Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường

Bài 2: Tiệm cận cung – cầu

Thông tin liên quan
Bài 2: Tiệm cận cung – cầu

Bao giờ “cung” mới gặp “cầu”? Đó là câu hỏi – năm nào cũng được hỏi – đặt ra trước các nhà cung ứng và nhà tuyển dụng lao động. Và chắc chắn không ai trả lời chính xác thời điểm “hợp long” khi chúng ta còn chưa biết thị trường đòi hỏi cụ thể gì ở các cơ sở đào tạo. Và nhà trường – tuy than rằng nhà tuyển dụng được hưởng lợi từ kết quả đào tạo mà không phải đóng góp nhiều - thực sự cũng mới chỉ dừng lại ở mức đào tạo theo sở thích của người học, theo kiểu cứ “nộp phí” thì “có đào tạo”. Rất ít trường dám “đụng” những chuyên ngành “không ai thích học” nhưng rất cần cho xã hội như các môn khoa học cơ bản, kỹ thuật, cơ khí…

Người mua chê “sản phẩm”

Đầu tháng 3, Công ty Thực phẩm Vilad (thuộc FG Group) tức tốc đăng thông báo tuyển dụng các chức danh giám đốc và trợ lý giám đốc nhãn hàng để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Chỉ một tuần sau, với hy vọng có chỗ làm triển vọng và khả năng thăng tiến, số người nộp hồ sơ dự tuyển ở bộ phận nhân sự của hãng đã lên tới 700 người, trong đó ứng viên người nước ngoài chiếm 10% và đặc biệt có đến 40% là số sinh viên khối ngành kinh tế mới tốt nghiệp. Sau khi đọc kỹ hồ sơ, săm soi từng chi tiết bảng thành tích “bạch” theo kiểu “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, rốt cuộc công ty cũng lựa ra 50 người có nhiều ưu điểm hơn cả để mời đến phỏng vấn. Và kết cục dù nhu cầu nhân lực còn rất cao, Vilad cũng chỉ “gật” được 2 người… đã từng có kinh nghiệm làm giám đốc nhãn hàng của 2 công ty lớn của nước ngoài tại VN.

Tại sao không lựa được người vừa trẻ, vừa có tài, có tâm, có kỹ năng giao tiếp? Ông Trần Hòa Bình, Phó Tổng Giám đốc Vilad thở dài: “Sinh viên của chúng ta mặc dù phải học rất nhiều thứ nhưng ít được thực hành nên khi đi làm “đụng” đến công việc đều phải “học” lại cái lẽ ra phải được chuẩn bị từ trong trường ĐH. Nghĩa là, khi hỏi vấn đề gì thì tất cả đều trả lời rất chuẩn bằng những… khái niệm và định nghĩa có sẵn trong giáo trình. Và đều dừng lại ở mức đó. Thêm nữa là họ rất rụt rè khi phải phát biểu, trình bày kế hoạch”.

Theo ông, kỹ năng thiếu nhất của đa phần sinh viên chúng ta là kỹ năng tổ chức và kỹ năng điều phối, kết nối. Có thể đó là do bản tính cố hữu của người Việt - cái tính “ta về ta tắm ao ta” - khiến việc mình thì làm được, còn phối hợp cộng đồng, thoát chuyên môn hẹp để ra “ao người” thì lại trục trặc không “tắm” được. Đến mức, ông Bình phải đề xuất do khó kiếm được sinh viên tốt nghiệp ngành marketing theo như đòi hỏi của công ty ông, thôi thì thầy dạy ở các trường cũng nên làm… giám đốc marketing ở một công ty nào đó để chính họ được “va chạm” nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn cuộc sống!

Bài 2: Tiệm cận cung – cầu ảnh 1

Thầy Nguyễn Đình Chương (bên trái) tốt nghiệp Khoa Chế tạo máy ĐH Bách khoa TPHCM, hướng dẫn học sinh Trường Kỹ thuật Việt Nam - Singapore trên máy cắt dây EDM công nghệ CNC. Ảnh: Thái Bằng

Một doanh nghiệp khác thuộc khối sản xuất cũng nêu tình trạng tương tự khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp: Ai dự tuyển cũng có 2-3 chứng chỉ về trình độ vi tính và bằng C tiếng Anh nhưng sau khi kiểm tra thì số “tạm tuyển” chỉ đạt chưa tới 10%! Ông này kêu trời “sao họ thiếu nhiều thứ thế, nào là thiếu kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức không gian làm việc, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng đàm phán và thuyết phục… và chỉ có mỗi cái tạm được là sức khỏe tốt”.

Còn riêng khoản “sinh ngữ” thì “hết nói”. Ngay như ông giám đốc Công ty Saigontourist cũng phải than vãn có tới 70% số sinh viên tốt nghiệp khoa ngoại ngữ… chỉ được cái giỏi nói tiếng Việt. Vì vậy, kiểm định qua kết quả điều tra của TS Vũ Thị Phương Anh (Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐHQG TPHCM) và Th.S Nguyễn Bích Hạnh (Trường ĐH KHXH-NV) được biết: Mặt bằng trình độ sinh viên bắt đầu năm thứ 3 chỉ mới đạt trong khoảng 360 - 370 điểm TOEFL hoặc 3,5 điểm IELTS – đây là số điểm ở trình độ rất thấp so với thế giới. Và ở mức “sơ khởi” này, sinh viên chưa thể tham gia vào các cuộc trao đổi ý kiến mà chỉ tiếp nhận thông tin đơn giản.

Đấy là tất cả câu chuyện về trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực “cổ cồn”. Còn ở tầm lao động giản đơn liệu tình thế có khá hơn? Xin thưa là chất lượng cũng vậy, cũng khó có sức “bơi” được tới con tàu “WTO”. Đầu năm 2007, các KCN – KCX thành phố cần tuyển 10.000 lao động phổ thông cho các ngành dệt – may, cơ khí, lắp ráp điện tử với mức lương khởi điểm 1 triệu đồng/người/tháng, song tìm đỏ mắt cũng mới kiếm ra 20% số lao động đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN lý giải: “Bán cái khách hàng cần, thay vì bán cái mình có” là câu châm ngôn tưởng như đơn giản nhưng không phải dễ thực hiện. Bản chất của nó là các đơn vị đào tạo phải xuất phát từ phân tích nhu cầu của khách hàng trước khi bắt tay vào “sản xuất”. Và chất lượng của “sản phẩm” cũng do khách hàng đánh giá và quyết định! Thiết kế nội dung đào tạo hiện nay vẫn đang gặp nhiều trở ngại do thiếu tư duy “định hướng khách hàng” và do đó, chất lượng đào tạo cũng đương nhiên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng.

Người bán đói “đơn đặt hàng”

Dĩ nhiên, về phần mình, các cơ sở đào tạo – từ đã có “thương hiệu” đến mới “ra ràng” – tuy có thừa nhận còn “bất cập” trong đào tạo, song vẫn một mực: Lỗi là lỗi chung chứ đâu phải lỗi mình em! Và họ cũng có cái lý của mình. Ông Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trăn trở: “Nói ra thì thật buồn vì hầu như tất tật doanh nghiệp ở nước ta không có thói quen đặt hàng hay hỗ trợ công tác đào tạo. Họ chỉ biết nhận các “sản phẩm” có sẵn. Kể cả các doanh nghiệp nước ngoài khi vào VN cũng bị lây nhiễm thói quen này”.

Ông Tề “buồn” cũng đúng vì trường ông thuộc diện trường “khó” khi lãnh vực đào tạo đòi hỏi chi phí trang thiết bị giảng dạy rất tốn kém: Chỉ nội mấy cái máy như máy CNC, máy đo 3 chiều… đã có giá tới 2-3 tỷ đồng. “Khó” nữa là suất đầu tư cho một sinh viên khối ngành này lên tới 10 – 15 triệu đồng/năm, nhưng Bộ Công nghiệp chỉ “rót” cho có 7% kinh phí hoạt động, còn lại 93% số tiền trường phải tự lo. Giá như mà trường ông thuộc diện quản lý của Bộ GD-ĐT thì ông đã “chắc suất” được nhà nước hỗ trợ mỗi năm 60%-90% kinh phí hoạt động… Và người ta bực tức cũng phải, khi nhà tuyển dụng chỉ có việc ngồi vào “mâm cỗ” để đánh chén các “món ăn” đã được chuẩn bị sẵn.

Nhưng liệu các “món ăn” này có làm “khoái khẩu” người sử dụng? Câu hỏi này khó có câu trả lời trọn vẹn. Lấy ngành CNTT làm ví dụ: Các công ty phần mềm hiện đang tuyển người không phải theo đợt nữa mà theo ngày, bởi theo dự báo trong những năm sắp tới ngành CNTT cần hơn 150.000 chuyên viên công nghệ mạng. Kiếm đâu ra đủ số lượng chứ chưa nói đến chất lượng? Ông Cao Đăng Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng chương trình đào tạo đại học rộng, không thể đi sâu vào chi tiết của một môi trường cụ thể, cho nên phải chọn giải pháp tự học thêm hoặc bồi dưỡng qua các trung tâm tin học để tiết kiệm thời gian, đỡ tốn công sức và chi phí.

Ông giải thích: “Trên lý thuyết, sinh viên ngành CNTT ra trường có thể làm việc ở mọi cơ quan, mọi môi trường. Nhưng thực tế, thời gian đào tạo đã bị mất phân nửa cho những môn học không liên quan đến chuyên ngành nên sinh viên không được đào tạo sâu, chỉ được học những kiến thức nền tảng. Do thời gian đào tạo ít nên phải chia ra những đơn vị lập trình nhỏ, dẫn đến số môn học và khối lượng bài tập tăng lên. Mặt khác, sinh viên VN yếu ngoại ngữ nên không đọc được tài liệu gốc, thầy dạy sao thì trò biết vậy”. Kể lại chuyện một giám đốc doanh nghiệp có tên tuổi than thở: “Sao tôi tuyển sinh viên hàng “top” mà các em không làm được việc?”, ông Tân trầm ngâm: “Họ đâu có hiểu phía sau tấm bằng tốt nghiệp “xịn” là những con người không đủ thời gian đào tạo chuyên sâu. Thay vì lập trình viên thì họ lại tuyển chuyên viên mạng. Khổ cho nhà tuyển dụng đã đành mà cũng khổ cho sinh viên bị đặt… “nhầm chỗ”.

Để “cung” gặp “cầu” còn nhiều chuyện gian truân. Nhưng đâu đó đã “lóe” tia sáng hy vọng như “xã hội hóa” kiểu FPT, khi mà doanh nghiệp tự bỏ tiền lập trường để đào tạo sản phẩm cho riêng mình. Và có thể hy vọng vào chất lượng đào tạo vì ít nhất là nó khác với kiểu đào tạo cứ đào tạo, còn sử dụng được không thì không cần biết, hiện đang rất phổ biến ở nhiều trường ĐH hiện nay.


Đón đọc bài 3: Ba trong một 

NHÓM PV KHOA GIÁO

Thông tin liên quan

Bài 1: Thừa “ngọn”, thiếu “gốc”

Tin cùng chuyên mục