Chân dung những trùm lừa đảo thời hiện đại

Bài 2: Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư

Nguyên tắc Pontsi
Bài 2: Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư

Khi đã được “chọn mặt gửi vàng”, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của những ông chủ quỹ Bayou tất nhiên là phải đảm bảo được khoản lợi nhuận hàng năm theo hứa hẹn từ 12% đến 14%. Tuy nhiên cả Samuel, Marquez và Marino (từng đảm nhiệm cả vai trò cựu giám đốc tài chính) lại không có khả năng và kinh nghiệm trong thị trường chứng khoán. Và khi không đủ tài năng làm ăn một cách chân chính, quỹ Bayou chỉ còn một cách duy nhất để tồn tại - đó là gian lận và lừa đảo.

Nguyên tắc Pontsi

Samuel Israel và các tòng phạm về cơ bản đã áp dụng nguyên tắc Pontsi - một sơ đồ kim tự tháp tài chính cổ điển do Karlo Pontsi nghĩ ra từ những năm 1920. Theo đó, lợi nhuận được chi trả cho những người gửi tiền vào Bayou không phải lấy từ những khoản lãi trong đầu tư và kinh doanh cổ phiếu mà thực ra chỉ bằng tiền của những nhà đầu tư sau đó. Samuel hiểu rất rõ một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này - đó là tạo ra trước mắt các nhà đầu tư vẻ bề ngoài của một quỹ đang làm ăn phát đạt, của một bộ máy kinh doanh đang vận hành trơn tru. Để làm được chuyện này, cần phải có các số liệu của một “nhà kiểm toán độc lập”.  Với mục đích trên, Marino vào năm 1998 đã tự đứng ra thành lập một hãng kiểm toán có tên Richmond-Fairfield Associates với nhiệm vụ duy nhất là xây dựng những báo cáo tài chính giả mạo hàng năm để trình cho các nhà đầu tư. Để tăng thêm tính thuyết phục, Marino còn thuê cho Richmond-Fairfield Associates cả một khu văn phòng rất quy mô, cũng như lập riêng cho hãng này một trang web trên mạng. Các nhà đầu tư khi muốn liên lạc với nhà kiểm toán, được kết nối ngay đường dây với giám đốc Matt Richmond, thực chất là với chính Marino.

Với sơ đồ lừa đảo này, các nhà đầu tư của Bayou vào tháng 3-2004 đã nhận được kết quả kinh doanh trong năm 2003 của quỹ do Richmond-Fairfield cung cấp, trong đó cho biết quỹ đã có được lợi nhận tổng cộng 43,46 triệu USD (trong khi trên thực tế là lỗ 49 triệu USD). Samuel tất nhiên cũng hiểu rằng không thể vĩnh viễn lừa được các nhà đầu tư nên bắt đầu lẳng lặng chuyển tiền của họ vào những tài khoản bí mật. Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 7-2004, quỹ Bayou đã bị hắn rút ra tổng cộng 161 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD được bí mật chuyển ra nước ngoài.

Vụ tự sát giả đầu tiên

Bài 2: Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư ảnh 1

Samuel Israel ra tự thú sau vụ tự sát giả.

Trò gian lận của quỹ Bayou được phát hiện lần đầu vào mùa hè năm 2005, khi nhà đầu tư lớn nhất của quỹ này là Silver Creek Capital Management muốn lấy lại khoản vốn 53 triệu USD của mình. Tất nhiên là Samuel không thể có được khoản tiền lớn như vậy. Hắn ta giải thích số tiền trên đã bị biển thủ bởi Marino, kẻ ngay sau đó đã tự sát. Trên bàn của giám đốc tài chính quỹ Bayou, các nhà chức trách phát hiện một lá thư dài tới 6 trang do chính tay Marino viết, trong đó có kể chi tiết vụ biển thủ trước khi nhận hết trách nhiệm về mình, cuối cùng là thông báo quyết định… tự sát.

Một thời gian sau đó, người ta mới biết đây cũng là trò gian lận. Marino đã cố gắng lẩn trốn trước khi nhanh chóng bị bắt giữ. Đến lúc này, mọi người mới lường được quy mô của vụ lừa đảo được cho là lớn nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư. Các nhà đầu tư vào Bayou tính tổng cộng đã mất khoảng 450 triệu USD. Thật ra khoảng 1/4 số tiền này (115,6 triệu USD) đã may mắn được chính quyền kịp thời thu hồi và trả lại cho các nạn nhân. Số tiền khoảng 300 triệu USD còn lại được tòa phán quyết trách nhiệm chi trả thuộc về Samuel, kẻ được xác định là chủ mưu lừa đảo trong vụ quỹ Bayou. Sau khi chính thức nhận tội vào tháng 9-2005, Samuel nhận bản án tới 20 năm tù giam nhưng được tạm thời tại ngoại sau khi nộp tiền thế chân với hứa hẹn sẽ bán các tài sản riêng để trả nợ. Hai đồng phạm chính của Samuel, Marino thụ án 20 năm tù tại Arkansas còn Marquez chịu mức án 4 năm 3 tháng tù.

Samuel vẫn tiếp tục lừa dối các nhà đầu tư nạn nhân ngay cả khi đã giải tán quỹ Bayou. Hắn thề thốt sẽ trả lại đầy đủ cho họ “đến đồng xu cuối cùng”. Hè năm 2005, một số nhà đầu tư do nóng lòng biết số tài sản thực tế của Samuel nên đã thuê hãng thám tử First Advantage Investigative Services điều tra. Kết quả khiến mọi người phải ngã ngửa: Samuel chẳng còn gì ngoài một chiếc xe hơi. Khu trang trại nhỏ tại Armonk lại do cô bồ Debra Ryan đứng tên.

Không chốn dung thân

Sau vụ mất tích bí ấn của Samuel, các nạn nhân và cả chính quyền do đã hiểu quá rõ về hắn nên đều cho rằng đây thực chất chỉ là trò lừa đảo tiếp theo. Lệnh truy nã Samuel nhanh chóng được ban ra, ảnh của hắn được dán tại tất cả các điểm kiểm soát ở biên giới và sân bay quốc tế. Mọi nghi ngờ về cái chết của Samuel hoàn toàn tan biến chỉ 10 ngày sau, khi Debra Ryan bị bắt và thừa nhận đã giúp nhân tình của mình chạy trốn. Ryan - rất có thể sẽ phải nhận bản án 10 năm tù vì giúp tội phạm chạy trốn - cho biết Samuel đang ẩn náu với một cái tên giả trên một chiếc xe moóc.

Vào một ngày cuối tháng 6, Samuel gọi điện về cho mẹ, lúc này đang sống tại Chicago và nhận được lời khuyên của bà nên ra đầu thú. Thừa hiểu là không còn chốn dung thân, trùm lừa đảo này đã quyết định ra nộp mình tại đồn cảnh sát Southwick vào ngày 2-7-2008. Giờ đây, không ai từ chối đề nghị của Samuel được phẫu thuật lưng lần cuối tại bệnh viện nhà tù, nơi hắn sẽ phải thụ án tới hơn 20 năm (do án phạt cao nhất đối với tội vi phạm các điều khoản tại ngoại có thể tới 10 năm). Phiên tòa xét xử về án phạt mới đối với Samuel Israel sẽ diễn ra trong tháng 8 này.

Bài 3: Raffaello Follieri - lừa cả tiền lẫn tình

Linh Nga (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

Bài 1: Samuel Israel - Lừa đảo cả quan tòa

Tin cùng chuyên mục