LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 (gồm cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; giảm ùn tắc giao thông). Từ nội dung này, các cấp các ngành đang tổ chức triển khai quyết liệt nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thực tế, trong những năm qua, nội dung của các chương trình này đã được thực hiện từng bước, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội TP. Để làm rõ hơn những chuyển biến tích cực trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống tại thành phố mang tên Bác, Báo SGGP xin giới thiệu loạt bài về các chương trình này.
Bài 1: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Nâng cao chất lượng tăng trưởng
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong 6 chương trình đột phá để TPHCM phát huy vị trí, vai trò cũng như thể hiện đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây là con đường ngắn nhất để TPHCM phấn đấu trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Để thực hiện thành công, ngoài việc xác định đúng các nhóm ngành, dịch vụ cần được đầu tư, hỗ trợ, còn đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kiên trì chuyển đổi mô hình kinh tế
Hơn 10 năm trước, khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, lãnh đạo chính quyền cũng như các chuyên gia kinh tế đều xác định phải chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển chiều rộng sang chiều sâu; chuyển dần các ngành công nghiệp có thâm dụng lao động sang nhóm ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật trong cơ cấu sản phẩm. Theo đó, dịch vụ cũng được xác định là ngành phải chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP.
Để thực hiện được các mục tiêu này, năm 2001 TPHCM chính thức triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện cho đến nay. Hầu hết các đánh giá, nhận định về chương trình đều cho rằng việc chuyển dịch và cần thiết là đang tiến triển đúng hướng. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch giữa các nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ diễn ra còn chậm. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra.
Th.S Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ ra rằng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM chưa được như mong muốn xét về mặt chủ quan là do các giải pháp chưa đồng bộ và đủ mạnh. Mặt khác, hiệu quả kinh doanh thấp, năng suất lao động của ngành dịch vụ không cao nên thu hút đầu tư xã hội chưa nhiều. Và kết quả là tăng trưởng chậm.
Nói cách khác, tổng các yếu tố năng suất của các ngành, dịch vụ trong chương trình còn yếu do nhiều doanh nghiệp (DN) đang rơi vào tình trạng thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ công nghệ chưa được cải thiện...
Còn một yếu tố rất quan trọng khác, đó là hiệu quả đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR còn rất cao (khoảng 4%), tỷ lệ vốn trên GDP hiện chiếm đến 40% đã và đang kéo lùi tốc độ tăng trưởng cũng như giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp chủ lực và dịch vụ. GDP của các ngành dịch vụ cao cấp trong những năm qua vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trừ ngành tài chính và tín dụng đã tăng nhanh (từ 3,18% năm 2000 lên 12,01% năm 2009), những ngành khác đều tăng chậm, thậm chí giảm tỷ trọng.
Điển hình là ngành khoa học và công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm từ 0,31% năm 2000 xuống còn 0,23% năm 2009... Điều này cho thấy cần có chính sách căn cơ đổi mới mô hình kinh tế và có giải pháp tạo động lực để các DN chuyển dịch kinh tế theo hướng có giá trị gia tăng cao.
Đổi mới và cải cách
Mục đích cuối cùng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là để TPHCM trở thành một trung tâm công nghiệp - dịch vụ - khoa học kỹ thuật có hàm lượng tri thức cao của cả nước và khu vực như nghị quyết đã đề ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong 5 năm tới TPHCM cần tập trung vào việc củng cố “nền móng” của sự phát triển bền vững, trong đó phải giải quyết đồng bộ việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết cấu hạ tầng, nhằm tạo bước đi chắc chắn cho mục tiêu dài hạn giai đoạn 2011 - 2020.
Để làm được việc này, phải tập trung vào các giải pháp tháo gỡ các thách thức trước mắt và xử lý những tồn tại, bất cập của nền kinh tế theo chiều rộng đã tích tụ từ nhiều năm qua. TP phải tạo điều kiện và hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa mạnh dạn đầu tư và phát triển. Ví dụ, cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM được chọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015.
Hiện TP đã quy hoạch khu cơ khí ở Củ Chi nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào để tạo điều kiện và khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư. Trước mắt cần kết nối giao thông của khu vực này với TP và cả khu vực phía Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.
Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của nhà nước cần thể hiện mạnh mẽ hơn thông qua việc hỗ trợ gián tiếp vào việc đầu tư về hạ tầng, có chính sách thông thoáng minh bạch, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan, tạo cơ hội cho các ngành phát triển. Làm được điều này, chắc chắn sẽ giúp giảm chi phí, hấp dẫn DN hơn là việc nhà nước hỗ trợ trực tiếp.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình mang tính tổng hợp. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của TP thì cần có lực đẩy ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn, để nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp chủ lực, cần một chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ.
Cái gốc của việc chuyển đổi kinh tế là phải đi từ công nghiệp gia công sang sản xuất. Muốn sản xuất thì phải nhập công nghệ về chuyển hóa thành công nghệ của mình để sản xuất các linh kiện, phụ kiện tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Cách đây nhiều năm, TPHCM đã đề xuất Chính phủ cho phép triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để TP phát triển ngang tầm với khu vực thì phải đi đầu trong cải cách, thực hiện công khai, minh bạch trong mọi vấn đề. Bên cạnh đó, nhà nước cần thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho TP trong việc ban hành cơ chế xử phạt về giao thông; phân cấp về đầu tư để TP mạnh dạn cắt bỏ đầu tư kém hiệu quả và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Các thủ tục hành chính, thuế cũng có thể phân cấp theo đặc thù của TP. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: TPHCM đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. Vấn đề đặt ra là liệu các cơ chế, chính sách có được thực thi đồng bộ và tự thân TPHCM có đưa ra được những đối sách hiệu quả để đưa kinh tế TP phát triển đúng tầm trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực của TPHCM, còn cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. |
Thúy Hải
Bài 2: Kiểm soát nguồn chất thải gây ô nhiễm
Nguồn thải ô nhiễm đã và đang là nguyên nhân khiến chất lượng môi trường sống trên địa bàn TPHCM ngày càng xấu đi. Kiểm soát được nguồn thải là kiểm soát thực trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống. Thế nhưng để kiểm soát nguồn thải một cách hiệu quả lại không phải chuyện dễ dàng.
Xác định nguồn gây ô nhiễm
Theo thống kê mới nhất, tháng 5-2011, của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, dọc hệ thống kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn có đến 269/450 doanh nghiệp (DN) không có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, tỷ lệ DN không đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên tổng số DN được kiểm tra (tính theo từng quận), cao nhất là quận Phú Nhuận chiếm 96%, kế đến huyện Bình Chánh (78%), quận 2 (76%), Bình Thạnh (73%), quận 7 (71), Thủ Đức (66%)…
Riêng tải lượng ô nhiễm ở địa bàn quận Gò Vấp cao nhất, phát sinh từ các DN lắp ráp, sản xuất xe ô tô. Ngoài ra, nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung cũng như các hộ gia đình, trại chăn nuôi và hoạt động du lịch (phần lớn đều không có hệ thống xử lý nước thải) đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai, nhất là ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh.
Đối với chất thải nguy hại, Sở TN-MT cho biết, trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 600 tấn chất thải nguy hại. Trong khi công suất xử lý loại chất thải này của 4 đơn vị tư nhân hiện nay chỉ khoảng 30 tấn/ngày. Số lượng chất thải còn lại đành phó mặc cho môi trường. Điển hình khu vực phường Long Bình quận 9 đã và đang chứa hàng ngàn tấn chất thải nguy hại. Đây là bãi chứa chất thải nguy hại tự phát, do các đơn vị đổ lén, không có bất kỳ biện pháp kỹ thuật an toàn nào đối với môi trường. Nhiều chuyên gia môi trường đã cảnh báo bãi chất thải trên đang trực tiếp gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm của TPHCM.
Xử lý triệt để chất thải
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT khẳng định, để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nay đến 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đã đề ra, sở đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tăng cường công tác thanh kiểm tra DN, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TPHCM. Trong năm 2011 phải xác định ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng; các nguồn thải nằm trong lưu vực sông Sài Gòn, các nhánh sông, kênh rạch chính trên địa bàn thành phố; các nguồn thải có lưu lượng lớn, tải lượng gây ô nhiễm cao. Với những trường hợp cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng sẽ xử lý nặng bằng cách đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, tổ chức di dời, hoặc rút giấy phép hoạt động của DN.
Song song với các biện pháp cấp thiết trên thì việc cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính chủ động thực hiện bảo vệ môi trường cho DN cũng được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở TN-MT cho biết, trong năm 2011 để tránh chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra (cùng một DN có đến khoảng 20 đoàn kiểm tra môi trường/năm), các đoàn thanh tra môi trường của các ngành đã xây dựng kế hoạch thanh tra ngay từ đầu năm. Theo đó, mỗi đoàn thanh tra sẽ kết hợp nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra sở, Thanh tra Tổng cục bảo vệ môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các phòng chuyên môn và phòng TN-MT quận huyện cùng thực hiện kiểm tra; ngoại trừ những trường hợp kiểm tra đột xuất do DN có dấu hiệu lén lút xả thải gây ô nhiễm môi trường… Để tăng cường ý thức tự giác chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường tại DN, các cơ quan chức năng đã thực hiện thay đổi biểu mẫu báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo hướng đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện.
Xác định được nguồn thải ô nhiễm là đã xác định được “khối u ác tính” đang hủy hoại môi trường. Vấn đề còn lại là sử dụng biện pháp để “điều trị”. Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt như trên, hy vọng việc giảm thiểu ô nhiễm trên địa bàn TPHCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Từ năm 2010 đến nay, Sở TN-MT đã và đang xúc tiến thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, hiện đang có nhiều đơn vị xúc tiến việc đầu tư như: Công ty Quốc Việt, Công ty Mộc An Châu, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà các nhà đầu tư đang vấp phải là thiếu đất đầu tư. Vì vậy, TPHCM đang tập trung cao độ nguồn lực để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng 200ha thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi nhằm phục vụ kịp thời cho các dự án xử lý rác, bùn thải, chất thải nguy hại và các khu tái chế chất thải. |
ÁI VÂN
Bài 3: Bài toán hạ tầng giao thông
Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng hàng loạt công trình cầu đường nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ thành phố, đường vành đai trong, vành đai ngoài. Tuy nhiên, mặc dù các công trình đã bước đầu phát huy tác dụng, nhưng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội thành vào các giờ cao điểm vẫn chưa giảm. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết một cách đồng bộ.
Cải thiện hạ tầng chưa song hành tốc độ tăng phương tiện
Theo Phòng Quản lý giao thông của Sở GTVT TPHCM, hiện nay TP còn trên 30 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông cao, chủ yếu tập trung tại các trục chính như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Lý Thường Kiệt...
Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhất vẫn là các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố, dòng xe cộ giậm chân tại chỗ hàng giờ. Đặc biệt, ùn tắc thường xuyên xảy ra theo phản ứng dây chuyền, từ một điểm ùn tắc nhanh chóng lan ra nhiều điểm, nhiều khu vực từ nội ô đến các cửa ngõ TP.
Tại đường Trường Chinh (đoạn giao với đường Tân Kỳ Tân Quý) đến ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), dòng xe gần như không thể chuyển động vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Lưu thông trên tuyến đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) từ hướng cầu Đỏ về khu Bệnh viện Nhân dân Gia Định gần như không có lối thoát vì lượng xe cộ quá lớn trong khi đường hẹp. Các loại xe từ xe buýt, ô tô, xe gắn máy nhích từng bước. Các tuyến đường liền kề, đường cắt ngang, rẽ trái phải như Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Trần Quý Cáp, Nguyễn Văn Đậu… đều bị kẹt xe.
Trước đây kẹt xe thường xảy ra giờ cao điểm hoặc trên đường gặp sự cố. Song gần đây ùn tắc giao thông và kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn và bất kỳ lúc nào.
Thực trạng trên gây nhiều bức xúc cho xã hội và cũng là nhân tố làm chậm tốc độ phát triển của TPHCM - một thành phố vốn rất năng động và đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Chính vì thế, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã coi đây là một chương trình đột phá để mở lối cho phát triển kinh tế xã hội của TPHCM trong những năm tới.
Nguyên nhân gây kẹt xe rất nhiều, nhưng cốt lõi vẫn là đường chật; hệ thống bến bãi đậu xe không kịp đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp trong khi số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng đột biến hàng tháng, hàng năm.
Việc phát triển quá nhanh các loại phương tiện cá nhân (hơn 4 triệu xe gắn máy và trên 500.000 ô tô các loại) lưu thông trên địa bàn TPHCM đã tạo sức ép căng thẳng lên hệ thống đường nội đô. Bên cạnh đó, nhiều trường học được mở ra, nhiều cao ốc văn phòng mọc lên, các DN đổ về trung tâm TP làm ăn khiến giao thông càng trở nên chật chội. Giải bài toán ùn tắc giao thông càng trở nên khó khăn khi hệ thống xe buýt chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhanh chóng triển khai các dự án lớn
Trước thực trạng trên, UBND TPHCM lập kế hoạch giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là từng bước hoàn chỉnh, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ không những trong phạm vi địa bàn mà còn kết nối với vùng (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…). Phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông... Kế hoạch này nhằm thực hiện chương trình hành động của Thành ủy TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX.
Để thực hiện được mục tiêu này, TP kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư từ ngân sách đối với các nút giao thông quan trọng như ngã tư Hàng Xanh, bùng binh Cây Gõ, các vòng xoay Dân Chủ - Phú Lâm - An Lạc - Lăng Cha Cả, nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, các ngã tư An Sương - Bình Phước - Bốn Xã và các nút giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, hình thành và đưa vào sử dụng đường Vành đai số 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, Liên tỉnh lộ 25B và các cây cầu Sài Gòn 2 - Phú Long - Rạch Tra - Bình Khánh...
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhanh các dự án mở rộng quốc lộ 50, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, xây dựng một phần đường Vành đai 3, Vành đai 4.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch lần này là áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm thiểu kẹt xe. TP sẽ thu phí tự động để kiểm soát ô tô vào khu vực trung tâm; xác định mốc thời gian có thể đưa trung tâm điều khiển giao thông TPHCM hoạt động vào cuối năm 2012; nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc…
Bên cạnh việc nâng cao tỷ lệ đất dành cho giao thông (đạt 8,18% vào năm 2015, đạt 12,2% vào năm 2020), TP cũng hạn chế việc dừng, đậu xe tràn lan ở lòng đường như hiện nay; cấm mô tô và ô tô trên một số tuyến đường; tổ chức thu phí sử dụng cầu, đường đối với xe cá nhân; thu phí đậu xe theo hướng mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm… nhằm giảm áp lực ở khu vực trung tâm.
Chủ trương tháo gỡ từng bước giao thông nội thị (mở rộng đường, làm thêm đường xuyên tâm - đại lộ Võ Văn Kiệt), đồng thời làm mới các tuyến đường vành đai trong, vành đai ngoài đã giúp TP giảm được một phần sự quá tải giao thông. Mặt khác, phải kể đến việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, Phú Xuân - Nhà Bè, đường Nguyễn Văn Linh dài 17km đã giải phóng nạn kẹt xe vào các khu cảng, kho xăng dầu Nhà Bè… Tuyến đường đi về hướng Tây TP qua quận 12, Hóc Môn, Củ Chi được nâng cấp thành đường Xuyên Á… giúp các cửa ngõ ra vào thành phố “dễ thở” hơn. |
Quốc Hùng – Lương Thiện
Bài 4: Hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái
Tương tự như kẹt xe, ngập nước đang làm chất lượng cuộc sống người dân TPHCM giảm sút. Từ người dân cho đến các sở ban ngành và lãnh đạo thành phố đều bức xúc trước tình trạng này. Do đó, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã chọn đây là một trong 6 chương trình đột phá để TPHCM phát triển kinh tế xã hội nhanh và vững chắc.
Diễn biến phức tạp
Trong những năm qua, nhiều giải pháp chống ngập đã và đang được TPHCM triển khai như cải tạo hệ thống thoát nước các lưu vực kênh rạch lớn của thành phố: lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, lưu vực kênh Đôi - kênh Tẻ, lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát, đồng thời với nhiều dự án chống ngập cục bộ khác như đặt phay ngăn triều ở cầu Bông, rạch Lăng, Bình Triệu, Bình Lợi; đặt các trạm bơm hút nước ở khu vực Bùng binh Cây Gõ…
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, các dự án nạo vét kênh rạch, lắp đặt hệ thống cống thoát nước mới ở khu vực trung tâm thành phố tuy chưa hoàn thành nhưng đã giúp giảm khoảng 20% điểm ngập so với trước kia. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực ấy, tình trạng ngập ở TPHCM dường như vẫn chưa được cải thiện. Cách nay hơn 10 năm, TPHCM có khoảng 100 điểm ngập thì hiện nay vẫn xấp xỉ con số này vì có nhiều điểm ngập mới phát sinh.
Theo thống kê của PGS-TS Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, nếu như những năm 2004-2005 tất cả các quận, huyện ven của TPHCM như Gò Vấp, Thủ Đức, quận 7, quận 12, huyện Bình Chánh… chỉ có khoảng 2 - 3 điểm ngập với khoảng 5 - 8 lần ngập trong một năm, thì bắt đầu từ năm 2006 số điểm ngập ở các quận, huyện này tăng lên tới gần 10 điểm ngập với khoảng 45 lần bị ngập trong một năm. Và từ năm 2007 đến nay, tình trạng ngập ở các địa phương này đã trở nên gần như không thể kiểm soát được.
Lý giải về việc này, PGS-TS Hồ Long Phi nhận định “do con người là chủ yếu”. Theo ông, biến đổi khí hậu, nước biển dâng có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng ngập, song không lớn bởi những năm gần đây mực nước biển mới chỉ dâng thêm vài milimét.
Trong khi đó ở đất liền, nước sông đã dâng thêm hàng chục xăngtimét… Điều đó được thể hiện rất rõ trên thực tế. Hệ thống cống thoát nước của TPHCM hiện nay đa phần nhỏ và cũ, đã quá tải trước những cơn mưa ngày một lớn hơn, dữ dội hơn, lâu hơn nay lại bị nghẹt vì rác thải. Kênh, rạch - nơi được coi là hệ thống thu gom nước cuối cùng của thành phố đa phần cũng cùng chung số phận nghẹt rác. Đối tượng có hành vi xả rác rất đa dạng: người dân, các đơn vị thi công đào đường “tiện tay” đổ xà bần xuống kênh, rạch, xuống hố ga…
Những hành vi xả rác bừa bãi nêu trên rất đáng lên án, song mới chỉ là những sai phạm rất nhỏ so với những hành vi cố tình lấn chiếm sông, kênh, rạch. Nhiều công trình xây dựng xâm hại hệ thống thoát nước và việc phát triển đô thị tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng gây hậu quả lớn: không những gây ngập cục bộ mà có thể làm ngập cả khu vực rộng lớn.
Giải pháp tổng thể
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2010 - 2015, mới đây Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU của Thành ủy TPHCM, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp đem lại hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn bền vững lâu dài.
Theo đó, trước mắt tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP (khoảng 100km²); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580km²). Trên cơ sở các quy hoạch Chính phủ phê duyệt và kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước, cần rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp để giảm thiểu nguy cơ ngập, làm cơ sở cho việc định hướng đầu tư ưu tiên trong từng giai đoạn, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nâng cao hiệu quả quản lý công tác chống ngập.
Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng: đối với các khu vực nội thành hiện hữu (13 quận cũ), khu nội thành phát triển (6 quận mới), các khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại 5 huyện trong vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè thuộc hệ thống đê bao khép kín, có quy định khống chế cao độ nền xây dựng, chú trọng hoàn thiện mặt phủ, tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ.
Tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước (chiều rộng từ 50 - 800m) để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái (chiều rộng từ 2.000 - 3.000m) dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè…
Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cũ tại khu vực trung tâm để kết nối đồng bộ với hệ thống mới; xây mới hệ thống thoát nước trục chính tại 5 vùng thoát nước còn lại và các khu đô thị mới; cải tạo, nâng cấp các tuyến cống thoát nước để giải quyết tình trạng ngập cho các khu vực đô thị hóa, tiến tới hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước khu vực trung tâm, phía Tây và Bắc TP.
Xây dựng hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật - quận Bình Thạnh đến Kinh Lộ huyện Nhà Bè và từ tỉnh lộ 8 đến Bến Súc huyện Củ Chi); bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang - quận Thủ Đức tới khu Thủ Thiêm- quận 2). Xây dựng 7 cống kiểm soát triều quy mô lớn cùng các cống kiểm soát triều quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom nước thải cho các nhà máy xử lý nước thải: lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Nam Tham Lương, Tây Sài Gòn, suối Nhum và lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2...
Với những giải pháp đồng bộ, thể hiện rõ quyết tâm của thành phố như trên, người dân kỳ vọng trong thời gian không xa, vấn nạn ngập nước sẽ được giải quyết dứt điểm.
Theo thống kê, trong những năm gần đây quận 12, quận Thủ Đức, quận 7, huyện Bình Chánh là những nơi có điểm ngập mới phát sinh nhiều nhất. Trong đó, quận Thủ Đức phát sinh thêm khoảng 10 điểm ngập, quận 7 khoảng 10 điểm ngập, huyện Bình Chánh khoảng 8 điểm… Đây là những địa phương đã và đang có tốc độ đô thị hóa rất cao và việc biến đất nông nghiệp, đất vườn thành đất đô thị một cách không kiểm soát được, chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng ngập ở khu vực. Nước trong nhiều con sông của thành phố thời gian gần đây dâng cao chủ yếu là do việc phát triển đô thị như vậy. |
NGUYỄN KHOA – QUỐC HÙNG
Bài 5: Khâu đột phá của tăng trưởng
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống người dân. Với ý nghĩa đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ TPHCM đã đề ra mục tiêu: “CCHC gắn với xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực”.
Nhân tố đột phá
Theo ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), TP chủ trương tạo sự gắn kết trong tất cả các lĩnh vực thông qua các chương trình và giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN) khi đến các cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh... Trong đó, phải kể đến chương trình Nói và làm của HĐND TPHCM; chương trình Đối thoại của chính quyền TP với DN của Cục Thuế TP; cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO ở hầu hết các quận huyện, phường xã... Qua đó, không chỉ tạo một môi trường thông thoáng, minh bạch trong tất cả các giao dịch hành chính giữa chính quyền với DN và người dân, mà còn cải thiện đầu tư, thu hút nguồn vốn cho phát triển và xây dựng một cung cách mới trong quản lý hành chính. Đó là lấy phục vụ theo yêu cầu của người dân và DN làm mục tiêu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nói chung và của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng.
Có thể nói, chủ trương đẩy mạnh CCHC đã có tác động lớn đến sự phát triển chung của TP trên tất cả các lĩnh vực. CCHC không chỉ góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội; phát huy dân chủ, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn TP. Chính vì vậy, CCHC đã trở thành nhân tố mang tính đột phá của tăng trưởng, là cơ sở để đánh giá hiệu quả và hiệu lực điều hành quản lý của cả hệ thống chính quyền.
Để đạt được mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, TP đã kiên trì tập trung mọi nguồn lực trong các cơ quan hành chính của hệ thống chính quyền các cấp để giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại gây cản trở đến tiến trình phát triển. Đó là hệ thống các văn bản pháp luật thiếu tính ổn định, liên tục thay đổi, chồng chéo lẫn nhau. Nội dung nhiều văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất giữa các bộ ngành, chưa hướng dẫn cụ thể, kịp thời để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. CCHC tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự làm cho người dân hài lòng, trong đó có thái độ, hành vi ứng xử và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ… Đây là những mặt còn tồn tại trong tiến trình CCHC và nếu được giải quyết tốt sẽ tạo thành động lực và khâu đột phá quan trọng thúc đẩy kinh tế TP tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
5 giải pháp trọng tâm
Để thực hiện tốt mục tiêu CCHC mà Nghị quyết Đại hội IX của TPHCM đề ra, theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, trong những năm tới, cả hệ thống chính quyền các cấp cần đẩy mạnh thực hiện 5 giải pháp cơ bản và cũng là 5 nhiệm vụ chủ yếu của tiến trình CCHC. Đó là CCHC về thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; về tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có ý nghĩa quan trọng đến tiến trình CCHC nói chung.
Ông Lê Hoài Trung nói: “Yếu tố con người vẫn là quyết định khi đặt ra mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”. Cũng theo ông Lê Hoài Trung, để thực hiện mục tiêu này, các cấp chính quyền cần tập trung vào 2 giải pháp đã được TP cụ thể hóa bằng chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và chương trình CCHC gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị. TP cần đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực hiện công vụ. Phải xây dựng đề án cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính và tổ chức thí điểm cách tuyển chọn cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Về giải pháp củng cố tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị, theo ông Dư Phước Tân, TP cần nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với Trung ương những nội dung cụ thể để thực hiện thí điểm và tiến tới hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị theo đặc điểm của một đô thị lớn nhất nước. Tiếp tục phân cấp quản lý mạnh hơn, đồng bộ hơn cho cấp sở ngành và quận huyện các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong quản lý và phát triển kinh tế, xã hội.
Hoài Nam
Cải cách tiền lương phải được xác định là động lực vật chất để cán bộ công chức hết lòng vì công việc, như một giải pháp cụ thể thúc đẩy CCHC. Không thể vì lý do ngân sách nhà nước hạn hẹp mà xem nhẹ việc trả lương cho công chức hành chính một cách vô trách nhiệm. Cần phải chuyển quy trình ngược “lấy ngân sách nhà nước” làm mục tiêu cho việc cải cách tiền lương sang quy trình thuận “xác định giá trị lao động của công chức hành chính làm mục tiêu” và tìm mọi giải pháp, nguồn ngân sách để thực hiện mục tiêu này.
TPHCM là một đô thị lớn nhất nước, có đặc thù về tổ chức, bộ máy của các cơ quan hành chính cũng khác so với nhiều địa phương. Nhiều năm qua chúng ta áp dụng mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn nông thôn giống như ở đô thị. Trong khi đó, giữa hai địa bàn này có sự khác nhau về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, nhất là TPHCM là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương còn có vị trí, vai trò của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, có ảnh hưởng đối với cả vùng và cả nước. Chính vì vậy, khi chúng ta xác định mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị có nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả thì nhất thiết phải củng cố tổ chức bộ máy chính quyền và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính mang tính đồng bộ và thống nhất cao.
Một trong những nội dung cải cách hành chính được đề cập đến đó là cải cách về tổ chức, bộ máy. Để thực hiện được vấn đề này, cần phải xây dựng một cơ chế tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Sự trì trệ trong bộ máy, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức có thể được cho là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thiệt hại về vật chất, tinh thần và thậm chí là tính mạng, sức khỏe của người dân do những chi phí không cần thiết và những thủ tục hành chính rườm rà đặt ra. Nếu người đứng đầu cơ quan hành chính có trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với những trì trệ, yếu kém trong bộ máy và mạnh dạn áp dụng những mô hình và phương thức cải tiến mới trong quản lý, điều hành thì công tác cải cách hành chính có tác động đến tất cả các lĩnh vực, làm cho cả hệ thống được vận hành thông suốt. Ở cơ quan hành chính nào mà có “vấn đề”, theo tôi trước tiên phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu để cho bộ máy tiếp tục trì trệ, tình trạng nhũng nhiễu người dân không được ngăn chặn, nếu không bị xem xét xử lý, người đứng đầu nên từ chức. H.Nam - H.Hiệp ghi |
Bài 6: Nâng chất nguồn nhân lực cao cấp
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình thực sự cần thiết và cấp bách, được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đề ra.
- Hiệu quả bước đầu
Việc xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng lực lượng khoa học công nghệ thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài bước đầu đạt kết quả tích cực, báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nêu rõ như vậy. Và qua thực tế cũng dễ dàng nhận thấy, từ cơ sở hạ tầng của các trung tâm công nghệ tập trung của TP đã hình thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Các trung tâm phát triển nguồn nhân lực có mặt tại Khu Công nghệ cao TPHCM, Công viên Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM… đang hoạt động khá sôi động.
Tại Khu Công nghệ cao TPHCM, liên quan mật thiết đến đào tạo nguồn nhân lực có Trung tâm R&D (Nghiên cứu-Triển khai); Trung tâm Đào tạo và Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao. Theo ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, Trung tâm R&D được đầu tư khá căn bản. TP đã đầu tư mua sắm thiết bị cho 2 phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn và công nghệ nano; Tập đoàn Nidec hỗ trợ máy móc thiết bị cho phòng thí nghiệm cơ khí chính xác. Hiện đã đưa 3 phòng thí nghiệm này vào hoạt động. Từ đây đã thu hút được 16 tiến sĩ, thạc sĩ – trong đó, có 4 chuyên gia Việt kiều, làm việc tại các phòng thí nghiệm và sẽ là những hạt nhân phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Với Công viên phần mềm Quang Trung, đến nay có 7 đơn vị chuyên đào tạo về công nghệ thông tin: Trung tâm NIIT hợp tác với Ấn Độ; Trường Sài Gòn Tech hợp tác với Đại học Cộng đồng Houston Hoa Kỳ, Trung tâm Đào tạo CNTT TPHCM... với gần 20.000 học viên.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, khẳng định, quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nguồn nhân lực CNTT trình độ cao cho các doanh nghiệp trong công viên, trên địa bàn TP, các tỉnh lân cận và một phần cho xuất khẩu.
Thêm thế mạnh công nghệ TP là Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM với kỳ vọng đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghệ sinh học của cả nước.Theo đó, từ nay đến năm 2012, trung tâm sẽ đầu tư trước 6 phòng thí nghiệm, ưu tiên cho mảng nông nghiệp, thủy sản và đến năm 2015 sẽ hoàn tất 12 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trong lĩnh y tế, môi trường…
Để vận hành, khai thác hệ thống 12 phòng thí nghiệm hiện đại với ước tính khoảng 2 triệu USD/phòng cần khoảng 200 đến 300 người. Trong khi đó, tính từ đầu năm 2007 đến cuốn năm 2010, trung tâm đã cử 17 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành công nghệ sinh học ở nước ngoài.
Đến quý 3 năm 2010, trung tâm tiếp tục cử 6 cán bộ đi đào tạo tại Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản và năm 2010 đã tiếp tục có 4 người đi học tiến sĩ tại Nhật Bản, Anh…
Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc trung tâm, cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực cần đi trước một bước và ưu tiên chọn ngành nghề đào tạo, đào tạo có trọng tâm trọng điểm đồng thời phù hợp với tiến độ xây dựng cơ sở vật chất ở từng giai đoạn của trung tâm… nên đến nay, đơn vị đang từng bước hoàn thiện nguồn nhân lực phục vụ cho các nghiệp vụ của trung tâm.
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó, tập trung nguồn nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao… là những vấn đề hết sức cần thiết và kịp thời.
Chính vì thế chương trình này nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, các chuyên gia về nguồn nhân lực. Các chuyên gia cho rằng thời gian qua TP đã không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò của hội khuyến học trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và song song với đầu tư cơ sở hạ tầng ở các trung tâm công nghệ nói trên.
- Cần sự phối hợp đồng bộ
Chương trình phát triển nguồn nhân lực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đề ra, đã khẳng định những bước đi cần thiết cho một TP muốn lấy khoa học công nghệ làm đầu kéo cho sự phát triển trong tương lai.
PGS-TS Lê Hoài Quốc chỉ ra, thực tế hiện nay thấy rõ trong lĩnh vực phần mềm có Công viên Phần mềm Quang Trung, công nghệ cao có Khu Công nghệ cao, sinh học có Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM… đều có các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và đã phần nào giải bài toán nhân lực cho TP nhưng đến thời điểm hiện nay, vẫn còn những giới hạn của nó.
Khu Công nghệ cao TPHCM có trung tâm đào tạo, mới chỉ là nơi đào tạo những kỹ năng, đào tạo hỗ trợ thêm một số lĩnh vực… là cách đào tạo bổ sung kỹ năng trong trường chưa dạy để đáp ứng nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp, đối tác. Kế đến là Vườn ươm doanh nghiệp, nơi tập trung các doanh nghiệp có chất lượng nhưng còn rất ít và đa phần các sản phẩm của các doanh nghiệp này đang ở dạng thử nghiệm nên mới phần nào đáp ứng nhu cầu trước mắt.
Nên theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, phát triển nguồn nhân lực chỉ là một vế trong vấn đề nguồn nhân lực, vế còn lại là phát hiện, thu hút người tài. Việc cần tập trung hơn là phát triển nguồn nhân lực cao cấp. Để phát triển nguồn nhân lực này, nên có cách tiếp cập khác và phải nhìn nhận rằng đây không phải là việc chỉ một mình Nhà nước làm.
Nói như vậy vì căn cứ vào quá trình phát triển của những cá nhân có trình độ cao xuất hiện trong thời gian gần đây, những người này đa phần tự thân vận động để nâng cao trình độ, đạt đến trình độ nhất định trong khoa học. P
GS-TS Lê Hoài Quốc cho rằng, ngày nay rất dễ dàng nhận thấy rất nhiều gia đình cho con em đi du học. Đây là một tín hiệu tốt, khẳng định sự phát triển của kinh tế xã hội tại TPHCM, do đó Nhà nước nên có thêm nhiều chính sách khuyến khích, động viên gia đình cho con em du học. Để khai thác nguồn lực này hiệu quả, TP cần tạo môi trường khoa học tốt hơn nữa để trọng dụng các em khi tốt nghiệp. Ở đây, cần xác định thêm, môi trường khoa học trong công việc quyết định đến việc đi hay ở của nhân lực cấp cao.
Xây dựng nguồn nhân lực cần hướng đến nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, phát hiện, bồi dưỡng người có ý tưởng sáng tạo, người tạo nên những đề án, quản lý và biến đề án thành những sản phẩm công nghệ tiên tiến. Với nguồn nhân lực này, hiện nay tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn rất hạn chế.
Chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ chủ yếu phát triển dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng nhiều lao động giản đơn sang phát triển dựa trên yếu tố năng suất tổng hợp, tiến bộ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động, sản phẩm có chất lượng cao; từ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ thấp sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao… như tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã chỉ rõ thì chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình cần tập trung thực hiện, cần thực hiện đồng bộ hơn giữa trường, viện nghiên cứu và các trung tâm công nghệ tập trung. Hiện nay yêu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cấp cao là rất cấp thiết để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
BÁ TÂN