Sống nơi đầu sóng

Sống nơi đầu sóng

LTS: Những ngày này, đi đến đâu trên khắp các nẻo đường, cụm từ “biển đảo Tổ quốc” lại mang đến những cảm xúc dạt dào. Từ 36 năm trước, khi Trường Sa được giải phóng, khi những chiến sĩ hải quân đầu tiên rẽ sóng, bám biển, trụ vững nơi đảo xa, cuộc sống nơi đầu sóng ấy đã được ví như những tấm bia chủ quyền sống động nơi tuyến đầu Tổ quốc. Phóng viên Báo SGGP đã tìm về quá khứ, nối tiếp những câu chuyện trong hiện tại để ghi nhận những tư liệu ít ai biết về cuộc sống nơi đầu sóng, với mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng hợp về quá trình bảo vệ và xây dựng biển đảo của quân và dân ta. Qua đó, một lần nữa khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam trên biển Đông mà chúng ta đã dày công vun đắp, từ máu, từ mồ hôi và cả sự hy sinh thầm lặng…

Bài 1: Hải trình lịch sử

Ông Trần Phong, nguyên quyền Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 Hải quân cung cấp cho Báo SGGP một thông tin: “Trước năm 1975, quân đội ta đã có những chuyến trinh sát, tiếp cận khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để phục vụ cho những chuyến tàu không số chuyển vũ khí chi viện miền Nam”. Từ thông tin quý giá đó, chúng tôi tìm gặp những người biết và đã từng đi trên chuyến tàu đó cũng như tìm hiểu về hải trình lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa.

Nụ cười của những chiến sĩ trẻ Trường Sa.

Nụ cười của những chiến sĩ trẻ Trường Sa.

Một phần máu thịt quê hương

Ông Trần Phong (ngụ tại quận 1, TPHCM) nhớ lại: “Ngay từ những năm 1970 - 1971, quân chủng đã có ý định mở một tuyến đi mới vào Nam, đánh lạc hướng địch để chuyển vũ khí chi viện miền Nam. Khu vực quần đảo Trường Sa và cả Hoàng Sa lúc ấy, theo nhận định là nơi trú ẩn an toàn của các con tàu không số vốn được ngụy trang là những con tàu đánh cá với điểm đến là các tỉnh Nam bộ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 2 năm, đã có tổng cộng 4 chuyến trinh sát xung quanh khu vực biển đảo này. Không phải chuyến tàu nào cũng thành công nhưng đã khẳng định một điều: Vào thời điểm đó, Trường Sa đã và đang trở thành một phần máu thịt quê hương, thấm trong từng suy nghĩ của mọi người.

Theo những tư liệu chúng tôi có được, chuyến trinh sát được cho là thành công nhất diễn ra vào năm 1971. Con tàu không số có trọng tải 200 tấn xuất phát, rẽ sóng tìm về Trường Sa. Trên chuyến tàu ấy, ông Võ Hán (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 146) được giao nhiệm vụ dẫn dắt.

Đến gặp ông ở nhà riêng tại quận Bình Thạnh, TPHCM, dù đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng ông Võ Hán vẫn nhớ như in những ngày rong ruổi xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông cho biết: “Đây là nhiệm vụ tối mật, không được phổ biến rộng rãi mà chỉ có chỉ huy tàu được biết. Trước chuyến đi, đã có những chuyến tàu khác lên đường nhưng chưa thực hiện được nhiệm vụ vì bị mắc cạn bởi bãi san hô xung quanh quần đảo này. Chúng tôi gồm 21 người trên tàu, hầu hết là lần đầu đến đây”.

Điểm đến đầu tiên của tàu là đảo Song Tử Tây, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Theo ông Võ Hán, khi hòn đảo hiện ra, anh em trên tàu, nhất là với những người lần đầu đến khu vực này đều có cảm giác là lạ khó tả, bởi dù bị chiếm đóng, Song Tử Tây vẫn là một phần máu thịt của quê hương.

Ông Hán nói: “Chúng tôi neo tàu, giả làm ngư dân tìm lên đảo quan sát, ghi nhận tình hình. Đến chiều, tàu tiếp tục nhổ neo, chuyển hướng đến đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và một số đảo gần khu vực đó. Sau khi hoàn thành chuyến đi thứ nhất, chúng tôi trở về báo cáo tình hình. Một tháng sau, tàu lại nhận lệnh đi chuyến thứ hai, vừa để tiếp tục dò đường, vừa làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Lần này, chúng tôi cũng cho tàu đi theo hải trình cũ, đến đảo Song Tử Tây đầu tiên rồi vòng trở về hướng U Minh Hạ, Cà Mau, sau đó sang Kô Kông (Campuchia) chuyển hàng”.

Cũng theo ông Võ Hán, hải trình của những chuyến tàu trinh sát đó không được ghi chép và lưu lại. Bởi là tàu không số với hoạt động đặc biệt bí mật, những ghi chép về con tàu chỉ là những dòng chữ vắn tắt trên những mảnh giấy nhỏ và sau đó bị tiêu hủy để đảm bảo bí mật.

Nhiệm vụ đặc biệt

* Ông Phạm Duy Tam hiện đang sống quận 2, TPHCM. Con trai ông là thượng úy hải quân Phạm Duy Phương đang làm việc tại Tân Cảng Sài Gòn. Ông đặt tên cho cháu nội của mình là Phạm Duy Hải, như để nhắc nhớ một thời kiên cường bám biển. Tâm sự với chúng tôi, ông tin rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ đủ sức kế tục sự nghiệp cha anh đi trước, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau chuyến trinh sát quần đảo Trường Sa, đã có nhiều chuyến tàu chở vũ khí vào Nam. 4 năm sau đó, thời cơ đến, nhiệm vụ giải phóng Trường Sa được đặt ra.

Ông Võ Hán kể tiếp: “Đến tháng 4-1975, chúng tôi nhận lệnh cho tàu 643 đổ bộ vào giải phóng Trường Sa. Tuy nhiên sau đó, tàu của chúng tôi lại được chỉ thị không ra Trường Sa nữa mà chuyển hướng giải phóng Cù Lao Thu (đảo Phú Quý). Đây là bước đệm quan trọng cho việc giải phóng quần đảo Trường Sa sau này”.

Cũng trong lúc đó, sứ mệnh lịch sử giải phóng Trường Sa được giao cho 3 con tàu của Lữ đoàn 125, đó là các tàu 673, 674, 675 phối hợp với lực lượng đặc công Đoàn 126 Hải quân. Một trong 3 thuyền trưởng của chuyến tàu lịch sử đó là đại tá Phạm Duy Tam, nguyên thuyền trưởng tàu 675. Biết ông vừa chuyển vào TPHCM từ Đà Nẵng được 2 tháng, chúng tôi đã tìm gặp ông tại nhà riêng (quận 2, TPHCM).

Khoe những tấm hình đã hoen ố vì thời gian mà ông chụp chung với những đồng đội của mình, ông kể: “Tháng 4-1975, chúng tôi được giao một nhiệm vụ đặc biệt là giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng (29-3-1975), theo lệnh của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) cấp tốc từ Hải Phòng vào nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa”. Thời khắc cấp bách, 3 con tàu nhận lệnh vượt gần 500 hải lý để tiếp cận quần đảo.

Các đảo ở Trường Sa có cao độ thấp, chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 1,5m - 4,5m. Ban ngày quan sát đã khó, ban đêm lại càng khó hơn vì đảo không có điện, huống hồ lại phải phân biệt đảo nào do quân đội Sài Gòn chiếm giữ trên một vùng biển mênh mông, rộng lớn.

Ông Tam nhớ lại: “Chúng tôi nhận được lệnh là tuyệt đối không đánh nhầm vào các đảo do nước ngoài chiếm giữ. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi máy móc, thiết bị hàng hải mà ta có được lúc đó quá thô sơ. Cuối cùng bằng kinh nghiệm, chúng tôi cũng phát hiện quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính; các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn đều có 40 lính; các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính…”.

Những cơn sóng biển đổ chụp con tàu, ai cũng say sóng nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Lực lượng đặc công thủy nằm bẹp dưới hầm tàu để tránh bị phát hiện. Anh em say sóng lừ đừ nhưng vẫn ráng chịu đựng. Biển sóng to, gió lớn trong khi tàu khá nhỏ, mọi người quyết định vẫn mở hết công suất máy. Rồi một chiếc tàu bị hỏng máy. Khó khăn hơn, cả đội tàu không thể liên lạc được với sở chỉ huy của quân chủng đóng ở Đà Nẵng. Lúc này chỉ có thể đi bằng kinh nghiệm, quyết tâm và ý chí...

Chủ quyền ở Trường Sa

Phút thư giãn của các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.

Phút thư giãn của các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.

Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km), trước mặt đội tàu là đảo Song Tử Tây. Lúc đó hai tàu 673, 674 án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết.

Ông Tam kể tiếp: “Tàu 675 bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo, thả các xuồng cao su loại nhỏ xuống biển. Các xuồng lần lượt chở 40 đặc công nước lên đánh chiếm đảo”. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, ta bất ngờ nổ súng. Sau 15 phút chiến đấu, Song Tử Tây được giải phóng. Hơn 1 tuần sau, tàu 641 của Lữ đoàn 125 chở phân đội đặc công nước Đoàn 126 đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau ít phút nổ súng, ta giải phóng đảo, bắt sống 17 lính”.

Lúc này, trên đất liền quân ta liên tục tấn công và thắng lớn. Quân đội Sài Gòn càng hoang mang, không thể cố thủ các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Lực lượng hải quân tiếp tục sử dụng 2 tàu chiến đang ở khu vực đảo Nam Yết bốc toàn bộ quân, chớp thời cơ, thừa thắng xông lên đổ bộ giải phóng các đảo còn lại. Đúng 2 giờ sáng ngày 29-4-1975, chúng ta giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền Sài Gòn chốt giữ, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay…

“Trường Sa được giải phóng, nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đảo, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui và òa khóc trong giờ khắc thiêng liêng. Trường Sa là chủ quyền, máu thịt của Việt Nam và mãi mãi như thế. Chúng ta quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Tổ quốc”, vị đại tá hải quân khẳng định.

Trên những hòn đảo chủ quyền Việt Nam, các chiến sĩ hải quân lại bắt đầu nhiệm vụ mới, không kém gian khổ, đó là bám trụ với đảo trong điều kiện sống hết sức khắc nghiệt để bảo vệ chủ quyền…

H.Việt - M.Hương - T.Thảo


Bài 2: Bám đảo

Sống nơi đầu sóng ảnh 3

Với mong muốn tìm hiểu về những ngày đầu gian khó bám đảo bảo vệ chủ quyền, chúng tôi đã đến TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để tìm gặp một vị đại tá hải quân từng nhiều năm ăn tết cùng lính đảo sau ngày giải phóng. Ở tuổi 82, đại tá Cao Anh Đăng (ảnh), nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 vẫn khỏe mạnh và hào sảng chất lính. Ông mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười dí dỏm: “Tôi vốn là lính đồng bằng. Vậy mà ra Trường Sa, nhiều năm gắn bó cùng sóng gió biển Đông, tôi trở thành hải quân chính hiệu!”.

  • Đóng bia chủ quyền trên đảo “trọc”

Ký ức của đại tá Cao Anh Đăng quay ngược thời gian, trở về thời điểm tháng 5-1975. Thời gian này, Trung đoàn 46 lục quân được chuyển thành Lữ đoàn 146 hải quân thực hiện nhiệm vụ tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà bộ đội ta vừa giải phóng. Đại tá Cao Anh Đăng kể: “Tháng 11-1975, tôi chỉ huy một tàu ra đảo. Tàu chở theo một đại đội khoảng 60 người. Số anh em này hoàn toàn xuất thân từ lục quân, chưa từng quen với cuộc sống trên biển. Tàu nhổ neo rẽ sóng. Tất cả chúng tôi đều mang tâm trạng hồi hộp trước một nhiệm vụ hoàn toàn mới. Điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một hòn đảo “trọc”. Muốn vào đảo, chúng tôi phải neo tàu ở ngoài xa, cho người bơi vào cột dây lên thân dừa trên đảo rồi thả thuyền bám theo dây để kéo thuyền vào đảo”.

Đảo chìm Đá Lát nhìn từ xa.

Đảo chìm Đá Lát nhìn từ xa.

Theo ông Đăng, cơ sở vật chất, công trình xây dựng trên đảo lúc đó hầu như không có gì. Khu vực đóng quân của quân đội chế độ cũ thực chất chỉ là một chòi tạm làm bằng ván ép, trên lợp tôn, đủ để cho hơn chục người ở. Lúc này, trên các đảo có rất nhiều chim. Chim lớn bằng con vịt nên anh em thường gọi là vịt Trường Sa. Phân chim nhiều đến mức chính quyền cũ còn cho cả một công ty phân bón ra khai thác. Rệp chim cũng nhiều đến mức anh em sống trên đảo thường xuyên bị rệp cắn gây ngứa, sốt. Thời gian này, bộ đội sống chỉ bằng lương khô mang theo. Đảo thiếu nước ngọt, không có rau xanh, chủ yếu phải ăn rau khô, thường là rau muống khô, củ cải khô, dưa muối.

Sau khi giao quân ở đảo Song Tử Tây, tàu tiếp tục hải trình đến đảo Nam Yết, Trường Sa, Sinh Tồn, An Bang. Các đảo này cũng là đảo “trọc”. Để có thức ăn, ban đêm bộ đội hải quân xin dầu trên tàu làm đuốc soi trên những bãi cạn, bãi san hô để bắt cá. Thời gian này, ngoài việc ổn định lực lượng, nơi ăn ở, sinh hoạt, anh em trên tàu còn đi đóng bia chủ quyền trên các đảo, kể cả những đảo chìm như đảo Đá Thị, Thuyền Chài… Trên bia chủ quyền, bên dưới tên đảo và vị trí tọa độ là dòng chữ “thuộc nước CHXHCN Việt Nam”. Kể đến đây, ông Đăng lặng người: “Chỉ mấy chữ đơn giản như vậy thôi mà để có được điều đó, chúng ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu”.

  • Những lá thư thấm máu

Lực lượng đóng quân trên các đảo sau ngày giải phóng chủ yếu là cán bộ chiến sĩ từ miền Bắc tình nguyện vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.  Sau gần chục năm xa nhà, khi đất nước vừa yên tiếng súng, chưa kịp trở về quê hương, họ lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Các chiến sĩ tuần tra trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Hồ Việt

Các chiến sĩ tuần tra trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Hồ Việt

Thời kỳ đầu, những lần lên đảo, chỉ huy lữ đoàn có hứa chuyến tàu sau sẽ chở quân ra thay để anh em có điều kiện về đất liền. Thế nhưng, tình hình thực tế nhiều khi không thể đáp ứng hết nhu cầu thay quân. Có lần, khi tàu đến đảo, khi nghe đại diện lữ đoàn thông báo là chưa có người ra thay, một nhóm 3-4 chiến sĩ liền chạy ra phía sau nhà lấy đất ném lên mái tôn rào rào. Lúc đó anh em trong đoàn ra thăm đảo cảm thấy thương nhiều hơn giận, thấy mình như có lỗi. Ông Đăng nói: “Tôi hiểu nhiều người trong số những anh em đang bám trụ tại đảo đã xa gia đình hàng chục năm trời. Giờ giải phóng rồi mà còn lênh đênh ngoài đảo. Bố mẹ ở nhà mỏi mòn chờ, không biết con mình đang ở đâu, còn sống hay đã chết”. Nói đến đây, ánh mắt ông Đăng lại đượm buồn…

Những ngày đầu, trên đảo không có điện, không có phương tiện nghe nhìn, giải trí. Điều mong ngóng, an ủi duy nhất của các chiến sĩ là những lá thư được gửi theo tàu ra đảo. Ông Đăng kể: “Trong một lần công tác, tàu ra đến đảo Sinh Tồn thì biển nổi sóng, báo hiệu sắp có bão, tôi tổ chức cho anh em xuống thuyền nhỏ để lần lượt vào đảo và mình là người đi chuyến sau cùng. Sóng to khiến khả năng thuyền va vào bãi san hô và vỡ tan là gần như chắc chắn. Để vào được đảo, người có kinh nghiệm phải dùng sức của đôi cánh tay bám chặt vào dây thừng kéo từ trong đảo ra. Nếu thuyền vỡ, chìm, người trên thuyền phải nhanh tay bám dây để đu vào đảo, nếu không sẽ bị trôi hoặc đập đầu vào san hô”. Trên tàu lúc này có 2 chiến sĩ công binh và 2 chiến sĩ quê ở Hải Phòng vừa đi học khí tượng thủy văn ở Liên Xô về. Biết các anh là người lần đầu đi biển, ông Đăng yêu cầu ở lại tàu, chờ sáng hôm sau biển lặng sẽ vào sau.

Khi chuyến thuyền cuối cùng vào tới đảo an toàn lại xảy ra sự cố. Kiểm lại các thùng hàng tiếp tế, anh em phát hiện thiếu mất bó thuốc lào và gói thư gửi từ đất liền ra. Anh em có vẻ buồn. Thấy vậy, phó chỉ huy đảo xin phép được trở ra tàu lấy thư. Không ngờ, khi anh trở ra tàu và trở lại đảo, 4 chiến sĩ còn nằm lại tàu năn nỉ xin theo. Trên đường vào, thuyền của các anh bị lật úp rồi chìm nghỉm. Anh em trong đảo nghe tin vội trở ra ứng cứu. Mọi người xác định ít nhất cũng phải cố tìm được xác mang về. Thế nhưng, sóng lớn khiến việc tìm kiếm vô vọng. 4 người đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển sâu.

Nhưng không chỉ có vậy, đến giờ, khi nhắc đến sự mất tích của một  chính trị viên đảo Nam Yết, ông Đăng vẫn không giấu được xúc động. Số là khi tàu đến đảo, vì quá nôn nóng muốn biết đảo mình lần này có nhận được thư từ đất liền hay không nên một mình anh ngồi trên một chiếc xuồng nhôm, lần theo dây để từ đảo ra tàu. Bất ngờ dây bị đứt. Anh em trên tàu thấy đồng đội mình trôi dần ra xa mà không cứu được vì tàu đang bị hỏng máy. 3 giờ sau, khi máy tàu sửa xong, mọi người nhổ neo đi tìm nhưng mãi mãi không còn thấy chiếc xuồng nhôm và người đồng đội của mình đâu nữa.

Ông Đăng xúc động: “Cuộc sống vất vả, gian khổ như vậy nhưng mọi người rất thương nhau. Suốt gần 15 năm gắn bó với Trường Sa, hầu như năm nào tôi cũng ăn tết ngoài đảo với anh em. Có năm, cả tôi và Đại tá Lê Văn Thư, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cùng ở lại ăn tết trên đảo Thuyền Chài. Đây vốn là đảo chìm, điều kiện sống hết sức khó khăn. Lúc này, lực lượng công binh đang xây dựng công trình trên đảo. Ban ngày lên xây, ban đêm xuống tàu ngủ. Hồi đó, mọi người hay đọc 2 câu thơ vui: “Ai sinh ra đảo Thuyền Chài/ Để hai đại tá nằm dài ở đây”. Đêm giao thừa, tôi cầm chai rượu Lúa Mới xuống tận buồng lái mời anh máy trưởng. Anh xúc động: “Tàu ra đây cả tháng rồi mà thủ trưởng vẫn còn rượu để chúc tết bọn em. Thật không gì quý bằng””.

Chúng tôi hiểu, với vai trò là những người chỉ huy của lữ đoàn, sự có mặt của ông đồng nghĩa với sự đồng cam cộng khổ, là nguồn động viên tinh thần cần thiết để các chiến sĩ đủ sức bám trụ lại đảo.

Sống sót hy hữu

Chuyện xảy ra trên đảo Phan Vinh vào khoảng năm 1979. Một hôm, anh em trên đảo mang giường ra ngâm nước biển cho sạch rệp. Bỗng đâu một con sóng ập vào cuốn chiếc giường trôi ra xa. 5 chiến sĩ gần đó lập tức chạy đến giữ chiếc giường nhưng cả 5 người và chiếc giường cùng bị sóng đánh giạt ra biển. Bão ập tới. Bất chấp hiểm nguy, con tàu trọng tải 50 tấn lập tức được nhổ neo ra khơi để cứu 5 chiến sĩ. Suốt 3 ngày 3 đêm, vẫn không tìm được tăm tích của 5 chiến sĩ. Khi cuộc tìm kiếm đã gần như vô vọng, cả tàu bỗng nhìn thấy mấy chấm đen đang vẫy mảnh áo trắng. Khi đến gần, mới phát hiện cả 5 chiến sĩ đang cố bám vào chiếc giường trôi lênh đênh trên biển. Suốt 3 ngày chịu sóng dập tơi bời, toàn thân ai cũng trầy xước. Mọi người sống được là nhờ ăn thịt chim biển. Lầm tưởng chiếc giường và các chiến sĩ là hòn đảo nhỏ, những chú chim sà xuống đậu trên vai họ và các anh buộc lòng phải ăn sống thịt chim để chờ đồng đội đến cứu…



MAI HƯƠNG - THẠCH THẢO


Bài 3: Tay trần xây đảo

Trong chuyến tìm hiểu thực tế để thực hiện loạt bài này, khi nghe kể về câu chuyện bộ đội hải quân chuyển đá bằng đôi tay trần lên từng đảo để xây dựng các công trình, chúng tôi đã hình dung được công việc gian lao mà anh dũng của các anh. Những đôi tay trần ấy đã làm nên một Trường Sa vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió đến tận bây giờ.

  • Chuyến ở biển dài ngày

Tại một căn nhà rất bình dị ở Cam Lâm, Cam Ranh (Khánh Hòa), với đôi tay gân guốc, chai sần của người lính công binh dày dạn kinh nghiệm - Trung tá Lê Nhật Cát, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh - vẫn ghi chép cẩn thận tư liệu về những năm gian khó ấy. Ông cười: “Nếu chỉ kể về chuyện xây dựng Trường Sa thôi thì nói cả ngày cũng không đủ”.

Ông cho biết: “Năm đầu mới giải phóng, trên các đảo chỉ có một ít cây cối. Những ngôi nhà tạm bợ do quân đội Sài Gòn xây dựng trước đây đã cũ nát, không thể ở được. Chúng tôi đi xây đảo với bao nỗi lo toan, lo nhất là nhiệm vụ khó khăn trước mắt phải hoàn thành như thế nào? Trên những con tàu chở lính công binh đầu tiên ra đảo còn có nước ngọt, vải bạt để căng lều tạm và nhiều nhất vẫn là vật liệu xây dựng đảo. Chúng tôi dựng lều tạm để ở. Vật liệu xây dựng được tập kết chuẩn bị cho chuyến ở biển dài ngày”.

Sống nơi đầu sóng ảnh 6

Một công trình xây dựng trên đảo chìm do bộ đội công binh Trung đoàn 83 thực hiện

Công trình đầu tiên là công sự 3C15, nhà kho, hầm quân y trên các đảo. Công sự 3C15 được đặt làm tận ngoài Bắc, chở theo tàu ra lắp đặt tại đảo. Các công trình khác được xây dựng tại chỗ. Ông Cát nhớ lại: “Lúc đó, anh em gian khổ lắm, nước không đủ dùng, lương thực cũng thiếu thốn nhưng không ai kêu ca gì. Mọi người xây hầm chứa nước nhưng nước cũng không đủ dùng. Mỗi khi có tàu ra, để tránh vận chuyển bị khấu hao, anh em đào hố ngay tại bờ biển, đổ nước vào dùng dần. Lượng nước ít ỏi đó chỉ đủ để ăn, uống. Hầu hết bộ đội đều phải tắm nước biển, mặc cho da bị dị ứng. Nhưng khổ nhất không phải là nước ngọt hay thực phẩm mà là những lần hết vật liệu xây dựng, phải chờ đợi mỏi mòn từng chuyến tàu ra…”.

Thời điểm đó, công tác chi viện cho Trường Sa rất hạn chế, xăng dầu có hạn nên không phải lúc nào cũng có tàu chở vật liệu, nước uống cho bộ đội công binh. Thời gian rảnh, bộ đội lại mày mò tìm cách khắc phục khó khăn trong thi công.

Lúc ấy, mở luồng là một nhiệm vụ rất khó khăn. Do địa hình Trường Sa xung quanh bao bọc bởi san hô nên tàu thuyền nếu không khéo khi tiếp cận đảo dễ bị mắc cạn, lật xuồng. Sau 2 năm có mặt ở Trường Sa, bộ đội công binh đứng trước khó khăn bởi muốn đánh bộc phá san hô phải nắm được số liệu của tầng san hô. Lúc này, ông Cát tìm đến Viện Hải dương học Nha Trang để tìm hiểu, nhưng không có tư liệu nào liên quan. Không còn cách nào khác, ông và đồng đội quyết định tự làm. Họ xác định: Để phá san hô, đơn giản hơn là phải xác định được hệ số cứng của san hô và muốn làm vậy phải thử nghiệm phá san hô nhiều lần, lấy thông số chung để tìm ra lời giải.

Dù không được đào tạo bài bản nhưng những sáng kiến của bộ đội công binh lúc bấy giờ vẫn rất giá trị. Thậm chí, họ sẵn sàng thay đổi cả thiết kế trước đó của Bộ Tư lệnh Công binh. Ông Cát kể: “Bằng kinh nghiệm và sự quan sát, anh em phát hiện số lượng cát bồi, lở của những bãi cát xung quanh đảo Trường Sa Lớn thay đổi theo mùa gió nên các công trình trên đảo cũng cần được xây dựng theo mùa gió ấy. Vị trí xây dựng công trình cũng phải nằm ở nơi không bị lở để đảm bảo an toàn. Cách làm trên đã được áp dụng vào thực tế rất thành công”.

Nhưng nhiệm vụ của người lính công binh thời kỳ đầu không chỉ có vậy. Vào những năm 1979-1980, tình hình tại biên giới Tây Nam bất ổn, cán bộ chiến sĩ trung đoàn, ngoài nhiệm vụ xây dựng Trường Sa, họ còn phải hỗ trợ, xây dựng lực lượng ở các tỉnh phía Nam. Những công trình ở Hòn Khoai, Hòn Chuối, Phú Quốc lại kéo họ vào nhiệm vụ khác gian khổ không kém.

  • Đội đá xây đảo

Những năm 1980, có một cuộc tổng động viên lớn tại Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (tiền thân của Học viện Hải quân). Cũng như một cuộc tuyển quân vào chiến trường, những học viên trẻ tuổi, cả giảng viên lẫn hiệu trưởng cùng khoác ba lô lên đường. Các chiến sĩ trẻ măng, trong đó có cả những người chưa một lần đi biển, rẽ sóng hướng thẳng ra biển Đông với sứ mệnh: Chuyển đá xây dựng Trường Sa.

Đại tá Đỗ Anh Tịnh, nguyên Chính ủy nhà trường, nhớ lại: “Nhiều học viên mới vào trường cũng tình nguyện lên đường. Hầu hết họ chưa một lần ra biển nên điều sợ nhất chính là những con sóng. Nhưng với tinh thần không ngại khó, cộng thêm bài học mà chúng tôi truyền dạy ở trường, đó là - yêu nước, yêu biển, yêu tàu, yêu cả con sóng - những lần vượt sóng ấy, các bạn trẻ đều nỗ lực vượt qua”.

