Siết chặt nguồn phóng xạ công nghiệp

TPHCM hiện chiếm hơn 30% tổng số thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ của cả nước, trong đó không ít thiết bị có chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm (hoạt độ cao). Tuy nhiên, đến nay trách nhiệm kiểm tra các thiết bị này vẫn chưa phân cấp về cho địa phương, nghịch lý này khiến công tác quản lý nguồn phóng xạ chưa hiệu quả. Báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM sáng 23-9, Sở KH-CN TP cho biết, vụ mất cắp thiết bị không phá hủy (NDT) mới đây đặt ra yêu cầu TP phải siết chặt quản lý các nguồn phóng xạ nguy hiểm trên địa bàn.

TPHCM hiện chiếm hơn 30% tổng số thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ của cả nước, trong đó không ít thiết bị có chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm (hoạt độ cao). Tuy nhiên, đến nay trách nhiệm kiểm tra các thiết bị này vẫn chưa phân cấp về cho địa phương, nghịch lý này khiến công tác quản lý nguồn phóng xạ chưa hiệu quả. Báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM sáng 23-9, Sở KH-CN TP cho biết, vụ mất cắp thiết bị không phá hủy (NDT) mới đây đặt ra yêu cầu TP phải siết chặt quản lý các nguồn phóng xạ nguy hiểm trên địa bàn.

Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng ngày càng tăng trong các ứng dụng công nghiệp, xây dựng, hải quan... Đặc biệt, các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn… là nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, được dùng trong các thiết bị di động và được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại hiện trường. Hiện tại, trong cả nước có khoảng 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ với khoảng gần 1.000 nguồn phóng xạ (bao gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn tại cơ sở). Trong đó, TPHCM chiếm khoảng 30% tổng số thiết bị này.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra năm 2013, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) cho biết số lượng các đơn vị vi phạm còn nhiều. Cụ thể, các đoàn thanh tra của cục đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị. Ngoài ra, có 36 sở KH-CN phát hiện 54 cơ sở sai phạm (TPHCM có 12/40 cơ sở được thanh tra đã phát hiện vi phạm, Phú Thọ 8/26 cơ sở, Bình Dương 6/25 cơ sở). Theo cục, các số liệu này có thể còn thấp hơn so với thực tế do các địa phương chưa báo cáo các cơ sở có hoạt động bức xạ không phải là cơ sở X-quang y tế.

Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, theo quy định, địa phương chỉ “quản” đối với các thiết bị chứa nguồn phóng xạ hoạt độ thấp sử dụng tại các cơ sở y tế. Các thiết bị có chứa nguồn phóng xa hoạt độ cao ứng dụng trong công nghiệp do Bộ KH-CN quản lý. Khi xảy ra sự cố, bản thân Sở KH-CN TP luôn phải chờ phối hợp với Bộ KH-CN. “Trước thực tế này, chúng tôi đã đề xuất với UBND TPHCM và được chấp nhận cho tự chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn TPHCM. Trong đó, Sở KH-CN chủ trì tập hợp đội ngũ từ trung tâm hạt nhân TP, các viện - trường đào tạo hạt nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy… để thành lập tổ chuyên trách về an toàn bức xạ hạt nhân. Cùng với đó, TP cũng sẽ cấp kinh phí để sở trang bị máy đo phóng xạ có độ nhạy cao, phục vụ phát hiện các sự cố rò rỉ phóng xạ trong môi trường”, ông Đỗ Nam Trung cho biết thêm như vậy. Đây cũng chính là giải pháp nhằm siết chặt lại tình hình sử dụng các nguồn phóng xạ nguy hiểm, tránh các sự cố đáng tiếc như trường hợp mất cắp thiết bị NDT vừa qua.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục