Vụ phẫu thuật hàm ếch, 3 trẻ tử vong: Trung tâm OSCA phẫu thuật không phép

(SGGPO).- Liên quan tới vụ việc 3 trẻ tử vong trong chương trình phẫu thuật từ thiện dị tật sứt môi, hở hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với bệnh viện Quân Y 87 (ở Nha Trang, Khánh Hòa) thực hiện, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trung tâm này không chỉ sai phạm khi thực hiện phẫu thuật chưa được cấp phép mà người phụ trách trung từng bị khởi tố sau khi làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Trong khi đó, một số chuyên gia y tế cho biết, quy trình phẫu thuật gây mê có vấn đề nên đã khiến 3 trẻ tử vong.
Vụ phẫu thuật hàm ếch, 3 trẻ tử vong: Trung tâm OSCA phẫu thuật không phép

(SGGPO).- Liên quan tới vụ việc 3 trẻ tử vong trong chương trình phẫu thuật từ thiện dị tật sứt môi, hở hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với bệnh viện Quân Y 87 (ở Nha Trang, Khánh Hòa) thực hiện, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trung tâm này không chỉ sai phạm khi thực hiện phẫu thuật chưa được cấp phép mà người phụ trách trung từng bị khởi tố sau khi làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Trong khi đó, một số chuyên gia y tế cho biết, quy trình phẫu thuật gây mê có vấn đề nên đã khiến 3 trẻ tử vong.

Phụ trách trung tâm từng gây chết người

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù khi tiến hành kiểm tra Trung tâm OSCA (ở số 257, B3, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) thì trung tâm này đã đóng cửa, gỡ bỏ biển hiệu, tên người phụ trách và số điện thoại liên hệ nhưng cơ quan chức năng cũng đã làm rõ được nhiều sai phạm.

Qua làm việc với UBND phường Phương Mai và Phòng Y tế quận Đống Đa được biết, Trung tâm OSCA đã được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cấp chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ vào ngày 22-3-2013, với nội dung: “Chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình; (Đối với những lĩnh vực hoạt động có điều kiện theo quy định của pháp luật, trước khi thực hiện phải được cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...”.

Người đứng đầu Trung tâm OSCA là ông Phạm Văn Ái từng là giám đốc Thẩm mỹ Viện Hà Nội. Đáng lưu ý, vào năm 2011, ông Ái đã bị cơ quan công an quận Đống Đa, Hà Nội khởi tố về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, sau khi một phụ tới Thẩm mỹ viện Hà Nội nâng ngực, cắt mí mắt và bị tử vong, trong khi Thẩm mỹ này chưa được cấp phép hoạt động.  

Trước thông tin trên, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, về mặt pháp lý, Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cấp phép cho Trung tâm OSCA hoạt động để nghiên cứu và kêu gọi tài trợ cho chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em chứ Trung tâm này không có chức năng triển khai thực hiện việc phẫu thuật dị tật cho trẻ em. Do đó, Trung tâm OSCA không được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh. Hơn nữa, cho tới nay, Sở Y tế Hà Nội cũng chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khám chữa bệnh trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ của Trung tâm OSCA.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, về nguyên tắc, khi Trung tâm OSCA triển khai hoạt động phẫu thuật từ thiện tại các địa phương thì phải xin phép và chính quyền, cơ quan y tế tại địa phương phải thẩm tra xem Trung tâm đã được cấp phép hay chưa.

Cần xem xét kỹ quy trình gây mê

Trong khi đó, trước vụ tai biến nghiêm trong trên, một chuyên gia đầu ngành Răng- Hàm - Mặt chuyên thực hiện phẫu thuật cho trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, cho biết, can thiệp chữa trị sứt môi hở hàm ếch là một phẫu thuật lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứ không phải tiểu phẫu như nhiều người nghĩ. Trẻ bị dị tật này thường có cơ địa yếu và có thể mắc thêm nhiều bệnh lý khác nên không phải nơi nào cũng phẫu thuật được. Nếu không đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, tay nghề y, bác sỹ... sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ tai biến như co thắt, suy tim, suy hô hấp, sốc phản vệ và rất khó khắc phục.

Để làm rõ hơn về quy trình gây mê cho trẻ nhỏ, trao đổi với PV báo SGGP, BS Trần Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Gây mê- Hồi sức, bệnh viện Việt Nam- Cu Ba (Hà Nội) cho biết, đối với trẻ nhỏ, nhất là với những trẻ có dị tật thì việc gây mê trước khi phẫu thuật là rất khó và phức tạp, yêu cầu cao về kỹ thuật và sự cẩn trọng.

Quy trình thực hiện gây mê để phẫu thuật dị tật cho trẻ nhỏ đòi hỏi trang thiết bị phải đồng bộ cùng tay nghề cao của bác sĩ.

Bác sỹ Hạnh cũng cho biết, loại thuốc gây mê Servoframe và thuốc gây mê tĩnh mạch Fresfol (được dùng trong chương trình phẫu thuật từ thiện ở Nha Trang) là loại thuốc mới. Tuy nhiên quá trình gây mê đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm rất nhiều của bác sỹ, chứ không chỉ phụ thuộc thuốc. Chỉ riêng việc đổ thuốc mê ra bình bốc hơi cũng đòi hòi phải có sự chính xác, điều chỉnh nồng độ bốc hơi như thế nào. Rồi máy gây mê là loại gì, thậm chí máy thở ô xy nối liền đi kèm cũng phải đồng bộ vì quá trình gây mê phải có ô xy đi cùng để người bệnh ngủ. Do đó, quá trình gây mê đòi hỏi cùng với thuốc thì trang thiết bị hỗ trợ đi kèm phải đồng bộ và được kiểm tra thường xuyên về quy chuẩn kỹ thuật.

BS Hạnh chia sẻ, thực sự, trong nghề nghiệp, chúng tôi đã thực hiện nhiều ca, nhiều chương trình phẫu thuật, nhưng chưa bao giờ thấy chuyện mà cả 3 trẻ liên tiếp tử vong có liên quan tới gây mê.
Qua vụ việc này, chúng tôi rất mong muốn Bộ Y tế sớm làm rõ nguyên nhân để cảnh báo cho các y bác sỹ, các bệnh viện, cũng như giải đáp những băn khoăn, bức xúc của dư luận.

NGUYỄN QUỐC

>> Vụ phẫu thuật hàm ếch, 3 trẻ tử vong: Chưa có kết luận thỏa đáng

- Khẩn cấp làm rõ việc 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật từ thiện tại bệnh viện Quân Y 87

- Phẫu thuật hàm ếch, 3 trẻ tử vong

Tin cùng chuyên mục