Tăng lãi suất huy động vốn

Ngân hàng “canh” nhau – dân dè dặt

ĐBSCL: Đa số gửi tiết kiệm ngắn hạn
Ngân hàng “canh” nhau – dân dè dặt

* Thiết lập đỉnh lãi suất huy động VND 15%/năm

Hôm qua, 19-5, là ngày đầu tiên các ngân hàng thương mại được “cởi trói” trần lãi suất huy động VND. Tuy nhiên, tính đến sáng nay, nhiều ngân hàng khá “cẩn trọng”, quan sát động thái của nhau để đưa ra biểu lãi suất mới của mình. Người gửi tiền cũng rất… dè dặt.

“Canh” nhau tăng lãi suất

Ngân hàng “canh” nhau – dân dè dặt ảnh 1
Sáng nay, 20-5, nhân viên ngân hàng vẫn còn khá nhàn nhã(ảnh chụp tại Ngân hàng Công thương Việt Nam) Ảnh: LÃ ANH

Cuối tuần trước, mức lãi suất huy động VND cao nhất được ghi nhận là 15%/năm, do Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố. Tuy nhiên, đến hôm qua, 19-5, sau khi nhận thấy mức lãi suất này cao hơn mặt bằng lãi suất các ngân hàng khác công bố (xoay quanh mức 14%/năm), SHB đã công bố điều chỉnh lại lãi suất.

Theo nguồn tin của SGGP 12 Giờ, sau khi công bố lãi suất 15%/năm, SHB đã nhận được “lời hỏi thăm” của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, ngân hàng này đã phải tính toán lại. Ngược lại, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) sau khi công bố mức lãi suất mới với các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng là 13,5%/năm; từ 6 - 13 tháng là 14%/năm; đến nay đã tăng lãi suất lên 15%/năm đối với các kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần lớn đưa ra mức lãi suất thấp hơn, như: VIBBank với lãi suất cao nhất là 14%/năm, nhưng gửi từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng mức 14,3%/năm... Đại diện VIBBank cho biết, có thể trong vài ngày nữa, ngân hàng này sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất huy động vốn VND cho phù hợp với tình hình chung của thị trường.

Sáng nay, 20-5, ngày thứ hai thực hiện cơ chế điều hành lãi suất mới theo lãi suất cơ bản, vẫn chưa có thêm ngân hàng nào công bố biểu lãi suất mới so với ngày hôm qua. Lãi suất huy động VND cao nhất gần như đã được ấn định ở mức 15%/năm, được nhiều ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ áp dụng. Các ngân hàng cổ phần lớn hơn đa số áp dụng lãi suất xoay quanh mức 14%-14,5%/năm.

Trong khối ngân hàng quốc doanh, trong ngày 19-5, một số chi nhánh của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã áp dụng mức lãi suất cao nhất đến 18%/năm, đụng mức tối đa được phép (150% so với lãi suất cơ bản). Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm qua, các chi nhánh này đã giảm lãi suất xuống mức 15%/năm.

Sáng nay, Agribank cho biết, sau khi nhận được thông tin một số chi nhánh nâng lãi suất huy động lên đến 18%/năm, ông Nguyễn Thế Bình, Tổng Giám đốc Agribank đã có công điện nghiêm khắc phê bình giám đốc các chi nhánh Agribank Thăng Long, Đông Anh, Nam Hà Nội, Đông Hà Nội “vì đã quy định lãi suất huy động ngày 19-5-2008 cao hơn mức lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn”.

Người gửi tiền cũng… chờ!

Chính vì các ngân hàng đang “canh” nhau trong việc tăng lãi suất nên người có tiền muốn gửi vào ngân hàng cũng khá chần chừ. Ghi nhận của phóng viên SGGP 12 Giờ ở Hà Nội trong hôm qua và sáng nay cho thấy, lượng người đến gửi tiền ở một số ngân hàng hôm qua có tăng lên, nhưng không nhiều.

Anh Hà Huy Minh mang 50 triệu đồng đến một chi nhánh Agribank ở quận Long Biên (Hà Nội), nhưng phải sau một thời gian cân nhắc và được tư vấn anh mới gửi vào với lãi suất 15%/năm. “Lúc này 15%/năm đang là lãi suất cao nhất, nhưng tôi sợ mấy ngày nữa các ngân hàng cổ phần sẽ tiếp tục tăng lên cao hơn” - anh Minh nói. Hơn nữa, để được hưởng lãi suất 15%/năm, anh Minh phải gửi tiền với kỳ hạn khá dài (trên 12 tháng). Vì thế, một số người khác chấp nhận lãi suất thấp hơn (13,5-14%/năm) để gửi với kỳ hạn ngắn hơn.

Ông Trần Thế Huy, nhà ở Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội sau khi đem 100 triệu đồng đến OceanBank định gửi, nhưng sau đó lại mang về: “Chắc tôi sẽ chờ thêm vài hôm nữa, khi lãi suất đã ổn định mới tính tiếp”. Sáng nay, 20-5, tại Hà Nội, lượng người đến gửi tiền ở các ngân hàng vẫn ở mức bình thường. Nhiều người dân cho rằng, lãi suất 15%/năm vẫn chưa phải là mức cao nhất nên họ muốn chờ thêm vài ngày nữa mới gửi tiền.

Động thái e dè, thăm dò nhau của các ngân hàng trong việc tăng lãi suất khiến nhiều người có tiền muốn gửi vào ngân hàng cũng khá chần chừ. Tuy nhiên, một số người dân chấp nhận mức lãi suất 14%-15%/năm để gửi tiền các kỳ hạn ngắn. Chính vì thế, một số ngân hàng có khó khăn về nguồn vốn cho biết đã cơ bản giải quyết được tình hình.

Tại TPHCM sáng nay, 20-5, mặc dù nhiều ngân hàng có mức lãi suất tăng khác nhau nhưng gần như không có tình trạng khách hàng rút ngân hàng này gửi ngân hàng khác. Hầu hết khách đến gửi đều là khách hàng mới. Những khách hàng cũ bị “vướng” quy định rút trước kỳ hạn sẽ bị chuyển từ lãi suất có kỳ hạn thành lãi suất không kỳ hạn, trong khi lãi suất mới có tăng nhưng vẫn không bù đắp được phần vi phạm hợp đồng. Do vậy, khách hàng vẫn “án binh bất động” chờ tình hình ổn định hoặc chờ đến kỳ hạn mới rút tiền gửi để lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất cao hơn. 

ĐBSCL: Đa số gửi tiết kiệm ngắn hạn

Đến sáng nay, các chi nhánh ngân hàng tại ĐBSCL đã hoàn tất việc niêm yết mức lãi suất tiền gửi mới. Từ chiều hôm qua đến sáng nay, nhiều người gửi tiết kiệm với trần lãi suất trước đây đã đến ngân hàng quen thuộc của mình để rút tiền và gửi lại với lãi suất cao hơn, đa số là gửi tiết kiệm ngắn hạn.

Trong khi giới đầu tư thở phào thì giới kinh doanh và người dân... tiếp tục ngẹt thở do lãi suất cho vay tăng và... rất khó vay. Chỉ riêng lĩnh vực thủy sản, nhiều doanh nghiệp chế biến, người nuôi cá tra, cá basa ở ĐBSCL đang hết sức bối rối vì mức lãi suất hiện nay.

MINH TRƯỜNG 

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục