Bình Dương: Đua nhau chia phần… đất công

Kỳ 2: Giải thể doanh nghiệp để… chia chác

Cũng xảy ra trên địa bàn huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương nhưng vụ “rừng cao su huyện ủy” đề cập trong kỳ trước cũng chẳng thấm tháp gì so với vụ phù phép hàng trăm hécta đất công tại Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương (SOBEXCO) thành tài sản của hàng chục cán bộ tỉnh Bình Dương và nhiều “đại gia” ở TPHCM.

Do làm ăn thua lỗ, ngày 1-11-2001, SOBEXCO (một doanh nghiệp nhà nước) bị UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định giải thể và thanh toán toàn bộ tài sản. Để chuẩn bị cho việc “khai tử” SOBEXCO, từ năm 1999, 2000, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Địa chính (nay là TN-MT), Sở Tài chính – Vật giá, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Thuế cùng SOBEXCO nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh phương án xử lý các vấn đề cụ thể.

Tuy nhiên, không biết “nghiên cứu, tham mưu” như thế nào mà cuối cùng, trong số hơn 980 ha đất trồng cao su do SOBEXCO quản lý, được tỉnh quyết định chia làm 2 loại để “xử lý”. Loại thứ nhất gồm 321,158 ha, được giao cho 112 hộ dân nhận khoán của SOBEXCO (320,24 ha, văn bản 3846 ngày 9-9-2003) và một người trúng đấu giá (0,918 ha đất chuyên dùng, Quyết định số 5883 ngày 21-10-2002). Loại thứ hai – 659 ha cao su còn lại, ngay trong đợt 1, tỉnh quyết định “bán thẳng”, không qua đấu giá, 307 ha cho 40 người với giá bình quân 24 triệu đồng/ha (352 ha còn lại được bán đấu giá cho 36 người trong đợt 2).

Theo văn bản số 5786 ngày 26-12-2000 của Tổng cục Thuế trả lời về chính sách thuế đối với SOBEXCO thì “SOBEXCO là một doanh nghiệp nhà nước được giao đất nông nghiệp để trồng cao su; khi công ty không có nhu cầu sử dụng đất thì diện tích đất nông nghiệp phải được trả lại cho nhà nước để giao lại cho các đơn vị khác sử dụng theo hình thức giao đất hoặc cho thuê đất.

Công ty chỉ được phép bán giá trị tài sản trên đất (cây cao su và cơ sở hạ tầng khác nếu có)”. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng đã thống nhất chỉ bán... tài sản trên đất chứ không tính giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trên thực tế, cũng giống vụ “rừng cao su huyện ủy”, tất cả những cá nhân mua vườn cao su của SOBEXCO đều không thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp theo quy định nhà nước.

Về thủ tục cũng đều không có ý kiến của UBND cấp xã. Và toàn bộ 40 người được giao đất và cấp sổ đỏ 307 ha trong đợt 1 đều không có hộ khẩu thường trú tại địa phương - xã An Tây - theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 64 ngày 27-3-1993. Theo tài liệu mà phóng viên có được thì trong số cá nhân trên (27 người trong tỉnh Bình Dương, 11 người ở TPHCM, số người còn lại ở Bình Phước và Vĩnh Long), có thành phần từ cán bộ công chức nhà nước (14 người) đến buôn bán (3), nội trợ (2), thậm chí có cả... học sinh (1 người) và 20 cá nhân không rõ nghề nghiệp. Còn nông dân chính hiệu thì chỉ có... 1 người. Điều đáng nói, trong phi vụ này, cơ quan chức năng cũng “quên” không tính tiền thuê đất hoặc chuyển nhượng đất, gây thất thoát cho nhà nước khoản tiền khổng lồ.

Đã vậy, ở đợt bán đấu giá 352 ha cao su còn lại cho 36 đối tượng, theo đề nghị của Hội đồng định giá thanh lý tài sản của SOBEXCO được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt ngày 20-4-2001 thì mức khởi điểm đấu giá trung bình dự kiến là 50 triệu đồng/ha, “không tính giá trị đất và cá nhân khi mua xong phải thực hiện theo Luật Đất đai hiện hành” (nghĩa là chỉ được thuê đất). Tuy nhiên, sau đó, UBND huyện Bến Cát vẫn tiếp tục cấp... sổ đỏ cho các đối tượng sử dụng. Điều lạ nữa là đa số đối tượng cũng đều thường trú tại TPHCM (22/36 người) và không phải là nhân khẩu... nông nghiệp (?) 

NGUYỄN MINH
 

Không nên thu hồi đất đã cấp trái pháp luật?

Trước sự việc trên, theo ông Kiều Kông, Phó chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, trong vụ “rừng cao su huyện ủy”, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND huyện Bến Cát thu hồi 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật cho các đối tượng và trả lại 52,9 ha đất cho Công ty Cao su Bình Dương (nay là Xí nghiệp Cao su thuộc Tổng Công ty Cao su 3/2) tiếp tục sản xuất, đồng thời kiểm điểm các cá nhân liên quan. Đối với vụ Công ty SOBEXCO, Thanh tra tỉnh cũng đã kiến nghị UBND huyện Bến Cát kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Phòng TN-MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trái pháp luật; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi toàn bộ 71 “sổ đỏ” đã cấp sai.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo chí sau khi vụ việc vỡ lở, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thừa nhận những sai phạm nêu trên, đồng thời cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng xét về tính lịch sử, không nên thu hồi đất của các hộ dân đã được cấp sổ đỏ vì “nó sẽ làm tình hình xáo trộn, dẫn đến khiếu kiện đông người” (?).

 

Thông tin liên quan

Kỳ 1: Đất công “biếu không”... cán bộ! 

Tin cùng chuyên mục