Dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài tại Đà Nẵng: An dân và “đẻ” ra vàng?!

Bài 1: Xôn xao trước ngày giải tỏa

Bài 1: Xôn xao trước ngày giải tỏa

Dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài đang được triển khai, giới đầu tư bất động sản lẫn các doanh nghiệp bắt đầu tính toán, tìm kiếm cơ hội làm ăn trên vệt đất vàng này.

Chuyện “vệt đất vàng” của tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài đang và sẽ là tâm điểm của “thời sự địa ốc” ở thành phố biển vốn sôi động này.

1m2 giá bao nhiêu?

Bài 1: Xôn xao trước ngày giải tỏa ảnh 1
Thiết kế đường Nguyễn Văn Linh nối dài

Theo quy định của UBNDTP Đà Nẵng, giá một m2 đất của đường Nguyễn Văn Linh (NVL) là 25,2 triệu đồng nhưng trên thị trường giao dịch tự do, có thời điểm mỗi m2 đất của đường này đã lên đến 100-120 triệu đồng, cá biệt, những ngày Đà Nẵng lên cơn sốt bất động sản (trước Tết Mậu Tý), đã có chủ sở hữu chào giá đến 160 triệu đồng/m2.

Anh Trần Minh Nhật, Giám đốc Trung tâm Giao dịch địa ốc và tư vấn thiết kế Trung Nam cho biết thêm, đó là vị trí bình thường, còn vị trí ngã tư thì “không định được giá”. Đúng là đất vàng. Còn những người trong nghề địa ốc dự báo ít nhất giá đất của tuyến NVL nối dài (nhạy cảm nhất là dự án phía bờ Tây) chí ít phải khoảng 160-180 triệu đồng/m2.

Và sẽ không chỉ là một khu, mà là cả “vệt đất vàng” khi dự án đường NVL nối dài với đầu tuyến bắt đầu từ bùng binh ở nút giao thông của 4 đường (NVL hiện tại, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm và Triệu Nữ Vương) chạy đến tận công viên đối diện Trường PTTH Trần Phú (vệt nối này dài 700m).

Sau khi vượt sông Hàn với cây cầu Rồng (dài 700m, rộng 31,5m, đủ cho 6 làn xe qua lại; có 2 lề dành riêng cho người đi bộ, do Công ty Louis Berger, Mỹ  thiết kế), tuyến đường mới gối đầu lên bờ đông bằng cầu vượt băng qua đường Trần Hưng Đạo. Từ đây, mặt đường sẽ rộng ra 48m tiếp tục chạy ra phía biển Đông sau khi giao cắt với các tuyến Ngô Quyền, tuyến đang thi công mở mới (chạy song song với Ngô Quyền và đường Sơn Trà-Điện Ngọc) để gặp trục ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc (tổâng chiều dài của phần dự án bờ Đông này là 1.500m).

Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng đường NVL nối dài gần đây nhất của UBNDTP Đà Nẵng đã xác định sẽ dành 108.947m2 để bố trí xây mới các công trình công trên toàn tuyến Đông Tây.
 
Giá cao vì thiết kế quá tuyệt?!

Bài 1: Xôn xao trước ngày giải tỏa ảnh 2
Một góc của đường Nguyễn Văn Linh hiện nay

Trưởng phòng Thiết kế-Quy hoạch 1 Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, kiến trúc sư Thái Ngọc Trung giới thiệu: Tuyến mới có những điểm nhấn kiến trúc khá khác biệt so với tuyến hiện tại. Trước hết, các khu thương mại dịch vụ đều có quy mô vài ngàn m2, tầm cao từ 20 tầng trở lên.

Ở điểm gặp nhau của đường NVL nối dài với hành lang ven biển (đường Sơn Trà-Điện Ngọc), chúng tôi đã dành 3ha để hình thành một khu du lịch 5 sao. Từ đây nhìn sang khu vực bờ biển, ngay điểm chính diện vuông góc với trục NVL nối dài này (tức vị trí cuối tuyến) sẽ tổ chức một công viên biển.

Điểm nhấn tạo dáng rõ nét cho cảnh quan trên tuyến đường ở khu vực bờ Đông còn thể hiện ở bồn hoa-cây xanh có bề ngang đến 6m so với 2m như hiện nay (do thuận lợi hơn về quỹ đất). Rút kinh nghiệm từ một sốâ đường lớn mới mở trong vài năm gần đây, yêu cầu cây xanh hai bên đường của tuyến NVL nối dài sẽ là loại cây to, khỏe, sớm cho bóng mát và ngầm hóa toàn bộ hệ thống dây điện, điện thoại, cáp quang trên tuyến.

UBND TP Đà Nẵng đã quyết định ghi vốn 100 tỷ đồng trong tài khóa 2008 phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường NVL nối dài và cầu Rồng. Đến giữa tháng 5 này, khâu kiểm định đối với các hộ giải tỏa cơ bản hoàn tất, phần ráp giá trị đền bù cho từng hộ đang được triển khai.

Tuy nhiên, ngày 8-5 vừa qua, đại diện UBND quận Hải Châu cho hay, hiện đang cộm lên vấn đề có rất nhiều hồ sơ đền bù giải tỏa không đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất ở và sở hữu chủ. Số lượng đến khoảng 70 hồ sơ. Nếu không có gì phát sinh, trong tháng 7 này, thông báo tạm thời áp giá đền bù sẽ được trao tận tay các hộ dân diện giải tỏa. Các hộ dân sau đó sẽ được thông báo về phương thức đền bù và chuẩn bị các bước thỏa thuận cần thiết để nhận đất tái định cư.

Tuy nhiên, cũng trong những ngày tháng 5-2008, lại rộ lên những nguồn tin: Đã có quyết định dừng mở đường, dừng làm cầu (?). Chính phủ không cho làm nữa (?). Tiết kiệm, cắt bớt các dự án đầu tư để chống lạm phát. Còn nhớ trước đó đã có tin: Nhà nước sẽ thực hiện đền bù khoán (?). Nghĩa là giao cho hộ bị giải tỏa “một cục tiền”, sau đó không có trách nhiệm gì nữa… Đây cũng là lý do khiến những người dân nơi đây xôn xao!

Bài 2: Người đi, kẻ ở... đều yên lòng?!

Trọng Nghĩa

Tin cùng chuyên mục