- Đến 20-6 không còn thiếu điện?
Ngày 1-6, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán, sản xuất, thậm chí nhiều nút giao thông trên địa bàn TPHCM bị ngưng trệ do cúp điện. Tại nhiều khu vực dân cư thuộc quận 3, 5, 8, Thủ Đức, Củ Chi,… doanh nghiệp và người dân chỉ còn biết than trời do phải sống chung với cúp điện.
Kinh doanh, sản xuất bị đình trệ
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ 8 giờ sáng hệ thống giao thông tại khu vực đường Chánh Hưng, quận 8 bị rối loạn do điện cúp và cúp luôn hệ thống điện của đèn tín hiệu giao thông. Các cây xăng dọc đường Chánh Hưng đoạn từ chợ Xóm Củi đến cầu Chữ Y cũng đề bảng cúp điện ngưng bán xăng. Dọc đường Trần Hưng Đạo, quận 5, nhiều nhà hàng, khách sạn buộc ngưng hoạt động vì hệ thống máy phát điện không đảm bảo đủ công suất để duy trì hoạt động của hệ thống điều hòa…
Tương tự, dọc đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, nhiều nhà hàng từ sáng sớm đã phải chạy máy phát điện để duy trì hoạt động buôn bán. Nhiều người dân phường 5 quận 8 khi biết chúng tôi tìm hiểu việc cúp điện tại đây đã không khỏi bức xúc vì chỉ trong 5 ngày từ 28-5 đến ngày 1-6 nhà đèn đã cúp điện đến 3 ngày (ngày 28, 30-5 và 1-6). Thời gian cúp từ 7 giờ sáng đến 18 giờ tối. Cúp điện trong khi thời tiết oi bức đã khiến hàng trăm ngàn người dân bị đảo lộn sinh hoạt.
Cũng trong hôm qua, ghi nhận tại một số bệnh viện cho thấy bệnh nhân rất khốn khổ vì tình trạng cúp điện. Theo Bệnh viện quận Tân Bình, có tuần bệnh viện phải chịu cúp điện vài lần và mỗi lần cúp kéo dài cả ngày. Để đối phó, ngoài hệ thống máy phát điện hiện có đang hoạt động hết công suất, bệnh viện cũng vừa đầu tư mua thêm máy phát điện mới để đáp ứng.
Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, cho biết có tình trạng cúp điện nhưng nhờ dự phòng chuẩn bị máy phát điện công suất lớn nên mọi hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện ít bị ảnh hưởng. Hiện bệnh viện quy định ưu tiên điện cho những khu vực cấp cứu, còn các nơi không ưu tiên thì hạn chế như tắt quạt, máy lạnh. Cũng theo bác sĩ Lâm, trong trường hợp bệnh nhân đang lọc máu, cấp cứu, phẫu thuật, trữ lạnh vaccine… mà cúp điện sẽ rất nguy hiểm. Một số bệnh viện khác cũng cho biết do cúp điện nên chạy máy phát điện chỉ đủ cung cấp cho các phòng bệnh cấp cứu, phẫu thuật…, còn lại đều chịu cảnh nóng nực, nhiều buồng bệnh nhân nằm không có quạt, máy lạnh nên ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục sức khỏe…
Với các doanh nghiệp, việc cúp điện vô tội vạ đã và đang đẩy họ vào tình trạng thiệt hại hàng tỷ đồng. Đại diện Công ty Unilever Việt Nam, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi cho biết, tính từ đầu tháng 5 đến nay, công ty bị cúp điện rất nhiều lần. Trung bình mỗi tuần bị cúp từ 1 – 2 lần. Điều đáng nói, rất nhiều lần công ty bị cúp điện nhưng không được thông báo trước gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, công ty bị hư hại khoảng 5 mẻ sản phẩm bao gồm dầu gội và kem dưỡng da với tổng số tiền thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Ông Võ Trí Thiêng, phụ trách Hành chính, tổ chức Công ty Acecook Việt Nam cũng bức xúc, cho biết, trong tuần qua, Tổng Công ty Điện lực TPHCM có thông báo lịch cúp điện của công ty bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ nhưng phải đến 22 giờ thì mới có điện lại. Hôm qua (1-6), công ty vừa mới nhận được yêu cầu của nhà đèn phải chạy máy phát điện 4-5 giờ đồng hồ/ngày để hạn chế thiếu điện. Thế nhưng, chạy máy phát điện làm sao đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy?
Vẫn điệp khúc “nhu cầu sử dụng tăng cao”
Lý giải cho tình trạng cúp điện dày đặc hiện nay, ông Nguyễn Anh Vũ, Quyền Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Công ty Điện lực TPHCM giải thích, đó là do thiếu điện nên buộc phải áp dụng biện pháp cắt điện khẩn cấp. Hiện trung bình mỗi ngày Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao chỉ tiêu cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 44,715 triệu kWh điện trong khi nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố tăng cao, khoảng gần 50 triệu kWh điện. Thiếu khoảng 5 triệu kWh điện/ngày nên khó tránh khỏi tình trạng cúp điện luân phiên và khẩn cấp.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, dự kiến tới ngày 20-6, khi tình hình thủy văn được cải thiện thì việc sản xuất và cung ứng điện sẽ dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận, từ nay đến trung tuần tháng 6, do mưa lũ chưa về thực sự trên các hồ thủy điện miền Bắc, trong khi mức nước các hồ miền Trung, miền Nam vẫn đang ở mức rất thấp, thời tiết còn diễn biến bất thường, khả năng cung cấp điện còn khó khăn.
Đặc biệt, nếu mức nước các hồ thủy điện tiếp tục giảm đến mức nước chết có thể dẫn đến không chỉ thiếu sản lượng điện mà thiếu cả công suất phát của toàn hệ thống khi tổ máy thủy điện phải dừng hoạt động. Do đó, sản lượng điện bị tiết giảm ở các tỉnh, thành ở khu vực nông thôn miền Bắc, Trung, Nam sẽ vẫn ở mức cao có thể lên tới 10% - 15%. Riêng trong 3 ngày 2, 3, 4-6, Tổng Công ty Điện lực thành phố sẽ tạm ngưng cung cấp điện tại nhiều khu vực dân cư để phải đảm bảo điện phục vụ cho các hội đồng thi tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, người dân cho rằng, lý do ngành điện đưa ra để lý giải cho tình trạng cúp điện liên tục vẫn không có gì mới hơn so với những năm trước, vẫn là thiếu điện do thiếu nước; máy phát điện hư; nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao… Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho ngành điện nước ta không thực sự bền vững, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng của người dân chính là cơ chế độc quyền về sản xuất, thu mua và phân phối điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và nếu tình trạng này không sớm khắc phục thì các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục điêu đứng vì thiếu điện.
Hà Nội mất điện diện rộng, giao thông hỗn loạn Khoảng 18 giờ 30 ngày 1-6, tại rất nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn các quận, huyện của Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín bị cắt điện hàng loạt. Tình trạng trên đã làm cho hệ thống đèn giao thông ở nhiều tuyến phố tắt ngóm, khiến giao thông thành phố trở nên hỗn loạn, ùn tắc ở nhiều ngã tư và tuyến đường. Theo đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, sự cố mất điện trên diện rộng ở Hà Nội vào chiều tối 1-6 là do đường dây 220kV Thường Tín đi Mai Động do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý gặp sự cố, gây mất điện toàn trạm biến áp 220kV Mai Động, kéo theo mất điện 19 trạm biến áp 110kV thuộc địa bàn nhiều quận, huyện của Hà Nội. Sau khi mất điện trên diện rộng xảy ra, Điện lực Hà Nội đã khẩn trương khắc phục sự cố và cho tới gần 20 giờ cùng ngày, toàn bộ các khu vực bị cắt điện đã được cấp điện trở lại. Việt Nam: Nắng nóng không vượt quá 42°C Theo các nguồn tin cho biết, ở Ấn Độ hiện đang xảy ra đợt nắng nóng khủng khiếp với nền nhiệt độ lên tới 50°C khiến ít nhất 250 người dân thiệt mạng. Việt Nam và các nước ở Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng có tâm ở vùng Ấn Độ và Myanmar di chuyển sang. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết: Ở Việt Nam, trong 2 tháng 6 và 7 năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng nhất, thời gian nắng nóng cũng kéo dài nhất, tuy nhiên nhiệt độ cao nhất không thể vượt quá 42°C. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, ở miền Bắc đang xuất hiện một bộ phận không khí lạnh trái mùa và chiều 1-6, không khí lạnh đã tiến sát xuống vùng biên giới phía Bắc nước ta. Trong 2 ngày 2 và 3-6, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ miền Bắc và Bắc Trung bộ. Do tính chất là không khí lạnh trái mùa nên sẽ tương tác với không khí nóng, gây mưa to đến rất to ở nhiều nơi. Nhờ có không khí lạnh ở miền Bắc và đới gió Tây Nam hoạt động ở Tây Nam bộ, gây mưa vừa nên thời tiết trong cả nước sẽ mát dịu hơn trong những ngày tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Nhóm PV