Cùng nhận nhiệm vụ chuyển đá xây dựng đảo, 3 con tàu Bạch Đằng 18, Sông Thao, Hạ Long 1 của Lữ đoàn 125 hải quân đã tổ chức hàng chục chuyến đi. Đại tá Bùi Tiến Thành, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125, nguyên thuyền phó tàu Bạch Đằng 18 nhớ lại: “Trong những chuyến đi ấy, không phải chuyến nào cũng thành công. Có chuyến vì thời tiết quá xấu, phương tiện đi biển cũ kỹ đơn sơ, không thể neo tàu bốc dỡ đá nên đành quay lại. Có chuyến đi, chúng tôi gặp tàu lạ trang bị vũ khí có ý khiêu khích nhưng anh em không ngần ngại hướng tàu thẳng đến Trường Sa. Những đợt thi đua quay vòng, tăng chuyến sôi nổi khắp đơn vị. Mọi người nỗ lực bốc dỡ nhanh, quay tàu về bến để tổ chức chuyến đi mới”.

Để gặp lại những con người hơn 20 năm trước từng đội đá xây đảo, chúng tôi tìm đến Học viện Hải quân (đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa). Trong phòng truyền thống của ngôi trường 56 năm tuổi, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều những hiện vật, hình ảnh tái hiện thời điểm đáng nhớ đó. Chúng tôi cũng may mắn được gặp 2 trong số những con người - anh hùng đó.

Năm 1988, Đại tá Nguyễn Đức Suyền, Trưởng khoa Quân sự chung, Học viện Hải quân, là một giảng viên của trường. Ông nhớ lại: “Ngày 22-3-1988, tàu Sông Thu chở học viên của trường rẽ sóng ra Trường Sa. Đây là chuyến tàu thứ hai chở đá ra đảo. Lực lượng trên tàu là toàn bộ học viên 2 lớp H30A và H30B. Phần lớn học viên ở độ tuổi 20, 21 chưa một lần đi biển. Tàu chở theo mì tôm, thịt heo ướp muối để trong khạp nhưng hầu như không ai ăn uống được gì vì say sóng. Rau xanh mang theo chỉ dùng được vài ngày thì bị hư, héo vì nhiệt độ trên tàu quá cao. Thời tiết xấu cũng khiến việc vận chuyển gặp khó khăn. Đã vậy, mới làm được một ngày thì cẩu hàng bị hỏng. Với quyết tâm bằng mọi giá cũng không thể mang vật liệu trở về, chúng tôi quyết định bốc đá bằng tay. Hôm đầu, đến đảo Đá Lát, sau khi vận chuyển xong, anh em cột xuồng nhỏ xung quanh tàu. Đêm hôm đó, sóng lớn, tàu phải nhổ neo chạy tránh sóng. Ai cũng lo ngay ngáy sợ xuồng trôi mất. Đến hôm sau, mọi người nghĩ ra cách khác. Kết thúc ngày làm việc, anh em cho xuồng vào đảo cột chắc chắn và ngủ lại trên đảo để bảo vệ cả xuồng lẫn người. Cứ như vậy, 20 ngày trôi qua, công việc chuyển đá hoàn thành”.

Cũng chung chuyến đi đó còn có 60 học viên của nhà trường. Những anh lính trẻ lần đầu ra biển, có người say sóng đến lả người vẫn cố gắng theo kịp đồng đội. Là một học viên vào thời điểm đó, Thượng tá Đặng Văn Quang, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Học viện Hải quân, kể: “Năm 1988, tôi là học viên năm thứ hai của trường. Nghe lệnh tổng động viên, chúng tôi bỏ cả một học kỳ để theo tàu. Lúc đó, hiệu trưởng trường là thầy Trần Doãn Oánh cũng có mặt trên tàu ra đảo. Thầy cũng xắn tay tham gia bốc đá, chuyển hàng cùng anh em học viên chúng tôi. Cả thầy lẫn trò đều gắng hết sức mình, chỉ mong công việc xong sớm. Những khi cẩu bị hỏng, chúng tôi phải chuyển những khối đá nặng từ hầm lên boong tàu (khoảng cách giữa hầm và boong tàu khoảng 8m). Từ boong tàu, chuyển đá xuống thuyền nhỏ cũng vô cùng gian nan. Chỉ cần một chút sơ sẩy là đá có thể rơi làm chìm thuyền, chìm hết vật liệu trên thuyền, đồng thời kéo luôn cả người trên thuyền xuống vùng xoáy. Khi đó, các thầy dặn kỹ chúng tôi: Trong trường hợp thuyền lật, phải nhanh chóng nhảy ra khỏi thuyền để bảo toàn mạng sống”.

Nỗ lực hết sức nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công. Cũng trong năm 1988, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân nhận nhiệm vụ hỗ trợ tàu Tân Bình 2 của TPHCM chở đá và vật liệu ra xây dựng đảo Đá Lát. Con tàu rời bến đúng vào mùa mưa bão đang dập vùi biển Đông. Dù đã thấy đảo Đá Lát trước mặt nhưng anh em không làm sao thả được neo vì sóng lớn, gió mạnh. Dây neo vừa thả xuống lại bị sóng đẩy trôi đi. Ngày đầu thất bại, tàu phải chạy ra xa, neo lại chờ hôm sau tiếp tục nỗ lực cập đảo. Hôm sau, anh em chuyển đá lên 2 chiếc pông-tông kéo theo tàu để đưa lên đảo. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, sóng lớn, tàu Tân Bình 2 đành phải quay lại Vũng Tàu với một lượng vật tư lớn chưa kịp chuyển lên đảo. Đại tá Suyền nói: “Trở về mà lòng ai cũng nặng trĩu. Với người lính, điều đó đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành nhiệm vụ…”.

————————

Bài 4: "Thành Cổ Loa" trên biển Đông

Xưa nay, chuyện xây tòa lâu đài trên cát được người đời ví như chuyện viển vông, không tưởng. Ấy vậy mà giữa biển Đông, vượt qua muôn vàn khó khăn, bộ đội công binh đã xây dựng được những công trình kiên cố trên... nước, tại những đảo chìm sâu nhiều mét so với mặt nước biển.

  • Ngọn đèn dầu không ngủ

6 giờ 30 tối, mặt trời đã dần lặn xuống biển. Cơm nước vừa xong, anh lính trẻ 22 tuổi Nguyễn Thọ Trân cùng đồng đội ở Trung đoàn 83 công binh bắt đầu chuẩn bị dụng cụ rời tàu. Mọi người lặng lẽ mặc áo phao, buộc dây vào người rồi lần lượt bơi vào đảo. Vật liệu xây dựng cũng đã được chuyển lên đảo bằng xuồng nhỏ. Sóng vỗ ì oạp lên thềm san hô.

Địa điểm xây dựng này, đơn vị anh đã tiếp cận từ mấy ngày trước. Nhớ lúc mới đến nơi, Trân đã không giấu được cảm giác ngỡ ngàng khi trước mắt anh, mặt bằng xây dựng là một vùng... mênh mông sóng nước: Đảo Đá Tây - một đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Khi thủy triều dần rút xuống, thềm san hô rộng lớn lộ ra, nổi lên trên là hòn đảo nhỏ. Nhiệm vụ của đơn vị là phải xây dựng nhà cấp 1 đảm bảo quy chuẩn, đứng chân trong nước, chịu được sóng to, gió lớn.

Khi toàn đội bơi vào đến đảo thì tia sáng cuối cùng trong ngày cũng vừa tắt. Bóng đêm trùm lấy biển, lấy tàu, nuốt cả hòn đảo chơi vơi giữa biển Đông và những con người nhỏ bé đứng trên đảo. Một, hai, ba, rồi nhiều ánh lửa vụt sáng. Mọi người thắp đèn dầu, đèn bão. Có người tẩm dầu làm đuốc. Một vùng sáng bừng lên trong đêm. Không ai bảo ai, mỗi người một phần việc, hối hả làm như chạy đua cùng con nước...

Sống nơi đầu sóng ảnh 7

Bộ đội công binh xây dựng công trình trên đảo Trường Sa Lớn

23 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày xây dựng công trình đầu tiên trên đảo Đá Tây vào năm 1988 vẫn như in khắc trong lòng anh Nguyễn Thọ Trân. Anh cười: “10 năm đi xây đảo, hình như tôi có duyên với những đảo chìm. Thợ xây nhiều lúc phải trầm mình dưới nước biển hàng giờ. Có khi chờ cả ngày mới đến lúc thủy triều rút nhưng trời lại nổi mưa dông. Những lúc như thế, không xây cất gì được, anh em bàn nhau tranh thủ thời gian chuyển một số vật liệu xây dựng xuống đảo. Có một đặc điểm nhận dạng rất dễ thấy của lính công binh xây đảo, đó là quần áo trên người không lúc nào khô, còn toàn thân thì bị san hô cắt chi chít”. 3 tháng ròng làm liên tục cả ngày lẫn đêm, không biết đến thứ bảy hay chủ nhật, cuối cùng, công trình nhà cấp 1 đầu tiên đã hoàn thành trên đảo Đá Tây.

Cũng tại đảo chìm Đá Tây này, những năm tiếp sau, đồng đội của Trân lại tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình kiên cố. Nổi bật nhất là công trình xây trụ cập tàu ở đảo chìm Đá Tây. Trong 10 ngày, 6 chiến sĩ thay phiên nhau lặn ở độ sâu 10m để thi công phần móng. Hết ngày lại đêm, các anh làm thủ công: Trộn bê tông bằng tay rồi cũng đôi tay ấy xách từng xô bê tông lên bồn cao 12m đổ xuống. Thượng úy Trần Mạnh Hùng kể: “Đôi bàn tay của 6 đứa tụi mình cứ tróc từng mảng da, do làm việc nặng lại bị bào mòn bởi xi măng, nước biển nên cứ phồng rộp lên. Anh em phải quấn giẻ vào tay, động viên nhau tiếp tục làm việc…”. Làm xong phần móng là đến phần nặng nề nhất: Đổ khối bê tông nặng 350m³.

Khi 350m³ bê tông đổ gần xong thì bất ngờ bão tràn về vào Đá Tây, trụ bê tông chưa kịp khô nên bị sóng đánh vỡ. Mọi người lại nỗ lực làm lại từ đầu. Lại thêm 3 tháng trôi qua, công trình hoàn thành. Ngày khánh thành công trình, ai cũng cảm thấy mằn mặn trong tâm khảm. Vị mặn của nước biển và cả những giọt mồ hôi.

  • Mở luồng đá lớn

Năm 1990, Trung đoàn 83 công binh nhận một nhiệm vụ quan trọng là thi công mở luồng đá lớn tại đảo Đá Lớn. Với những lợi thế của hồ Đá Lớn, Bộ Tư lệnh Hải quân có chủ trương mở luồng nối thông hồ ra biển và cải tạo phá đá ngầm trong lòng hồ bảo đảm cho tàu thuyền Hải quân, tàu đánh cá của ngư dân vào trú bão. Đây là công trình phá đá đào kênh bằng phương pháp nổ phá có quy mô lớn nhất nước ta vào thời điểm đó, lại thi công trong điều kiện hết sức khó khăn phức tạp trên đảo chìm giữa mênh mông sóng nước. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 thời điểm đó - đồng chí Hoàng Kiềng là người trực tiếp chỉ huy công trình.

Ông nhớ lại: “Ngày 25-3-1990, tàu HQ 617 chở 200 tấn thuốc nổ đầu tiên và lực lượng thi công cập đảo Đá Lớn. Thời gian này, gió mùa Đông Bắc lạnh tê người, tàu phải neo ở hướng Tây Nam đảo, luồng lại nằm ở hướng Đông Bắc đảo. Từ vị trí tàu neo đến vị trí thi công khoảng 4.000m. Nếu cứ ăn ở trên tàu, hàng ngày đi thi công rất xa, tổ chức thi công rất phức tạp. Tôi quyết định đưa bộ đội lên 2 bãi đá để dựng nhà ở và tổ chức thi công. Bất ngờ đêm ngày 4-4-1990, một cơn dông lớn nổi lên kèm theo mưa to sóng lớn khiến  cả 2 nhà tạm bị sập, bay mái. Cơn dông đến bất ngờ vào khoảng 1 giờ sáng, anh em chiến sĩ rất hoang mang, mưa, gió, ướt, rét, sấm chớp ầm ầm, trời tối đen. Do tổ chức gác đêm tốt, chuẩn bị đủ đèn pin, cuối cùng mọi người cũng chằng buộc được lại xuồng vào các tảng đá lớn để chống trôi”.

Chưa kịp hoàn hồn sau cơn dông thì đúng 1 tháng sau, đơn vị lại đối mặt với trận bão lớn. Nguy cơ 10 chiếc xuồng và 16 téc chứa nước cùng một số vật liệu làm nhà đang neo trên đảo sẽ bị trôi hết. Ra biển vào lúc có bão là một sự liều lĩnh nhưng nếu không đi thì sẽ mất hết dụng cụ thi công. Cuối cùng, anh em quyết định cho một xuồng máy và 10 chiến sĩ có đủ neo, phao, bơi chèo lên đường. Từ vị trí tàu đậu đến vị trí thi công khoảng 1.500m. Sóng rất lớn. Xuồng máy ra gần đến nơi thì các xuồng, vật liệu bắt đầu trôi. Anh em ra sức chặn vớt, buộc vào tảng đá lớn hai bên bờ luồng. Khi bão tan thì cả 10 người đều trở về tàu an toàn. Bữa cơm chiều, cả đơn vị nhìn nhau cười rơi nước mắt.

