“Thảm họa” thiếu điện

Trơ đáy... giữa mùa mưa
“Thảm họa” thiếu điện

Bài 1: Thủy điện: Cầm hơi!

Thiếu điện không những làm đảo lộn đời sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước. Tại kỳ họp Quốc hội khóa 12 vừa kết thúc, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành phải đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt trong năm 2011. Tuy nhiên, từ thực tế của các nguồn cung cấp điện ở phía Nam hiện nay, “thảm họa” thiếu điện khó tránh khỏi.

Cứ ngỡ dải đất miền Trung ngụp lặn trong lũ lụt dồn dập vào tháng 10 và 11 vừa qua thì các hồ thủy điện khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên sẽ đầy nước, thế nhưng thực tế “vắt” không ra giọt nước. Đáng lưu ý, những khu vực này lại tập trung chủ yếu các hồ thủy điện có quy mô công suất điện rất lớn.

Hồ thủy điện Hàm Thuận kiệt nước, trơ đáy sau những tháng tích nước qua mùa mưa 2010. Ảnh: Lạc Phong

Hồ thủy điện Hàm Thuận kiệt nước, trơ đáy sau những tháng tích nước qua mùa mưa 2010. Ảnh: Lạc Phong

Trơ đáy... giữa mùa mưa

Thủy điện Trị An nằm cuối nguồn sông Đồng Nai, gồm 4 tổ máy với công suất 360MW, sản lượng đạt gần 2 tỷ kWh/năm, từng là niềm tự hào một thời vì nguồn cung cấp điện lớn nhất cho khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Không chỉ ổn định trong sinh hoạt cho thành phố đông dân, đặc biệt còn đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Dường như giá trị đó đã lùi vào quá vãng. Còn giờ đây…

Cầu La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) như hàn thử biểu của thủy điện Trị An, thấy mặt sông mênh mông nước, bè cá nổi dập dềnh, chắc chắn thủy điện no nước, hoặc ngược lại. Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, dù có những cơn mưa rải rác vào chiều tối, song mặt sông La Ngà gần như bất động. Những người dân sống trong dãy nhà nổi dọc hai bên mép sông trước đây nhìn sang không thấy mặt nhau, giờ có thể đối khẩu thoải mái.

“Chưa năm nào nước sông thấp như thế. Lòng sông bị thu hẹp vì cột nước nước xuống gần chục mét. Ông Nguyễn Văn Bính, một nông dân sống bằng nghề sông nước trên sông La Ngà nhận xét.

Bên trong lòng hồ thủy điện Trị An, những khối bê tông khổng lồ được xây dựng bao quanh bờ hồ để chặn nước ở khu vực hạ lưu thay vì chìm ngập trong nước, nay lại trồi lên nằm trơ phơi nắng. Váng nước vàng choét bám lại trên các khối bê tông sau khi nước rút kéo dài cả chục mét. Đập chắn nước của Nhà máy Thủy điện Trị An vì thế cũng lộ ra cao chót vót. Hai giàn trục đóng mở nước phục vụ 4 tổ máy phát điện khổng lồ, nằm im lìm. Mưa ít, lưu lượng nước đầu nguồn về giảm liên tục đã khiến thủy điện Trị An không thể tích đủ nước để chạy máy cho mùa tới.

Theo Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhẫn, tính đến thời điểm hiện nay lưu lượng nước về sụt thê thảm, chỉ ở mức 400/880m³/s, giảm hơn 50% so với các năm. Mực nước trong lòng hồ thủy điện Trị An đang ở mức báo động 54,5m, cách mực nước chết chưa tới 5m!

Cách TPHCM chừng 200km, nằm vắt ngang giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, trên lưu vực sông La Ngà thuộc hệ thống sông Đồng Nai, thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW, từ đầu mùa hè đến nay nằm trơ đáy dẫu mùa mưa sắp kết thúc. Cả lòng hồ thủy điện cỏ mọc xanh um, lác đác sót lại vài vũng nước nhỏ, đỏ ngầu.

Toàn nhà máy im lìm, nước ngừng chảy. Tận dụng mực nước hồ xuống thấp, một số người dân dựng bè bắt cá, trồng hoa màu trên những ụ đất giữa lòng hồ đã trồi lên lâu ngày.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi Lê Văn Quang rầu rĩ nói: “Tính đến thời điểm này có thể khẳng định, việc tích nước tại thủy điện Hàm Thuận đã hết hy vọng”. Theo quy luật, hàng năm thời điểm thích hợp để tích nước khi có mưa nhiều thường bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10, lúc đó nước đã về đầy hồ.

Nhưng đến nay, khu vực này gần như không có mưa, trong khi lưu lượng nước đầu nguồn chảy về lòng hồ chỉ ở mức 70/150m³/s, chưa tới 50% lưu lượng bình quân hàng năm. Do đó, mực nước cao trình tại hồ Hàm Thuận chỉ ở mức 584m, thiếu hơn 21m mới tích đủ mực nước theo kế hoạch cho lòng hồ chạy máy năm tới.

Bi đát hơn, cách Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận 10 km về phía hạ lưu sông La Ngà, 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Đa Mi với công suất gần 200MW cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian chạy máy của thủy điện Hàm Thuận. Nghĩa là thời gian thủy điện Hàm Thuận ngừng chạy máy để tích nước bao lâu thì Đa Mi cũng “trùm mền” bấy lâu!

Cùng nằm trong hệ thống điện miền Nam, ngược lên phía thượng nguồn nhánh sông Đồng Nai, Sông Bé, các Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Sông Pha, Suối Vàng… với công suất hơn 150MW cũng đang “hấp hối” vì lưu lượng nước về hồ hụt khá lớn so với các năm, từ đó kéo theo sản lượng chắc chắn sẽ giảm vào năm tới.

Gồng gánh

Theo ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, nước về hồ giảm mạnh nên từ đầu năm 2010 đến nay, cả hai tổ máy của thủy điện Hàm Thuận chỉ chạy cầm chừng. Khi mực nước trong hồ được tích cao vượt qua mực nước chết, công ty mới vận hành và chỉ chạy duy nhất 1 tổ máy, thời gian giao động từ 2 đến 4 giờ vào những giờ cao điểm.

Riêng chủ nhật, thứ bảy và thời gian còn lại của những ngày thường các tổ máy phải ngừng hoạt động để chờ tích nước.

Hiện nay, với lượng nước hiện có trong hồ, nếu chạy hết công suất của 2 tổ máy thì đúng một ngày là hết sạch nước. Kéo theo việc cấp điện của thủy điện Đa Mi cũng tương tự. Đối với thủy điện Trị An, mực nước hiện có trong hồ chỉ để dành cho 1 tổ máy vận hành vào giờ cao điểm.

Niềm hy vọng còn lại thuộc về thủy điện Đa Nhim có công suất 160MW và thủy điện Đại Ninh với công suất 300MW, đã tích đủ nước để chạy máy. “Tuy nhiên, nếu chúng tôi chạy hết công suất, thì từ nay đến cuối năm hết 50% lượng nước tại các hồ, lúc đó buộc phải dừng máy để dành nước cho mùa khô”, Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh Võ Tăng Lý nói.

Thủy điện Đa Nhim với công suất 160MW, sản lượng bình quân hàng năm đạt 500 triệu kWh, hiện vẫn xả lũ và có thể tích đủ nước cho mùa khô năm sau. Tuy nhiên, nếu cộng sản lượng của hai nhà máy thủy điện này lại, tính “hết ga” cũng chỉ đạt 900 triệu kWh, hụt mất 600 triệu kWh so với sản lượng trung bình hàng năm.

Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, 2 đang được bảo trì sửa chữa sau 1 năm hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: T.L.
Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, 2 đang được bảo trì sửa chữa sau 1 năm hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: T.L.

Lý do, thủy điện đã tích đủ nước cho mùa khô, nhưng do lưu lượng nước thượng nguồn về hồ giảm mạnh nên không thể đạt sản lượng đề ra. Như vậy, nguồn điện từ hai thủy điện đã tích đủ nước cũng như sự hoạt động “cầm hơi” của các thủy điện thiếu nước liệu sẽ gồng gánh như thế nào cho mùa khô năm sau?

Lạc Phong - Lương Thiện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 12-2010, tình hình cung cấp điện vẫn tiếp tục khó khăn do một số các nhà máy nhiệt điện than mới vận hành chưa tin cậy, một số tổ máy nhiệt điện khác phải ngừng sửa chữa do quá thời hạn và bị sự cố.

Để phấn đấu đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội, EVN yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác theo lưu lượng nước về để đảm bảo tích nước ở mức cao nhất có thể.

