Sau 31 năm vụ thảm sát tại Ba Chúc - Nỗi đau không quên

Người giữ nhà mồ
Sau 31 năm vụ thảm sát tại Ba Chúc - Nỗi đau không quên

(SGGP-12G).- Hôm qua, 10-4, tỉnh An Giang đã tổ chức lễ giỗ tập thể cho hơn 3.000 nạn nhân bị Pôn Pốt – Ieng Sary thảm sát. Dù đã 31 năm trôi qua nhưng khi tiếp xúc với một nhân chứng, người sống sót trong một cuộc thảm sát, chúng tôi thấy sắc mặt bà vẫn thất thần khi nhớ lại những ngày tháng khủng khiếp này… 

Cuộc thảm sát

Sau 31 năm vụ thảm sát tại Ba Chúc - Nỗi đau không quên ảnh 1

Bà Hà Thị Nga hằng ngày vẫn cận kề những người thân yêu đã bị thảm sát

Bà Hà Thị Nga – nhân chứng sống sót của cuộc thảm sát – nhớ lại chuyện xảy ra vào ngày 18-4-1978 (14-3 Âm lịch). Khi ấy, bà đã 39 tuổi và có 6 người con (4 trai, 2 gái), chồng bà làm ruộng.

Những ngày chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt, vùng Ba Chúc – Núi Tượng bị bọn diệt chủng Pôn Pốt nã pháo cối liên tục vào làng. Nhiều nhà cửa, chùa chiền… bị trúng đạn sụp đổ tan nát. Lúc đó, để lánh nạn, mọi người kéo nhau lên Núi Tượng núp.

Bà nhớ lại như in thảm cảnh hôm đó: “Khi bọn diệt chủng Pôn Pốt tràn qua biên giới, chúng lùng sục giết hại người dân vô tội. Ban ngày, bọn chúng lên núi lùng sục dân, ban đêm xuống làng cướp phá. Khi phát hiện chúng tôi trên núi, bọn chúng vây quanh và cứ thế những người lớn thì bị chúng lần lượt bắt giết, cưỡng hiếp… Trẻ con thì chúng lấy báng súng đập đầu, rồi tung lên trời cho rớt xuống đá hoặc xé xác đứa trẻ làm hai…”.

Nhìn thấy cảnh tượng hai đứa con bị đập đầu, mắt bà đã mờ đi nhưng khi bọn chúng chuẩn bị tung đứa thứ ba lên trời, với bản năng của một người mẹ, bà vùng dậy che chở cho con thì bị bọn chúng đè đầu xuống nền đá và bắn một viên đạn xuyên qua cổ họng bà. Không thể có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau phải nhìn tận mắt những đứa con thân yêu của mình bị giết hại, bà trừng trừng nhìn chúng và bất tỉnh.

Nhưng khi tai nghe được tiếng kêu la, tiếng khóc của con – đứa con trai nhỏ nhất (4 tuổi) và là đứa con thứ tư, đứa cuối cùng đang bị sát hại, bà lại hồi tỉnh. “Bọn chúng tung nó lên trời cho rớt xuống đá để bể đầu mà chết. 3 lần bị tung lên trời nhưng thằng nhỏ không chết, nằm trên phiến đá, máu me chảy đầy mình mẩy, nó thấy tôi thì kêu lớn: Má ơi … má ơi… Nghe tiếng kêu của thằng nhỏ, bọn chúng quay lại rút súng bắt thẳng vào ngực nó và một đứa cầm cục đá đập vào đầu tôi rồi bỏ đi luôn” – bà Nga kể tiếp.

 Trong cuốc chiến tranh biên giới Tây Nam, dòng họ của bà Hà Thị Nga có đến 100 người bị sát hại. Riêng gia đình  bà từ cha mẹ, anh chị em ruột, chồng và 6 người con ruột (tổng cộng 37 người thân) đã vĩnh viễn ra đi.

Chiều cùng ngày, bà tỉnh lại nhưng khi nhìn đống thi thể quanh mình là những đứa con và người thân, một lần nữa bà lại chết lịm. Sau đó là hành trình 12 ngày đêm bà trốn trong Núi Tượng để tránh bọn diệt chủng. Ban ngày tìm chỗ ẩn núp, ban đêm đi như người vô hồn về phía cách đồng xã Lương Phi.

Hành trình 12 ngày trốn tránh, không biết bao nhiều lần bà Nga gặp bọn diệt chủng nhưng rất may không bị phát hiện. Một điều kỳ diệu xảy ra mà theo bà Nga dường như có “ai đó phù hộ” bởi vừa đói khát, lại phải lội qua những bùn lầy… ấy thế mà vết thương không hoại tử; trái lại có những vết thương tự lành khi nào bà cũng không hay.

Khi thoát ra khỏi vòng vây của bọn diệt chủng, bà được đưa đi cứu chữa và an dưỡng. Năm 1979, khi chính quyền địa phương xây dựng khu chứng tích tội ác diệt chủng Khmer đỏ, bà tình nguyện đến đây để hằng ngày được cận kề, chăm sóc người thân và những nạn nhân khác bị thảm sát bởi Pôn Pốt.

Người giữ nhà mồ

Sau 31 năm vụ thảm sát tại Ba Chúc - Nỗi đau không quên ảnh 2

Nhà mồ Ba Chúc được Bộ VH-TT công nhận di tích lịch sử

Cái nắng tháng 4 chát chúa, vùng biên giới Tây Nam (An Giang)  như đổ lửa trên đầu, hai bên đường cỏ cây khô cháy. Nhưng những ngày tháng 4, thị trấn này càng nhộn nhịp hơn vì lượng du khách kéo về An Giang đi vía Bà Chúa Xứ và đến thăm khu chứng tích và nhà mồ Ba Chúc.

Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến tham quan nhà mồ Ba Chúc, nhưng ít ai biết về người đàn bà ngày ngày âm thầm làm việc mở cửa và quét dọn khu trưng bày chứng tích tội ác thảm sát người dân vô tội nơi đây 31 năm về trước chính là nhân chứng sống của hành động man rợ đó. Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, dù 31 năm trôi qua nhưng người đàn bà này vẫn không thể quên được những chuyện kinh khủng xảy ra đối với mình.

Hằng ngày bà dậy rất sớm, ra khuôn viên nhà mồ quét dọn rồi mở cửa phòng trưng bày những hiện vật của vụ thảm sát. Nhiều người nghĩ, ban quản lý khu chứng tích trả lương để bà làm công việc đó. Thật ra, đây là công việc bà làm vì tự nguyện. Bà bảo: “Hằng ngày tôi vẫn quanh quẩn ở đây để được gần người thân, gần các con tôi – họ đang ở đây nên tôi phải chăm sóc cho họ”.

Từ tháng 4-1977 đến tháng 4-1978, Pôn Pốt đã 30 lần đánh phá vào xã Ba Chúc. Đỉnh cao của tội ác là từ ngày 18-4 đến 30-4-1978, Pôn Pốt đã thảm sát 3.157 dân thường vô tội. Năm 1979, chính quyền tỉnh An Giang đã xây dựng khu chứng tích tội ác Pôn Pốt (Nhà mồ Ba chúc) với diện tích khuôn viên 3.000m² tại ấp An Định, xã Ba Chúc. Nhà mồ Ba Chúc cất giữ 1.159 bộ hài cốt - những người dân vô tội bị sát hại. 

CAO PHONG - NAM LÂM

Tin cùng chuyên mục