Thiêm - Bao giờ “nhả ngọc”?

Kỳ 2: Nhanh lên, “phố đông” !

Kỳ 2: Nhanh lên, “phố đông” !

Để hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), quận 2 sẽ phải di dời hơn 12.300 hộ dân, nghĩa là 1/2 dân số của quận 2. Trong đó, giải tỏa trắng các phường An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm và giải tỏa một phần các phường Bình Khánh, Bình An, Thạnh Mỹ Lợi, An Phú. Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm sẽ được thông cầu kỹ thuật vào cuối năm nay và đầu năm 2008, toàn bộ các hộ dân phải di dời hết để bàn giao mặt bằng trống cho các nhà đầu tư xây dựng, triển khai dự án. Chính quyền Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành KĐTMTT.

Chính sách “nới”

Kỳ 2: Nhanh lên, “phố đông” ! ảnh 1
Hầm Thủ Thiêm đang hiện dần vóc dáng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Vũ Quốc Khánh-Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (BQL đầu tư và xây dựng KĐTMTT) tỏ ra bức xúc: “Chưa có một dự án di dời, giải tỏa nào “nới” như dự án này. Chứng tỏ TP rất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hình thành KĐTMTT. Để tránh việc chồng chéo, làm giảm tiến độ, công tác bồi thường giải tỏa được TP giao hẳn cho quận 2 làm đại diện. Nhưng do thay đổi nhân sự lãnh đạo của quận nên hiện công tác này tiến hành rất chậm. Có thể khẳng định rằng đến đầu năm sau chưa thể bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư theo kế hoạch”.

Cái “nới” mà ông Khánh nêu ra cụ thể là Quyết định 123/2006/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung Quyết định 135/2002/QĐ-UBND ban hành ngày 21-11-2002 và Quy định kèm theo về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong khu quy hoạch KĐTMTT và các khu phục vụ tái định cư tại quận 2 do UBND TP ban hành ngày 16-8-2006. Theo tinh thần này, lần đầu tiên người dân thuộc diện di dời được nhận tất cả các loại tiền bồi thường về nhà cửa, đất đai, hoa màu, tài sản khác đồng thời nhận thêm tiền hỗ trợ được hưởng từ chính sách tái định cư. Nếu người dân không nhận căn hộ TĐC thì được nhận tiền ngay một lần và  nếu đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ rồi mà căn nhà đó nằm trong khu vực chưa bị thu hồi trắng (tình trạng da beo), người dân vẫn được ở cho đến khi nào khu vực đó nhận tiền bồi thường 100% (giải tỏa trắng). Do vậy, hiện có rất nhiều người dân đã nhận tiền “một cục” nhưng vẫn tiếp tục sinh sống, làm ăn bình thường tại ngôi nhà cũ như trường hợp hộ nhà anh Nguyễn Văn Hiếu (A46/6 đường Lương Định Của, phường An Khánh). Căn nhà mới của anh ở Bình Thái (Thủ Đức) đã động thổ xây dựng, phần lớn bằng số tiền nhận từ dự án. Hiện anh vẫn tranh thủ kiếm sống từ nghề bện chổi ở phường An Khánh.

Nhưng tiến độ cầm chừng

Từ nay đến cuối năm chỉ còn vài tháng nhưng kế hoạch là phải giải ngân đền bù giải tỏa hơn 10.000 tỷ đồng (tương đương hơn 80% tổng số kinh phí đền bù giải tỏa). Cũng theo ông Khánh, hiện mỗi tuần, quận 2 chỉ giải ngân được vài ba hồ sơ nhà đất, quá chậm so với kế hoạch. Cái chậm ở đây theo “giải mã”  của ông Khánh và rất nhiều người dân ở Thủ Thiêm là do cán bộ và phương án đền bù quá bất cập. Để nhận được tiền bồi thường giải tỏa di dời, người dân phải ra chính quyền địa phương đăng ký, nộp hồ sơ. Rồi chờ cán bộ địa chính thẩm tra hồ sơ pháp lý, nếu hợp pháp sẽ được hẹn lên nhận tiền nhưng khâu “thẩm tra hồ sơ pháp lý” thì không biết nằm ở đâu? Hỏi phường, phường chỉ lên quận; hỏi quận, quận chỉ về phường! Quy trình xin thẩm tra hồ sơ tiến hành thế nào và trong bao lâu người dân cũng rất mù mờ. Đó cũng là tình trạng “treo” hiện nay của nhà ông Nguyễn Văn Du (318 phường An Lợi Đông). Ông Du cho biết: “Tôi nay đã 80 tuổi rồi, không biết sống chết nay mai mà chờ hoài không thấy ai nói gì với mình về tình trạng bồi thường, di dời. Tôi đi hỏi năm bảy lượt mà cán bộ địa chính phường chỉ lên, chỉ xuống. Đúng, sai cũng phải trả lời cho người dân biết để họ lo”.

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm, hiện nay đầu cầu phía quận Bình Thạnh vẫn còn 9 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Về tiến độ xây dựng cầu, nhà thầu cam kết sẽ thông xe kỹ thuật cuối năm 2007. Phía nhà thầu xây dựng hầm Thủ Thiêm cũng cho biết, vào ngày 28-8 tới, sẽ bắt đầu triển khai đúc các đốt hầm và cam kết thông xe vào 30-6-2009.
(Theo SGGP ngày 26-8) 

Sự chậm trễ trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại. Do giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ xây dựng các cây cầu và hầm Thủ Thiêm cùng các đường nhánh nối Thủ Thiêm với các quận 1, 4, 7, Bình Thạnh cũng “chựng” lại theo. Tiến độ các công trình giao thông quan yếu này là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Chậm tiến độ cũng có nghĩa là lãng phí về tài chính và thời gian trái với cam kết, “tín chấp” của chính quyền TP về dự án xây dựng KĐTMTT. Cũng theo ông Khánh, vì quá bức xúc trước tình trạng giải tỏa ì ạch này, ông  ngỏ lời là Ban quản lý xây dựng KĐTMTT sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, cùng với chính quyền địa phương làm việc ngoài giờ để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải tỏa. Kinh phí tăng cường nhân lực và làm việc ngoài giờ sẽ trích từ 1,5% đến 2% trong tổng kinh phí đền bồi thường giải tỏa, theo quy định của Nhà nước. Nhưng đề nghị đó đến nay vẫn chưa có hồi âm. Tiền bồi thường giải tỏa bị “ngâm” cũng có nghĩa mỗi ngày TP phải trả tiền lãi vay hàng trăm triệu đồng. Tính đến cuối tháng 6-2007, tổng số tiền lãi mà TP phải trả đã lên đến hơn 300 tỷ đồng, bằng tiền đầu tư xây dựng một công trình lớn. Theo kế hoạch xây dựng KĐTMTT đã được phê duyệt, tổng diện tích đất phải thu hồi và giao cho Ban quản lý đầu tư-xây dựng KĐTMTT là hơn 772,3ha, trong đó tổng diện tích đất không bồi thường (đất giao thông, sông rạch) là hơn 79,3ha. Riêng diện tích đất thu hồi phải bồi thường là hơn 690ha (diện tích đất ở là hơn 178,7ha; diện tích đất nông nghiệp gần 468ha; đất chuyên dùng là hơn 43,3ha). Đó là chưa kể 47 cơ quan đơn vị, trụ sở hành chính, 14 trường học và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng đóng trên địa bàn. Cũng theo kế hoạch trên, thời gian hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, giải tỏa, tái địch cư là hết quý 1 năm 2008. Đây là một thách thức không nhỏ cho các ngành, các cấp... đòi hỏi TP phải chỉ đạo quyết liệt hơn, đẩy công tác bồi thường giải tỏa tiến nhanh hơn nữa để sớm triển khai các dự xây dựng KĐTMTT, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân Thủ Thiêm cũng như người dân TP.

QUỐC ĐỊNH - TẤN VIỆT

* Theo thiết kế (đoạt giải nhì, không có giải nhất do TPHCM tổ chức) của Công ty Sasaki (Mỹ), Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi hoàn thành (dự kiến năm 2020) sẽ là một khu vực “nối dài” và mở rộng của TPHCM với các chức năng chính: khu thương mại, tài chính, công sở, văn hóa TDTT, nghiên cứu khoa học, không gian thư giãn, giải trí. Tổng số dân định cư là 130.000 người; tổng số lao động khoảng 350.000 người/ngày; khách vãng lai khoảng 1 triệu người/ngày. Quy hoạch sử dụng đất theo thiết kế dành tỷ lệ rất cao để phát triển không gian công cộng, khai thác tối đa những vùng ngập nước. Cụ thể, đất ngập nước là 17,5%; mặt nước là 9,6%; công viên công cộng là 12,6%; công trình văn hóa 3,3%; giải trí giáo dục 3,7%; đường giao thông 24,8%; trường học 2,5%. Thiết kế cũng cho thấy, vùng đất này trong tương lai sẽ không phát triển ngành nghề nông nghiệp tại chỗ mà là khu văn phòng làm việc cho những dịch vụ tài chính, thương mại cấp cao gắn với phát triển du lịch sinh thái.

K.T 

Kỳ 1: Ký ức Thủ Thiêm

Kỳ cuối:  Lấp lánh “Phố Đông” bên sông Sài Gòn

Tin cùng chuyên mục