Theo đánh giá của EVN, trong tháng 11 vừa qua, tuy một số hồ ở miền Trung và Tây Nguyên như Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Buôn Kuốp, Đại Ninh, Đa Nhim có lượng nước về vượt giá trị trung bình nhiều năm và có xả nước, nhưng nước về các hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước các hồ thủy điện lớn là Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An và Ialy thấp hơn từ 10-16 m so cùng kỳ năm 2009. Do vậy, sản lượng thủy điện chỉ đạt 2,157 tỷ kWh, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

L.D.


Bài 2: Phập phù nhiệt điện

Chiếm tỷ trọng hơn 60%, nhiệt điện được kỳ vọng có thể bù đắp sự thiếu hụt khi thủy điện thiếu nước. Tuy nhiên, hàng loạt nhà máy nhiệt điện đang chạy phập phù do ngừng sửa chữa, bảo trì hoặc thiếu nguyên liệu. Một số khác phải “trùm mền” vì giá nguyên liệu cao, do đó sự kỳ vọng vào nhiệt điện khai thác hết công suất gần như bất khả thi!

Các kỹ sư đang thực hiện công tác bảo trì tại Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2.

Các kỹ sư đang thực hiện công tác bảo trì tại Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2.

Một tháng chạy 20 ngày

Trong những tháng mùa khô năm 2010, khi công suất nguồn điện trên cả nước thiếu hụt lên đến 4.000MW, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chỉ đạo cắt giảm phụ tải nhiều khu vực, điện bị cúp liên tục. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm này, Nhà máy điện Cà Mau 1 với công suất 750MW phải ngừng hoạt động mỗi tháng 10 ngày và kéo dài liên tiếp 3 tháng để bảo trì sửa chữa, coi như nguồn tiếp ứng điện không đáng kể.

Lý giải về thời gian ngừng chạy máy vào đúng giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau Hồ Tuấn Kiệt cho rằng, thực hiện công tác dừng máy định kỳ nhằm đảm bảo kỹ thuật trong vận hành máy, không thể trì hoãn. Theo ông Kiệt, sau Nhà máy điện Cà Mau 1, Nhà máy điện Cà Mau 2 với công suất 750MW cũng đã dừng hoạt động để bước vào giai đoạn bảo trì, sửa chữa từ đầu tháng 11-2010. Tùy thuộc vào kỹ thuật, thời gian dừng máy có thể kéo dài qua năm 2011. Như vậy, sau hơn 1 năm đưa vào vận hành, đến thời điểm này các tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau 1, 2 bắt đầu thay nhau “nghỉ dưỡng”!

Tình cảnh các nhà máy nhiệt điện khí dừng hoạt động, thời gian bảo dưỡng kéo dài trong năm đã làm giảm hiệu quả phát điện. Tình trạng trên diễn ra ở nhiều nhà máy như: Nhiệt điện 1, 2, 2.1 mở rộng, 4 với công suất hơn 2.400 MW của Công ty TNHH một thành viên Phú Mỹ (EVN); Phú Mỹ 2.2, 3 gồm 1.500MW của BOT liên doanh Pháp, Hà Lan, Anh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ Đinh Quốc Lâm cho biết, do đặc thù của nhà máy nhiệt điện khí, khi vận hành sử dụng nhiệt điện đốt cao có thể vượt trên 1.300°C. Do vậy, thời gian dừng máy để bảo trì sửa chữa mang tính bắt buộc. Như vậy, nhà máy của điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 mới đưa vào vận hành thương mại trên dưới 1 năm, cũng bắt buộc phải dừng để bảo trì sửa chữa đúng chu kỳ. Các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ vận hành đã lâu, nay cũng “đến tuổi” đưa vào trung tu và đại tu.

Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) Phạm Minh Lương nhận xét, việc cung cấp điện thời gian qua phập phù, đặc biệt vào những tháng cao điểm mùa khô, do nhiều nhà máy nhiệt điện chỉ hoạt động bình quân 20 ngày/tháng, thời gian còn lại phải dừng để bảo trì sửa chữa. Trong khi đó, hàng loạt nhà máy chạy dầu như Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức có thời điểm ngừng hẳn. Vì sản lượng điện dự phòng trên hệ thống không có, khi nhà máy dừng hoạt động dẫn tới tình trạng thiếu điện ngay lập tức.

Thiếu nguyên liệu, giá thành cao

Một thực tế khác, ngoài thời gian bảo trì sửa chữa, nhiều nhà máy nhiệt điện chạy khí cũng phải ngừng hoạt động khá dài do thiếu nguyên liệu; các nhà máy điện chạy dầu “ngủ đông” vì nguyên liệu giá cao. Theo ông Hồ Tuấn Kiệt, trong năm 2010 lượng khí cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1, 2 chỉ đáp ứng 80%. Cụ thể, với lượng khí sử dụng hiện nay để chạy máy khoảng 6,4 triệu m3/ngày, nhưng Petronas chỉ cung cấp được 4,4 triệu m3/ngày, tức thiếu 20% sản lượng khí, gây tổn thất sản lượng điện không nhỏ. Theo kết quả báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2010 của Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau, tổng sản lượng điện sản xuất của hai nhà máy đạt gần 9 tỷ kWh/năm. Như vậy, với việc thiếu 20% lượng khí, nhà máy phải dừng thời gian hoạt động, dẫn đến sản lượng sản xuất sụt giảm khoảng 1,8 tỷ kWh/năm. Nếu bước qua năm 2011, các nhà máy Phú Mỹ, Nhơn Trạch… với công suất 4.500MW cũng rơi vào tình trạng thiếu khí, đặc biệt, nguồn khí từ Nam Côn Sơn và Bạch Hổ cung cấp cho khu vực này liên tục gặp sự cố như năm 2010, sẽ làm tụt giảm sản lượng điện 3 lần, gần 10 tỷ kWh, bằng 1/3 sản lượng điện tính đến thời điểm hiện nay trong hệ thống miền Nam! “Có thời điểm thiếu khí kéo dài, nhà máy phải chuyển đổi qua vận hành dầu. Nhưng chạy dầu rất nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ rất cao”, ông Kiệt cho hay. Ông Đinh Quốc Lâm cũng đưa ra cảnh báo, với lượng khí cung cấp như hiện nay, thời gian tới nếu một số nhà máy nhiệt điện mới đưa vào vận hành sẽ dẫn tới thiếu khí, nhiều nhà máy phải ngừng chạy là điều khó tránh khỏi!

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Lăng, Trưởng phòng Kế hoạch và Kỹ thuật Công ty TNHH NN MTV Nhiệt điện Cần Thơ viện dẫn lý do nhà máy ngừng hoạt động vì hệ thống truyền tải tại đây “có vấn đề”. Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận, các tổ máy quá cũ kỹ, vận hành tốn nhiều nhiên liệu nhưng kém hiệu quả. Tương tự, 7 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, gần đây mỗi năm cũng chỉ vận hành được 500 - 600 triệu kWh. Lý do không vận hành hết công suất vì EVN chỉ huy động vào những lúc cao điểm mùa khô. Đồng thời dầu giá cao, lỗ nặng nên EVN hạn chế huy động các loại nhà máy này.

Như vậy, trong số các nhà máy điện chạy dầu như Cần Thơ, Thủ Đức, Hiệp Phước… với tổng công suất khoảng 600MW nhưng mỗi năm chỉ vận hành vài ngày và cho ra sản lượng khiêm tốn từ 50 - 70 triệu kWh/tháng. Điều này được thể hiện khá rõ trong báo cáo thống kê tỷ trọng nguồn điện hàng ngày của A2. Cụ thể, nhiệt điện dầu chỉ huy động ở mức 0,01% trong toàn hệ thống điện miền Nam, tức sẽ không cung cấp được bao nhiêu cho năm 2011!

Tính đến cuối năm 2010, toàn hệ thống điện miền Nam có hơn 30 nhà máy nhiệt điện các loại với công suất trên 6.266 MW, sản lượng bình quân trên 30 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, với công tác vận hành diễn biến như trên, nguy cơ sụt giảm 1/3 sản lượng trong năm tới khó có thể tránh khỏi. Như vậy, nguồn điện chạy dầu “trùm mền” cộng với thiếu khí rồi dừng máy để tiểu tu, trung tu đã làm hệ thống điện miền Nam mất ít nhất 10 tỷ kWh!

Theo tiêu chí kỹ thuật của nhà cung cấp thiết bị, một tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau có thời gian chạy đủ trong 8.000 giờ vận hành tương đương (EOH) phải dừng để tiểu tu 10 ngày, khi đạt 25.000 giờ vận hành tương đương, thời gian ngừng máy để trung tu 30 ngày. Cứ vậy, nếu khi một tổ máy chạy đến 50.000 giờ vận hành, tương đương phải dừng 50 ngày để đại tu…

Lạc Phong - Lương Thiện


Bài 3: Nguồn cung mới, sự cố cũ

Để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, sự kỳ vọng vào những dự án mới và khắc phục nhanh sự cố tại các nhà máy điện là phương án duy nhất. Song với thực trạng “lùng nhùng” đang diễn ra trên toàn hệ thống điện, khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế thiếu điện trong năm tới.

Ngắc ngoải nguồn cung mới

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2), tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện miền Nam do đơn vị quản lý tính từ tỉnh Ninh Thuận trở vào, trong năm 2010 ước đạt công suất 7.766MW, sản lượng đạt trên 50 tỷ kWh, chiếm hơn 50% nguồn sản lượng điện của cả nước (cả năm 2010 ước đạt 97,38 tỷ kWh). Trong đó, công suất thủy điện chiếm khoảng 1.500MW, nhiệt điện là 6.266MW, tuy nhiên lại cho sản lượng trên 20 tỷ kWh/năm, chiếm gần 50%!

Theo kế hoạch, cuối năm 2010 qua năm 2011, hàng loạt nhà máy mới có công suất quy mô lớn như thủy điện Sơn La, Đồng Nai 3, 4… được đưa vào vận hành, góp thêm vào hệ thống điện quốc gia hàng tỷ kWh. Tuy nhiên, sản lượng điện khả dụng của những nhà máy này cung cấp được bao nhiêu còn nhờ… trời.

Thủy điện Đồng Nai 3 (Lâm Đồng) với công suất 180MW, hoàn thành các hạng mục và bắt đầu tích nước từ giữa tháng 9-2010. Nhưng những ngày qua, tập thể kỹ sư, cán bộ Ban Quản lý thủy điện 6 như ngồi trên lửa vì… không có mưa. Nguyên nhân, sau hơn 2 tháng tích nước, thủy điện Đồng Nai 3 chỉ “hứng” nước được hơn 500 triệu m³ nước, còn thiếu khoảng 300 triệu m³, tức hụt 10m so với cao trình bình thường để có thể vận hành máy. “Chúng tôi trông chờ nước từng ngày để chuẩn bị chạy không tải nhưng với lượng nước về hồ quá thấp nên chưa thể dự báo được gì”, Phó ban Quản lý dự án thủy điện 6 Phạm Văn Cúc lo lắng nói.

Cùng chung thảm cảnh, thủy điện Đồng Nai 4, công suất 340MW, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2011 cũng “liên lụy” theo. Lý do, thủy điện Đồng Nai 4 nằm ở bậc thang bên dưới nên hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước chạy máy từ thủy điện Đồng Nai 3 xả ra.

Thi công công trình thủy điện Đồng Nai 4.

Thi công công trình thủy điện Đồng Nai 4.

Theo báo cáo của EVN, sau nhiều tháng “nằm vạ” do vừa đưa vào hoạt động đã liên tục gặp sự cố, các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1, Sơn Động đã có thể hoạt động trở lại và hòa lưới điện quốc gia với công suất khoảng 500MW. Đối với các nhà máy nhiệt điện than bị hư hỏng khác cũng sẽ nhanh chóng khắc phục sự cố, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đang triển khai mới để sớm hòa lưới điện trở lại. Tuy nhiên, không thể vội mừng, bởi trên thực tế các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm gần 20% sản lượng nguồn điện trên toàn hệ thống. Thế nhưng đến thời điểm này nguồn than trong nước đang cạn kiệt, do đó nguy cơ thiếu nguyên liệu để hoạt động cho các nhà máy nhiệt điện than đang là bài toán nan giải.

Nguy cơ sụp đổ hệ thống

Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam hiện nay, theo kế hoạch sẽ đưa tổ máy số 1 đi vào hoạt động từ giữa tháng 12-2010, chính thức hòa điện vào mạng lưới điện quốc gia. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La cho biết, tới thời điểm đầu tháng 12-2010, hồ thủy điện Sơn La đã tích được lượng nước với cao trình 189m và so với mực nước chết 175m của hồ, đủ để thủy điện Sơn La đưa vào hoạt động tổ máy số 1. Tuy nhiên, ông Hà lo ngại đó chỉ là mực nước để thủy điện hoạt động trong những ngày đầu hoạt động, còn về lâu dài chưa thể khẳng định được nếu tình hình vẫn cứ khô hạn, không có mưa như hiện nay.

P.Hậu

Không chỉ bất cập về nguồn cung, nhìn vào thực trạng yếu kém của hạ tầng truyền tải ngành điện càng thấy rõ việc thiếu hụt điện thêm trầm trọng.

Từ trước đến nay với sản lượng điện chiếm trên 50% của toàn hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền Nam luôn chi viện ra miền Bắc qua đường dây 500kV gồm 2 mạch với công suất truyền tải mỗi mạch 1.000MW. Nhưng với hệ thống điện lực miền Nam đang đứng trước nguy cơ “teo” lại do không vận hành hết công suất của các nhà máy vì thiếu nước, thiếu nguyên liệu và “vào mùa” bảo trì sửa chữa liên tục. Do vậy, trong năm tới hệ thống điện miền Nam phải trông chờ vào nguồn điện từ miền Trung và miền Bắc chuyển vào. Trong đó, kỳ vọng nhiều vào những nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, A Vương; nhiệt điện than Quảng Ninh, Hải Phòng với công suất hàng ngàn MW. Giả sử “nhờ trời” các nhà máy điện này đủ nguồn cung, liệu việc vận hành có thuận buồm xuôi gió?

Chắc chắn là không! Bởi theo ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm điều động sản lượng điện khi thiếu điện giữa miền Nam và miền Bắc chỉ trông nhờ duy nhất vào đường dây 500kV. Tuy nhiên, việc cung cấp thêm điện từ miền Bắc vào Nam và ngược lại không thể vượt 20%, vì như thế sẽ dẫn tới rã đường dây. Điều này đã từng xảy ra một lần tại khu vực miền Trung hồi mùa khô năm 2010. EVN đánh giá sự cố này là nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cấp điện, làm mất điện tại khu vực miền Trung (khoảng 700MW) và miền Bắc (khoảng 2.000MW). Nguyên nhân, do phụ tải hai miền Nam - Bắc mất cân đối, thiếu công suất tại chỗ, phải vận chuyển điện từ Nam ra Bắc (hoặc có thể ngược lại) vượt quá công suất truyền tải của hệ thống 500kV. Các đường dây khác như 220kV mua từ Trung Quốc cũng vận hành rất căng thẳng, truyền tải công suất và điện năng cao. Do đó, trong giờ cao điểm đã xuất hiện tình trạng sụt áp - nguy cơ gây sụp đổ hệ thống. Trước đó, vào mùa hè năm 2007, sự cố tương tự xảy ra làm cháy trạm 500kV Đà Nẵng, tê liệt hệ thống điện miền Trung trên diện rộng nhiều giờ liền.

Một khó khăn khác là do hạ tầng lưới điện yếu kém. Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, bước sang năm 2011, 2012 và kéo dài qua năm 2013, mức sa thải phụ tải trên địa bàn sẽ dao động từ 300 - 400MW, đồng nghĩa với việc mất điện trên diện rộng do hệ thống rơle điện tự nhảy khi nguồn điện tăng quá cao, vượt quá công suất truyền tải.

Cụ thể, TPHCM sẽ rơi vào cảnh quá tải điện tại các trạm, đường dây chính như trạm 500kV Phú Lâm, đường dây 220kV Thủ Đức - Cát Lái, đường dây 220kV Nhà Bè - Nam Sài Gòn... Nguyên nhân chính được xác định là hiện nay nhu cầu sử dụng điện của thành phố tăng cao trong khi các hệ thống đường dây mới để tiếp nhận điện năng từ miền Trung, miền Bắc chuyển vào đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, gây ra chậm trễ thi công và khó hoàn thành đúng thời hạn. Riêng trên địa bàn TPHCM, nhiều dự án phát triển điện theo quy hoạch hiện đang giậm chân tại chỗ vì không giải phóng được mặt bằng như trạm biến áp 110kV Bình Chánh, Bình Hòa, Bình Tân 3, An Hạ, Nam Sài Gòn 3, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Thới Hiệp…

Sự chậm trễ trong thi công hạ tầng cũng xảy ra tại dự án đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn (đoạn Nhà Bè - Cai Lậy). Dự án này được khởi công từ tháng 4-2006, chiều dài tuyến 6,978km, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang, không giải quyết được vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, sớm bổ sung vào hệ thống lưới điện.

Từ viễn cảnh trên cho thấy, do bất cập trong quy hoạch đầu tư dàn trải hệ thống nhà máy điện, đặc biệt đầu tư hệ thống truyền tải yếu nên nếu giả sử có công suất điện đủ cung ứng cũng vẫn thiếu điện do tắc trong hệ thống truyền tải!

Lạc Phong - Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục