Báo động chất lượng tài xế đường dài

Bài 1: Lên xe, phó thác sinh mạng cho... bác tài

Gần đây, với hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng xảy ra trên khắp các tuyến đường lớn nhỏ, với số người chết mỗi ngày lên đến vài chục, mỗi lần có việc phải lên xe – nhất là xe khách đường dài, mọi người đều lo lắng. Nghe báo chí nói nhiều về đạo đức, tay nghề, sức khỏe… của các tài xế, mà thực ra đó cũng chẳng là điều lạ với hành khách, nhưng biết làm sao hơn là “liều nhắm mắt đưa chân” và cầu trời – như bà khách ngồi cạnh tôi trong chuyến đi này. Tôi thì hy vọng, mấy bữa nay, báo chí và công an nói dữ, chắc là tình hình sẽ đỡ…

Những câu thề độc

Tâm điểm của đa số hành khách hiện nay là anh tài xế. Tôi cũng vậy, leo lên một chuyến xe về miền Tây, tôi ngó anh tài xế “một cách say đắm”. Thấy cũng tạm, cao ráo, đứng tuổi, ít nói, có vẻ trầm tĩnh… “Nghiên cứu” kỹ đối tượng vì tôi vẫn mãi nhớ câu đố của người bạn: Người miền Tây thường hay thề thốt nhưng có một câu không ai dám thề, đố là câu gì? Với dân miền Tây, câu trả lời dễ ợt. Cách đây chục năm, đó là câu thề: “Nếu nói láo bị xe Hậu Giang cán!”. Về Cần Thơ, chúng tôi gặp ông C., một tài xế trong đoàn xe Hậu Giang đã về vườn. Ông thừa nhận: “Lúc đó dàn sắt xi của xe khách 50 chỗ rất cứng. Tôi muốn qua mặt chỉ cần nhấn “kèn hơi, nhá đèn”! Ai cản đường thì tôi “tông đít”. Thậm chí xe nào “bố láo” tôi ép xuống ruộng luôn!”. Nhưng vài năm trở lại đây, vị trí này đã nhường cho “xe cá Cà Mau” (xe chở hàng đông lạnh). Anh Bảy, một tài xế xe Tô Châu cho biết: “Hợp đồng rất đơn giản. Chủ xe chỉ yêu cầu tôi 2 điểm: một, chạy 120 (120 cây số/giờ) và hai, bằng lái phải “ăn 1 lỗ”! Lương rất cao, ăn thua mình có dám gan hay không?”.

“Xe M.L. đi về thành phố nè. Anh trai lên xe. Đủ khách, chạy luôn!”. Thấy trên xe đã “hườm hườm” tôi ậm ừ lấy vé, bước lên xe. Khi xe chuẩn bị rời bến Cần Thơ thì trên xe chỉ còn lại vài khách. Tài xế cho xe chạy như “rùa bò” cả chục vòng, quanh thành phố Cần Thơ để đón khách. Khởi hành lúc 18 giờ nhưng hơn 19 giờ xe mới đến phà Bình Minh. Nhưng vừa qua phà thì chiếc xe đã phóng với tốc độ gần 100 cây số/giờ về cầu Mỹ Thuận.

Ở chân cầu Mỹ Thuận, cả chục “cò” lúi húi bấm đèn pin. Cũng như các lần trước, chưa đầy một phút anh lơ xe chạy nhanh về xe với một thanh niên sặc sụa mùi “hèm”. Đến gần cầu Cổ Cò, khu vực Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ánh đèn pin trong lề quét lia lịa. Vẫn như các lần trước, anh T. chạy ào xuống. Trong ánh đèn chập choạng từ các phương tiện khác, tôi thấy có khoảng 6 – 7 người đang đứng lố nhố. Vừa đưa tay chụp giỏ đồ, anh T. bỗng nhiên bật ngửa rồi rớt xuống con mương ven đường. Anh T. vùng vẫy, xé bỏ cả áo vùng chạy về chiếc xe. Chỉ chờ có vậy, chiếc xe lập tức tăng tốc. Thân mình anh T. trầy trụa, máu tuôn ào ào từ trong mũi ra. Thoáng thấy bóng CSGT bên đường, anh S. cho xe dừng lại, nhoài người ra nói: “Xe em bị tụi cướp ở cầu Cổ Cò!”. Anh CSGT trả lời tỉnh rụi: “Tụi bây giành khách chứ ai mà cướp!”, rồi phóng xe mô tô chạy mất.

Tuyến nào cũng... bay!

Quay qua tuyến miền Trung, tôi làm một chuyến đi Phan Rang. Lên xe ở ngã tư Bình Phước, xe phóng thẳng một mạch ra chợ Chiều Thủ Đức (quốc lộ 52) đón thêm khách. Chiếc xe cũ kỹ, cửa nẻo rung bần bật trên con đường gồ ghề. Tôi ngồi kế 2 bà già có tính khí trái ngược nhau. Một bà suốt chuyến đi không nói một lời nào. Mỗi lần xe nhích bánh là bà nhắm mắt ngủ vì theo bà: “Trước là nhắm mắt để cầu nguyện thượng lộ bình an. Sau, trời có kêu (ý gặp tai nạn) trong lúc ngủ thì cũng đỡ thấy đau!” Một bà khác thì nói chuyện suốt chuyến đi. Bà giải thích: “Để khỏi nhìn đường, không thấy tài xế lạng lách, đỡ đau tim!”. Xe loại 12 chỗ, nhưng chưa ra khỏi thành phố đã chứa gần 20 người. Đoạn đường Sài Gòn - Phan Rang chỉ khoảng 350 cây số, dù tài xế cũng chạy như bay ở các đoạn đường tốt, vắng người nhưng cũng “ngốn” gần 10 tiếng đồng hồ của tôi vì tài xế liên tục đón, trả khách dọc đường.

Nhưng có lẽ tài xế các chuyến xe đêm mới thực sự là nỗi kinh hoàng của hành khách. Đường vắng, không có cảnh sát giao thông, đa phần hành khách ngủ… nên các tài xế mặc sức mà tung hoành, lả lướt... “bay” xuyên màn đêm. Đó là chưa kể, đây là thời điểm mà những tài xế mới ra nghề, chưa đủ tiêu chuẩn có thể lái thay lái chính vì không ngại cảnh sát giao thông. Tai nạn giao thông về đêm, vì thế, thường nhiều và rất nghiêm trọng. Nhiều tài xế cho rằng nếu không phóng nhanh, vượt ẩu thì thất nghiệp là cái chắc vì sẽ bị chủ xe sa thải. Nhưng theo chúng tôi, đó chỉ là áp lực do có quá nhiều tài xế không chấp hành đúng luật, thiếu đạo đức nghề nghiệp và xem thường sinh mạng người khác…

NHÓM PV TS-XH

Tin cùng chuyên mục