Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) có thể trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế?- Bài 1: Mô hình mạng nhện chống khủng hoảng

Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) có thể trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế?- Bài 1: Mô hình mạng nhện chống khủng hoảng

(SGGP-12G).- Đầu tháng 6 vừa qua, Đài Loan vừa tổ chức một trong những triển lãm công nghệ có quy mô lớn nhất thế giới với sự tham gia của hơn 1.500 công ty về IT, cùng với tổng giá trị các hợp đồng được ký kết tại đây lên tới 25 tỷ USD. Đây là một ví dụ rõ rệt nữa về thành công của kinh tế của Đài Loan ngay trong bối cảnh cơn bão khủng hoảng tài chính - kinh tế đang lan tràn khắp thế giới.

Nếu như Đài Loan từng trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á vào năm 1997 một cách tương đối dễ dàng so với các quốc gia khác trong khu vực thì giờ đây họ lại tiếp tục thể hiện khả năng “miễn dịch” của mình trong cuộc khủng hoảng lần này. Hãy thử tìm hiểu những bí quyết giúp hòn đảo này đạt được những thành công đáng chú ý về kinh tế…

“Mạng nhện” của China Steel

Wang Yung-ching – người đã đưa ra ý tưởng táo bạo biến đổi mô hình kinh doanh của Formosa Plastics

Wang Yung-ching – người đã đưa ra ý tưởng táo bạo biến đổi mô hình kinh doanh của Formosa Plastics

Những biện pháp chống khủng hoảng kinh tế của chính quyền Đài Loan thực ra rất đa dạng và có nhiều điểm khác biệt so với nhiều nước xung quanh.

Tình hình kinh tế tại hòn đảo này làm cho người ta có cảm tưởng, giới kinh doanh địa phương hầu như không phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng.

Đầu tiên là không hề có những tín hiệu cầu cứu quốc hữu hóa để cứu các công ty tại đây. Tác động này được bắt nguồn từ một kiểu mô hình kinh tế được gọi nôm na là “trung tâm - các vệ tinh”.

Trên hòn đảo Đài Loan từ lâu nay đã phổ biến một kiểu mẫu kinh doanh, trong đó một xí nghiệp lớn sẽ nằm ở vị trí trung tâm trong hệ thống “mạng nhện kinh doanh” của mình, bao quanh nó là một loạt các công ty nhỏ hơn khác. Việc từ bỏ mô hình kinh doanh kiểu tập đoàn khổng lồ theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới đã cho phép giới thương gia Đài Loan có thể giảm tối thiểu chi phí sản xuất, đồng thời dễ dàng và nhanh chóng cơ cấu lại trước những yêu cầu xuất phát từ cuộc khủng hoảng.

Hiện hai công ty lớn nhất tại Đài Loan - China Steel (CS) và Formosa Plastics (FP) - đều được xây dựng dựa theo nguyên tắc trên. Tập đoàn thép China Steel bao gồm một trục hệ thống cấu thành của hơn 100 xí nghiệp nhỏ và vừa. Thép thành phẩm được sản xuất tại xí nghiệp lớn nhất sẽ được chuyển tới những nhà máy có kích thước nhỏ hơn chuyên sản xuất những sản phẩm cụ thể như ốc vít, dây thép, dây cáp, ống sắt và nhiều mặt hàng từ thép khác. Mối quan hệ qua lại lẫn nhau này có lợi cho cả hai phía. China Steel hưởng lợi từ việc giảm bớt được kinh phí đầu tư, trong khi lại tận dụng được chi phí lao động thấp hơn tại các xí nghiệp nhỏ, cải thiện và đa dạng hóa chủng loại mặt hàng.

Các nhà máy vệ tinh - tư nhân về phần mình lại nhận được đơn hàng thường xuyên từ công ty trung tâm, kèm theo đó là các hỗ trợ đặc biệt về nguyên liệu và công nghệ. Cho dù số xí nghiệp vệ tinh hiện chỉ chiếm 13% trong tổng số đối tác của China Steel nhưng các đơn vị này lại giúp đảm bảo tới hơn 52% thị trường tiêu thụ nội địa. Các đối tác lại tiếp tục thể hiện “sự trung thành” trong hợp tác bằng cách mua lại cổ phiếu của công ty - trung tâm.

Formosa Plastics - mỗi quản trị viên trở thành một ông chủ

Tập đoàn chất dẻo tư nhân Formosa Plastics lại hình thành và phát triển theo một cách tương đối khác. Cho đến trước những năm 1980, FP đã có nhiều chi nhánh sản xuất đủ mọi thứ - từ áo đi mưa trẻ em cho tới các sản phẩm chất dẻo dùng cho y tế. Nhưng do luật pháp Đài Loan cấm thành lập các tập đoàn cỡ lớn nên người sáng lập ra FP là Wang Yung-ching (qua đời vào tháng 11-2008) đã quyết định xóa bỏ mô hình cũ bằng cách cho các quản trị viên của mình mua lại từng nhà máy sản xuất riêng lẻ.

Tuy nhiên, khả năng này chỉ được chấp nhận với một điều kiện: Công ty mẹ vẫn sẽ là nhà cung cấp chất dẻo nguyên liệu duy nhất. Các quản trị viên mặt khác khi đã trở thành ông chủ thực sự sẽ làm việc một cách chuyên cần và tận tâm hơn, đồng nghĩa với khả năng đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho cả công ty mẹ và xí nghiệp vệ tinh.

Trên thực tế, hệ thống các xí nghiệp vệ tinh của Formosa Plastics đã giúp cho tập đoàn này trở thành một tổ hợp hóa dầu lớn nhất trên hòn đảo Đài Loan, lớn thứ hai về quản lý hệ thống cây xăng và là nhà điều hành mạng lưới lớn nhất các bệnh viện.

Riêng chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn này - chuyên sản xuất vải nhân tạo polyester tại South Carolina và các sản phẩm nhựa tại Texas – hằng năm có doanh số bán hàng lên tới vài tỷ USD. Bản thân ông chủ của tập đoàn này được xếp thứ 178 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes vào năm 2008.

>> Bài 2: Dùng tem phiếu để kích cầu

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục