Mặc dù gói QE3 của Mỹ (nới lỏng định lượng lần 3) chưa chắc đã thực thi, nhưng giá vàng vẫn có tốc độ biến động chóng mặt. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường vàng diễn biến bất thường do rối loạn thông tin.
Tâm lý bất an
Từ tháng 8 đến nay, không ít cơn bão giá đã lướt qua thị trường vàng. Giá vàng thế giới từng vượt đỉnh mốc 1.900 USD/ounce vào ngày 20-8 rồi sau đó rơi “không phanh” xuống 1.771,3 USD/ounce vào ngày 24-8 và từ đó đến nay chỉ dạo quanh mức 1.800USD/ounce. Cùng thời điểm, giá vàng trong nước không chỉ ảnh hưởng theo các “cơn co giật”, mà còn “bay” cao hơn cả giá vàng thế giới. Đồng thời, độ lệch pha giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng rất lớn, giảm ít hơn, tăng nhanh hơn và biên độ mua bán rộng.
Kéo theo thị trường tiền tệ trong nước cũng rơi vào trạng thái bất ổn. Xu hướng thoái vốn từ các kênh đầu tư khác đổ vào vàng ngày một tăng lên, trong đó có nguồn tiền khá lớn từ các ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo lý giải của nhiều chuyên gia là do xuất phát từ tâm lý bất an của các nhà đầu tư trước những thông tin xấu từ các nền kinh tế, như nguy cơ vỡ nợ ở Hy Lạp, S&P giảm hạng tín dụng Italia, IMF cảnh báo nền kinh tế thế giới đang rơi vào giai đoạn nguy hiểm mới…
Huy động vàng bằng lãi suất
Vòng luẩn quẩn của giá vàng đang tác động xấu đến nền kinh tế trong nước, vốn còn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Dòng tiền đầu tư vào việc vực dậy nền kinh tế trong nước đang bị cuốn hút vào vùng xoáy của vàng. Việc huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc, tuy nhiên với mức lãi suất chỉ có 2% như hiện nay, chưa đủ lực hấp dẫn để gom được vàng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc huy động vàng trong dân để làm tăng dự trữ vàng của nhà nước, đồng thời qua đó, vốn hóa lượng vàng khổng lồ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là điều hợp lý và đặc biệt quan trọng. Ông Nghĩa phân tích, việc vốn hóa có thể thực hiện bằng cách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ủy thác cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) được phép huy động vàng và phát hành các chứng chỉ vàng cho người gửi. Trong trường hợp cần thiết, NHNN mua số lượng vàng này để dự trữ.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) lại cho rằng, trước hết, Chính phủ nên khuyến khích các NHTM huy động tiết kiệm bằng vàng với lãi suất thấp, sau đó, sử dụng nguồn vốn bằng vàng gửi cho các ngân hàng nước ngoài có uy tín lớn, và dùng nó làm tài sản đảm bảo để vay ngoại tệ với lãi suất thấp 2,5%-3,5%/năm của ngân hàng nước ngoài để cho các doanh nghiệp Việt Nam vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoặc có thể xuất khẩu số vàng này thu USD về. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để giá vàng trong nước và quốc tế cân bằng với nhau. Đồng thời, việc cho phép mở tài khoản vàng đối với một số ngân hàng được lựa chọn cũng là tiền đề hình thành một sàn giao dịch vàng trong tương lai.
LÊ MAI THI