Phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền

* Bà TRẦN VIỆT THÁI:
Phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 1-1-2016

Từ ngày 1-1-2016, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015  có hiệu lực. Thay thế cho Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân  năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung những quy định mới nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong thực tế. Những quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, giúp HĐND các cấp khẳng định vị trí cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Bà Trần Việt Thái Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp TPHCM, thông tin cụ thể:

Để cụ thể hóa khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ ngày 1-1-2016. UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (như TPHCM) tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của luật.

Đại biểu HĐND TPHCM (giữa) tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Đối với đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo, tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện tại hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã cũng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng có HĐND và UBND với cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

* PV: Một trong những điểm mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là việc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Xin bà cho biết nội dung này được quy định như thế nào?

Phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền ảnh 2

* Bà TRẦN VIỆT THÁI: Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền, trong đó đáng chú ý là: Bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; việc phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực; chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp...

* Từ ngày 1-1-2016, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND có gì khác so với trước?

* Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương sẽ có một số điểm mới cơ bản. Cụ thể: nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; theo đó, chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Chính quyền địa phương sẽ quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền...

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương.

*Chính quyền đô thị được quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng gì nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn, thưa bà?

* Chính quyền địa phương ở thành phố, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị...

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quận và phường đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị. Ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, còn tập trung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc quyết định các vấn đề ở địa phương, gồm: Thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Bầu nhân sự của HĐND, UBND cùng cấp.

* Xin cảm ơn bà!

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục