Huỳnh Văn Tiểng - Một người anh của phát thanh và truyền hình Việt Nam

Huỳnh Văn Tiểng - Một người anh của phát thanh và truyền hình Việt Nam

Khi nói đến thế hệ trẻ thời kỳ tiền khởi nghĩa, chúng ta đều nhắc đến nhóm HOÀNG MAI LƯU. Đó là tên đầu của ba sinh viên yêu nước đi đầu trong nhóm “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” ở Hà Nội. Ba thanh niên Sài Gòn đi học ở Hà Nội nhưng tham gia phong trào cách mạng bằng các bài hát, vở kịch nêu cao lòng yêu nước chống thực dân Pháp. Cả ba thanh niên này cùng bè bạn đạp xe từ Hà Nội về Sài Gòn để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Đó là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước.

Nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng (bên phải) và GS Trần Văn Giàu nhân dịp khánh thành bia kỷ niệm sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945, trước UBND TPHCM tháng 2-2007. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng (bên phải) và GS Trần Văn Giàu nhân dịp khánh thành bia kỷ niệm sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945, trước UBND TPHCM tháng 2-2007. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về đến Sài Gòn, các sinh viên yêu nước lao ngay vào cuộc vận động Tổng khởi nghĩa ngày 25-8-1945. Huỳnh Văn Tiểng tham gia Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 1 của Sài Gòn – Chợ Lớn. Tại cuộc họp Quốc hội tháng 1-1946 Huỳnh Văn Tiểng đã thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Sài Gòn – Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Sài Gòn được mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5-1946, một đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Tôn Đức Thắng dẫn đầu sang thăm Pháp trình bày quan điểm thống nhất ba kỳ và tôn trọng độc lập của Việt Nam. Huỳnh Văn Tiểng tham gia tổ thư ký của đoàn.

Sau khi trở lại miền Nam, Huỳnh Văn Tiểng tham gia Ủy ban kháng chiến miền Nam với cương vị ủy viên tuyên truyền. Ông cùng các đồng chí xây dựng và phát sóng “Đài Tiếng nói Nam bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn”. Đài “Tiếng nói Nam bộ” cùng các đài “Tiếng nói Đồng Tháp Mười”, “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến” đã góp phần tích cực vào việc cổ vũ động viên nhân dân Nam bộ liên tiếp giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, tập kết ra Bắc, Huỳnh Văn Tiểng được giao nhiệm vụ Phó Tổng biên tập Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Vào cuối năm 1959, khi phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời. Theo yêu cầu của miền Nam cần có bài hát cổ vũ nhân dân đứng lên đoàn kết đấu tranh giải phóng. Nhóm Hoàng Mai Lưu lại tập trung trí tuệ để sáng tác bài “Giải phóng miền Nam” với tên mới là Huỳnh Minh Siêng.

Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến mới, Trung ương Đảng chỉ thị cho Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng bộ phận truyền hình để chuẩn bị cho miền Nam. Huỳnh Văn Tiểng cùng với các đồng chí cán bộ kỹ thuật, biên tập cải tiến máy móc và phương tiện, chuẩn bị nội dung để ra mắt “Đài Truyền hình Việt Nam” vào 7-9-1970, tại 58 Quán Sứ Hà Nội.

Tháng 4-1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang đi đến giai đoạn cuối cùng, Trung ương Đảng quyết định cử các đoàn của truyền hình Việt Nam vào tiếp quản và chuẩn bị phát sóng ở miền Nam giải phóng. Huỳnh Văn Tiểng lúc đó là Phó giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm Trưởng ban Vô tuyến truyền hình đã dẫn đầu một đoàn cán bộ hỏa tốc hành quân vào Sài Gòn và đã đến Đài truyền hình chiều 30-4-1975. Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng đã gặp gỡ và hợp tác với Trung tá Lê Vĩnh Hòa, Tổng cục trưởng Tổng cục Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh Sài Gòn, nhanh chóng tổ chức buổi phát sóng đầu tiên vào đêm 1-5-1975. Và từ đó, Đài Truyền hình Giải phóng phát sóng hàng đêm liên tục.

Huỳnh Văn Tiểng tổ chức hợp tác tốt giữa các anh chị em làm truyền hình từ Hà Nội vào, từ chiến khu ra và lực lượng tại chỗ của Đài Truyền hình Sài Gòn. Nhờ đó, chỉ sau một ngày chuẩn bị, Đài Truyền hình Giải phóng đã phát sóng an toàn và liên tục. Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng trở thành Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Giải phóng và sau này là Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, đồng chí đã phụ trách các đài phát thanh, tập kết ra Bắc tiếp tục phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Vô tuyến truyền hình và tiếp quản xây dựng Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh – Huỳnh Văn Tiểng đã trở thành một trong những người anh của ngành phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Sáng 4-6-2009, đồng chí Huỳnh Văn Tiểng đã đi xa ở tuổi 90. 

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục