Tâm hồn Việt nơi xứ người ( Bài 1)

Hồn Việt trên đất khách
Tâm hồn Việt nơi xứ người ( Bài 1)

Khi chúng tôi đến San Jose (Bắc California), đó là lúc câu chuyện cổ tích thời @ vừa kết thúc tốt đẹp ở Bệnh viện O’Cornnor. Chuyện cô gái tên Trần Thị Hòa, 20 tuổi, quê ở Kim Long, Thừa Thiên - Huế vừa được giải phẫu khối u sau đầu và trở về đời sống bình thường nhờ những trái tim nhân ái của những người gốc Việt trên đất Mỹ.

Hồn Việt trên đất khách

Tâm hồn Việt nơi xứ người ( Bài 1) ảnh 1

Ông Ngô Húa (ngồi) và các doanh nghiệp thành đạt gốc Việt ở San Francisco. Ảnh: P.TH.

Như Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Lê Quốc Hùng đã nói, California có 700.000 người gốc Việt, chiếm hơn nửa số bà con người Việt trên toàn nước Mỹ. Cộng đồng người Việt ở California không chỉ nhiều về số lượng mà tiềm năng chất xám, tài chính của cộng đồng này cũng rất lớn. Năm 2007, tổng kim ngạch hai chiều đã đạt hơn 12,2 tỷ USD, riêng bang California đã chiếm gần 70% tổng sản phẩm xuất khẩu của VN vào Mỹ.

California không chỉ là một trong những nơi phát triển nhất về đánh bắt  thủy, hải sản, mà còn là nơi có hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng thủy, hải sản nhộn nhịp nhất nước Mỹ.

Một triệu phú gốc Việt đang ở trong “top ten” những đại gia ngành thủy, hải sản thế giới, ông Ngô Húa, Tổng Giám đốc Công ty H&N Foods International (gọi tắt là H&N).

Hiện Công ty H&N của ông đang làm ăn với 70 quốc gia với vài ngàn công nhân nhiều sắc tộc làm việc trong gần 100 nhà máy được trang bị hiện đại.

Doanh số của Công ty H&N ngày càng “nở”, thì ông Ngô Húa càng canh cánh về vùng biển quê nhà, nơi những con tôm, con cá đã từng nuôi sống ông bao năm vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng.

Những năm Việt Nam còn bị cấm vận, ông Ngô Húa đã có mặt trong phái đoàn doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam để tìm hiểu thị trường, những chuyến đi ấy đã chuẩn bị cho việc trở về Việt Nam làm ăn, sau này không chỉ của ông mà còn của các doanh nghiệp gốc Việt.

Năm 1992, Công ty H&N của ông Ngô Húa là một trong 27 công ty đầu tiên của Mỹ đặt văn phòng tại Việt Nam. Năm 1998, với những hiểu biết đã tích lũy từ nhiều chuyến đi về VN, ông Ngô Húa đã quyết định làm ăn lâu dài với một số công ty kinh doanh mặt hàng thủy, hải sản tại Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang. Và cứ thế, các chuyến đi về Việt Nam của ông Ngô Húa và vợ ông, bà Nga ngày càng nhiều, số thương vụ của H&N với các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng theo thời gian.

Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% trên tổng số thương vụ mua bán trên toàn thế giới của Công ty H&N Foods International với trị giá các thương vụ hơn 15 triệu USD/năm.

Ông Ngô Húa tự nhận mình “rất có tâm hồn Việt Nam” và vì thế, ông cho rằng ông cần phải quay về quê hương đầu tư và hướng dẫn cách làm ăn với Mỹ, một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi “họ có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết”.

Không chỉ hướng dẫn các điều “nên” và “không nên” khi tham gia thị trường Mỹ cho doanh nghiệp VN những ngày đầu chập chững giao thương mà ông Ngô Húa còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học chuyên ngành thủy sản, tham gia báo cáo tại nhiều hội nghị kinh tế tại VN về hướng phát triển tích cực, lâu dài và bền vững trong hội nhập kinh tế.

Không chỉ lo chuyện làm ăn riêng mình, ông Ngô Húa muốn những triệu phú gốc Việt tại Mỹ cùng về đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam. Mới đây, cùng với Satra (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) ông Ngô Húa và những triệu phú gốc Việt nổi tiếng tại San Francisco đã hợp tác xây dựng khu chợ đầu mối Bình Điền rộng vài chục hécta (tại Bình Chánh, TPHCM) với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Và, Bình Điền sẽ là chợ đầu mối đầu tiên được xây dựng và quản lý kiểu Mỹ tại Việt Nam, trong thời gian không xa.

Trong những chuyến về Việt Nam gần đây, khi mà ông Ngô Húa tất bật với công việc kinh doanh thì bà Nga, vợ ông cũng là thành viên HĐQT Công ty H&N lại âm thầm đi làm từ thiện. Hai vợ chồng ông Ngô Húa là những mạnh thường quân ẩn mặt của nhiều chương trình xã hội từ thiện những năm gần đây ở Việt Nam. T

rong số hàng trăm ngàn người tìm lại ánh sáng cuộc đời qua Chương trình Mắt sáng cho người mù nghèo do ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp vận động, có đóng góp không nhỏ từ vợ chồng ông Ngô Húa. Và không chỉ dành tặng nhiều học bổng cho SV ngành Thủy sản Việt Nam sang Mỹ du học, ông Ngô Húa còn xây trường học cho vùng quê nghèo ở Bạc Liêu và âm thầm giúp đỡ nhiều gia đình nghèo ở nhiều nơi trên quê hương Việt Nam.

Chuyện ghi từ một chuyến đi

Tâm hồn Việt nơi xứ người ( Bài 1) ảnh 2

Ông Kiệt Hà (thứ hai từ trái qua) cùng PV Báo SGGP trong chuyến đi làm việc cho một dự án hợp tác y tế với VN.

Từ lúc còn nhỏ, Hòa đã cay đắng khi nhận biết mình phải mang trên đầu một cục bướu thâm đen, bầy nhầy ngày càng to ra phía sau ót. Chưa bao giờ Hòa biết cảm giác nằm ngửa như thế nào, bởi cục bướu ấy rất to và Hòa luôn phải đội khăn hoặc dùng những tờ báo gấp lại như những cái mũ để che “đậy” lên “nỗi buồn” đang ngày càng phình to.

Trần Thị Hòa ước mình có một mái tóc dài, ước được đi học may để giúp mẹ… và ước rằng cái bướu khốn khổ kia biến mất. Ước mơ của Hòa sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu Hòa không gặp được sơ Phương Linh trong chuyến đi của đoàn y tế thiện nguyện Dòng nữ Đa Minh ở San Jose về quê em. Hòa đã quá quen với những cái lắc đầu, từ chối vì “không thể”, nhưng với sơ Phương Linh thì không thế.

Sau khi chuyển hồ sơ của Hòa đến nhiều bệnh viện ở VN đều thất bại, sơ Phương Linh đã gửi lời cầu cứu của Hòa cho một người Mỹ gốc Việt tên Kiệt Hà đang là Giám đốc phụ trách phát triển của Bệnh viện O’Connor ở San Jose, Bắc California. “

Sẵn sàng giúp, nếu đưa được Hòa sang Mỹ”, ông Kiệt Hà trả lời thế. Và sau cùng, ông Kiệt Hà nhận làm người điều phối toàn bộ công tác cho “dự án Trần Thị Hòa” với chi phí khoảng 300.000 USD.

Hai bác sĩ người Mỹ gốc Việt là Peter Nguyễn và Nguyễn Hiền tình nguyện tham gia vào dự án mang tên Trần Thị Hòa bằng cả tấm lòng người thầy thuốc gốc Việt dành cho đồng hương của họ trên đất khách.

Không chỉ nghĩ đến việc cắt bỏ khối u an toàn mà hai bác sĩ trên còn nghĩ đến phương án giúp mái tóc của Trần Thị Hòa có thể mọc thật dài như mơ ước của cô gái nhỏ kia. Theo lẽ, các bác sĩ chỉ phẫu thuật cục bướu và đắp lên đó mảng da được chọn lấy từ phần nào đó trên thân thể bệnh nhân.

Để tóc có thể mọc được trên khoảng da trống ấy, chỉ có thể là chính da đầu của Hòa. Và hai bác sĩ kia đã nghĩ ra phương pháp rất mới để căng da đầu Hòa che kín phần hở kia. Tháng 3-2008, nhiều báo chí ở Mỹ đã đưa tin về sự thành công của ca phẫu thuật đặc biệt khó này, bởi đối với y học ở Mỹ, loại bệnh này rất hiếm gặp. Tháng 6-2008, Trần Thị Hòa đã thật khỏe, một ít tóc lún phún mọc trên mảng da đầu được ghép nối và em đã trở về Việt Nam, sau nhiều tháng chữa trị tại Mỹ.

Từ năm 2004, cùng với ông Kiệt Hà, một số bác sĩ, dược sĩ gốc Việt về VN như John Hậu Liên, Thái Quang Minh, Trương Thịnh, Mỹ Hà, Cẩm Hương,... đã thực hiện những chuyến công tác thiện nguyện tại những vùng quê xa lắc xa lơ. Một trong số mạnh thường quân quen thuộc mà ông Kiệt Hà kể tên đó là ông Hiếu Trần, Tổng Giám đốc Công ty SF, ở Los Angeles, Nam California.

Hai người hai ngành nghề khác nhau, nhưng ông Kiệt Hà và ông Hiếu Trần lại khá thân nhau, mà gạch nối giữa họ là sinh mạng của những người nghèo cần cứu giúp. Ông Hiếu Trần từng tặng nhiều thiết bị y tế trị giá hàng trăm ngàn USD cho bệnh viện nghèo nào đó ở VN mà ông Kiệt Hà giới thiệu.

Tôi tìm đến khu Bolsa, quận Cam, Nam California tìm ông Hiếu Trần, chủ của chuỗi siêu thị Las Vegas, San Jose, San Diego, Westminster… mà mỗi siêu thị rộng hơn 7.000m2. Trong chuỗi siêu thị mang tên Thuận Phát, hàng Việt Nam chiếm 20% trên tổng mặt hàng bán và đó cũng là con số mà ông Hiếu Trần muốn có ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ lớn của Mỹ như: Costco, Wat – Mart, CVS, Kmart..., nơi mà Công ty SF tham gia phân phối hàng hiện nay.

Ông Hiếu Trần hiện đang là triệu phú trẻ, gốc Việt, không chỉ nổi tiếng trong hệ thống bán lẻ trên đất Mỹ, mà ông còn được biết đến như một doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy, hải sản tại Nam California.

Vốn sống kín đáo, nên những lần về giao dịch làm ăn tại Việt Nam của triệu phú trẻ năng động này cũng rất kín, thế nhưng những người già cô đơn không nơi nương tựa ở quê anh thì vẫn biết khi nào “ông Hiếu ở Việt Nam”. Bởi, đó là khi họ nhận được những phần quà mà gia đình hay người đại diện của ông Hiếu gửi đến họ.

Không chỉ mang lại ánh sáng cho những người không may mắn trong Chương trình Mắt sáng cho người mù nghèo do đục thủy tinh thể do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo vận động, ông Hiếu Trần còn chăm lo cho “chuyến đi xa mãi mãi” của những người nghèo, những cụ già cô đơn bằng những chiếc hòm tốt, cùng một phần chi phí tang ma. Sống ở Mỹ, nhưng một phần trái tim của ông Hiếu Trần vẫn dành cho những người nghèo, người già cô đơn ở Việt Nam.

Theo họ, đó cũng là cách tìm về với quê hương, với chính mình, sau bao bộn bề của cuộc sống mưu sinh nơi đất người.

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục