10 năm phát triển vệ tinh “Made in Vietnam”

Ngày 1-10, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản). Đây cũng chính là điểm nhấn nổi bật sau 10 năm hoạt động của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam.
Vệ tinh NanoDragon chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17-8 để chuẩn bị cho việc phóng lên quỹ đạo ngày 1-10
Vệ tinh NanoDragon chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17-8 để chuẩn bị cho việc phóng lên quỹ đạo ngày 1-10

Những bước đi đầu tiên

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) tiền thân là Trung tâm Vệ tinh quốc gia được thành lập vào ngày 16-9-2011 theo Quyết định số 1611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đơn vị chủ chốt tập trung vào việc phát triển KH-CN vũ trụ và các ứng dụng liên quan ở Việt Nam. PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, VNSC đã xác định tầm nhìn trở thành “Trung tâm Vũ trụ quốc gia”, trong 10 năm qua đã từng bước phát triển và hình thành 4 trụ cột chính: công nghệ vũ trụ; ứng dụng vũ trụ; khoa học vũ trụ; đào tạo và phổ biến kiến thức vũ trụ. Sau 10 năm hoạt động, VNSC đã gặt hái được một số thành tựu trên các mặt hoạt động. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam”.

Ngày 19-10-2013, vệ tinh siêu nhỏ “Made in Vietnam” mang tên PicoDragon có khối lượng 1kg, được phát triển bởi các nghiên cứu viên và kỹ sư trẻ của VNSC, đã được phóng thành công vào quỹ đạo. Sau đó, trạm mặt đất VNSC và các nơi trên thế giới đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc từ vệ tinh này. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian. 

Sau vệ tinh PicoDragon, VNSC thực hiện dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon khối lượng 50kg tại Nhật Bản. Với sự kiện này, 36 kỹ sư của VNSC được cử đến 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vũ trụ, đồng thời tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Thông qua dự án này, các kỹ sư Việt Nam không chỉ tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh micro, tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh. Vệ tinh MicroDragon được phóng lên quỹ đạo ngày 18-1-2019 tại bãi phóng Uchinoura và kết nối thành công với trạm mặt đất.

Tập trung vào hướng xử lý dữ liệu lớn ảnh vệ tinh, VNSC đã xây dựng hệ thống Vietnam Data Cube, hiện đang tập hợp gần 100.000 ảnh vệ tinh về Việt Nam, được đối tác quốc tế (JAXA, ESA, USGS) cho phép khai thác miễn phí và chia sẻ cho cộng đồng nghiên cứu của Việt Nam. Thời gian tới, hệ thống sẽ được vận hành với 2 ứng dụng chính là theo dõi lúa và rừng trên toàn Việt Nam cùng các ứng dụng khác như theo dõi lũ lụt, sạt lở đất… 

Tiếp nối MicroDragon, từ năm 2017, VNSC đã nghiên cứu phát triển vệ tinh lớp nano có tên NanoDragon nặng khoảng 4kg. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. Vệ tinh có 2 nhiệm vụ chính là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo và tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Giữa tháng 8, vệ tinh NanoDragon đã được chuyển đến Nhật Bản để kiểm tra, đánh giá lần cuối, bàn giao cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lên kế hoạch phóng. NanoDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo ngày 1-10-2021 tại bãi phóng Uchinoura (Nhật Bản).

Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực

Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, hiện VNSC đang quản lý dự án chế tạo hệ thống vệ tinh LOTUSat-1 sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp, được thiết kế, chế tạo bởi tập đoàn NEC (Nhật Bản), khối lượng khoảng 570 kg với khả năng chụp ảnh trái đất độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. 

Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến được phóng cuối năm 2023. Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, VNSC đã tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vệ tinh đến 180 kg.

Cùng với phát triển vệ tinh, VNSC chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vũ trụ. Trong đó tập trung chủ yếu vào mảng viễn thám và GIS, s thông qua các ứng dụng được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp (theo dõi lúa, hệ thống theo dõi thông tin nông nghiệp thông minh), lâm nghiệp (theo dõi nhanh mất rừng), quy hoạch và quản lý đô thị (đánh giá biến động đô thị), quản lý khu vực ven biển (theo dõi sạt lở bờ biển), ứng phó với sự cố (theo dõi tràn dầu)… 

Các ứng dụng trên đều là kết quả nghiên cứu của cán bộ VNSC thời gian qua, thông qua đề tài nghiên cứu các cấp và hợp tác quốc tế. Ngoài sự hợp tác chặt chẽ với JAXA và các tổ chức quốc tế nghiên cứu về hàng không, vũ trụ; mới đây PGS-TS Phạm Anh Tuấn cho biết: “Việt Nam đã được NASA mời tham gia dự án Artemis đưa thiết bị khoa học và con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024, chúng tôi đã nhận lời”.

Tin cùng chuyên mục