Chân dung những trùm lừa đảo thời hiện đại

Bài 1: Samuel Israel - Lừa đảo cả quan tòa

Bài 1: Samuel Israel - Lừa đảo cả quan tòa

John Walsh, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng “Những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của nước Mỹ” tại một trong những buổi phát gần đây đã phải nhắc tới Samuel Israel - nhân vật thành lập ra quỹ đầu tư nổi tiếng Bayou. Thay vì vào tù để thi hành bản án 20 năm vì tội lừa đảo, Samuel đã biến mất một cách hết sức bí ẩn và ngoạn mục sau khi để lại một mảnh giấy khẳng định mình đi… tự sát. Dù sao, trò lừa cuối cùng của Samuel cũng kết thúc sau đó khoảng 3 tuần, khi hắn quyết định ra đầu thú cảnh sát vì cảm thấy mình không còn chốn dung thân…

  • “Buổi diễn chia tay”
Bài 1: Samuel Israel - Lừa đảo cả quan tòa ảnh 1
Samuel Israel trong lần ra tòa vào tháng 4-2008

Hai giờ chiều ngày 9-6-2008, Samuel Israel phải có mặt ở nhà tù liên bang Ayer (bang Massachusetts) để chính thức thụ án vì tội lừa đảo, sau một thời gian được tại ngoại nhờ nộp tiền thế chân. Từ 9g, Samuel, theo lời cô bạn gái Debra Ryan, đã rời khỏi nhà của họ tại Armonk trên chiếc xe GMC Envoy để tới nhà tù Ayer.

Tuy nhiên, các nhà chức trách không hề thấy Samuel Israel xuất hiện tại nhà tù vào ngày đó. Cảnh sát sau đó chỉ phát hiện chiếc xe bỏ không của anh ta gần cầu Bear Bridge bắc qua con sông Hudson, nằm cách Armonk khoảng 30 dặm - chìa khóa xe vẫn cắm trong ổ, bên cạnh là một lọ đựng những viên thuốc tê mà Samuel vẫn dùng sau một ca phẫu thuật xương sống, kèm theo một mảnh giấy có dòng chữ “Tự sát không đau đớn”. Thủ phạm của một trong những vụ gian lận lớn nhất Wall Street từ vài năm gần đây đã biến mất một cách “ấn tượng” chẳng kém gì những trò lừa đảo trước đó của hắn.

Điều tra sau đó cho thấy, những camera giám sát được gắn trên cầu không hề ghi nhận bất cứ cú nhảy nào từ độ cao 45m của cầu. Những nhân chứng đi qua chiếc xe bỏ trống trên cũng cho biết không hề bắt gặp chủ nhân của xe. Về mặt lý thuyết, Samuel hoàn toàn có thể từ một góc không thể quan sát của các camera để nhảy xuống sông. Việc hắn chỉ đi trình diện một mình mà không mang theo bạn gái xét về mặt logic là do không muốn bị cản trở tự sát.

Samuel từ trước đó đã tỏ ra không thể chịu đựng được với viễn cảnh phải ngồi tù, thậm chí nhiều lần nói rằng, tự sát là lối thoát duy nhất trong bối cảnh này. Khả năng này cũng được hắn nhắc đến trong một lá thư với lời lẽ lộn xộn gửi cho quan tòa Colleen McMahon - người cho phép Samuel được tại ngoại và tự đến trình diện tại nhà tù. Cô bạn gái Debra Ryan khai với cảnh sát rằng, Samuel trong những ngày cuối cùng tỏ ra đặc biệt buồn bực, thường nhắc lại rằng, bản án 20 tù với tình trạng sức khỏe của anh ta chẳng khác gì một án tử hình. Samuel mắc chứng bệnh đau lưng kinh niên (từng trải qua 8 ca phẫu thuật và thường xuyên phải sử dụng thuốc gây tê) cũng như cả bệnh tim mạch (phải đeo máy trợ tim).

Một loạt thợ lặn đã được lệnh rà soát kỹ lưỡng lòng sông Hudson gần khu vực cầu nhưng không thể tìm ra xác. Thực tế này càng khẳng định giả thuyết của các nhà điều tra về khả năng đây là một trò lừa, hay còn gọi là “buổi diễn chia tay” cuối cùng của Samuel. Có điều nạn nhân trong màn kịch lần này không ai khác chính là quan tòa Colleen McMahon. Trong quá khứ, tên trùm lừa đảo này đã từng thử một trò tương tự nhưng vai trò người tự sát khi đó không phải là hắn, mà là của đối tác Daniel Marino.

  • Lập quỹ nhờ khả năng… dối trá

Samuel Israel III chào đời trong một gia đình gốc Do Thái khá nổi tiếng tại New Orleans. Ông của hắn - Samuel Israel I - đã sáng lập ra công ty gia đình ACLI International chuyên bán sỉ nhiều loại hàng hóa khác nhau. Cha của hắn về sau đã bán lại công ty này cho hãng Donaldson, Lufkin & Jenrette với giá 42 triệu USD. Do cha mẹ Samuel - Larry và Ann - đã đóng góp rất nhiều tiền cho các hoạt động từ thiện nên có được uy tín và sự kính trọng của đông đảo người dân New Orleans.
Samuel bắt đầu nối nghiệp ông mình sau khi tốt nghiệp đại học.

Trước khi thành lập quỹ đầu tư Bayou Management vào năm 1995, hắn đã thử việc tại cả chục công ty lớn nhỏ ở Wall Street, trong đó có cả Omega Partners, một quỹ đầu tư lớn do Leon Cuperman đứng đầu. Do chẳng đạt được một thành công đặc biệt nào trong việc buôn bán cổ phiếu, Samuel quyết định thành lập một quỹ đầu tư của riêng mình cùng với Daniel Marino và James Marquez. Quyết định này đã gây ngạc nhiên cho tất cả những người biết Samuel, vì theo họ hắn chẳng thể hiện được năng khiếu đặc biệt nào trong lĩnh vực này. Tất cả những ai ít nhiều biết đến Samuel Israel đều thống nhất về một tài năng duy nhất - đó là hắn có một tài thuyết phục người khác đến mức đáng ngạc nhiên. Cũng chính vì luôn biết cách tận dụng khả năng này, Samuel dễ dàng tìm kiếm được các nhà đầu tư, cho dù hắn chẳng có chút tài năng kinh doanh nào.

Tuy dối trá nhưng Samuel lại tỏ ra đặc biệt khôn khéo chứ không ba hoa quá mức. Chẳng hạn như hắn không hề làm hoa mắt khách hàng nộp tiền vào quỹ của mình bằng những khoản siêu lợi nhuận mà ngược lại chỉ đảm bảo mức lợi nhuận từ 12%-14% mỗi năm. Phần lớn các nhà đầu tư lại nhìn thấy thái độ “tỉnh táo và đúng mực” này chẳng khác gì một sự đảm bảo chắc chắn về độ tin cậy. Hơn nữa, khoản đóng góp tối thiểu ban đầu vào Bayou chỉ ở mức 250.000 USD, thấp hơn đáng kể so với phần lớn các quỹ đầu tư khác - giúp cho các ông chủ của quỹ thu hút được rất nhiều các đối tác góp vốn.

Với chiến lược thu hút khôn ngoan như vậy, Bayou chỉ sau vài năm đã huy động được nguồn vốn tới 400 triệu USD. Từ một căn hộ khiêm tốn đầu tiên, quỹ này đã chuyển tới một văn phòng rộng rãi và bề thế tại Stamford (bang Connecticut). Những ông chủ của Bayou nhanh chóng biết thể hiện uy tín giàu sang của mình trong sinh hoạt: Samuel thuê của tỷ phú Donald Trump một biệt thự sang trọng tại Mount-Cisco với giá 32.000 USD mỗi tháng, còn Daniel Marino cũng thu thập được một bộ sưu tập xe hơi đắt tiền.

LINH NGA (tổng hợp)


Bài 2: Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư

Tin cùng chuyên mục