Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn. Bài 1: Chảy đi sông ơi!

Sông thành... sa mạc
Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn. Bài 1: Chảy đi sông ơi!

Lần đầu tiên trong lịch sử các tỉnh miền Trung hạn hán bắt đầu từ trước tết, sớm hơn đến 2 tháng. Thật khó chối cãi rằng con người đã tác động quá lớn đến rừng, đến dòng chảy là nguyên nhân chính của sự thất thường khí hậu, khô kiệt sông ngòi ở khu vực này.

"Sa mạc" dưới đáy sông Trà. Ảnh: Hà Minh

"Sa mạc" dưới đáy sông Trà. Ảnh: Hà Minh

Sông thành... sa mạc

Vào tháng 5 (Âm lịch) năm ngoái, lũ đã ập đến. Rồi năm nay, mới chỉ tháng 2 thôi, cả miền Trung gồng mình chống hạn, thiếu nước trầm trọng. Người dân thảng thốt trước sự thay đổi kỳ quặc của “ông Trời”. Vốn địa hình ngắn và dốc, vào mùa lũ cứ sau một trận mưa lớn là nước từ thượng nguồn những con sông đổ về cuồn cuộn uy hiếp nhà cửa, tính mạng người dân. Đến mùa nắng thì chính những con sông này lại khô cạn nhanh nhất. Nhưng chưa có năm nào miền Trung lại khô kiệt đến mức đáng báo động như năm nay.

Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có sự biến đổi khí hậu khiến lượng mưa giảm, chuyện phá rừng thượng nguồn, đào sông đãi vàng... Rồi như giọt nước tràn ly, các cuộc chặn dòng xây dựng, tích nước giữa mùa hạn hán của các công trình thủy điện làm cho không ít dòng sông thoáng chốc thành... sa mạc!

Ai đến Quảng Ngãi dịp này, đi trên tuyến QL1A ngang qua cầu Trà Khúc sẽ khó mà hình dung được đó chính là con sông ở Quảng Ngãi đã trở nên nổi tiếng khi đi vào thi ca qua ngòi bút chân thật, sinh động của nhà thơ tài hoa Tế Hanh: Quê hương tôi có con sông xanh biếc; Nước gương trong soi tóc những hàng tre; Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè; Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng…

Bởi thay vào dòng nước lấp lánh, trong xanh ấy bây giờ là những bãi cát vàng bỏng rát, lòng sông trơ đáy như hoang mạc; hai cây cầu Trà Khúc 1 (cầu cũ) và Trà Khúc 2 (cầu mới) ngoài nhiệm vụ làm chức năng giao thông, bỗng trở nên trơ trọi và đơn độc khi bên dưới chỉ là những lạch nước len lỏi chảy giữa lòng sông rộng thênh thang… cát.

Theo Trạm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, sông Trà Khúc bắt đầu “mất” nước từ năm 1985, khi tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành xây dựng đập dâng Thạch Nham, ngăn sông Trà để lấy nước tưới cho 30.000ha ruộng lúa, hoa màu.

Tuy nhiên, chưa năm nào tình trạng kiệt nước như năm nay, khi mà mực nước thấp hơn các năm trước hơn 1m.

Ở Phú Yên, tháng 4-2009, nổi lên hiện tượng lạ là người dân thi nhau… khai thác đá “trên” lòng sông. Ấy là do sau khi nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa thủy điện Ba Hạ, tại phần hạ lưu đập chính của thủy điện đã lộ ra bãi kỳ thạch hàng triệu năm, thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về khu vực này tìm đá cảnh…

TS Lương Thị Vân, Khoa Địa lý - Địa chính thuộc Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 4 hệ thống sông lớn, gồm: sông Kôn, sông Lại, sông La Tinh và sông Hà Thanh. Hệ thống sông ngòi của tỉnh được đánh giá, xếp vào loại “đối tượng khan hiếm nước không thường xuyên” (cạn kiệt nước vào mùa khô).

Hiện nay, trung bình mỗi người dân của tỉnh Bình Định được khoảng 5.350 - 5.450m³ nước/năm, chỉ bằng 40% - 42% mức trung bình chung so với cả nước và của thế giới; trên 60% số xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt, với tổng số dân bị thiếu nước khoảng 480.000 người, trong đó thiếu nước sinh hoạt bình thường khoảng 290.000 người, thiếu nước uống nghiêm trọng là 190.000 người…

Thủy điện gây khát?

Xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hơn 10 năm trước, khi công trình hồ Thủy điện Sông Hinh khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, cùng với nhiều hộ dân ở các xã lân cận như Đức Bình Đông, Ea Trol… gần 1/2 dân cư của xã này phải di dời đến nơi ở mới, bởi khu ở cũ đã chìm trong lòng hồ. Tuy nhiên, do khu ở mới nằm trên những đồi cao, nên chỉ trong mùa mưa, khi nước hồ dâng cao thì giếng đào mới có nước.

Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Trần Ngọc Thuận cho biết, toàn xã có khoảng 50 giếng nước, tập trung ở các thôn Suối Dứa, 2A, 2B và thôn 3. Mỗi giếng có đường kính 1,5m, sâu 40m, nhưng đã phơi đáy.

Trong khi đó, hệ thống nước tự chảy (vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng), cung cấp nước sinh hoạt cho 6/8 thôn, buôn trong xã gần 10 năm nay lúc chảy lúc không, vào mùa khô là ngừng chảy. Hàng ngày người dân phải đi bộ hàng cây số để gùi nước sông, nước suối về dùng, trong khi nhiều nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang diễn ra ở một số xã ở hai huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân

Việc thủy điện A Vương (Quảng Nam) ngăn đập đã khiến 13km sông A Vương trơ đáy. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Việc thủy điện A Vương (Quảng Nam) ngăn đập đã khiến 13km sông A Vương trơ đáy. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Công trình thủy nông Đồng Cam do người Pháp xây dựng từ những năm 1930 là hệ thống nước tự chảy tưới cho gần 20.000ha lúa hai vụ ở đồng bằng Tuy Hòa. Theo nhiều lão nông, chỉ một năm “bể mương” do Pháp thả bom, còn chưa bao giờ cánh đồng Tuy Hòa - lớn nhất miền Trung này thiếu hụt nước tưới từ hệ thống thủy nông Đồng Cam.

Thế nhưng từ mấy tháng qua, vùng cuối kênh hệ thống thủy nông này, nhiều nơi bà con nông dân đã phải dùng máy bơm chống hạn cục bộ. Nước sông Ba cạn kiệt khiến nước biển lấn vào gây nhiễm mặn ở một số vùng, như phường 6, Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa)…

Tại Quảng Nam, tình trạng thiếu nước tưới cho nông nghiệp diễn ra ngay từ trước Tết Nguyên đán. Cuối mùa đông! Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam, từ ngày 12-2-2010 đến nay, hạ lưu sông Thu Bồn luôn bị đe dọa bởi nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ mặn luôn ở mức cao từ 0,7‰ - 2,8‰ khiến trạm bơm điện Tứ Câu ngừng vận hành và một số trạm bơm khác phải vận hành lách triều (độ mặn 0,8‰ thì trạm bơm phải ngừng hoạt động - PV).

So với cùng kỳ năm 2009, hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh đã ở mức thấp hơn từ 0,01 - 0,85m, báo hiệu một năm hạn hán nặng.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, 300ha lúa vụ đông xuân tại quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang bị thiếu nước tưới. Cuối tháng 3-2010 nước dự trữ tại các hồ đập Đồng Nghệ, Hòa Trung và một số đập nhỏ trên địa bàn cũng cạn nước.

Bà Đặng Thanh Mai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhận định: Tính đến ngày 20-4, tổng dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm là 25%.

Dự báo, tháng 4-2010, lượng mưa ở Trung Trung bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình 30 năm gần đây, với lượng mưa thấp hơn khoảng 20% - 50%, riêng tại Đà Nẵng khoảng 15 - 30mm.

“Cạo trọc” núi rừng

Tại Hội thảo Khoa học về vận hành hồ chứa thủy điện A Vương cuối tháng 4 vừa qua, một số chuyên gia đã đưa ra một số dẫn chứng việc các dòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị khô hạn nghiêm trọng. Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, việc vận hành hồ chứa thủy điện A Vương trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn và cân nhắc. Thủy điện A Vương cần phát điện lên hệ thống điện quốc gia theo nhiều mức công suất, thời gian phát điện khác nhau trong ngày. Vì rằng, nếu như cho nhà máy chạy hết công suất thì lượng nước trong hồ chỉ đủ chạy đến tháng 5-2010 là hết nước.

N.K.

Từ thập niên trước, nhiều chuyên gia thủy lợi, kể cả các nhà quản lý ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã cảnh báo về khô hạn và lũ lớn khôn lường trên hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn do rừng mất quá nhiều với tốc độ ngày càng tăng khiến rừng không còn khả năng giữ nước.

Mỗi năm, hàng trăm hécta rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam bị “cạo trọc” bởi nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy và vùng bị ngập của thủy điện.

Đặc biệt, tại các công trình thủy điện ở Quảng Nam hiện nay như: Đắk Mi 4, Sông Tranh 2…, khi thi công công trình, chủ đầu tư đã bố trí tái định cư cho dân theo kiểu… dồn dân vào núi. Tại nơi ở mới, người dân không có đất sản xuất, đời sống khó khăn nên lại… tái nghèo, lại phá rừng làm rẫy.

Theo thống kê, các huyện miền núi Quảng Nam có diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2000 đến nay là 33.447ha, chiếm 4,4%, trong đó thu hồi để đầu tư các công trình thủy điện là 11.589ha (đã thu hồi thực tế 6.462ha). Diện tích cho thủy điện chỉ chiếm 1,5% nhưng đa số lại là rừng đầu nguồn.

Riêng 10 công trình thủy điện theo quy hoạch bậc thang Vu Gia - Thu Bồn chiếm 78% diện tích (9.047/11.589ha), các công trình thủy điện vừa và nhỏ chiếm 22% (2.542/11.589ha).

Gần đây nhất, tháng 3-2010, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam “xin” chuyển đổi mục đích sử dụng 745ha rừng thuộc khu vực tái định cư Trà Bui để… giao cho người dân tái định cư sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc rừng xanh tiếp tục bị “cạo trọc”.

Còn nhớ, cơn lũ lụt lịch sử năm ngoái đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Phú Yên, Quảng Nam mà một trong những nguyên nhân là do sự biến mất của hàng ngàn hécta rừng phòng hộ đầu nguồn do xây dựng các công trình thủy điện (?).

Chuyên gia thủy lợi Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần cảnh báo việc “mất rừng”, gồm mất rừng hợp pháp cho thủy điện, mở đường và mất rừng vì lâm tặc.

Ông phân tích: chỉ cần làm 1km đường đi qua rừng già, đã mất đến 5ha rừng, trong khi hiện Quảng Nam có hàng chục dự án thủy điện thì diện tích đất rừng còn mất nhiều. Chỉ tính riêng dự án thủy điện A Vương đã lấy mất 2.000ha rừng, trong đó có diện tích rừng nằm trong vùng ngập nước, làm đường và tái định cư.

NG.KHÔI – H.MINH – TR.L.VĂN

Tin cùng chuyên mục