Phận đời xóm nhập cư

Phận đời xóm nhập cư

Khuya, con hẻm nhỏ trở mình bởi tiếng lục cục phát ra từ những vòng xe hủ tiếu, bún riêu… đầu ngõ. Không hẹn mà gặp, đoàn người cùng rồng rắn đẩy xe kéo về xóm trọ khi đêm đã đặc quánh lại thành khối. “Hôm nay bán hết không chị Tư”; “Con Nhanh còn vài tô nhưng dư vốn rồi, anh Hai đừng lo”… Tiếng người hỏi thăm nhau trong đêm muộn, tiếng cười nói của những con người đến từ nhiều vùng đất khác nhau làm vỡ òa bóng đêm.

Họ lục tục đẩy xe về phòng trọ, tắm giặt, rửa ráy, dọn dẹp và… ăn tối. Ngày khép lại với những con người nơi đây khi đồng hồ gõ nhịp 2g sáng. Xóm trọ chìm dần vào giấc ngủ, họ thiếp đi với những giấc mơ chập chờn, mộng mị và nặng gánh mưu sinh…

  • Những phận đời…!
Phận đời xóm nhập cư ảnh 1

Xóm trọ ấy nằm nghiêng mình trong con hẻm nhỏ thuộc khu phố 6 trên đường Ba Tháng Hai (quận 10). Phần lớn dân ở đây là dân tỉnh ở trọ, quê từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên….

Đất miền Trung cháy nắng khô cằn, quanh năm quẩn đi quẩn lại với một hai sào ruộng lúc được lúc mất nên nhiều người đành bỏ quê vào Sài Gòn mưu sinh với hy vọng kiếm chút tiền gửi về nuôi con.

Nhiều con hẻm ở Sài Gòn được đặt tên như hẻm báo dạo, hẻm đánh giày, hẻm hủ tiếu… đó là nơi tập trung những người làm cùng nghề như tên gọi. Người nọ chỉ người kia, người đi trước hướng dẫn người đi sau, “riết rồi cũng quen, cũng bán được, sống được như ai”.

Xóm trọ ở đây có hơn chục gia đình đẩy xe hủ tiếu gõ nên gọi là xóm hủ tiếu. Họ sống tập trung thành dãy, mỗi phòng trọ rộng chừng 15m2, là mái ấm của các gia đình tha phương. Gọi là gia đình chứ có nhà chỉ có hai mẹ con lầm lũi, chẳng khi nào đỏ lửa cơm chiều vì còn mải buôn bán đến tận khuya mới về.

Một ngày của mỗi gia đình nơi đây thường bắt đầu lúc 6g, chưa lúc nào họ có được giấc ngủ trọn vẹn 8 tiếng/ngày. Nhiều phụ nữ ở đây tối ngày rong ruổi ngoài đường, tối về thấy gia đình người ta sum họp ngẫm lại mình mà rơi nước mắt.

“Làm quần quật như thế để khi về mệt là ngủ liền, không phải nhớ chồng con rồi suy nghĩ lung tung”, chị Mùi, người phụ nữ đặc sệt giọng Quảng Ngãi tâm sự. Chị vào Sài Gòn đã được bốn năm, nhưng về quê cũng chỉ đôi ba lần vào dịp tết.

Tôi hỏi chồng chị sao không vào đây cùng chị như nhiều gia đình khác? Chị bùi ngùi kể chồng chị vào Đắc Lắc hái cà phê thuê rồi đi theo người đàn bà khác, bỏ lại bầy con nheo nhóc ở quê phải sống nhờ bà ngoại 70 tuổi. Chị bảo cũng không trách gì anh bởi đàn ông xa vợ xa con sao tránh được những phút xao lòng, chỉ thương mấy đứa nhỏ ở nhà thiệt thòi vì thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Nhiều lần nhớ con chị chỉ biết khóc thầm chứ tiền đâu mà về quê thăm con. Vài tháng một lần chị vón vén gửi tiền về cho ngoại nuôi cháu. được cái tụi nhỏ học giỏi làm chị cũng an lòng. Chị Mùi cũng như nhiều phụ nữ khác ở đây, lăn lóc với cuộc mưu sinh chỉ với mục đích kiếm tiền nuôi con.

Chị Hạnh, người phụ nữ quê Bình Định lại có hoàn cảnh khác, chồng chị ở quê trông hai sào ruộng và ba đứa con đang ở tuổi ăn tuổi ngủ, chị vào đây bán hủ tiếu ráng dành dụm số vốn rồi về quê mở quán bán cái gì đó, “chứ bôn ba xứ người tủi thân lắm”! Tôi hỏi chị có nhớ chồng không thì chị bảo: “Làm sao mà không nhớ hả cô, tháng nào ổng cũng điện thoại hỏi thăm tui hết. Muốn về với chồng con lắm nhưng về thì lấy gì mà ăn…”.

Xóm hủ tiếu cũng có vài cặp vợ chồng mới cưới, dắt díu nhau vào đây bám trụ như vợ chồng Minh ở Phú Yên, vợ chồng Hải ở Quảng Nam… Đồng hương lại thêm cảnh khó, khổ, đã gắn kết những con người nơi đây một cách tự nhiên.

Nhọc nhằn, bận rộn nhưng xóm hủ tiếu luôn tràn ngập tình thương và tiếng cười. Có lẽ trong khó khăn người ta cần nhau hơn để tìm thấy một chỗ dựa, cho nhau một sự an ủi, sẻ chia để biết rằng cuộc đời này vẫn còn đẹp, vẫn còn đáng sống lắm…

  • Ước mơ từ những vòng xe

Có một điểm chung ở hầu hết những gia đình có con trong xóm hủ tiếu này là bọn trẻ đều được học hành đàng hoàng. Trừ cu Kho, con chị Nhanh đã nghỉ học từ năm lớp 3, còn lại đều đi học và học rất khá, đứa lớn nhất ở đây đã học tới lớp 9 Trường THCS Âu Cơ, quận 10.

Anh Nhận, cha của bé Oanh đang học lớp 2 Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn nói: “Khổ cách mấy vợ chồng tôi cũng ráng cho con học cái chữ. Đời tụi tui cực rồi, tui không muốn con cái lớn lên khổ như cha mẹ nó vì không biết chữ”.

Buổi sáng cha mẹ các bé đưa các em đến trường rồi chiều các em tự về, tự tắm rửa, ăn cơm, học bài. Chiếc lồng bàn đậy mâm cơm nguội lạnh luôn là niềm háo hức của các em khi chiều về. Cái nghèo dạy cho con người ta tính tự lập hơn bất cứ thứ gì, có em 7 tuổi đã biết ở nhà một mình ăn cơm chờ bố mẹ về, tự đi ngủ mà không cần một lời ru hay cái vỗ về của mẹ.

Ước ao có một nụ hôn của cha mẹ đặt lên trán trước khi đi ngủ hình như là điều xa xỉ với bọn trẻ ở đây, cha mẹ chúng khuya lắm mới về, vòng xe hủ tiếu vẫn còn nặng tay cha…

Bọn trẻ xóm nhà nghèo này được dạy dỗ yêu thương từ rất sớm, các em đùm bọc nhau như anh chị em ruột. Đứa lớn chăm sóc, bảo ban đứa nhỏ như là ruột thịt. Bài toán khó, câu đố hay, chúng chuyền tay nhau và chụm đầu cùng giải.

Mỗi đứa trẻ một ước mơ nhưng đều là mơ về một tương lai tươi sáng, nơi đó không có những vòng xe nặng lưng cha, không có những gánh gồng đè vai mẹ. “Lớn lên con sẽ làm kỹ sư xây đường để trời mưa mẹ con đi bán về không bị té nữa…” hay “Con muốn làm công an để bắt trộm, để ba con không phải lo lắng mỗi khi đi bán xa”.

Những giấc mơ trẻ thơ diệu kỳ “ươm hình” từ những vòng xe hủ tiếu, từ những căn phòng trọ tuềnh toàng, nhưng đượm tình yêu thương rồi sẽ lớn lên, đi xa, xa mãi… Nhìn ánh mắt ngây thơ khát chữ của các em, tôi tin rồi sẽ có một ngày mai tươi sáng….

TUYẾT VÂN (SGGP 12G) 

Tin cùng chuyên mục