Một công trình trên đảo chìm được bộ đội công binh xây dựng và đưa vào sử dụng.
Một công trình trên đảo chìm được bộ đội công binh xây dựng và đưa vào sử dụng.
  • Biến đảo chìm thành đảo nổi

Đại úy Vũ Xuân Hòa trắng trẻo hơn những gì mà chúng tôi hình dung về một người lính công binh. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải ngay khi đã trong quân ngũ, năm 2000, anh được phân công ra đảo. Anh không thể quên cơn bão lớn năm 2009 vùi dập Trường Sa. Tại đảo Đá Tây A, sàn vật tư khá kiên cố được anh em xây từ mấy hôm trước bị bão đánh sập, gần 800 tấn vật liệu rơi xuống biển. Anh em công binh nhìn thấy nhưng không thể làm gì, chỉ tiếc như đứt từng khúc ruột. Gửi gắm trong gần 800 tấn vật liệu ấy là biết bao nghĩa tình thủy chung từ đất liền. Và còn cả những giọt mồ hôi đậm vị mặn chát của biển khi vật liệu được chuyển lên bờ bằng chính đôi tay, bờ vai lính công binh.  

Khi chúng tôi hỏi về sự hy sinh của lính công binh, cả anh Trân và Hòa đều nhớ về một người lính trẻ nhận nhiệm vụ truyền tải tại đảo Nam Yết năm 2003. Anh tên Chiểu.

Sau khi thép được đưa từ tàu lên xuồng, Chiểu nhận nhiệm vụ bám theo dây đưa xuồng cập đảo. Bất chợt biển nổi sóng. Trong chớp mắt, cơn sóng trùm lên mạn xuồng lôi tuột đống thép nặng cả tấn xuống biển. Một cây thép móc vào chiếc áo phao mà Chiểu đang mặc lôi anh thẳng xuống biển nước đang sôi sục.

Những người đồng đội của Chiểu nhìn thấy hết nhưng không thể làm gì nữa rồi. Phải đến chiều tối, các anh mới nhờ được một tàu đánh cá giúp đỡ mò tìm thi thể Chiểu. Chiểu được tìm thấy. Đồng đội tiễn anh vào bờ, không ai ngăn được dòng nước mắt. 

Ít ai biết rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 83 Công binh từng trực thuộc Quân khu 5, đã góp phần làm nên rất nhiều chiến công cho quân đội ta. Từ sau ngày giải phóng, trung đoàn đảm nhận nhiệm vụ mới là xây dựng các công trình phòng thủ trên quần đảo Trường Sa và ven bờ. Những công trình cấp 4, cấp 3, cấp 2 rồi cấp 1, những bờ kè chắn sóng, chống xói mòn, những trạm khí tượng thủy văn... đã và đang mọc lên trên những điểm đảo chìm, đảo nổi chính từ đôi tay và ý chí của họ. Nhờ đó, nhiều đảo chìm giờ đây đã nổi lên vững vàng trên sóng nước.

Thượng tá Bùi Quang Hải, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83, tự hào: “Dù điều kiện khó khăn, chúng tôi vẫn đảm bảo xây dựng những công trình đạt chất lượng cao. Hiện tại, nhiều công trình trên đảo được đánh giá là không thua kém, thậm chí còn hơn hẳn về chất lượng so với một số công trình trong đất liền”. Mỗi lần xây dựng được một công trình kiên cố ở Trường Sa, bộ đội hải quân lại gọi đùa đó là những “Thành Cổ Loa trên biển”. Thêm một công trình là vị thế phòng thủ trên biển thêm vững chãi, thêm một yếu tố để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

MAI HƯƠNG - THẠCH THẢO


Bài 5: Chắt chiu mầm sống

Nói đến quần đảo Trường Sa, các nhà hàng hải còn đặt cho nó một cái tên khác là quần đảo bão tố. Nắng nóng cháy da, mưa lạnh thấu xương, gió thổi bay người, tưởng chừng không có loài sinh vật nào sống được, ngoài cây phong ba và những loài chim biển. Vậy mà ý chí và đôi bàn tay của lính hải quân đã ươm mầm, che chở, nuôi lớn được những cây trồng, con vật được xem là cây “nhà lành”, con vật cưng trong đất liền. Trong chuyến thực tế thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã gặp rất nhiều người đã và đang ươm mầm xanh ở Trường Sa.

Chăm sóc vườn rau xanh tại đảo chìm Đá Lát

Chăm sóc vườn rau xanh tại đảo chìm Đá Lát

  • Rửa đất

Theo tài liệu của Sở Địa học, Viện khảo cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển Nông thôn của chính quyền Sài Gòn cũ, vào mùa thu năm 1973, cơ quan này đã có cuộc khảo sát chuyên môn về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện sinh sống trên đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa.

Kết quả khảo sát ghi nhận: Đất trên đảo có thể phù hợp để trồng dừa, nhàu, bàng, mù u. Một số ít cây ăn trái cũng có khả năng trồng được như nhãn, mãng cầu, khoai mì, đậu phộng. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng như kết quả trên giấy. Điều kiện khí hậu tại đây hết sức phức tạp, thời tiết thay đổi nhanh và thất thường. Trời đang sáng trăng nhưng chỉ 10 - 15 phút sau là mưa dông kéo tới. Cộng thêm đó, việc thiếu nước ngọt sẽ khiến cho việc nuôi trồng gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn đất nhiễm mặn nặng dường như không thích hợp để nuôi lớn những hạt mầm.

Để khắc phục tình trạng đó, theo đại tá Cao Anh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, đến năm 1989, bắt đầu có những chuyến tàu chở đất ra Trường Sa. Ngày ấy, đất quý hơn vàng. Anh em tận dụng đất để gieo hạt trồng rau nhưng do thiếu kinh nghiệm đối phó với mưa bão nên nhiều thùng rau bị nhiễm mặn. Là người từng có 19 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa, đại tá Biện Xuân Khương, Chủ nhiệm Chính trị Học viện Hải quân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 146 kể: “Nếu muốn trồng cây, cái khó nhất là phải giữ cho “đất ngọt” từ đất liền mang ra đảo không bị nhiễm mặn. Trong quá trình trồng phải che chắn để nước biển không tạt vào”.

Đại tá Nguyễn Đức Suyền, Trưởng khoa Quân sự chung, Học viện Hải quân kể: “Năm 1988, lần đầu đến đảo Tiên Nữ, tôi chỉ mặc mỗi quần đùi bơi từ tàu vào đảo. Vào đến nơi, anh Võ Tiến Cai (cụm trưởng đảo Đá Đông, Đá Tây, Tiên Nữ lúc bấy giờ) ra tiếp tôi, cũng chỉ đánh mỗi cái quần đùi. Nhìn qua “sở chỉ huy” của anh, tôi thấy thương các anh quá. Sàn nhà lót ván, ở trên che tôn, trống huơ trống hoắc. Nước ngọt chỉ có mấy thùng phuy dùng để đánh răng, rửa mặt và nấu ăn. Nóng nực quá, phải tắm bằng nước biển nên cả chỉ huy lẫn lính chỉ đánh mỗi cái quần đùi. Mấy anh em trên tàu sau khi tận mắt chứng kiến cảnh này đã nói: Phải phong anh hùng cho tất cả những người đang kiên cường bám đảo”.

Trong những chuyến công tác tại Trường Sa, chúng tôi hiểu thêm về những vườn rau di động của lính đảo. Nếu như ở đảo nổi, bộ đội có thể dùng bạt quây lại làm vườn rau, thậm chí là trồng cây chống mặn để ngăn gió thì ở những đảo chìm, trồng rau là cả một nghệ thuật: Nghệ thuật tránh sóng.

Khi biển động, sóng lớn, các khay rau được chuyển lên nơi cao nhất của đảo chìm. Khi sóng đánh bên này, rau được chuyển sang bên kia và ngược lại. Có khi đang luyện tập hay sinh hoạt chính trị, biển nổi sóng, anh em lại bỏ hết công việc để đi che chắn, di chuyển vườn rau.

Cũng từ gian khó mà anh em đã nghĩ ra một cách độc nhất vô nhị để tận dụng tối đa đất bị nhiễm mặn. Đó là đem đất ra rửa. Những thau nước quý giá để dành bấy lâu được đem ra, anh em đổ từng khay đất nhiễm mặn vào. Chờ đất lắng lại, một lớp đất mới vừa được rửa mặn xuất hiện. Đất này được dành tiếp tục trồng rau xanh. Đến năm 2000, khi bộ đội đưa những khay trồng rau bằng vật liệu composite thay thế cho những khay rau bằng gỗ trước đây vào sử dụng thì năng suất và chất lượng rau trồng được cũng tăng lên.

Tại đảo Sinh Tồn, đã trồng được hơn 10 loại rau, trong đó có một số loại đã tưởng như khó sống nổi trên đảo như dưa leo, bí xanh, bí đỏ. Các chiến sĩ cho biết: Trong các loại rau trồng được, khó nhất là bí đỏ. Cây này trồng được thì ăn được hết, từ hoa, ngọn, trái lớn, trái nhỏ... Nhiều loại cây ăn trái cũng bắt đầu đâm chồi, đơm hoa, kết quả trên đảo mặn.

Những năm gần đây, ai đến thăm đảo chìm Tốc Tan đều bị thu hút bởi những chậu hoa mười giờ khoe màu hồng tươi trước biển. Loại hoa tưởng chừng chỉ có thể trồng được từ đất liền đã vươn lên mạnh mẽ nơi đảo xa. Rồi những chậu trầu bà xanh ngắt, những mớ hoa muống biển được chắt chiu trong bình. Nhìn các chiến sĩ hải quân nhín từng chút nước ngọt để tưới tắm cho chậu hoa đang bung nở, xa xa là hình ảnh công sự trên đảo chìm giữa mênh mông biển trời, càng cảm nhận thấm thía tình yêu cuộc sống, yêu quê hương của người lính đảo.

Cùng với thực vật, những động vật nuôi cũng theo chân chiến sĩ hải quân ra đảo. Đầu tiên là chó. Không ai nhớ chính xác chó được đem ra Trường Sa từ năm nào, chỉ biết rằng giữa vùng biển mênh mông, chó là những người bạn rất trung thành, tận tụy với bộ đội. Nhiều chiến sĩ cho biết, ban đêm, nghe tiếng chó sủa lại thấy bớt cô đơn, thấy ấm áp như đang ở trong đất liền. Có những chú chó gắn bó hàng chục năm với lính đảo, giúp lính đảo bắt cá, bắt chuột và cả canh gác. Tiếp theo chó là heo, gà, vịt cũng xuống tàu ra đảo. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ở nơi chỉ có ầm ào sóng biển ấy, đã có sự sinh tồn.

  • Diễn tập... đỡ đẻ

Chuyện nghe tưởng chừng hy hữu này đã diễn ra trên đảo Song Tử Tây vào tháng 5-2009. Lúc này, nhóm bác sĩ trẻ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa nhận công tác tại đảo chưa đầy 1 tháng. Nhóm bác sĩ mỗi người một chuyên ngành nhưng không có ai chuyên khoa sản. Một buổi, anh Hồ Dương, công tác trong tiểu đội dân quân của xã đảo dẫn vợ lên khám thai định kỳ. Để chuẩn bị cho ca sinh nở đầu tiên trên quần đảo Trường Sa này, nhóm bác sĩ đã đi đến quyết định: Cần phải diễn tập đỡ đẻ!

Bác sĩ Mai An Giang, phụ trách chính của kíp diễn tập gọi điện về Khoa Sản Bệnh viện 108 để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Một phòng hộ sinh được dựng lên. Tất cả thiết bị y tế tốt nhất trên đảo tập trung về. Một y sĩ “đực rựa” được phân công nằm lên bàn sinh đóng vai sản phụ. Những tình huống giả định sinh khó lần lượt được ê kíp y bác sĩ trên đảo thao tác nhuần nhuyễn. Sản phụ giả cũng phải xoay trở đủ tư thế trong đủ các trường hợp sinh khó để phục vụ cho quá trình diễn tập.

Sau một buổi tập luyện toát mồ hôi, nhóm bác sĩ tự tin có thể đỡ đẻ ngon lành trên đảo. Mọi người hồ hởi đi ăn trưa thì phát hiện thấy thiếu mất “sản phụ giả”. Trở lại phòng sinh mới thấy “sản phụ” vẫn đang say sưa… ngủ trên bàn đẻ! Thì ra, do quá nhập vai, anh này nằm im không dám động đậy rồi ngủ quên lúc nào không biết.

Ngày 16-5-2009, công dân đầu tiên đã chào đời tại bệnh xá quân - dân y trên xã đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Lần đầu tiên, giữa muôn trùng sóng nước, bé Hồ Song Tấn Minh cất tiếng khóc chào đời. Từ đó, mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm đảo, nơi đầu tiên mọi người tìm đến chính là gia đình bé nhỏ của bé Minh. Em bé như một minh chứng sống động tượng trưng cho sức sống đã ươm mầm, sinh sôi trên đất mặn đảo xa này.

Đến sáng ngày 4-4-2011, quần đảo Trường Sa tiếp tục đón nhận em bé thứ hai ra đời. Sản phụ là chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, 39 tuổi, quê ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chị cùng chồng là anh Nguyễn Tấn Thi không quản ngại khó khăn, xa xôi cách trở để đến với đảo Trường Sa Lớn lập nghiệp. Trước đó, vợ chồng anh Thi đã có 2 con nhưng đều sinh ra trên đất liền. “Chúc mừng một thế hệ tương lai”, là những câu nói đầu tiên của các y bác sĩ Bệnh viện 175 khi tham gia mổ đẻ cho chị Thanh Thúy.

--------------------------

Bài 6:  “Tổ chim” giữa đại dương.

Anh Nam bước xuống xuồng rời nhà giàn về đất liền cho kíp trực khác ra thay. Chiếc xuồng nhỏ bé đưa anh và đồng đội rời xa nhà giàn thân thương mà mọi người đồng cam cộng khổ suốt 1 năm nay. Từ xa nhìn lại, chiếc nhà giàn 4 chân nằm chênh vênh, nhỏ bé giữa biển khơi bao la. Không ai bảo ai, nước mắt tuôn rơi trên những khuôn mặt sạm nắng.

THẠCH THẢO - MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục